GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
- Số 411, 489-493, 722, 2001, 2853: Sự chuẩn bị của Thiên Chúa; Vô nhiễm nguyên tội |
Số 411, 489-493, 722, 2001, 2853: Sự chuẩn bị của Thiên Chúa; Vô nhiễm nguyên tội
411. Truyền thống Kitô giáo nhận ra trong đoạn sách Sáng Thế được gọi là “Tiền Tin Mừng” lời tiên báo một vị “Ađam mới” [1] , Đấng đã lấy sự “vâng lời cho đến chết… trên thập giá” (Pl 2,8) của mình, mà sửa lại một cách đầy tràn chan chứa tội bất tuân của ông Ađam [2] . Đàng khác, nơi Người Nữ được tiên báo trong Tiền Tin Mừng, nhiều Giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh nhận ra Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, như là một bà “Evà mới”. Đức Maria là người đầu tiên và theo một cách thế độc nhất vô nhị, được thừa hưởng chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi: Bà được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội tổ tông [3] và trong suốt cuộc đời trần thế của mình, nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Bà đã không hề phạm một tội nào [4] .
489. Suốt thời Cựu Ước, sứ vụ của Đức Maria đã được chuẩn bị bởi sứ vụ của những phụ nữ thánh thiện. Ngay từ đầu, là bà Evà: bất chấp sự bất tuân phục của mình, bà đã nhận được Lời Hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ [5] và Lời Hứa rằng bà sẽ là mẹ của tất cả chúng sinh [6] . Do lời hứa đó, bà Sara, mặc dù đã cao niên, vẫn thụ thai một người con trai [7] . Trái với mọi niềm hy vọng nhân loại, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi như bất lực và yếu đuối [8] để chứng tỏ Ngài luôn trung tín với lời Ngài đã hứa: bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel [9] , bà Đêbôra, bà Ruth, bà Juđitha, bà Esther và nhiều phụ nữ khác. Đức Maria “trổi vượt giữa những người khiêm hạ và nghèo hèn của Chúa, những người hy vọng và đón nhận ơn cứu độ từ nơi Ngài với lòng tin tưởng. Cuối cùng, sau sự trông đợi lâu dài Lời Chúa đã hứa, thời gian đã đến hồi viên mãn và một Nhiệm cục mới đã bắt đầu với Đức Maria, người Con Gái Sion cao trọng nhất” [10] .
490. Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria “đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy” [11] . Lúc Truyền tin, thiên thần Gabriel đã chào Mẹ là “người đầy ơn phúc” [12] . Thật vậy, Mẹ cần được hướng dẫn hoàn toàn bởi ân sủng của Thiên Chúa, để có thể đáp lại lời loan báo ơn gọi của mình bằng sự ưng thuận tự do của đức tin.
491. Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” [13] , nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854, tuyên xưng:
“Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội” [14] .
492. Những ánh rạng ngời này của “một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị”, đã được ban cho Mẹ “ngay từ lúc đầu tiên tượng thai” [15] , tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã “được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ xét đến công nghiệp Con Mẹ” [16] . Chúa Cha đã “thi ân giáng phúc” cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Ngài “đã chọn” Mẹ “trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài”, Mẹ “trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (x. Ep l,4).
493. Các Giáo phụ thuộc truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng” [17] . Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào.
722. Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9) tất phải “đầy ơn phúc”. Đức Maria đã được thụ thai, trong ân sủng thuần tuý, không hề có tội, với tư cách là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo, xứng đáng nhất trong mọi người để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên thần Gabriel chào Mẹ cách chính xác là “Con gái Sion”: “Kính mừng” (= “Mừng vui lên”) [18] . Chính Mẹ, trong bài thánh ca của mình [19] , đã làm cho lời tạ ơn của toàn dân Thiên Chúa và của Hội Thánh lên tới Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, khi Mẹ cưu mang nơi mình Chúa Con vĩnh cửu.
2001. Sựchuẩn bị của con người để đón nhận ân sủng đã là một công trình của ân sủng. Điều này là cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của chúng ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, và vào việc thánh hóa nhờ đức mến. Thiên Chúa kiện toàn nơi chúng ta điều Ngài đã khởi sự, “vì Ngài khởi sự bằng cách tác động để chúng ta ước muốn, Ngài kiện toàn bằng cách cộng tác với những người đã muốn” [20] :
“Thật ra, khi chúng ta làm việc, là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc, bởi vì lòng thương xót của Ngài đi bước trước đến với chúng ta. Ngài đi bước trước, để chúng ta được chữa lành, và Ngài dõi theo sau để sau khi được chữa lành, chúng ta nên cường tráng; Ngài đi bước trước, để chúng ta được kêu gọi, Ngài dõi theo sau để chúng ta được vinh quang; Ngài đi bước trước, để chúng ta sống một cách đạo đức, Ngài dõi theo sau để chúng ta được luôn luôn sống với Ngài, bởi vì không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì” [21] .
2853. Cuộc chiến thắng trên “thủ lãnh thế gian này” [22] đã hoàn tất, một lần cho mãi mãi, vào Giờ Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế gian này “bị tống ra ngoài” [23] . Hắn “đuổi bắt người Phụ Nữ” (Kh 12,13) [24] , nhưng không bắt được Bà; Bà là Evà mới, “đầy ân sủng” của Chúa Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát của cái chết (Sự Vô nhiễm nguyên tội và Lên trời của Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh). “Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà” (Kh 12,17). Vì thế, Thần Khí và Hội Thánh cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,17.20), bởi vì khi Người ngự đến, Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Ác thần.
Văn Việt (tổng hợp)
Nguồn: WHĐ (07/12/2024)
______
[1] X. 1 Cr 15,21-22.45.
[2] X. Rm 5,19-20.
[3] X. ĐGH Piô IX, Tông sắc Ineffabilis Deus: DS 2803.
[4] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, canon 23: DS 1573.
[5] X. St 3,l5.
[6] X. St 3,20.
[7] X. St l8,l0-l4; 2l,l-2.
[8] X. 1 Cr l,27.
[9] X. 1 Sm 1.
[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 55: AAS 57 (1965) 59-60.
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[12] X. Lc 1,28.
[13] X. Lc 1,28.
[14] ĐGH Piô IX, Tông sắc Ineffabilis Deus: DS 2803.
[15] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 53: AAS 57 (1965) 58.
[17] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[18] X. Sp 3,14; Dcr 2,14.
[19] X. Lc 1,46-55.
[20] Thánh Augustinô, De gratia et libero arbitrio, 17, 33: PL 44, 901.
[21] Thánh Augustinô, De natura et gratia, 31, 35: CSEL 49, 258-259 (PL 44, 264).
[22] X. Ga 14,30.
[23] X. Ga 12,31; Kh 12,10.
[24] X. Kh 12,13-16.