GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM B
- Số 101-104: Đức Kitô, Lời duy nhất của Thiên Chúa - Số 131-133: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội - Số 2653-2654: Thánh Kinh, một nguồn của kinh nguyện - Số 1723, 2536, 2444-2447: Sự nghèo khó của trái tim |
Số 101-104: Đức Kitô, Lời duy nhất của Thiên Chúa
Số 101. Thiên Chúa, trong sự hạ cố do lòng nhân hậu của Ngài, để tự mạc khải cho loài người, đã dùng ngôn ngữ phàm nhân mà nói với họ: “Các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người”[1].
Số 102. Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài[2]:
“Anh em hãy nhớ rằng một Lời duy nhất của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Thánh Kinh, một Lời duy nhất vang trên môi miệng của các Thánh. Lời này lúc khởi đầu là Thiên Chúa hướng về Thiên Chúa, lúc ấy Lời không có các âm vận, bởi vì Ngài không lệ thuộc thời gian”[3].
Số 103. Vì lý do đó, Hội Thánh đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính chính Thân Thể [Mình Thánh] Chúa. Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Thân Thể [Mình Thánh] Chúa Kitô mà trao ban cho các tín hữu[4].
Số 104. Hội Thánh không ngừng tìm thấy lương thực và sức mạnh cho mình trong Thánh Kinh[5], vì nơi đó, Hội Thánh không chỉ tiếp nhận một lời phàm nhân, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa[6]. “Quả thật, trong các sách thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp con cái và trò chuyện với họ”[7].
Số 131-133: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội
Số 131. “Trong Lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng”[8]. Vì vậy, “lối vào Thánh Kinh cần phải được rộng mở cho các Kitô hữu”[9].
Số 132. “Việc nghiên cứu Thánh Kinh phải là như linh hồn của khoa Thần học. Nhờ chính lời Thánh Kinh này, thừa tác vụ Lời Chúa, gồm có việc giảng thuyết của các vị chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài diễn giảng trong phụng vụ phải chiếm ưu thế, được nuôi dưỡng lành mạnh và tăng cường sinh lực thánh thiện”[10].
Số 133. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’”[11].
Số 2653-2654: Thánh Kinh, một nguồn của kinh nguyện
Số 2653. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh…. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’”[12].
Số 2654. Các linh phụ đã dùng câu Tin Mừng Mt 7,7 để tóm lược tiến trình tâm hồn được Lời Chúa nuôi dưỡng khi cầu nguyện, như sau: “Anh em cứ tìm nhờ đọc, thì sẽ thấy nhờ suy niệm; cứ gõ cửa nhờ cầu nguyện, thì sẽ mở ra cho anh em nhờ chiêm niệm”[13].
Số 1723, 2536, 2444-2447: Sự nghèo khó của trái tim
Số 1723. Vinh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những lựa chọn luân lý có tính quyết định. Vinh phúc đó mời gọi chúng ta thanh luyện trái tim khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa trên hết mọi sự. Nó dạy chúng ta biết rằng hạnh phúc thật không cốt tại của cải trần thế hoặc tiện nghi, cũng không phải trong vinh quang nhân loại hay quyền lực, cũng không phải trong công trình nhân loại nào, cho dù là hữu ích, như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật, cũng không ở trong bất cứ tạo vật nào, nhưng duy chỉ ở nơi Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi điều thiện hảo và mọi tình yêu:
“Ngày nay, giàu sang là vị thần vĩ đại; nhiều người, hàng lớp người tự nguyện sùng bái vị thần này. Họ đo lường hạnh phúc bằng tài sản; họ đo lường cả sự đáng kính cũng bằng tài sản.... Điều đó phát sinh do sự xác tín của chúng ta … theo đó thì có tiền thì mọi sự đều có thể. Vì vậy giàu sang là một trong những ngẫu tượng của thời đại ngày nay, và danh tiếng là một ngẫu tượng khác…. Danh tiếng, được người ta biết đến, có tiếng tăm ở trần gian, đưa đến chỗ chính danh tiếng được coi là điều thiện hảo, là điều thiện hảo cao cả, là đối tượng cho người ta kính trọng… Đó có thể được gọi là sự nổi tiếng trên báo chí”[14].
