Thưa Quý bạn đọc! Nhà xuất bản Đồng Nai và Tủ sách Nước Mặn vừa cho ra mắt cuốn tiểu luận và phê bình văn học Công giáo "Trong Ơn Gọi" của Mai Văn Phấn. Nhằm giúp Quý bạn đọc nắm được nội dung cuốn sách, chúng tôi đăng Lời giới thiệu của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản – Giám mục Giáo phận Hải Phòng – dành cho tác phẩm này. Nhan đề bài giới thiệu "Vẻ đẹp tâm hồn con người dưới ánh sáng Thiên Chúa", do chúng tôi lựa chọn; Đồng thời, xin giới thiệu bài viết "Viết là đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng" của Tiến sĩ chú giải Thánh Kinh, LM. Giuse Cao Gia An, S.J., được Nxb. Đồng Nai dùng làm Lời bạt cho cuốn sách.
*
Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, sinh năm 1956 tại Phú Yên. Ngài bắt đầu tu học từ năm 1968 tại Tiểu chủng viện Làng Sông, thụ phong Linh mục vào năm 1993 và sau đó du học tại Pháp, tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học vào năm 2005. Sau khi trở về Việt Nam, Ngài giảng dạy tại Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang, và tham gia Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới vào năm 2008. Ngài hiện là Giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng (từ 19/03/2022) và Chủ tịch Ủy ban Thánh Kinh của Hội đồng Giám mục Việt Nam (nhiệm kỳ 2022–2025). Trước đó, Ngài từng là Giám mục chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột (từ 21/02/2009) và đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc từ 2010–2019.
*
Nhà thơ, nhà văn Cao Gia An, S.J. (hoặc Gia An S.J), là bút danh của Linh mục Giuse Cao Gia An, sinh năm 1981 tại Giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Trước khi thụ phong Linh mục, tác giả sử dụng bút danh Lưu Minh Gian trong sáng tác. Ngài trở thành Tiến sĩ chú giải Thánh Kinh đầu tiên của Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án tại Roma (Ý), vào năm 2022.
Trân trọng!

Ban Biên tập w.w.w.gphaiphong.org


Vẻ đẹp tâm hồn con người dưới ánh sáng Thiên Chúa

(Lời giới thiệu cuốn sách "Trong Ơn Gọi" của Mai Văn Phấn, Nxb. Đồng Nai, 2025)

LỜI GIỚI THIỆU

 

Văn học Công giáo là kết tinh của đức tin và nghệ thuật, mang sứ mạng loan báo Tin Mừng, soi rọi ánh sáng Thiên Chúa vào đời sống nhân thế. Tác phẩm văn học diễn tả vẻ đẹp của niềm tin và lòng yêu mến Đức Kitô, mở ra không gian suy niệm về ơn cứu độ, về thân phận con người giữa ân sủng và thử thách. Văn học Công giáo khơi dậy khát vọng hướng thiện, mời gọi con người vượt lên những vô thường của kiếp nhân sinh để tìm về nguồn cội vĩnh hằng trong tình yêu thương của Chúa. Vì thế, văn chương Công giáo trở thành lời chứng sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống con người, là nhịp cầu nối giữa đức tin và văn hóa, giữa thánh thiêng và thế nhân.

Trên nền tảng đó, cuốn sách tiểu luận và phê bình văn học Trong Ơn Gọi của tác giả Mai Văn Phấn ra đời như một nỗ lực tôn vinh di sản văn học Công giáo Việt Nam. Cuốn sách khẳng định vai trò và tầm quan trọng của dòng văn học này trong đời sống tinh thần dân tộc, qua đó nhấn mạnh sự tương liên giữa văn chương và tôn giáo, góp phần làm phong phú và sống động hơn đời sống đức tin.

Tác giả của cuốn sách – Vinh Sơn (Vincent) Mai Văn Phấn – một Kitô hữu nhiệt thành thuộc Giáo phận Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà phê bình văn học, cũng là dịch giả, đã mang một số tác phẩm văn học từ tiếng Nga đến với độc giả Việt Nam, góp phần làm cầu nối giữa văn học thế giới và văn học dân tộc.

