Thượng Hội đồng như một Truyền thống: Cùng bước đi trong Đức Tin

Thượng Hội đồng về tính hiệp hành bắt nguồn từ một truyền thống lâu đời của Giáo hội, có từ Công đồng Vatican II, nơi đã chính thức hóa thượng hội đồng như một phương tiện để các giám mục quy tụ và thảo luận những vấn đề thần học và mục vụ quan trọng. Thuật ngữ "thượng hội đồng" xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “gặp gỡ” hoặc “cùng bước đi.” Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nhấn mạnh điều này khi nói: “Đây không phải là một hành động lịch sự mang tính hình thức. Ngược lại, đó là một hành động nghĩa vụ.” Ý thức về nghĩa vụ này phản ánh cam kết của Giáo hội đối với sự hiệp nhất và quá trình ra quyết định mang tính cộng tác.

Khi triệu tập Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi xướng một cuộc xem xét rộng rãi về tính hiệp hành, một khái niệm mà ngài coi là cốt lõi cho sứ vụ của Giáo hội. Nhà báo Angela Ambrogetti của ACI Stampa giải thích: “Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Thượng Hội đồng này, được tổ chức trong ba giai đoạn, dành riêng cho tính hiệp hành. Chúng ta cần hiểu tính hiệp hành có nghĩa là gì... đó là cách sống mục vụ, cách sống đời sống hằng ngày của Giáo hội.” Thượng Hội đồng này nhằm đào sâu sự hiểu biết của Giáo hội về tính hiệp hành và áp dụng nó vào việc quản trị cũng như hoạt động mục vụ.


Một cách tiếp cận mới: Sự bao gồm và suy tư

Thượng Hội đồng về tính hiệp hành cũng đặc biệt ở chỗ có sự tham gia đa dạng, chào đón giáo dân và linh mục cùng với các giám mục. Như Ambrogetti đã nhận xét: “Phong cách làm việc bên trong thượng hội đồng đã thay đổi... đó là một trải nghiệm, một chứng tá. Đó là cầu nguyện cùng nhau, chia sẻ kinh nghiệm.” Cách tiếp cận này chuyển Thượng Hội đồng từ một hội nghị chính thức thành một hành trình suy tư chung, nơi những tiếng nói đa dạng đóng góp vào việc định hình tương lai của Giáo hội.

Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã củng cố quan điểm này, nhấn mạnh rằng trọng tâm của Thượng Hội đồng là lắng nghe thay vì áp đặt chương trình nghị sự. Ngài nói: “Thượng Hội đồng không có chương trình nghị sự mà chúng ta muốn thúc đẩy. Nhưng chúng ta lắng nghe Dân Chúa. Chúng ta lắng nghe Đức Thánh Cha... Tính hiệp hành mang lại sự sống cho Giáo hội.” Tuy nhiên, Đức Hồng y Grech đã thừa nhận những cạm bẫy tiềm tàng, cảnh báo rằng: “Chúng ta có thể bị cám dỗ trở thành chính trị gia trong Giáo hội. Và điều đó hoàn toàn sai lầm.” Cam kết giữ trọng tâm thiêng liêng nhấn mạnh sứ vụ của Thượng Hội đồng như một phương tiện đức tin thay vì chính trị.


Đón nhận Chúa Thánh Thần như là đấng hướng dẫn đích thực

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ nhấn mạnh vai trò trung tâm của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng. Ngài cảnh báo chống lại việc xem Thượng Hội đồng như một đấu trường chính trị, khẳng định: “Chúng ta không phải là một quốc hội; chúng ta không phải là Liên Hiệp Quốc; không, chúng ta là một điều gì khác.” Ngài cũng nhắc nhở các tham dự viên: “Chúng ta không phải là nhân vật chính của Thượng Hội đồng: mà đó là Chúa Thánh Thần. Nếu Thánh Thần hiện diện giữa chúng ta để hướng dẫn, Thượng Hội đồng sẽ thành công.”

Những lời của Đức Thánh Cha nêu bật mục tiêu của Thượng Hội đồng là thúc đẩy sự hiệp nhất và hiểu biết trong Giáo hội. Đức Hồng y Hollerich đã tán đồng quan điểm này, nói: “Tôi hy vọng tôi không bị cám dỗ với quyền lực vì điều đó hoàn toàn đi ngược lại tính hiệp hành. Tôi muốn trở thành một tôi tớ tốt của Giáo hội, của Đức Thánh Cha và của tính hiệp hành.” Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và những tham dự viên, thành công của Thượng Hội đồng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào khả năng lắng nghe Chúa Thánh Thần và hành động trong tinh thần phục vụ sứ vụ của Giáo hội.

Khi Thượng Hội đồng tiến triển, Giáo hội sẽ tiếp tục khám phá cách tính hiệp hành có thể định hình việc quản trị và đào sâu mối quan hệ của Giáo hội với các tín hữu, nhấn mạnh rằng chính hành trình này quan trọng không kém bất kỳ kết quả nào. Như Ambrogetti đã nhận xét một cách sâu sắc: “Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều thú vị và quan trọng là những cách tiếp cận khác nhau này cùng gặp gỡ, có lẽ để tìm ra con đường chung hoặc đơn giản chỉ để chia sẻ kinh nghiệm.” Vì vậy, Thượng Hội đồng về tính hiệp hành không chỉ là một thời điểm suy tư mà còn có thể là một bước ngoặt trong cách Giáo hội sống sứ vụ của mình.


Tâm Bùi (tgpsaigon)

Chuyển ngữ từ: EWTN Vatican

Nguồn: tgpsaigon.net