GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG - NĂM C

 

- Số 668-677, 769: Cơn gian truân cuối cùng và sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quang

- Số 451, 671, 1130, 1403, 2817: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”

- Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con vua Đavid

- Số 207, 210-214, 270, 1062-1063: Thiên Chúa là Đấng trung tín và nhân hậu

 

Số 668-677, 769: Cơn gian truân cuối cùng và sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quang

Số 668. “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Việc Đức Kitô lên trời cho thấy nhân tính của Người cũng được tham dự vào quyền năng và uy quyền của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Chúa: Người nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất. Người “vượt trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được” vì Chúa Cha “đã đặt tất cả dưới chân Người” (Ep 1,20-22). Đức Kitô là Chúa của tất cả vũ trụ[1] và của lịch sử. Nơi Người, lịch sử của con người, kể cả toàn bộ công trình tạo dựng, tìm gặp được “nơi quy tụ” của mình[2], tột đỉnh siêu việt của mình.

Số 669. Là Chúa, Đức Kitô cũng là Đầu Hội Thánh, Thân Thể của Người[3]. Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần[4]. “Nước của Đức Kitô đã hiện diện một cách mầu nhiệm”[5] trong Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế”[6].

Số 670. Khởi từ cuộc Thăng Thiên, kế hoạch của Thiên Chúa bước vào giai đoạn hoàn thành. Chúng ta đang sống trong “giờ cuối cùng” (1 Ga 2,18)[7]. “Quả vậy, những thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta và sự canh tân trần gian đã được thiết lập một cách không thể đảo ngược, và trong thời đại này sự canh tân đó đã được tiền dự một cách hiện thực nào đó: thật vậy, Hội Thánh nơi trần gian được ghi dấu bằng sự thánh thiện thật, tuy còn bất toàn”[8]. Nước Đức Kitô đã biểu lộ sự hiện diện của mình nhờ những dấu chỉ kỳ diệu[9] đi kèm theo việc loan báo Nước đó nhờ Hội Thánh[10].

... cho tới khi mọi sự quy phục Người

Số 671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[11] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[12], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[13], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[14]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[15], để Đức Kitô mau lại đến[16], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[17].

Số 672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[18], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[19], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[20], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[21] và bằng sự thử thách của sự dữ[22], thời gian này không buông tha Hội Thánh[23], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[24]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[25].

Việc Ngự đến vinh hiển của Đức Kitô, niềm hy vọng của Israel

Số 673. Sau cuộc Thăng Thiên, việc Ngự đến trong vinh quang của Đức Kitô luôn gần kề[26], mặc dù chúng ta “không biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7)[27]. Biến cố cánh chung này có thể xảy ra bất cứ lúc nào[28], mặc dù chính biến cố đó cũng như cuộc thử thách cuối cùng phải xảy ra trước biến cố đó, còn được “trì hoãn”[29].

Số 674. Việc Ngự đến của Đấng Messia vinh hiển vào bất cứ lúc nào trong lịch sử tùy thuộc[30] vào việc Người được nhận biết bởi “toàn thể Israel”[31] mà một phần dân ấy còn cứng lòng[32] “không tin” (Rm 11,20) vào Chúa Giêsu. Thánh Phêrô nói với người Do Thái ở Giêrusalem sau lễ Ngũ Tuần: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Ngài xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ an lạc mà Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Ngài sai Đấng Kitô Ngài đã danh cho anh em, là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Ngài mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,19-21). Thánh Phaolô cũng nhắc lại điều đó: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11,15). Việc gia nhập của đông đủ người Do Thái[33] vào ơn cứu độ của Đấng Messia, sau việc gia nhập đông đủ của các dân ngoại[34], sẽ làm cho dân Chúa đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13), trong đó, “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).

Cuộc thử thách cuối cùng của Hội Thánh

Số 675. Trước cuộc Ngự đến của Đức Kitô, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng, làm lung lạc đức tin của nhiều tín hữu[35]. Cuộc bách hại, luôn đi theo Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian[36], sẽ làm lộ rõ “mầu nhiệm sự dữ” dưới hình thức một sự đánh lừa về tôn giáo, có vẻ như mang đến cho người ta một giải pháp về các vấn đề của họ với giá phải trả là sự chối bỏ chân lý. Sự đánh lừa về tôn giáo ở mức cao nhất là của tên Phản Kitô, nghĩa là, của một chủ nghĩa Messia giả hiệu, trong đó con người tự tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa và Đấng Messia của Ngài đã đến trong xác phàm[37].