Với niềm thao thức nghiên cứu và sáng tạo, Mai Văn Phấn đã tận dụng nhiều khuynh hướng nghệ thuật để khám phá những chiều kích phong phú của văn chương. Đặc biệt, ông dành tâm huyết để minh định và lý giải những hiện tượng tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam đương đại. Cuốn sách Trong Ơn Gọi là kết quả của hành trình kiếm tìm và chiêm nghiệm, trong đó Mai Văn Phấn không chỉ chia sẻ những suy tư sâu sắc về văn học trong ánh sáng đức tin, mà còn gợi mở cho độc giả những góc nhìn mới về đặc trưng và đóng góp của các tác giả Công giáo trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại.

Văn học Công giáo Việt Nam khởi nguồn từ năm 1632, khi Linh mục Gieronimo Majorica (1591–1656), một tu sĩ Dòng Tên người Ý, đã lập nhà in mộc bản tại Thăng Long để in ấn các sách Công giáo.Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự hiện diện của Lời Chúa trong lòng dân tộc qua các tác phẩm Thánh Kinh và giáo lý bằng tiếng Việt, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn học Công giáo Việt Nam. Trải qua gần 400 năm, văn học Công giáo không ngừng triển nở, trở thành khí cụ trong việc loan báo Tin Mừng, gieo trồng hạt giống bác ái và tình yêu thương của Đức Kitô. Là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, văn học Công giáo là nguồn cảm hứng thiêng liêng và vô tận, nâng đỡ đời sống tâm linh, củng cố đức tin và dẫn dắt con người đến gần hơn với ánh sáng của Đấng-Cứu-Độ.

Hướng tới kỷ niệm 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632–2032), tác giả Mai Văn Phấn đã viết cuốn sách này với mục đích khẳng định giá trị thiêng liêng và bền vững của văn học Công giáo; qua đó, tác giả mong muốn làm sáng tỏ vai trò của văn học trong việc phản ánh chiều sâu tâm linh, khát vọng hướng thiện của con người, góp phần làm phong phú diện mạo văn học Việt Nam. Cuốn sách là chứng tá sống động về sự kết nối giữatín ngưỡng và truyền thống văn hóa, giúp người đọc nhận thức rõ hơn về tầm ảnh hưởng của Tin Mừng trong dòng chảy văn hóa nói chung.

