Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm C - 2024
(Mk 5, 1-4a; Dt 10, 5-10; Lc 1, 39-45)
Anh chị em thân mến,
Trong ngày Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng, gần đến ngày lễ Giáng Sinh, các bài đọc trong thánh lễ giới thiệu cho chúng ta những yếu tố liên quan đến việc Đức Maria mang thai Đấng Cứu Thế.
Trong bài đọc I, tiên tri Mika cho thấy từ Belem sẽ sinh ra “Đấng thống trị Israel và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời”. Belem là một địa danh nổi tiếng, vì là nơi chôn cất bà Rachel, vợ của tổ phụ Giacop (St 35, 19), và là quê quán của vua Đavid, được coi như tổ phụ của Đấng Cứu Thế, như lời của tiên tri Is : “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ CHÚA” (Is 11, 1-2). Hay như lời của tiên tri Gr: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho David một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước” (23, 5).
Những lời tiên tri này về nơi sinh của Đấng Cứu Thế không xa lạ với người dân Israel. Vì thế, khi Chúa Giêsu sinh ra, các nhà đạo sĩ đã thấy ngôi sao lạ xuất hiện trên trời, và họ biết chắc là có một vị minh quân ra đời, nên họ đã đi theo ánh sao để bái lạy Ngài. Đến Giêrusalem, ánh sao lạ biến mất, nên họ đã vào hoàng cung để hỏi thăm về vị vua mới sinh. Vua Hêrôđê cho triệu tập các thượng tế và kinh sư để hỏi thăm “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Họ trả lời ngay: “Tại Belem, miền Giude, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2, 5-6).
Ở câu cuối bài đọc I, Mika còn nhấn mạnh “Người sẽ là chính sự bình an”. Tiên tri Is cũng nhắc đến Đấng Cứu Thế là “Hoàng tử bình an” (Is 9, 5). Và khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Belem, các thiên thần ca hát rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14).
Bài Tin Mừng trình bày cuộc gặp gỡ giữa Đức Mẹ và bà Elisabeth trong niềm vui.
“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa”. Cách diễn tả “vội vã lên đường” dễ làm cho chúng ta có cảm tưởng là sau khi nghe thiên thần báo tin: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (c. 36), là Mẹ lập tức lên đường ngay. Nhưng Lc muốn diễn tả rằng Mẹ đã không chậm trễ lên đường đi thăm bà Elisabeth trong niềm vui, và ước ao thông truyền niềm vui cho những ai muốn nghe và chia sẻ ân sủng Mẹ đã lãnh nhận. Bời vì, với khoảng cách gần 120 cây số giữa Nazareth và Belem, Mẹ phải đi mất hơn 03 ngày đường, cho nên Mẹ phải vội vã đi trên đoạn đường dài đó.
Niềm vui của Mẹ khi gặp bà Elisabeth được diễn tả qua 2 cách: qua lời chào của Mẹ, và qua ơn của Chúa Thánh Thần. Thánh Lc kể là khi bà Elisabeth nghe lời chào của Mẹ Maria, “thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà”. Người ta tự hỏi: sự kiện “hài nhi nhảy mừng trong lòng” và “bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần” là do sự hiện diện của Mẹ, được hiểu là sự hiện diện của Đấng Cứu Thế đang ở trong lòng Mẹ, hay là do sự hiện diện của Mẹ được diễn tả qua lời chào thăm?
Đương nhiên là nhờ sự hiện diện của Đấng Cứu Thế mà Mẹ đang mang trong lòng. Nhưng sự hiện diện âm thầm của Chúa được con người khám phá dựa vào những biểu hiện bên ngoài. Nếu Mẹ Maria chỉ chào bằng cử chỉ cúi đầu, và bà Elisabeth cũng đáp lại như thế, mà không diễn tả điều mình cảm nhận bằng lời nói, có lẽ người đọc đoạn Tin Mừng này sẽ không hiểu được điều gì đang diễn ra giữa hai chị em.