Số 676. Sự đánh lừa của tên Phản Kitô đã được phác hoạ trên trần gian mỗi khi người ta cho rằng mình thực hiện được trong lịch sử niềm hy vọng về Đấng Messia, một niềm hy vọng vốn chỉ có thể được hoàn thành vượt quá giới hạn lịch sử, nhờ cuộc phán xét cánh chung: Hội Thánh đã bác bỏ sự giả mạo này về Vương quốc tương lai, và cả dưới một hình thức giảm nhẹ của sự giả mạo đó, có tên là thuyết ngàn năm (millenarismus)[38], nhất là dưới một hình thức chính trị của một chủ thuyết Messia đã bị tục hoá (messianismus saecularizatus), “đồi bại tự bản chất”[39].

Số 677. Hội Thánh chỉ tiến vào vinh quang Nước Trời sau cuộc Vượt Qua cuối cùng này, trong đó Hội Thánh đi theo Chúa của mình trong sự chết và sự sống lại của Người[40]. Vì vậy Nước Trời sẽ không được thực hiện bằng một chiến thắng của Hội Thánh trong lịch sử[41], theo một đà tiến từ dưới đi lên nào đó, nhưng bằng sự chiến thắng của Thiên Chúa trên cuộc tấn công cuối cùng của sự dữ[42], sự chiến thắng đó làm cho Tân nương của Ngài từ trời xuống[43]. Chiến thắng của Thiên Chúa trên sự nổi loạn của sự dữ sẽ mang hình thức cuộc Phán Xét cuối cùng[44], sau cuộc đảo lộn cuối cùng khắp vũ trụ của trần gian đang qua đi[45].

Hội Thánh – được hoàn tất trong vinh quang

Số 769. “Hội Thánh … sẽ chỉ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc”[46], trong cuộc Ngự đến vinh hiển của Đức Kitô. Cho đến ngày đó, “Hội Thánh vẫn tiến bước trên đường lữ thứ giữa những cuộc bách hại của thế gian và những ơn an ủi của Thiên Chúa”[47]. Nơi trần thế, Hội Thánh biết mình đang ở chốn lưu đày, đang trên đường lữ thứ xa cách Chúa[48], Hội Thánh khao khát cuộc ngự đến trọn vẹn của Nước Thiên Chúa, khao khát “giờ sẽ được kết hợp cùng Vua của mình trong vinh quang”[49]. Sự hoàn tất của Hội Thánh, và qua đó, sự hoàn tất của trần gian trong vinh quang sẽ chỉ xảy ra sau nhiều thử thách lớn lao. Chỉ khi đó “mọi người công chính từ ông Ađam, ‘từ ông Abel người công chính cho đến người được tuyển chọn cuối cùng’ sẽ được quy tụ trong Hội Thánh phổ quát bên cạnh Chúa Cha”[50].

 

Số 451, 671, 1130, 1403, 2817: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”

Số 451. Kinh nguyện Kitô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maran atha” (“Chúa đến!”) hoặc “Marana tha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (l Cr l6,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

... cho tới khi mọi sự quy phục Người

Số 671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[51] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[52], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[53], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[54]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[55], để Đức Kitô mau lại đến[56], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[57].

Các bí tích của đời sống vĩnh cửu

Số 1130. Hội Thánh cử hành mầu nhiệm của Chúa mình “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26), lúc “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Ngay từ thời các Tông Đồ, phụng vụ đã được hướng đến cùng đích của mình qua lời rên xiết của Thần Khí trong Hội Thánh: “Marana tha! – Lạy Chúa, xin ngự đến!” (1 Cr 16,22). Như thế, Phụng vụ chia sẻ nỗi khát khao của Chúa Giêsu: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em... cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22, 15.16). Trong các bí tích của Đức Kitô, Hội Thánh đã nhận được bảo chứng gia tài của mình, đã được dự phần vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13). “Thần Khí và Tân Nương nói: Xin Ngài ngự đến... Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22, 17.20).

Thánh Tôma tóm lược các chiều kích khác nhau của dấu chỉ bí tích như sau: “Bí tích là dấu chỉ nhắc nhớ điều đã xẩy ra trước nó, tức là cuộc khổ nạn của Đức Kitô; là dấu chỉ cho thấy điều được thực hiện nơi chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tức là ân sủng; là dấu chỉ tiên báo, tức là báo trước vinh quang tương lai”[58].

Số 1403. Trong bữa Tiệc ly, chính Chúa hướng các môn đệ Người đến sự hoàn tất lễ Vượt Qua trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29)[59]. Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng trông “Đấng đang đến” (Kh 1,4). Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người ngự đến: “Marana tha” (1 Cr 16,22), “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), “Ước gì ân sủng của Ngài đến và trần gian này qua đi”[60].