Cuốn sách Trong Ơn Gọi gồm hai phần: Phần I, Hạt Giống Tin Mừng, cung cấp cái nhìn tổng quan về văn học Công giáo Việt Nam đương đại, đồng thời nhận diện các đặc điểm chính của dòng văn học này trong bối cảnh hiện nay. Tác giả khắc họa rõ nét sự phát triển của văn học Công giáo trong mối quan hệ với những biến chuyển xã hội, văn hóa và tôn giáo qua thời gian. Ngoài ra, tác giả cũng dành thời gian suy ngẫm về Ơn Gọi, như con đường dẫn ông đến với văn chương, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu, kết nối bản ngã cá nhân với những giá trị thiêng liêng. Phần II, Ánh Sáng Đấng-Tình-Yêu, tập hợp những bài phê bình văn học, khẳng định sự đóng góp của một số tác giả tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam. Tác giả tập trung kiến giải tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, chủ yếu là tín hữu Công giáo trong ánh sáng của tư tưởng và mỹ học Kitô giáo, nhấn mạnh hành trình hoán cải tâm linh – nơi con người tìm kiếm ý nghĩa đời sống trong ơn cứu độ. Những giằng xé nội tâm, thử thách và niềm hy vọng được khắc họa như một hành trình trở về với tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mỹ học Kitô giáo trong phần này xoay quanh biểu tượng trung tâm là Đấng-Cứu-Thế – nguồn sáng của chân lý, lòng nhân ái và niềm tin tuyệt đối. Với tinh thần phục vụ chân lý và tình yêu, cuốn sách là lời chứng mạnh mẽ về sự hiện diện của đức tin trong hành trình sáng tạo của văn chương Việt Nam đương đại. Dấu ấn sâu đậm trong phần II là bài viết của Mai Văn Phấn về cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cuốn tự truyện chia sẻ hành trình cuộc đời của Đức Thánh Cha từ gia đình di cư ở Argentina đến việc trở thành Giáo hoàng, đồng thời đề cập đến những thách thức của nhân loại như chiến tranh, nghèo đói, bất công và khủng hoảng di cư, nhấn mạnh vai trò của hy vọng như động lực giúp con người vượt qua khó khăn và hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn. Đức Giáo hoàng cũng bày tỏ suy tư về các vấn đề xã hội, quyền của phụ nữ và nạn lạm dụng tình dục; nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc kiến tạo một thế giới công bằng, nhân ái. Cũng trong phần này, có đề cập đến bài thơ "Dưới cái cây ánh sáng" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Mai Văn Phấn nhận định rằng, dù không phải một tín hữu Công giáo, nhưng Nguyễn Quang Thiều đã sáng tác trong ánh sáng mỹ học Kitô giáo, diễn tả hành trình khắc khoải kiếm tìm ánh sáng và hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Điểm đáng chú ý trong cuốn sách Trong Ơn Gọi là cách tiếp cận độc đáo của tác giả từ góc nhìn của một người sáng tác. Không chỉ đơn thuần phân tích và lý giải các hiện tượng văn học qua từng giai đoạn, ông còn sẻ chia những cảm nhận và trải nghiệm cá nhân, giúp bạn đọc đồng hành và khám phá một dòng văn học Công giáo đang ngày càng rực rỡ dưới ánh sáng của Thiên Chúa.

Phong cách phê bình của Mai Văn Phấn nhấn mạnh sự huyền nhiệm của đức tin trong văn học, khai mở chiều sâu tâm linh và mối tương quan thiêng liêng giữa con người với Thiên Chúa. Ông không chỉ tập trung vào cấu trúc, kỹ thuật sáng tác mà còn chú trọng cách các tác giả phản ánh những vấn đề cốt lõi của Kitô giáo như sự tín thác, tình yêu thương, lòng bác ái, ơn cứu độ và giá trị thiêng liêng của Tin Mừng. Bằng cái nhìn chiêm niệm, ông xác tín rằng đức trung tín là yếu tố nền tảng trong hình thành và phát triển tư tưởng văn chương, từ đó làm nổi bật mối dây gắn kết sâu xa giữa văn học và đời sống tâm linh. Chính từ sự kết hợp giữa phân tích học thuật, cảm nghiệm đức tin và bản năng sáng tạo, Mai Văn Phấn mở ra những tầng nghĩa phong phú về tình yêu thương, sự tha thứ và hành trình hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, nơi con người tìm thấy niềm hy vọng và ơn cứu rỗi trong Đức Kitô.

Hy vọng rằng cuốn sách Trong Ơn Gọi của Mai Văn Phấn sẽ góp phần làm sáng tỏ vẻ đẹp tâm hồn con người trong ánh sáng Thiên Chúa. Qua từng trang viết, bạn đọc sẽ hiểu thêm về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của văn học Công giáo, đồng thời cảm nhận tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, để từ đó thêm xác tín và tín thác vào Lời-Hằng-Sống. Cuốn sách này một lần nữa khẳng định rằng văn học Công giáo Việt Nam, với những giá trị độc đáo và thiêng liêng, không ngừng nuôi dưỡng đời sống tinh thần, góp phần làm phong phú nền văn học dân tộc. Dưới ánh sáng của Thiên Chúa, văn học Công giáo tiếp tục lan tỏa nguồn ân sủng, nâng đỡ tâm hồn và dẫn dắt con người đến với chân lý, bình an và ơn cứu độ. Bởi nơi nào có ơn Thiên Chúa, nơi đó bóng tối bị đẩy lùi, tâm hồn được chữa lành và mọi khát vọng yêu thương đều tìm thấy điểm tựa vĩnh cửu.

