► Có thể xác định chính xác ngày khai sinh của Giáo hội không?
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô tông đồ: “Con là Đá và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Thánh sử sử dụng từ Hy Lạp ecclesia có nghĩa là “đại hội”. Giáo hội là đại hội các môn đệ của Chúa Kitô. Điểm khởi đầu của Giáo hội được định vị khác nhau theo các học giả Thánh Kinh. Đối với Michel Quesnel (1), học giả Thánh Kinh và là nhà thần học, “Giáo hội được sinh ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Điều này được Luca ghi lại trong chương 2 sách Công vụ Tông đồ. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phêrô loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu và mời gọi thính giả của mình chịu phép rửa.” Học giả và nhà chú giải Thánh Kinh Daniel Marguerat (2) nhìn thấy biến cố bùng phát trong “sự ngạc nhiên thần nhiệm của Lễ Vượt Qua” khi những người phụ nữ, sau đó là các môn đệ, “nhận được sự mặc khải rằng cuộc đời của Chúa Giêsu không kết thúc ở thập giá, nhưng Thiên Chúa đã tôn làm Chúa Đấng mà loài người đã chối bỏ”.
Sébastien Morlet (3), một chuyên viên về văn chương giáo phụ, thích xác định sự ra đời của Giáo hội vào lúc cái chết của Chúa Giêsu, một sự kiện phi siêu nhiên: “Điều chúng ta có thể nói, đó là một nhân vật có sức lôi cuốn có các môn đệ vây quanh mình, những người đã tự hỏi phải làm gì trước cái chết của Người. Bản văn Luca cho chúng ta biết rằng họ đã quyết định tiếp tục và mở rộng phong trào gắn bó với Chúa Giêsu.”
► Các Kitô hữu đầu tiên là ai?
Giáo hội Kitô giáo đầu tiên ra đời ở Giêrusalem được tạo thành từ những người Do Thái. Các thành viên của Giáo hội vẫn gắn bó với Đền Thờ và Lề Luật, nhưng, như Daniel Marguerat giải thích, “tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến với dân Ngài. Họ cải đạo những người Do Thái khác theo cùng một đức tin.” Tuy nhiên, ngay từ đầu, Giáo hội Giêrusalem đã được tạo thành từ xu hướng: người Do Thái theo ngôn ngữ và văn hóa Semit, xu hướng khác theo ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp. Những người này, mà Luca gọi là “những người theo văn hóa Hy Lạp”, “có cái nhìn phóng khoáng hơn về đức tin, họ xa cách Đền thờ và Kinh Torah hơn”. Căng thẳng nảy sinh giữa hai xu hướng này, nhưng cũng với tất cả những người Do Thái theo chủ nghĩa Do Thái. Têphanô, thủ lĩnh của những người theo văn hóa Hy Lạp, bị ném đá vì tội báng bổ. Những người bạn đồng hành của ngài rời khỏi Giêrusalem.
► Các môn đệ của Chúa Giêsu đã quyết định cải đạo những người không phải Do Thái như thế nào?
Daniel Marguerat kể lại theo sách Công vụ (11,19), là những người tỵ nạn ở Síp và đặc biệt là ở Antiôkia, “từ đầu những năm 40, những người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp này đã loan báo thông điệp của Chúa Giêsu cho những người không phải là người Do Thái, cùng ngôn ngữ và cùng một nền văn hóa như họ”. Nhưng trình thuật của Luca ghi lại rằng Phêrô là người đầu tiên cải đạo những người ngoại giáo. Trái với ý kiến của các thành viên khác của Giáo hội Giêrusalem, ngài hẳn đã rửa tội cho viên đội trưởng Corneliô, nhận ra rằng thông điệp của Chúa Giêsu được gửi đến tất cả mọi người. Sébastien Morlet tự hỏi: “Điều này có đúng về mặt lịch sử không? Cần phải thận trọng vì Luca, khi tìm cách hòa giải những xu hướng khác nhau đang diễn ra nơi các Kitô hữu tiên khởi, có xu hướng “Phaolô hóa” nhân vật Phêrô.”
Cuối cùng, ông nói tiếp: “Phaolô đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá thông điệp Kitô giáo. Ở những thành phố mà ngài đến thăm, ngài đến các giáo đường Do Thái, dựa vào mạng lưới Do Thái hiện có. Nhưng sách Công vụ không bao giờ ngừng xác định rằng ngài cũng nói với những người ngoại giáo”.