Số 2536. Điều răn thứ mười cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực; cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại. Điều răn này cũng cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.
“Khi Lề luật dạy: ‘Chớ tham của người’, thì có nghĩa là chúng ta đừng ham muốn những gì của người khác. Thật vậy, sự khao khát ham muốn của cải của người khác thì bao la, vô tận và chẳng bao giờ được thoả mãn, như đã chép rằng: ‘Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ’ (Gv 5,9)”[15].
Số 2444. “Lòng yêu mến của Hội Thánh đối với người nghèo... được tiếp nối liên tục trong kinh nghiệm truyền thống của Hội Thánh”[16]. Tình yêu đó được linh hứng bởi Tin Mừng của các mối phúc[17], bởi sự khó nghèo của Chúa Giêsu[18] và sự quan tâm của Người đối với kẻ nghèo.[19] Tình yêu đối với người nghèo cũng là một trong những động lực thúc đẩy bổn phận làm việc để “có gì chia sẻ với người túng thiếu”[20]. Điều này không chỉ giới hạn ở sự nghèo khó về vật chất, nhưng còn hướng tới nhiều hình thức nghèo đói về văn hóa và tôn giáo[21].
Số 2445. Tình yêu đối với người nghèo không thể đi đôi với tình yêu vô độ đối với của cải hoặc việc sử dụng của cải cách ích kỷ:
“Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5,1-6).
Số 2446. Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc lại điều này một cách mạnh mẽ: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ; … của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ”[22]. “Phải thỏa mãn những đòi hỏi của đức công bằng trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là phải đền trả vì đức công bằng”[23].
“Khi tặng bất cứ thứ gì cần thiết cho người nghèo, thì không phải chúng ta tặng những gì của chúng ta, nhưng là chúng ta trả lại cho họ những gì là của họ; chúng ta trả nợ theo đức công bằng, hơn là chúng ta làm những việc từ thiện”[24].
Số 2447. Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần của họ[25]. Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về mặt tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về mặt vật chất gồm có: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết[26]. Trong các công việc đó, bố thí cho người nghèo[27] là một trong những bằng chứng chủ yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa[28]:
“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi” (Lc 11,41). “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2,15-16)[29].
Văn Việt (tổng hợp)
Nguồn: WHĐ (10/10/2024)
_______
[1] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 13: AAS 58 (1966) 824.
[2] X. Dt 1,1-3.
[3] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 103, 4, 1: CCL 40, 1521 (PL 37, 1378).
[4] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 21: AAS 58 (1966) 827.
[5] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 24: AAS 58 (1966) 829.
[6] X. 1 Tx 2,13.
[7] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 21: AAS 58 (1966) 827-828.
[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 21: AAS 58 (1966) 828.
[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 22: AAS 58 (1966) 828.
[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 24: AAS 58 (1966) 829.
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 25: AAS 58 (1966) 829; X. Thánh Hiêrônimô, Commentarii in Isaiam, Lời Tựa: CCL 73, 1 (PL 24, 17).
[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 25: AAS 58 (1966) 829; x. Thánh Ambrôsiô, De officiis ministrorum, 1, 88: ed. N. Testard (Paris 1984) 138 (PL 16, 50).
[13] Guigô II Cartusiensis, Scala claustralium, 2, 2: PL 184, 476.
[14] Gioan Henri Newman, Discourses addressed to Mixed Congregations, 5 [Saintliness the Standard of Christian Principle] (Westminster 1966) 89-91.
[15] Catechismus Romanus, 3, 10, 13: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 518.
[16] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 57: AAS 83 (1991) 862-863.
[17] X. Lc 6,20-22.
[18] X. Mt 8,20.
[19] X. Mc 12,41-44.
[20] X. Ep 4,28.
[21] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 57: AAS 83 (1991) 863.
[22] Thánh Gioan Kim Khẩu, In Lazarum, concio 2, 6: PG 48, 992.
[23] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 8: AAS 58 (1966) 845.
[24] Thánh Grêgôriô Cả, Regula pastoralis, 3, 21, 45: SC 382, 394 (PL 77, 87).
[25] X. Is 58,6-7; Đnl 13,3.
[26] X. Mt 25,31-46.
[27] X. Tb 4,5-11; Gv 17,18.
[28] X. Mt 6,2-4.
[29] X. 1 Ga 3,17.