 

Hải Phòng, đầu Hè 2025

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản – 

Giám mục Giáo phận Hải Phòng


Viết là đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng

(Lời bạt cuốn sách "Trong Ơn Gọi" của Mai Văn Phấn, Nxb. Đồng Nai, 2025)


LỜI BẠT

 

Văn học Việt Nam đương đại có thể được ví như một bức tranh đa diện, đa sắc. Trong bức tranh ấy, văn học Công Giáo nổi bật như một mảng màu riêng biệt. Khởi nguồn từ dòng chảy Tiếng Việt hiện đại, văn chương Công Giáo Việt Nam đã kiến tạo một truyền thống giao thoa độc đáo giữa niềm tin tôn giáo và cảm hứng văn chương. Những tác phẩm mang tinh thần Công Giáo luôn chất chứa khát vọng hướng về Chân – Thiện – Mỹ, những trăn trở về kiếp nhân sinh, những suy tư thấm đẫm màu sắc siêu hình và những chiêm niệm sâu xa về đời sống tâm linh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo truyền thống tại quê hương Phát Diệm, nơi mang đậm dấu ấn tôn giáo và văn hóa, tác giả Mai Văn Phấn đã bén duyên với văn chương từ thuở nhỏ, như lời tự sự ở một bài viết trong cuốn sách này: “Tín hiệu thơ ca thuở nào đã gieo vào tôi những mầm cây, hạt giống. Và, những cái cây xanh ấy dần trưởng thành, cho tôi thêm bao khát khao, hy vọng. Tôi hy vọng đến lúc nào đó có thể viết lại những điều đẹp đẽ từng hiện ra trong tâm tưởng mình, vẽ lại hình hài cuộc sống theo cách của riêng mình […] Thơ ca sớm đến với tôi như một lẽ sống, tự nhiên như hơi thở, như dấu chân trên mặt đất” (“Những bước đầu tiên”). Có thể thấy rằng tác giả Mai Văn Phấn đã khởi nghiệp văn chương bằng xác tín nền tảng rất gần với lời minh định của nhà văn đương đại Isabel Allende: “Viết không phải là một lựa chọn mà là một ơn gọi!” Mọi ơn gọi đều là sự đáp lời trước tín hiệu kỳ diệu vang lên từ thẳm sâu cõi lòng. Cũng vậy, sáng tạo văn chương vừa là dấn thân vì nghệ thuật, vừa là hành trình của niềm tin. Viết là đam mê, là sự đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng của văn chương và đức tin Công Giáo. Có lẽ chính xác tín ấy đã giúp Mai Văn Phấn tiếp cận văn học Công Giáo với lối nhìn sâu sắc, thấm đượm ân sủng.

Có lẽ, hành trình từ một người sáng tác trở thành nhà phê bình là những trải nghiệm kỳ diệu. Viết và sáng tác thuộc về tư duy hình tượng –nơi sức sáng tạo bay bổng, trí tưởng tượng không giới hạn luôn được đề cao. Người sáng tác phải vượt qua ranh giới thực tại, khơi dậy những ý tưởng mới lạ, khám phá chiều sâu cảm xúc và những miền tâm hồn chưa được khai phá. Ngược lại, nghiên cứu và phê bình lại đòi hỏi lối tư duy khác – khoa học, hệ thống và phân tích cặn kẽ. Phê bình là quá trình cảm thụ tác phẩm, cũng là khả năng chạm vào trực giác nghệ thuật, nhận diện và giải mã những thông điệp sâu sắc ẩn trong từng con chữ.

Vậy làm thế nào để một người sáng tác có thể bước vào lĩnh vực phê bình? Làm sao tác giả Mai Văn Phấn – người từng thừa nhận rằng “phải đến năm bước vào tuổi 37 tôi mới thật sự nhận được “Ơn Gọi” (“Những bước đầu tiên”) – có thể trở thành một nhà phê bình văn học? Tác phẩm Trong Ơn Gọi chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho những băn khoăn ấy. Với cuốn sách này, Mai Văn Phấn đã bộc lộ sự tinh tế trong ngôn từ và nhạy cảm trong cảm thụ nghệ thuật, đồng thời thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử, cùng bề dày tâm linh và đức tin. Chính nhờ đó, ông đã khám phá và gợi mở những giá trị độc đáo mà một độc giả phổ thông có thể bỏ qua những trang viết đặc sắc của một số tác giả Công Giáo đương đại.

