GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM C
Nội dung: - Số 430, 545, 589, 1846-1847: Chúa Giêsu biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha - Số 133, 428, 648, 989, 1006: Mối lợi tuyệt vời của việc biết Đức Kitô - Số 2475-2479: Phán đoán hồ đồ |
Số 430, 545, 589, 1846-1847: Chúa Giêsu biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha
Số 430. Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người[1]. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Ngài, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Như vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại.
Số 545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[2]. Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[3], và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
Số 589. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm đặc biệt bởi vì Người đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ[4]. Người còn đi đến chỗ muốn cho người ta hiểu rằng, qua việc Người đồng bàn với các tội nhân[5], Người đón nhận những người đó vào bàn tiệc của Đấng Messia[6]. Nhưng đặc biệt khi Người tha tội, Chúa Giêsu đã đặt các nhà cầm quyền tôn giáo của Israel trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đã chẳng sửng sốt nói rất đúng sao: “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)? Chúa Giêsu, khi Người tha tội, thì hoặc là Người nói phạm thượng, bởi vì là người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa[7], hoặc là Người nói đúng, thì như vậy, Con Người của Người làm hiện diện và mạc khải thánh Danh của Thiên Chúa[8].
Số 1846. Tin Mừng là sự mạc khải, trong Chúa Giêsu Kitô, lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân[9]. Thiên thần loan báo điều này cho ông Giuse: “Ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Cũng chính điều đó được nói đến trong Thánh Thể, bí tích của Ơn cứu chuộc: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
Số 1847. Thiên Chúa, “Đấng … đã tạo dựng bạn không cần có bạn, không công chính hoá bạn nếu không có bạn”[10]. Việc đón nhận lòng thương xót của Ngài đòi hỏi chúng ta phải thu nhận tội lỗi của chúng ta: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1,8-9).
Số 133, 428, 648, 989, 1006: Mối lợi tuyệt vời của việc biết Đức Kitô
Số 133. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’”[11].
Số 428. Ai được kêu gọi rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, trước hết phải tìm “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; người ấy phải “đành mất hết”, “để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”, và để “biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,8-11).
Số 648. Sự Phục Sinh của Đức Kitô là đối tượng của đức tin, vì đó là sự can thiệp siêu việt của chính Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử. Trong biến cố này, Ba Ngôi Thiên Chúa vừa cùng hoạt động chung, vừa biểu lộ tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi. Sự Phục Sinh được thực hiện do quyền năng của Chúa Cha, Đấng “đã làm sống lại” (Cv 2,24) Đức Kitô, Con của Ngài, và bằng cách đó, Chúa Cha đưa nhân tính của Người, cùng với thân thể của Người, vào Ba Ngôi một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu được mạc khải một cách vĩnh viễn là “Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng[12] qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nhân tính đã chết của Chúa Giêsu được sống lại và kêu gọi nhân tính đó vào trạng thái vinh hiển của Chúa.
Số 989. Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[13]. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:
“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11)[14].
Số 1006. “Đối diện với sự chết, bí ẩn về thân phận con người lên đến mức cao nhất”[15]. Theo một nghĩa nào đó, sự chết phần xác là điều tự nhiên, nhưng đối với đức tin, thật ra, sự chết là “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta” (Rm 6,23)[16]. Và đối với những người chết trong ân sủng Đức Kitô, sự chết là tham dự vào cái Chết của Chúa, để họ cũng có thể tham dự vào sự Phục sinh của Người[17].
Số 2475-2479: Phán đoán hồ đồ
Số 2475. Các môn đệ của Đức Kitô đã “mặc lấy con người mới, là con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24). “Một khi đã cởi bỏ sự gian dối” (Ep 4,25), họ phải “từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2,1).
Số 2476. Làm chứng dối và thề gian. Khi được phát biểu công khai, một khẳng định nghịch với chân lý mang tính nghiêm trọng đặc biệt. Trước tòa án, lời nói như thế trở thành việc làm chứng dối[18]. Khi quả quyết như thế mà còn thề, thì đó là thề gian. Những cách hành động này góp phần vào việc hoặc kết án người vô tội, hoặc gỡ tội cho phạm nhân, hoặc gia tăng hình phạt cho bị cáo[19]. Những cách hành động này làm phương hại cách nghiêm trọng đến việc thực thi công lý và sự công bằng của bản án do các thẩm phán tuyên ra.
Số 2477. Sự tôn trọng thanh danh của các nhân vị cấm mọi thái độ và mọi lời nói có thể gây thiệt hại cách bất công cho họ[20]. Sẽ có lỗi khi:
– Phán đoán hồ đồ, nghĩa là khi không có đủ cơ sở mà, ngay cả một cách thầm lặng, cho một khiếm khuyết về luân lý nơi người lân cận, là có thật.
– Nói xấu, nghĩa là khi không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của kẻ khác cho những người chưa biết[21];
– Vu khống, nghĩa là khi dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người đó.
Số 2478. Để tránh phán đoán hồ đồ, mỗi người, bao nhiêu có thể, phải cố gắng giải thích theo nghĩa tốt, những tư tưởng, lời nói và việc làm của người lân cận:
“Mỗi Kitô hữu đạo đức phải mau mắn hiểu lời nói hay ý định tối nghĩa của người khác theo nghĩa tốt, hơn là lên án. Nếu không có lý do nào để có thể bào chữa, thì phải hỏi người đó có ý nói gì; nếu ngươi đó nghĩ hay hiểu cách không đúng lắm, thì hãy sửa chữa cách dịu dàng; nếu như vậy chưa đủ, thì phải tìm mọi phương thế thích hợp giúp người đó hiểu đúng và thoát được sai lầm”[22].
Số 2479. Nói xấu và vu khống huỷ hoại thanh danh và danh dự của người lân cận. Mà danh dự là bằng chứng của xã hội đối với nhân phẩm, và mỗi người có quyền tự nhiên được hưởng danh dự, thanh danh và sự tôn trọng. Vì vậy, nói xấu và vu khống là phạm đến các nhân đức công bằng và bác ái.
Văn Việt (tổng hợp)
Nguồn: WHĐ (03/4/2025)
----------
[1] X. Lc 1,31.
[2] X. 1 Tm 1,15.
[3] X. Lc 15,11-32.
[4] X. Mt 9,13; Os 6,6.
[5] X. Lc 15,1-2.
[6] X. Lc 15,23-32.
[7] X. Ga 5,18; 10,33.
[8] X. Ga 17,6.26.
[9] X. Lc 15.
[10] Thánh Augustinô, Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923.
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 25: AAS 58 (1966) 829; X. Thánh Hiêrônimô, Commentarii in Isaiam, Lời Tựa: CCL 73, 1 (PL 24, 17).
[12] X. Rm 6,4; 2 Cr 13,4; Pl 3,10; Ep 1,19-22; Dt 7,16.
[13] X. Ga 6,39-40.
[14] X. 1 Tx 4,14; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Pl 3,10-11.
[15] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18: AAS 58 (1966) 1038.
[16] X. St 2,17.
[17] X. Rm 6,3-9; Pl 3,10-11.
[18] X. Cn 19,9.
[19] X. Cn 18,5.
[20] X. Bộ Giáo Luật, điều 220.
[21] X. Hc 21,28.
[22] Thánh Ignatiô Loyola, Exercitia spiritualia, 22: MHSI 100, 164.