Tính chất hỗn hợp của các cộng đồng nhanh chóng được tạo ra quanh Địa Trung Hải đã đặt ra những vấn đề quan trọng cho các Kitô hữu đầu tiên. Có cần phải trở lại với Do Thái giáo để trở thành một Kitô hữu không? Người Do Thái và người không phải Do Thái có thể dùng chung bữa ăn không? Michel Quesnel nhắc lại: “Chúng ta phải đợi cho đến khi Phaolô và hội nghị ở Giêrusalem, khoảng năm 48, mới quyết định không cắt bì cho các Kitô hữu có nguồn gốc ngoại giáo,” nhưng một số quy định của người Do Thái vẫn được duy trì.
► Tổ chức phẩm trật xuất hiện vào thời kỳ nào? Giáo hội được thống nhất như thế nào?
Daniel Marguerat tóm tắt: “Thế kỷ thứ nhất là thời kỳ bùng nổ. Thế hệ Kitô hữu đầu tiên, thế hệ của Phaolô, trước hết là truyền giáo và ít quan tâm đến việc tổ chức của mình.” Tuy nhiên, Michel Quesnel lưu ý, cho dù hoạt động mang tính hợp đoàn hơn, nhưng “các chức năng phẩm trật hóa được đề cập rất sớm. Thánh Phaolô đưa ra một danh sách chính xác về những trách nhiệm khác nhau: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy …” (1 Cr 12, 28).”
Ở thế hệ tiếp theo, hệ thống phẩm trật ở ba cấp, giám sự, trưởng lão và phó tế dần dần xuất hiện và đến với các cộng đồng. Sébastien Morlet giải thích: “Các cộng đồng giao tiếp rất nhiều, điều này dẫn đến một quá trình đồng nhất hóa không thể tránh khỏi. Họ muốn rằng lý tưởng của họ về một cộng đồng huynh đệ lớn hơn chính họ trở thành hiện thực. Vào đầu thế kỷ thứ III, hầu hết tất cả các cộng đồng đều áp dụng một tổ chức kiểu quân chủ, với một người lãnh đạo duy nhất là giám mục.”
Cùng thời đó, quy điển Thánh Kinh được hình thành. Daniel Marguerat giải thích: ở đây một lần nữa, “một Kitô giới, ban đầu là số nhiều, sẽ nỗ lực hướng tới sự thống nhất của mình thông qua sự đồng thuận và chấp nhận những khác biệt. Ví dụ, sách Khải Huyền của Gioan gây khó khăn đối với người phương Đông. Nhưng Phúc Âm của Gioan lại thích họ, trong khi người phương Tây dựa vào Matthêu và các Thư của Phaolô. Cuối cùng, toàn bộ di sản của Gioan đã được thừa nhận vào Tân Ước.”
Học giả Thánh Kinh này lưu ý: “Người ta ước tính rằng quy điển Thánh Kinh đã được xác định đại thể vào cuối thế kỷ thứ II”. Ở phương Tây, Giáo hội ít nhiều được thống nhất vào thế kỷ thứ V hoặc thứ VI. Sébastien Morlet cho biết: “Giám mục Rôma sẽ vẫn là một giám mục trong số các giám mục trong suốt thời Cổ đại”. Sau đó, ngài chỉ đảm nhận tước hiệu giáo hoàng, khẳng định vị thế ưu việt của mình trong lòng người Công giáo.
———————————–
(1) Linh mục thuộc Dòng Oratoire, học giả Thánh Kinh và là thần học gia, nguyên giám đốc Đại học Công giáo Lyon, tác giả của cuốn Connaître Dieu à travers Jésus. Une initiation au christianisme (Desclée de Brouwer, 2024).
(2) Nhà chú giải và học giả Thánh Kinh người Thụy Sĩ, giáo sư danh dự của thần học Tin Lành tại đại học Lausanne, tác giả của cuốn Vie et destin de Jésus de Nazareth (Seuil, 2019).
(3) Triết gia, chuyên viên về văn chương giáo phụ và lịch sử các giáo thuyết, giáo sư tại Học viện Công giáo Paris và tại Sorbonne. Tác giả của cuốn Chrétiens et la culture. Conversion d’un concept (Ier-VIe siècles) (Les Belles Lettres, 2016).
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ theo Christel Juquois, nhật báo La Croix
Nguồn: xuanbichvietnam.net