Xét ở khía cạnh căn bản nhất, nhà phê bình trước hết là người biết thưởng thức. Họ đọc không chỉ để tiếp nhận, mà còn như một hành trình tìm kiếm và khám phá chính mình – như lời dạy trong Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo, số 18: “Khi tôi chìm đắm trong những áng văn hào hùng, tôi trở thành vô số linh hồn khác nhau, nhưng tâm hồn tôi vẫn vẹn nguyên, tựa như ngàn vầng trăng soi sáng bầu trời đêm. Như bầu trời thẳm sâu trong bài thơ Hy Lạp, tôi nhìn thế gian qua muôn ngàn đôi mắt, nhưng cái nhìn ấy vẫn đậm chất tôi. Trong khoảnh khắc ấy, như thể tôi vươn mình vượt qua mọi giới hạn của bản thể, tựa như trong những nghi lễ thiêng liêng, trong tình yêu nồng nàn, trong những hành động luân lý đầy nhân văn, hay trong trí tuệ sáng ngời – và chính tôi, lại là chính mình, rõ nét và trọn vẹn nhất khi tôi bước qua chính mình”. Bởi vì thật ra: “Mỗi tác phẩm văn chương là một thực thể sống động, không ngừng vươn mình và biến đổi, luôn cất lên tiếng nói đa dạng theo muôn vàn cách diễn giải, để rồi mỗi người đọc lại dệt nên một bức tranh cảm nhận độc đáo và mới mẻ cho riêng mình” ("Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo, 3").

Từ khả năng thưởng thức tinh tế, nhà phê bình trở thành người dẫn dắt, mời gọi độc giả cùng bước vào thế giới nghệ thuật ngôn từ. Hãy thử hình dung một cách khái quát – Trong Ơn Gọi như một bàn tiệc văn chương phong phú, được bày ra trước mắt độc giả, sẵn sàng chờ đón sự khám phá: với hình ảnh tuyệt diệu của Đức Trinh Nữ Maria trong thơ Hàn Mạc Tử, Xuân Ly Băng và Lê Quốc Hán; niềm hy vọng được thắp lên từ đống tro tàn của ký ức, từ cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô; cấu trúc không gian và vòng sóng quy tâm trong thơ Cao Gia An, S.J.; biên độ sáng tạo trong mỹ học truyền thống kết hợp với mỹ học Thiên Chúa Giáo trong thơ Lê Đình Bảng và Trần Vạn Giã; những áng văn du ký như hành trình tâm linh của Nguyễn Tham Thiện Kế; vẻ đẹp lục bát trong thơ Xuân Văn, Sơn Ca Linh, và bản dịch “Thần Khúc” của Đình Chẩn; biểu tượng “Trăng” trong thơ Trăng Thập Tự; hành trình “Ánh sáng trong cõi chết” của Gió Biển, “Ánh sáng đức tin” của Bùi Công Thuấn, “Dưới cái cây ánh sáng” của Nguyễn Quang Thiều, hay “Thập Giá tình yêu trong hôn nhân ngoại giáo” của Vinh Kiu...