Số 2817. Lời cầu xin này là lời “Marana tha”, là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”:

“Giả như lời cầu xin này không đòi buộc phải van xin Nước Chúa mau đến đi nữa, thì chúng ta cũng bị thúc giục kêu gào điều đó vì muốn ôm lấy niềm hy vọng của chúng ta. Linh hồn các vị tử đạo nằm dưới bàn thờ lớn tiếng kêu lên Chúa: ‘Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?’ (Kh 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Chúa, nguyện Nước Chúa mau đến”[61].

 

Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con vua Đavid

Số 439. Nhiều người Do Thái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Israel, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua Đavid”, Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Israel[62]. Chúa Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Messia, Người có quyền làm như vậy[63], nhưng Người chấp nhận một cách dè dặt, bởi vì danh hiệu này bị một số người đương thời với Người hiểu theo một quan niệm quá phàm trần[64], đặc biệt mang tính chất chính trị.[65]

Sự đồng trinh của Đức Maria

Số 496. Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên[66], Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm giống nam nhân”[67]. Các Giáo Phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ của việc Con Thiên Chúa thật sự đã đến trong bản tính nhân loại như chúng ta.

Thánh Ignatiô Antiôchia (đầu thế kỷ II) dạy: “Tôi đã nhận thấy anh em… xác tín rằng Chúa chúng ta, thật sự xuất thân từ dòng dõi vua Đavid theo xác phàm[68], là Con Thiên Chúa theo ý định và quyền năng Thiên Chúa[69], Người đã thật sự được sinh ra bởi một trinh nữ;… Người đã thật sự chịu đóng đinh trong thân xác vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô…. Người đã thật sự chịu khổ hình cũng như đã thật sự sống lại”[70].

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia

Số 559. Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Messia của mình như thế nào? Chúa Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua[71], đã chọn thời điểm và chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavid, tổ tiên Người” (Lc l,32) với tư cách là Đấng Messia[72]. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavid, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức Vua vinh hiển” (Tv 24,7-l0) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Sion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự that[73]. Vì vậy, ngày hôm đó, thần dân của Nước Người là các trẻ em[74] và “những người nghèo của Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng[75]. Lời tung hô của họ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.

Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện

Số 2616. Lúc Người còn đang thi hành tác vụ, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu đã được chính Người nhận lời, qua các dấu lạ, những dấu lạ này tiền dự vào sức mạnh của sự chết và sự sống lại của Người. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin, được diễn tả bằng lời nói (của người bệnh phong[76], của ông Giairô[77], của người phụ nữ Canaan[78], của người trộm lành[79]), hay trong thinh lặng (của những kẻ khiêng người bất toại[80], của người đàn bà bị bệnh loạn huyết đụng chạm vào áo Người[81], nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi[82]). Lời nài xin tha thiết của những người mù: “Lạy Con Vua Đavid, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27) hay “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavid, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,48) được sử dụng lại trong truyền thống Khẩn nguyện Chúa Giêsu (Oratio ad Iesum): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu luôn đáp lại lời cầu xin Người với đức tin, bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc thứ tha tội lỗi: “Cứ về bình an, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

Thánh Augustinô đã khéo léo tóm tắt ba chiều kích của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta”[83].

 

Số 207, 210-214, 270, 1062-1063: Thiên Chúa là Đấng trung tín và nhân hậu

Số 207. Khi mạc khải Danh Ngài, Thiên Chúa đồng thời mạc khải lòng trung tín của Ngài, một lòng trung tín có từ muôn thuở và cho tới muôn đời, một lòng trung tín có giá trị trong quá khứ (“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi”, Xh 3,6) cũng như trong tương lai (“Ta sẽ ở với ngươi”, Xh 3,12). Thiên Chúa, Đấng mạc khải Danh Ngài là “Đấng Hiện Hữu”, đã tự mạc khải mình là vị Thiên Chúa luôn có mặt, luôn hiện diện với dân Ngài để cứu độ họ.

“Thiên Chúa nhân hậu và từ bi”

Số 210. Sau khi dân Israel phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ con bê bằng vàng[84], Thiên Chúa đã nghe lời chuyển cầu của ông Môisen và chấp nhận đồng hành giữa đám dân bất trung, qua đó biểu lộ tình yêu của Ngài[85]. Khi ông Môisen xin được thấy vinh quang Thiên Chúa, Ngài trả lời: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Chúa [YHWH] trước mặt ngươi" (Xh 33,18-l9). Và Chúa đi qua trước mặt ông Môisen và hô to: “Chúa, Chúa [YHWH,YHWH], Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6). Lúc đó ông Môisen tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa hay tha thứ[86].

