Tại Castel Gandolfo, trong Làng Laudato si’, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã chủ tế thánh lễ đầu tiên cầu cho việc bảo vệ Công trình tạo dựng. Không gian này được Đức Phanxicô mong muốn vào năm 2023, và nằm trong dinh thự mùa hè của các Đức Giáo hoàng cách Rôma 25 km, thể hiện một sáng kiến quan trọng đào tạo về hệ sinh thái toàn diện, dành cho tất cả những ai muốn đào sâu mối liên hệ của họ với Công trình tạo dựng.

Đức Thánh Cha chỉ ra trong bài giảng : “Làng Laudato si’, nơi chúng ta đang ở, muốn trở thành, theo trực giác của Đức Thánh Cha Phanxicô, một ‘phòng thí nghiệm’ trong đó chúng ta phải sống hòa hợp với Công trình tạo dựng vốn là nơi chữa lành và hòa giải cho chúng ta“, bằng cách “phát triển những cách thức mới và hiệu quả để chăm sóc thiên nhiên đã được giao phó cho chúng ta“.

Khủng hoảng sinh thái và các cuộc xung đột

Quả thế, Đức Lêô XIV đã thu hút sự chú ý đến tình trạng “một thế giới đang nung đốt, cả vì sự nóng lên toàn cầu và các cuộc xung đột vũ trang”, điều này khiến “sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti” trở nên thời sự. Với tình yêu vô hạn, “Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng mọi sự, ban cho chúng ta sự sống”: đây là lý do tại sao “thánh Phanxicô Assisi gọi các thụ tạo là anh em, chị em, mẹ”. Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “có cái nhìn chiêm niệm” để có thể “thay đổi mối quan hệ của chúng ta với các thụ tạo và giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng sinh thái gây ra sự đổ vỡ các mối quan hệ với Thiên Chúa, với người lân cận và với trái đất, vì tội lỗi”.


Tiếng kêu của trái đất

Ngài nhấn mạnh, việc chăm sóc Công trình tạo dựng, mang lại hòa bình và hòa giải vẫn là “sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho chúng ta”. Đức Thánh Cha nói rằng tiếng kêu của trái đất và của người nghèo cần được lắng nghe bởi vì nó đã chạm đến trái tim của Thiên Chúa. Ngài nói : “Sự phẫn nộ của chúng ta là sự phẫn nộ của Ngài, công việc của chúng ta là công việc của Ngài”.

Sức mạnh thống trị cơn bão

Bài giảng của Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh việc loan báo Nước Thiên Chúa qua các dụ ngôn của Chúa Giêsu, những dụ ngôn cho thấy mối liên hệ sâu xa với đất và nước, với nhịp sống của các mùa và đời sống của các thụ tạo. Nhưng cả phép lạ Chúa Giêsu thực hiện trên thuyền khi Người ở với các môn đệ. Đối mặt với biển động dữ dội, mọi người đều sợ hãi cầu cứu sự giúp đỡ của Người. Lúc đó, Chúa Giêsu đứng dậy, răn đe gió và biển, và trời trở nên yên lặng như tờ. “Người này là ai mà gió và biển đều vâng lệnh?” (Mt 8, 27). Đức Thánh Cha nói: “Sự ngạc nhiên, mà câu hỏi này khơi dậy, là bước đầu tiên giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi”. Bằng cách đẩy lùi gió và biển, “Chúa Giêsu biểu lộ quyền năng sự sống và ơn cứu độ của Người, quyền năng thống trị các sức mạnh khiến các tạo vật cảm thấy tuyệt vọng”.

Nỗi sợ hãi của các môn đệ trước cơn bão có thể so sánh với nỗi sợ hãi của “một bộ phận lớn nhân loại”. Tuy nhiên, “tại tâm điểm của Năm Thánh, có niềm hy vọng! Chúng ta đã gặp nó nơi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế giới. Người luôn có toàn quyền làm yên cơn bão. Sức mạnh của Người không làm xáo trộn, nhưng tạo dựng; nó không phá hủy, nhưng làm cho hiện hữu, mang lại sự sống mới.


Bí tích Thánh Thể và Công trình tạo dựng

Vào cuối bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại Bí tích Thánh Thể “mang lại ý nghĩa và hỗ trợ cho công việc của chúng ta như thế nào”. Bởi vì, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, “trong Bí tích Thánh Thể, công trình tạo dựng tìm thấy sự nâng cao nhất của mình. Ân sủng, vốn có xu hướng tự biểu hiện một cách nhạy cảm, đạt đến một biểu hiện kỳ diệu khi chính Thiên Chúa, làm người, đến cho thụ tạo ăn chính mình“. Ngài đã ca ngợi Chúa, Đấng “ở đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, muốn đạt đến sự thân mật của chúng ta thông qua một mảnh vật chất. Không phải từ trên cao, nhưng từ bên trong, để chúng ta có thể gặp Người trong thế giới của chúng ta“.

“Lạy Chúa, các công trình của Chúa ca ngợi Chúa để chúng con yêu mến Chúa, và chúng con yêu mến Chúa để các công trình của Chúa ca ngợi Chúa (Thánh Augustinô, Tự Thuật, XIII, 33, 48).”

Chuyển ngữ: Tý Linh

Theo Myriam Sandouno – Vatican News

Nguồn: xuanbichvietnam.net