Như Walter Pater từng nói: “Văn chương là tấm gương phản chiếu tâm hồn nhân loại, còn nhà phê bình là kẻ lau gương để hình ảnh hiện lên rõ ràng hơn.” Nhà phê bình không chỉ tiếp nhận tác phẩm như một bản văn tĩnh lặng, mà còn đóng vai trò khai mở ý nghĩa của những công trình sống động, giúp độc giả khám phá những tầng sâu ẩn giấu trong tác phẩm. Như John Ruskin từng nhận định: “Nhà phê bình là người mở khóa những cánh cửa ngôn từ, giúp ta thấy được cả bầu trời ẩn giấu phía sau câu chữ.” Đây là những điều mà nhà phê bình Mai Văn Phấn thực hiện nhuần nhuyễn trong cuốn sách tiểu luận và phê bình văn học này. Trước mắt độc giả là một bức tranh phong phú của văn học Công Giáo với những giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc được mở ra qua ngòi bút của nhà phê bình. “Nhà phê bình là kẻ đọc sách với sự trầm tư. Người ấy không chỉ thưởng thức, mà còn đo lường, so sánh, cân nhắc, và phán xét.” (W. Somerset Maugham). Với tinh thần ấy, Trong Ơn Gọi không chỉ giúp người đọc hiểu sâu hơn về các tác giả, tác phẩm mà còn mở ra những suy tư về sự giao thoa giữa văn chương và đức tin, giữa cái đẹp nghệ thuật và giá trị tinh thần. Với Trong Ơn Gọi, tác giả Mai Văn Phấn cho thấy rằng phê bình không phải là việc đơn giản ca tụng tác phẩm hay nhận diện tác giả, mà là việc áp dụng những lý thuyết phê bình hiện đại để làm rõ những tầng nghĩa ẩn sâu trong từng trang viết, hầu giúp người đọc thưởng thức và cảm nhận một cách sâu sắc nhất.

Sáng tác trong thời hậu hiện đại là một hành trình đầy thử thách, khi ngôn từ và kỹ thuật truyền thống không còn đủ sức bao quát những ý tưởng phức tạp, phóng khoáng và đôi khi mâu thuẫn của con người đương thời. Vì vậy, phê bình và giúp độc giả thưởng thức những tác phẩm văn học càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Người phê bình không chỉ đơn thuần tiếp nhận tác phẩm mà còn cần một cái nhìn sâu sắc và tinh tế, giúp độc giả mở rộng nhãn quan, chạm đến những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong từng trang viết. Và Mai Văn Phấn đã làm được điều này.

Phải thú nhận rằng tôi chỉ mới hân hạnh được biết tác giả Mai Văn Phấn trong thời gian gần đây. Dù muộn, nhưng tôi vẫn thấy mình thật may mắn. Có thể nói rằng chúng tôi đã trở thành những người bạn tình cờ trong thế giới văn chương. Nếu “bạn hữu” được hiểu theo nghĩa gốc của từ Latinh companion (com + panis) – những người cùng bẻ một tấm bánh để chia nhau – thì tôi thật hạnh phúc khi được Mai Văn Phấn, người đã thưởng thức tấm bánh văn chương và tấm tắc trước hương vị của nó, bẻ ra và chia cho tôi cùng ân hưởng. Nhờ đọc cuốn sách này của Mai Văn Phấn, tôi được khám phá thêm những tác giả mới của văn học Công Giáo hiện đại, được mở ra trước một chân trời văn chương phong phú, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa trong những câu chữ đầy gợi hứng.

Sẽ không ngạc nhiên nếu sau khi đọc cuốn sách tiểu luận và phê bình văn học này, độc giả bắt đầu tò mò tìm đọc những tác phẩm được đề cập đến trong sách. Và đó chính là thành công của một tác phẩm văn học. Thành công ấy đã được Gustave Flaubert nhắn nhủ bằng những lời tâm huyết: “Hãy viết những gì đốt cháy tâm hồn bạn, vì chỉ có ngọn lửa ấy mới thắp sáng những tâm hồn khác.” Trong Ơn Gọi chính là một ngọn lửa như thế, một ngọn lửa đến từ lòng đam mê văn chương và niềm tin sâu sắc vào sứ mạng của chữ nghĩa. Ngọn lửa ấy sẽ tiếp tục lan tỏa, làm bừng lên nhiều ánh sáng khác.

 

Roma, 29/03/2025

LM. Giuse Cao Gia An, S.J.

TS. Thánh Kinh - Học Viện Kinh Thánh Giáo hoàng




Một số hình ảnh