Số 211. Thánh Danh “Ta Hiện Hữu” hoặc “Đấng Hiện Hữu” diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng “giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,7) cho dù con người có bất trung, tội lỗi, đáng phải trừng phạt. Thiên Chúa mạc khải rằng Ngài “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), đến noi trao ban chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu, khi hiến mạng sống mình để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sẽ mạc khải rằng chính Người mang danh thánh của Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là ‘Tôi Hiện Hữu’” (Ga 8,28).

Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu

Số 212. Trải qua các thế kỷ, đức tin của Israel đã có thể khai triển và đào sâu hơn nữa các ý nghĩa phong phú chứa đựng trong việc mạc khải Danh thánh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là duy nhất, ngoài Ngài ra không có thần nào hết[87]. Ngài siêu việt trên vũ trụ và lịch sử. Chính Ngài tạo dựng trời đất. “Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài; chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao…. Nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên” (Tv 102,27-28). Nơi Ngài, “không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1,17). Ngài là “Đấng Hiện Hữu” từ muôn thuở đến muôn đời và như vậy Ngài là Đấng luôn trung tín với chính mình Ngài và với các lời hứa của Ngài.

Số 213. Vì vậy việc mạc khải Danh khôn tả “Ta là Đấng Ta là” chứa đựng chân lý này: chỉ mình Thiên Chúa là ĐẤNG HIỆN HỮU. Bản dịch Bảy Mươi và kế đó là Truyền thống Hội Thánh đã hiểu Danh thánh của Thiên Chúa theo nghĩa đó: Thiên Chúa là sự viên mãn của sự Hiện Hữu và của mọi trọn hảo, không có khởi đầu, và cũng chẳng có cùng tận. Trong khi tất cả mọi thụ tạo đều lãnh nhận từ Thiên Chúa tất cả những gì chúng là và những gì chúng có, thì duy chỉ mình Ngài là tự mình hiện hữu và Ngài là gì đều do chính Ngài.

Thiên Chúa, “Đấng Hiện Hữu”, là chân lý và là tình yêu

Số 214. Thiên Chúa, “Đấng Hiện Hữu”, đã tự mạc khải cho Israel như Đấng “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Hai từ ngữ ấy diễn tả một cách cô đọng những sự phong phú của Danh Thiên Chúa. Trong mọi công trình của Ngài, Thiên Chúa biểu lộ lòng quảng đại, sự tốt lành, an sủng và tình yêu của Ngài; Ngài cũng cho thấy Ngài là Đấng đáng được tin tưởng, là Đấng bền vững, trung tín, chân thật: “Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương” (Tv 138,2)[88]. Ngài là Chân Lý, vì “Thiên Chúa là Ánh Sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5); Ngài là “Tình Yêu” (1 Ga 4,8), như thánh Tông Đồ Gioan dạy.

“Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự” (Kn 11,23)

Số 270. Thiên Chúa là Cha toàn năng. Tình phụ tử và quyền năng của Ngài soi sáng lẫn nhau. Quả thế, Ngài cho thấy sự toàn năng đầy tình Cha của Ngài qua cách Ngài chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta[89]; qua việc Ngài nhận chúng ta làm nghĩa tử (“Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái của Ta, Chúa toàn năng phán như vậy”: (2 Cr 6,18); sau hết, Ngài bày tỏ rõ ràng quyền năng của Ngài qua lòng khoan dung vô tận, khi Ngài tự ý tha thứ các tội lỗi.

Số 1062. Trong tiếng Do thái, từ Amen có cùng ngữ căn với từ “tin”. Ngữ căn này diễn tả sự vững bền, sự đáng tin, sự trung tín. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao từ “Amen” có thể được dùng để nói về sự trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta, và về lòng tin cậy của chúng ta vào Ngài.

Số 1063. Trong sách tiên tri Isaia, chúng ta thấy có kiểu nói “Thiên Chúa chân thật”, sát chữ là “Thiên Chúa Amen”, nghĩa là, Thiên Chúa trung tín với các lời Ngài đã hứa: “Trong xứ, ai cầu phúc cho mình, sẽ nhân danh Thiên Chúa chân thật mà cầu phúc” (Is 65,16). Chúa chúng ta thường dùng từ “Amen”[90], đôi khi với hình thức lặp lại[91], để nhấn mạnh sự đáng tin của giáo huấn của Người, và quyền bính của Người dựa trên chân lý của Thiên Chúa.

