“Đức Maria là cánh cửa qua đó Chúa Kitô bước vào thế giới này”
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói: "Khởi đầu một năm mới mà Chúa ban cho cuộc đời chúng ta, thật tốt khi chúng ta có thể hướng mắt và tâm hồn lên Đức Maria. Bởi vì như một người Mẹ, Mẹ nhắc chúng ta về mối quan hệ với Chúa Con: Mẹ đưa chúng ta trở lại với Chúa Giêsu, Mẹ nói với chúng ta về Chúa Giêsu, Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa một lần nữa đưa chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm Giáng Sinh: trong cung lòng Đức Maria, Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta, và chúng ta, những người đã mở Cửa Thánh để khai mạc Năm Thánh, hôm nay được nhắc nhở rằng “Đức Maria là cánh cửa qua đó Chúa Kitô bước vào thế giới này” (S. AMBROGIO, Thư 42, 4: PL, VII).
Thánh Tông đồ Phaolô tóm tắt Mầu nhiệm này khi nói rằng “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến, sinh bởi một người phụ nữ” (Gl 4,4). Những lời này - "sinh bởi một người phụ nữ" - hôm nay vang vọng trong tâm hồn chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, đã nhập thể và mặc khải chính Người trong sự mỏng dòn của xác thịt.
Sinh bởi một người phụ nữ: Người được sinh ra bởi một người phụ nữ và là một người giữa chúng ta
Đức Thánh Cha suy tư: Sinh bởi một người phụ nữ. Cách diễn đạt này trước hết đưa chúng ta trở lại Lễ Giáng Sinh: Ngôi Lời đã làm người. Khi nói rõ rằng Chúa Kitô được sinh ra bởi một người phụ nữ, Thánh Tông đồ Phaolô hầu như cảm thấy cần phải nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa thực sự đã trở thành con người qua cung lòng con người. Có một cám dỗ làm mê hoặc nhiều người ngày nay nhưng cũng có thể quyến rũ nhiều Kitô hữu: tưởng tượng hoặc bịa đặt một Thiên Chúa “trừu tượng”, được gắn liền với một ý tưởng tôn giáo mơ hồ, với một cảm xúc tốt lành nào đó thoáng qua. Trái lại, Người được sinh ra bởi một người phụ nữ, có một khuôn mặt và một cái tên, và kêu gọi chúng ta có tương quan với Người. Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta, được sinh ra bởi một người phụ nữ; Người bằng xương bằng thịt; Người đến từ cung lòng Chúa Cha, nhưng nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria; Người đến từ trời cao nhưng lại ở sâu trong lòng đất; Người là Con Thiên Chúa nhưng đã trở thành Con Người. Là hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng, Người đã đến trong sự yếu đuối; và mặc dù không tì vết, nhưng “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Người được sinh ra bởi một người phụ nữ và là một người trong chúng ta: chính vì lý do này mà Người có thể cứu độ chúng ta.
Sinh bởi một người phụ nữ: Thiên Chúa hành động qua sự nhỏ bé và âm thầm
Sinh bởi một người phụ nữ. Cách diễn đạt này cũng nói với chúng ta về nhân tính của Chúa Kitô, để cho chúng ta biết rằng Người tỏ mình ra trong sự mỏng dòn của xác thịt. Nếu Người hạ sinh từ lòng một người phụ nữ, được sinh ra như mọi thụ tạo, thì ở đây Người tỏ mình ra trong sự bé nhỏ của một Hài Nhi. Đó là lý do tại sao các mục đồng khi đi xem những gì Thiên Thần đã loan báo cho họ, đã không tìm thấy những dấu lạ phi thường hay những biểu hiện hoành tráng, nhưng “họ đã gặp Đức Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Họ tìm thấy một trẻ sơ sinh yếu đuối, bé nhỏ, cần sự chăm sóc của mẹ, cần tã lót và sữa, cần sự vuốt ve và yêu thương.
Thánh Louis Marie Grignion de Montfort nói rằng sự Khôn ngoan của Thiên Chúa “không muốn, mặc dù có thể làm như vậy, trực tiếp trao ban chính mình cho con người, nhưng thích trao ban chính mình qua Đức Thánh Trinh Nữ. Người cũng không muốn chào đời ở độ tuổi của một con người trưởng thành hoàn toàn, độc lập với người khác, nhưng như một đứa trẻ nghèo và bé nhỏ, cần sự chăm sóc và nuôi dưỡng của Mẹ mình” (Chuyên luận về lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ, 139). Và trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy cách Thiên Chúa hành động: qua sự nhỏ bé và âm thầm. Chúa Giêsu không bao giờ khuất phục trước cám dỗ thực hiện những dấu chỉ lớn lao và áp đặt mình lên người khác, như ma quỷ đã gợi ý. Ngược lại, Người đã bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa trong vẻ đẹp của nhân tính của Người, cư ngụ giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống hằng ngày, những nỗ lực và ước mơ của chúng ta, thương xót những người đau khổ về thể xác và tinh thần, ban ánh sáng cho người mù và sức mạnh cho người nản lòng. Ba thái độ của Thiên CHúa là: thương xót, gần gũi và cảm thông. Thiên Chúa đến gần chúng ta, thương xót và cảm thông. Chúng ta đừng quên điều này. Qua sự yếu đuối của nhân tính của Người và sự quan tâm của Người đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa.
Gặp Chúa Giêsu và tìm kiếm Người nơi khuôn mặt mỗi người
Đức Thánh Cha nói tiếp: Thưa anh chị em, thật tốt khi chúng ta suy tư về cách mà Đức Maria, thiếu nữ Nazareth, luôn luôn dẫn chúng ta trở lại Mầu nhiệm của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đến trong xác thịt và do đó, chúng ta có thể gặp gỡ Người, trên hết, trong cuộc sống của chúng ta, trong nhân tính mong manh của chúng ta, nhân tính của những người đi ngang qua chúng ta hàng ngày. Khi kêu cầu Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta khẳng định rằng Chúa Kitô được sinh ra từ Chúa Cha, nhưng thực sự được sinh ra bởi một người phụ nữ. Chúng ta khẳng định rằng Người là Chúa thời gian nhưng Người ngự trong thời gian này của chúng ta, ngay cả năm mới này, với sự hiện diện yêu thương của Người. Chúng ta khẳng định rằng Người là Đấng Cứu Thế, nhưng chúng ta có thể gặp Người và được mời gọi tìm kiếm Người nơi khuôn mặt mỗi người. Và nếu Người, Con Thiên Chúa, đã trở nên nhỏ bé để được bồng ẵm trong vòng tay mẹ, được chăm sóc và cho bú mớm, thì điều đó có nghĩa là ngay cả ngày nay, Người cũng đến với tất cả những ai cần được chăm sóc như vậy: với mọi anh chị em mà chúng ta gặp và những người cần sự quan tâm, lắng nghe, dịu dàng.
Bảo vệ món quà sự sống quý giá
Chúng ta hãy phó thác năm mới này cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để chúng ta cũng học như Mẹ cách tìm ra sự cao cả của Thiên Chúa trong những điều nhỏ bé của cuộc sống; để chúng ta học cách chăm sóc mọi thụ tạo được sinh ra bởi một người phụ nữ, trước hết bằng cách bảo vệ món quà sự sống quý giá, như Đức Maria đã làm: sự sống trong lòng mẫu tử, sự sống của trẻ em, sự sống của những người đau khổ, sự sống của người nghèo, cuộc sống của những người già, của những người cô đơn, của những người đang hấp hối. Và hôm nay, Ngày Thế giới Hoà bình, tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận lời mời gọi xuất phát từ trái tim hiền mẫu của Đức Maria: bảo vệ sự sống, chăm sóc những sinh mạng bị thương tích, khôi phục phẩm giá cho sự sống của mọi “người được sinh bởi người nữ”, bởi vì đây là nền tảng cơ bản cho việc xây dựng nền văn minh hòa bình. Vì lý do này, “tôi yêu cầu một sự dấn thân cương quyết nhằm thúc đẩy việc tôn trọng phẩm giá sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, để mỗi người có thể yêu quý sự sống của mình và nhìn về tương lai với niềm hy vọng” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình LVIII, 01/01/2025).
Phó thác toàn bộ thế giới cho Mẹ
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, đang chờ đợi chúng ta ngay tại hang đá Giáng sinh. Mẹ cũng chỉ cho chúng ta thấy, giống như đã chỉ cho các mục đồng, sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Đấng không đến trong vẻ huy hoàng của các tầng trời nhưng trong máng cỏ nhỏ bé. Chúng ta hãy phó thác Năm Thánh mới này cho Mẹ, chúng ta hãy trao cho Mẹ những câu hỏi, những lo lắng, đau khổ, niềm vui và tất cả những gì chúng ta mang trong lòng. Mẹ là mẹ chúng ta. Chúng ta hãy phó thác toàn bộ thế giới cho Mẹ để niềm hy vọng được tái sinh, để hòa bình cuối cùng có thể nảy sinh cho tất cả các dân tộc trên Trái đất.
“Thánh Mẫu Thiên Chúa"
Lịch sử cho chúng ta biết rằng ở Êphêsô, khi các Giám mục bước vào nhà thờ, các tín hữu tay cầm gậy đã hô lên: “Mẹ Thiên Chúa!”. Và chắc chắn những cây gậy là lời hứa hẹn về điều sẽ xảy ra nếu các Giám mục không tuyên bố tín điều “Mẹ Thiên Chúa”. Ngày nay chúng ta không có gậy, nhưng có trái tim của người con, tiếng nói. Vì lý do này, tất cả chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Tất cả cùng nhau mạnh mẽ. Tất cả cùng nhau đọc: “Thánh Mẫu Thiên Chúa”, ba lần. Chúng ta hãy cùng nhau đọc: “Thánh Mẫu Thiên Chúa, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Thánh Mẫu Thiên Chúa”.
Vatican News
Nguồn: Vatican News