Chúng ta có thể nói rằng chính lời chào mừng của Mẹ đã biểu lộ một niềm vui và sự yêu thương đến độ mà bà Elisabeth đã khám phá ra sự hiện diện của Đấng cứu thế, qua việc hài nhi nhảy mừng trong lòng mình. Cũng như nhờ việc bà Elisabeth lên tiếng ca tụng Mẹ, mà mọi người biết được bà đã cảm nhận thế nào khi nghe lời chào của Mẹ. Bà nói: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”. Và bà Elisabeth đã nhấn mạnh rằng Mẹ đã được ân huệ mang thai Con Chúa, vì Mẹ đã dám tin vào Lời Ngài: “Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”.
Anh chị em thân mến,
Mẹ Maria là mẫu gương về đời sống đức tin cho mọi người tín hữu. Mẹ, là người “thiếu nữ Sion”, đã được thừa hưởng niềm tin của cha ông như: tổ phụ Abraham luôn nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của đời mình, và luôn tin vào sự quan phòng của Ngài; hay như Moisen luôn “vững vàng không nao núng trong mọi thử thách, như thấy Đấng Vô Hình” (Dt 11, 27). Mẹ thì hằng ghi nhớ những hồng ân Chúa đã thực hiện trong đời mình, “và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19. 51), nhưng Chúa luôn tìm cách diễn tả niềm vui đó ra bên ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, để những người chung quanh có thể nhận biết và chia sẻ niềm vui đó.
Khi Hài Nhi sinh ra âm thầm trong máng cỏ hang lừa, Chúa đã cho ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời, đã cho thiên thần báo tin cho các mục đồng.
Khi thánh Giuse và Đức Mẹ âm thầm dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, thì Chúa cho cụ già Simeon và bà Anna nhận biết để dâng lời chúc tụng và nói tiên tri về tương lai con trẻ.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, niềm vui của Mẹ còn giấu kín trong lòng, thì bà Elisabeth đã được Thánh Thần soi sáng cho biết. Mẹ giấu kín niềm vui, vì Mẹ muốn sống tâm tình khiêm cung của người Nữ Tỳ luôn sống tâm tình tin yêu, phó thác. Còn Chúa muốn biểu lộ những điều còn giấu kín, vì Ngài muốn nhiều người được chia sẻ và được hưởng những ân lộc yêu thương của Ngài.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho từng người tín hữu chúng ta biết noi gương Mẹ, biết “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” những ân huệ Chúa đã ban cho mình, và đồng thời, cũng một cách nào đó, không phải để khoe khoang, nhưng là chia sẻ một cách kín đáo với những anh chị em sống chung quanh niềm vui của người con cái Chúa.
Chúng ta cũng nên bắt chước bà Elisabeth, tỉnh táo nhận ra những dấu hiệu Chúa gởi đến trong đời sống thường ngày, để có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa đúng lúc, đúng thời.
Chúng ta cũng nhớ rằng đời sống của mỗi con người là một huyền nhiệm. Và Chúa ban cho mỗi người những ân sủng khác nhau. Chúng ta cần biết chia sẻ, thông truyền những ân sủng mình đã được đón nhận cho người khác, để bổ túc cho nhau và để khích lệ nhau sống trọn vẹn cuộc đời của người con cái Chúa. Những ân sủng còn giấu kín, được diễn tả bằng lời nói và những cử chỉ bên ngoài, có thể giúp cho người thân của chúng ta nhận biết.
Niềm vui Giáng Sinh cần được chia sẻ với người chung quanh trong sự khiêm tốn và tế nhị. Hãy bày tỏ cho những người thân của mình, với bố mẹ và anh chị em, bằng những lời nói, cử chỉ cụ thể, chứng tỏ rằng chúng ta yêu thương họ, chúng ta hiểu được ý nghĩa của Mầu Nhiệm Giáng Sinh là Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã nhập thể làm người, để đem lại cho con người niềm vui được làm con Thiên Chúa.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.
Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản