Trả lời:
Chào bạn nhé,
Đây là câu hỏi khá rộng nhưng rất thực tế để cả người trẻ và Giáo hội cùng suy nghĩ. Giáo hội một cách hữu hình chúng ta có thể gọi tên: Giáo xứ, cha xứ, giáo dân, các vị chủ chăn, những người đồng trang lứa với bạn, v.v. Nói cách khác, đó là nhà của bạn, môi trường bạn lớn lên. Có thể vì lòng yêu mến Giáo hội nên bạn gợi lên cho Giáo hội lòng thao thức khôn nguôi dành cho người trẻ. Đọc câu hỏi của bạn, tôi nhớ đến lời của Giáo hội cũng thao thức cho người trẻ như sau:
“Tình yêu của Thiên Chúa và mối liên hệ của chúng ta với Đức Kitô hằng sống không ngăn cản chúng ta mơ ước, không đòi chúng ta phải thu hẹp chân trời của mình. Trái lại, tình yêu này thúc chúng ta, khuyến khích chúng ta, và đẩy chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp và tươi đẹp hơn. Từ “thao thức” tổng hợp nhiều khát vọng của con tim những người trẻ. Như Thánh Phaolô VI đã nói, “chính trong sự bất mãn đang hành hạ các con.... lại có một tia sáng”. Sự thao thức vì bất mãn, cùng với sự kinh ngạc về những điều mới lạ xuất hiện ở chân trời, mở ra một con đường cho sự táo bạo khiến các con phải đứng ra và gánh trách nhiệm trong một sứ vụ. Sự thao thức lành mạnh này, là điều trước hết đánh thức tuổi trẻ, vẫn là đặc điểm của mọi quả tim vẫn còn trẻ, sẵn sàng và cởi mở. Sự bình an nội tâm thật cùng đồng tồn tại với sự thiếu hài lòng sâu thẳm này. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không ngừng nghỉ cho đến khi chúng được an nghỉ trong Chúa”.
Với khởi điểm trên đây, tôi xin chia sẻ với bạn vài thao thức chính của Giáo hội nhé:
1. Kinh nghiệm cá vị với Thiên Chúa
Mọi công việc mục vụ của Giáo hội nhằm giúp giáo dân, người trẻ gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là sứ mạng chính của Giáo hội. Để làm được điều này, Giáo hội sẵn lòng cung cấp nhiều sân chơi cho người trẻ. Tùy vào hoàn cảnh và lứa tuổi, Giáo hội đồng hành và lắng nghe những thao thức của giới trẻ. Trong Giáo hội cũng có nhiều người rất hợp với người trẻ, có những người thích làm mục vụ với giới trung niên hoặc với những ông bà cụ. Tất cả là để giúp cho các linh hồn gặp gỡ Thiên Chúa. Để hoàn thành được thao thức này, một mặt Giáo hội tiếp tục lắng nghe người trẻ đang thao thức gì? Mặt khác, khi biết được thao thức ấy nhưng có khi Giáo hội không đáp ứng ngay được, nhưng chắc một điều Giáo hội cũng thao thức với người trẻ.
Càng thao thức, cả hai càng có cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa. Theo ngôn ngữ nhà đạo: “Khi chúng ta khao khát gặp Thiên Chúa, cũng là lúc chúng ta cầu nguyện rồi.” Đừng quên chính bạn cũng thao thức cho Giáo hội phát triển và đưa nhiều người gặp Thiên Chúa. Trong bầu không khí này, bạn sẽ không lạc lõng, nhưng tạo nên một cộng đoàn củng cố niềm tin và tiếp tục tin yêu Thiên Chúa. Do đó, bạn càng thao thức gặp Thiên Chúa, càng cảm thấy Giáo hội cũng có một lòng thao thức này. Rồi đến một ngày, hy vọng bạn cảm nhận rõ rằng: “Lạy Chúa, con cảm thấy Ngài thật gần, trong tim của con, trong gia đình và trong giáo xứ của con.”
2. Tham gia và đóng góp
Đây là lời mời gọi tương đối mạnh mẽ của Giáo hội dành cho người trẻ. Một mặt các vị chủ chăn cởi mở hơn, lắng nghe và cộng tác hơn với người trẻ. Mặt khác trong tiến trình hiệp hành, phần đông tín hữu (nhất là người trẻ) cảm thấy vui, vinh dự và hạnh phúc khi được tham gia phục vụ nhà Chúa. Những buổi gặp gỡ giúp người tín hữu ý thức hơn về sự bình đẳng về phẩm giá cũng như trong hoạt động xây dựng Hội Thánh. Trong tiến trình này, người trẻ cần ý thức mình là người đồng trách nhiệm với cha xứ để dựng xây Giáo hội địa phương. Điều này tuy còn mới, nhưng với năm tháng và với sự nỗ lực của người trẻ, Giáo hội sẽ trở nên nhà của mọi người.
Mở ngoặt nơi đây, nếu bạn còn gặp khó khăn với lời mời gọi này, xin cứ bình tĩnh để cùng nhau gỡ rối. Về phía người trẻ, chúng ta kiên nhẫn và quảng đại chia sẻ với cha xứ những thao thức của mình. Về phía cha xứ, như là những nhà lãnh đạo, lắng nghe và đón nhận những đóng góp của người trẻ. Chắc chắn giáo xứ không phải của riêng cha xứ, nhưng là thuộc về mọi người và cho mỗi người. Cha xứ cũng mong ước người trẻ trao dồi khả năng và mạnh dạn cống hiến trong tiến trình hiệp thông. Như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận xét: “Cản trở lớn nhất của hiệp thông là “cái tôi” quá lớn của mỗi người, nhất là những người lãnh đạo. Vì thế lời mời gọi của Chúa Giêsu rất cần thiết lúc này: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
3. Truyền giáo trong truyền thông
Truyền giáo là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Người trẻ dường như có một lợi thế hơn về truyền giáo với những phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn luôn mong muốn người trẻ: “Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, việc vận dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng là đòi hỏi cần thiết.” Cả phía Giáo hội cũng cần đồng hành và lắng nghe tiếng nói giáo dân, theo thức của người trẻ, và kịp thời thông tin và hướng dẫn đời sống đức tin, giới thiệu vẻ đẹp của Tin Mừng. Để đạt mục đích này, chính người trẻ cũng cần gây ý thức và trao dồi về đạo đức truyền thông. Càng “gặp gỡ - lắng nghe - phân định”, người trẻ càng biết cách giới thiệu Thiên Chúa cho bạn bè và tha nhân trên các phương tiện truyền thông.
Mặt khác, Giáo hội cũng thao thức làm sao để người trẻ hiện diện thực cùng nhau. “Online” đôi khi kéo người trẻ lìa xa Giáo hội và Thiên Chúa. Chắc các bạn cũng đồng ý rằng Giáo hội muốn người trẻ gặp nhau “face to face, mặt giáp mặt”. Môi trường giáo xứ hẳn là chỗ để người trẻ gặp “offline”. Đây cũng là dịp để người trẻ lấy lại quân bình trước những vòng xoáy của môi trường online. Về mặt tâm lý, Giáo hội cảm thấy người trẻ hiện hiện một cách hữu hình. Sự gặp gỡ này giúp cho bầu không khí của Giáo hội địa phương thêm sinh động. Về mặt đức tin, Giáo hội không chắc “cầu nguyện online” sẽ giúp người trẻ gặp được Thiên Chúa và gặp được nhau.
4. Giáo hội muốn đi với các bạn trẻ
Người trẻ thật quan trọng biết bao. Hy vọng bạn cũng nhận ra tầm quan trọng của chính mình. Từ đó, bạn đưa mắt nhìn Giáo hội như một người thầy, người mẹ đang muốn đi cùng với bạn. Đối khi bạn thấy Giáo hội đi trước đoàn chiên. Mục đích là để hướng dẫn bạn đây. Đôi khi bạn thấy Giáo hội muốn đi giữa với các bạn để khích lệ và nâng đỡ. “Sự gần gũi tạo điều kiện cho Giáo hội trở thành không gian đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ hấp dẫn.” Nhưng nhiều khi Giáo hội chủ động đi sau để giữ gìn sự hiệp nhất trong cộng đoàn của chúng ta.
Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi người điều hành Giáo hội (Giáo hoàng) nhắn với người trẻ: “Cha sẽ rất vui khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và sợ hãi. Hãy chạy và được thu hút bởi Dung Nhan yêu dấu ấy, là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể, và nhận ra trong thân xác của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con về phía trước trong cuộc chạy đua này. Hội Thánh cần động lực, trực giác và đức tin của các con. Chúng ta cần chúng! Và khi các con đến nơi mà Cha và những người khác chưa đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi Cha và họ.”
5. Muốn người trẻ nên thánh
Có lẽ đây là điểm cuối như là kim chỉ nam để người trẻ bước đi trong lòng Giáo hội. “Nên thánh không phải là ý tưởng mơ hồ.” – Giáo hội nhấn mạnh. Người trẻ ý thức Thiên Chúa kêu gọi mình trở nên thánh thiện. Chúng ta cũng được mời gọi như thế. Thực vậy, Giáo hội mời gọi mỗi người trên mọi nẻo đường của mình, hãy trở nên thánh “người này theo cách này, nhưng người kia thì theo cách khác”. Chẳng hạn vì yêu mến Chúa Giêsu, bạn cố không nói hành nói xấu. Vì muốn thao thức cùng Giáo hội, bạn cố gắng chu toàn bổn phận của mình.
Tôi thấy người trẻ cần tránh hai thái cựu nguy hiểm này:
- Thế gian là chốn đọa đày. Chúng ta phải thoát tục, rời xa thế giới, loại bỏ những gì là phàm tục để hướng đến thế giới thánh thiêng. Người cực đoan hơn cho rằng: “Không có chuyện thánh thiện trong xã hội này, trong công việc làm ăn, trong những chuyện hằng ngày đều nhuốm mùi tội lỗi.” Họ muốn tách bạch chuyện đạo và chuyện đời. Muốn nên thánh, họ phải thoát đời, phải học hành, dấn thân sâu vào thế giới thiêng liêng như những thần học gia. Trước thực trạng này, Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo tất cả những ai có khả năng học cao biết rộng trong Giáo hội, trước cơn cám dỗ muốn nâng niu “một cảm giác ưu việt nào đó trên các tín hữu khác”.
- Tôi muốn nên thánh mà thậm chí không cần Thiên Chúa giúp. Ý chí đóng vai trò quan trọng hơn cả ân sủng của Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng diễn tả điều này bằng một cụ từ: “Một ý chí thiếu khiêm tốn”. Muốn nên thánh là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là: nên thánh với một tinh thần khiêm tốn. Nói cách khác, ân sủng của Thiên Chúa phải đóng một vai trò quan trọng. “Người ta được chọn không phải vì muốn hay vì chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót” (Rm 9,16), và cũng quên mất rằng, “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19).
Để lướt thắng hai kẻ thù trên đây, thao thức của Giáo hội là làm sao để dẫn người trẻ đến với ba nhân đức đối thần. Lý do là những nhân đức này luôn lấy Thiên Chúa làm đối tượng và nguyên lý. Đức Mến đứng trong trung tâm điểm của các nhân đức ấy. Điều thực sự đáng kể, như Thánh Phaolô nói, chính là “Đức Tin hành động nhờ Đức Ái” (Gl 5,6). Chúng ta được kêu gọi hãy lưu tâm tới Đức Ái: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu thương thì đã chu toàn Lề Luật. Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10). “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Gl 5,14) (x. số 60).
Tạm kết
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp người trẻ hiểu hơn về Giáo hội. Càng dấn thân cùng thao thức với Giáo hội, bạn càng biết mình phải là gì. Chỉ có người vô cảm mới không cùng nhịp đập với tha nhân, hoặc với Giáo hội. Bạn không phải là người vô cảm, nhưng là một người con đồng cảm với Giáo hội. Cứ đối thoại và dấn thân để biết mình nên làm gì trong Giáo hội hiện nay, bạn nhé!
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com