Văn Việt (tổng hợp)

Nguồn: WHĐ (28/11/2024)

______

[1] X. Ep 4,10; 1 Cr 15,24.27-28.

[2] X. Ep 1,10.

[3] X. Ep 1,22.

[4] X. Ep 4,11-13.

[5] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[6] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[7] X. 1 Pr 4,7.

[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[9] X. Mc 16,17-18.

[10] X. Mc 16,20.

[11] X. Mt 25,31.

[12] X. 2 Tx 2,7.

[13] X. 1 Cr 15,28.

[14] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[15] X. 1 Cr 11,26.

[16] X. 2 Pr 3,11-12.

[17] X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.

[18] X. Cv 1,6-7.

[19] X. Is 11,1-9.

[20] X. Cv 1,8.

[21] X. 1 Cr 7,26.

[22] X. Ep 5,16.

[23] X. 1 Pr 4,17.

[24] X. 1 Ga 2,18; 4,3; 1 Tm 4,1.

[25] X. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37.

[26] X. Kh 22,20.

[27] X. Mc 13,32.

[28] X. Mt 24,44; 1 Tx 5,2.

[29] X. 2 Tx 2,3-12.

[30] X. Rm 11,31.

[31] X. Rm 11,26; Mt 23,39.

[32] X. Rm 11,25.

[33] X. Rm 11,12.

[34] X. Rm 11,25; Lc 21,24.

[35] X. Lc 18,8; Mt 24,12.

[36] X. Lc 21,12; Ga 15,19-20.

[37] X. 2 Tx 2,4-12; 1 Tx 5,2-3; 2 Ga 7; 1 Ga 2,18.22.

[38] X. Sanctum Officium, Decretum de millenarismo (19-7-1944): DS 3839.

[39] X. ĐGH Piô XI, Thông điệp Divini Redemptoris (19-3-1937): AAS 29. (1937) 65-106; CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 20-21: AAS 58 (1966) 1040-1042.

[40] X. Kh 19,1-9.

[41] X. Kh 13,8.

[42] X. Kh 20,7-10.

[43] X. Kh 21,2-4.

[44] X. Kh 20,12.

[45] X. 2 Pr 3,12-13.

[46] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[47] Thánh Augustinô, De civitate Dei, 18, 51: CSEL 40/2, 354 (PL 41, 614); x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[48] X. 2 Cr 5,6; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 9.

[49] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[50] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 6.

[51] X. Mt 25,31.

[52] X. 2 Tx 2,7.

[53] X. 1 Cr 15,28.

[54] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[55] X. 1 Cr 11,26.

[56] X. 2 Pr 3,11-12.

[57] X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.

[58] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 60, a. 3, c.: Ed. Leon. 12,6.

[59] X. Lc 22,18; Mc 14,25.

[60] Didaché, 10, 6: SC 248, 180 (Funk, Patres apostolici, 1, 24).

[61] Tertullianô, De oratione, 5, 2-4: CCL 1, 260 (PL 1, 1261-1262).

[62] X. Mt 2,2; 9,27, 12,23; 15,22; 20,30; 21,9.15.

[63] X. Ga 4,25-26; 11,27.

[64] X. Mt 22,41-46.

[65] X. Ga 6,l5; Lc 24,2l.

[66] X. DS 10-64.

[67] CĐ Latêranô (năm 649), Canon 3: DS 503.

[68] X. Rm 1,3.

[69] X. Ga 1,13.

[70] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Smyrnaeos, 1-2: SC 10bis, 132-134 (Funk 1, 274-276).

[71] X. Ga 6,15.

[72] X. Mt 21,1-11.

[73] X. Ga 18,37.

[74] X. Mt 21,15-16; Tv 8,3.

[75] X. Lc 19,38; 2,14.

[76] X. Mc 1,40-41.

[77] X. Mc 5,36.

[78] X. Mc 7,29.

[79] X. Lc 23,39-43.

[80] X. Mc 2,5.

[81] X. Mc 5,28.

[82] X. Lc 7,37-38.

[83] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 85, 1: CCL 39, 1176 (PL 36, 1081); x. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 7: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 24.

[84] X. Xh 32.

[85] X. Xh 33,12-17.

[86] X. Xh 34,9.

[87] X. Is 44,6.

[88] X. Tv 85,11.

[89] X. Mt 6,32.

[90] X. Mt 6,2.5.16.

[91] X. Ga 5,19.