LỜI GIỚI THIỆU

 

1. Đôi khắc hoạ về tác giả

Jac. Tiều Phu, tác giả tập thơ Ánh Sáng và Tình Yêu mà quý độc giả đang cầm trong tay, tên thật là Phêrô Phạm Văn Thân, sinh ngày 24 tháng 4 năm 1944 tại xứ đạo Trì Chính, Kim Sơn, Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm.

Cha mẹ là những tín hữu đạo đức, lại được ươm mầm trong môi trường xứ đạo toàn tòng, truyền thống, tác giả sớm trở thành một con người của Đức Tin, con người của Giáo Hội, mà ai cũng rất dễ nhận ra khi tiếp xúc.

Trong sự quan phòng của Chúa, dù sinh ra và lớn lên ở quê hương Nhà thờ đá Phát Diệm, nhưng phần nhiều thời gian ông Phêrô Phạm Văn Thân gắn bó với thành phố Hoa phượng đỏ và phục vụ Giáo Hội Chúa nơi Giáo phận Hải Phòng, mảnh đất còn sót lại của Giáo phận Đông Đàng Ngoài cổ kính. Tên gọi "Ông Chánh Thân" cũng hình thành từ nơi đây, ghi nhận các đóng góp của ông trong những năm tháng làm Chánh Trương của Giáo xứ Chính Toà Hải Phòng.

Khi làm thơ, ngoài sử dụng tên thật là Pr. Phạm Văn Thân, tác giả còn lấy bút danh Jac. Tiều Phu hoặc đôi khi chỉ là Tiều Phu. Theo tôi được biết, bút danh Jac. Tiều Phu cõng theo cả một lịch sử cuộc đời rất dày của ông. Mong có dịp chúng ta được đích thân nghe ông chia sẻ. Dù sao, cái tên Tiều Phu luôn gợi cho tôi hình ảnh của thánh Giuse thợ, vị thánh mà khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì cũng là ngày lễ mừng kính Ngài (ngày 1 tháng Năm). Giuse thợ: một tấm gương cần mẫn và công chính. Tiều Phu cũng là một nghề nghiệp đặc trưng cho sự cần mẫn và công chính, đơn sơ, không cạnh tranh, siêng năng tích nhặt và tạo lập thành quả bằng chính mồ hôi của đôi tay và lao tâm của khối óc.

2. Vài cảm nhận về tập thơ

Như một cơ duyên, tác giả gửi tôi đọc hai tập bản thảo “Bạc Ròng” và “Ánh Sáng và Tình Yêu” với dòng chữ viết tay nắn nót ghi ở trang bìa: “Xin tham khảo ý kiến”. Lời thơ tự nhiên, ý thơ gần gũi giúp tôi đọc một lèo gần hết hơn 200 bài thơ mà không bị mệt mỏi. Một nhận định mang cảm giác rất vui xâm lấn tôi khi những trang cuối của tập bản thảo dần xếp lại: Một tập thơ Đạo thuần tuý! Đây là điều khá hiếm đối với các tập thơ được xuất bản để có cơ hội đến với số đông độc giả. Tôi vui vì nghĩ tới sự đóng góp cho sứ vụ loan báo Tin Mừng mà tập thơ mang lại trong tương lai.

Vậy thơ đạo là gì, theo tôi biết, hiện chưa có ai định nghĩa. Nôm na, đó là những bài thơ nếu không mang chủ đề nhà Đạo, thì cũng thấp thoáng tinh thần luân lý hay giáo lý…nhà Đạo.

Quả thế, tập thơ tôi đang cầm trong tay rất giàu chủ đề nhà Đạo. Từ chủ đề Kinh Thánh:

Ađam cùng với Evà

Không vương nguyên tội mãi là tình yêu.”

(Ađam thở than đơn côi)

Hay:

“Lời Kinh Thánh ‘Ta là Đấng Hằng Sống’

Trời quá rộng, ôi vũ trụ bao la quá rộng …

(Ta là Đấng Hằng Sống)

Đến chủ đề phụng vụ:

Mẹ là mẹ Chúa Ngôi Hai

Mẹ nhân gian, mẹ muôn loài chúng sinh

Mẹ thanh khiết, mẹ đồng trinh

Em theo gương Mẹ trọn tình yêu thương.”

(Mừng lễ Đức Mẹ lên trời);

Từ chủ đề liên quan đến các mầu nhiệm Bí tích:

Bánh lời phác thảo thiên đàng

Bánh Lời mạc khải vinh quang cõi trời.

(Đến với Bánh và Lời)

Đến chủ đề về thần học, giáo lý:

Tay ôm hữu thể hiện sinh

Hồn về với Chúa, xác mình về đâu?”

(Nguồn ân sủng vô biên)

Khi bàn các chủ đề về cuộc đời, thế thái nhân tình, trong tư cách là người tín hữu, tác giả Tiều Phu cũng luôn quan sát, đúc kết và thi tả dưới ánh mắt của Đức Tin, đầy chất Đạo. Thơ ông đôi khi, thực ra gần như toàn bộ, giống như một lời cầu nguyện, bởi vì ông có cái nhìn cuộc đời luôn hướng về Chúa, lấy Chúa làm trung tâm và là niềm hy vọng:

"Đừng kỳ vọng vào thế gian

Dù xuân đến với muôn vàn hoa tươi

Rồi hoa lại héo tàn rơi

Giữa chang chang nắng, giữa trời bão giông

Chúa gieo xuân đến hướng lòng

Vào xuân Thiên quốc mãi không úa tàn."

(Hy vọng vào Chúa).

Cuộc sống nhân gian muôn nỗi hỷ nộ ái ố đều quy về hai chữ vui - buồn mà cuộc đời ai cũng phải trải qua như nguyên lý của thân phận con cháu Ađam. Nhưng với người có Đức Tin thì "có Chúa" là một sự đỡ nâng đầy huyền diệu, giúp cho "Niềm vui, có Chúa vui hơn. Nỗi buồn, Chúa gánh đỡ con nỗi buồn!" (Niềm vui, nỗi buồn).

Đọc hết các bài thơ của tác giả, chất Đạo tựa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên sự nhất quán về tư tưởng. Tôi mạnh dạn gọi điều ấy  chất Đạo,  triết lý sống của Jac. Tiều Phu. Thật thế, cái điều cảm nhận được mà tôi gọi là chất Đạo đấy không chỉ là một nét thoáng qua trong một hai bài thơ, nhưng nó chi phối tất cả, trở thành tinh thần, hồn sống hay nét đặc trưng của tập thơ; thành một nhân đức, tức một tập quán đạo đức vững bền của tác giả. Nhiều lắm những vần thơ cho ta cảm nhận được điều ấy, chẳng hạn:

"Gió rét căm căm, mưa phùn mặc kệ

Gắng mỗi ngày đi lễ rước Mình Thánh Con Cha"

Để rồi, mượn lại nụ cười ngây thơ đầy cảm khái của chú bé chăn trâu in bóng dưới ráng chiều, giữa mênh mông đồng không và sông nước, tác giả "Mặc thây đời, phó cho Chúa mọi nguồn cơn. Xét cho cùng kẻ trên người dưới dễ ai hơn. Ai bảo: 'Ông Thân là khổ'!!!" (Ai bảo ông Thân là khổ).

 Thế mới biết, tác giả tin cậy vào Chúa lắm, phó thác vào Chúa lắm. Dó đó, tuổi già thậm chí cái chết, đối với tác giả thực sự không đáng sợ, tựa như tâm tình của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê: "“Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21), cho nên tác giả đã thốt lên:

"Biết mình sắp gặp Chúa Trời

Bảy mươi năm cuối cuộc đời ước ao!"

(Than thở cuối đời)

Vì thế, những ngày sống ở trần gian này cần phải trở nên thời gian cho lựa chọn khôn ngoan như đúc kết của tác giả trong bài “Ngang qua nghĩa địa” đối diện với những người đã hoàn thành hành trình cuộc đời:

"Một đời sống để cậy tin

Chút hoa lòng mến dâng lên Chúa Trời"

Khi viết bài luận về sự chuyển hoá của lớp từ ngữ Công giáo vào tiếng Việt toàn dân cho Tạp chí Ngôn ngữ, là một tạp chí chuyên ngành về Ngôn ngữ học tại Việt Nam, tôi nhận thấy: Những từ ngữ được kho từ vựng tiếng Việt đón nhận là những từ ngữ dù bên trong vẫn chuyển tải đầy đủ khái niệm giáo nghĩa nhưng vỏ ngữ âm bên ngoài thì đã hoàn toàn được Việt hoá. Tiều phu có những bài thơ mang âm hưởng như thế, dù có vẻ không thuộc về chủ đề nhà Đạo, không có từ ngữ nào thuộc về lớp từ vựng nhà Đạo, nhưng đọc kỹ vẫn chứa đầy chất Đạo, đó là sự thật thà, “chớ làm chứng dối” (bài Hươu; Dối gian cõi lòng), khát vọng “xây dựng hoà bình” (bài Bao giờ mới hết khổ đau), sự chung thuỷ trong đời sống hôn nhân (bài Tặng bạn đời; Điều răn thứ chín)

Tiều phu, nguyên nghĩa, là người làm nghề kiếm củi, một nghề được coi là lương thiện, nằm trong tám nghề được người xưa nói đến: sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục. Nghề này có thu nhập dựa trên sức lao động là chính, lại lao động nặng nhọc vì phải băng núi vượt rừng, lại phải siêng năng chặt - nhặt, vất vả gánh vác, nên luôn giả định là nghề của phái mạnh, của đàn ông (phu 夫). Nghề này cũng đòi hỏi người lao động phải đi nhiều, vạch lá tìm đường trong rừng trên núi. Tuy vậy, cái "du thú" nơi núi rừng nghe chim kêu vượn hú, mệt thì nghỉ, khát thì hớp miếng nước bên suối, ung dung tự tại chốn thiên nhiên rừng rậm cũng cho thấy cái thanh tao của nghề.

Tên là người. Suy tư về bút danh Tiều Phu, tôi tự hỏi không biết ông chánh Phêrô Phạm Văn Thân vì lý do gì mà chọn bút danh ấy? Nhưng quả thật, tiếp xúc với ông và đọc thơ ông, tôi nhận thấy, nguyên nghĩa của chữ Tiều Phu thật đúng với thơ ông và con người ông. Tôi lại nghĩ, tên là người nhưng chẳng phải thơ cũng là người hay sao!?

Trang Quan, ngày 01/5/2025

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương