Chúa Nhật III Mùa Vọng năm C - 2024

(Sp 3, 14-18a; Pl 4, 4-7; Lc 3, 10-18)

Anh chị em thân mến,

Bước vào Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng, các bài đọc hôm nay gợi lên cho ngưởi tín hữu chúng ta niềm vui, vì sau khi nghe lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng bị đánh động như những người do-thái thiện chí ngày xưa, nên đã có những tâm tình hoán cải, muốn thay đổi cuộc sống, và quyết tâm muốn sống đời sống mới bằng những việc làm cụ thể.

Lời của tiên tri Sophonia đem lại cho chúng ta niềm an ủi: “Chúa hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng, Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ qui tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi”. Chúng ta cũng gặp lại niềm vui này trong các dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Tin Mừng Luca: “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải” (Lc 15, 10).

Thánh Phaolo nhắc nhở trong bài đọc 2: “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 5-6).

Trong bài Tin Mừng, thánh Lc cho chúng ta thấy lời rao giảng của Gioan đã tác động đến người nghe như thế nào. Có thể lời rao giảng của Gioan hơi đanh thép và nhấn mạnh đến hình phạt của ngày thế mạt, như: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3, 10), nên làm cho người nghe có cảm giác sợ hãi. Nhưng qua các câu hỏi của các nhóm người nghe ông giảng, từ những người thu thuế tội lỗi đến những binh lính, “chúng tôi phải làm gì?”, và qua câu trả lời của Gioan, chúng ta không thấy một tâm trạng sợ hãi, cho bằng một thiện chí muốn sống tốt hơn cho phù hợp với Lề Luật Chúa và lương tâm của mình.

Gioan không đòi hỏi họ thay đổi mối quan tâm trong cuộc sống, nhưng là sửa đổi đời sống, thực hiện ước mơ của mình trong tinh thần tôn trọng con người và tôn trọng Lề Luật Chúa.

Đối với tất cả mọi người, ngài đòi hỏi điều căn bản như Is đã nói trước đây: thực hành đức bác ái, chia sẻ cơm bánh cho người đói khát, tiếp đãi người không nơi cư ngụ, chia sẻ áo quần cho những người thiếu thốn (Is 58, 7), nghĩa là sử dụng những ơn lành Chúa ban cho mình một cách hợp lý theo đúng ý Chúa.

Những nhóm đặc biệt thì ngài nhấn mạnh là phải giữ khỏi lạm dụng những điều mà nghề nghiệp của họ tạo ra. Những người thu thuế phải công bằng và không được đòi hỏi quá mức qui định. Những người lính phải bằng lòng với đồng lương của mình và không lạm dụng quyền để cướp giật tiền bạc, của cải của người dân. Những “người lính” này có thể là những người do-thái được tuyển dụng để hổ trợ cho những người thu thuế hoàn thành bổn phận (Lagrange).

Những lời khuyến dụ của Gioan cho thấy ngài tin tưởng vào thiện chí của những người dân bình thường, người thu thuế và binh lính vẫn có thể mang lại “những hoa trái xứng với lòng hoán cải”.

Trong phần thứ 2 của bài Tin Mừng, có hai điều chúng ta cần phải tìm hiểu rõ hơn, đó là “ai là người mạnh thế hơn Gioan”, và phép rửa của Gioan khác với phép rửa của Chúa Giêsu như thế nào.

Trong khi dân chúng mong đợi Đức Kitô, và khi thấy hành động của Gioan, người ta tự hỏi “ông có phải là Đức Kitô không?”, thì ông lại trả lời: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (3, 16).

Từ ngữ “Đấng có quyền năng hơn”, tìm thấy trong trình thuật kể về việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị câm, và một số người cho rằng Ngài dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ (Lc 11, 22). Trong câu chuyện đó, Chúa Giêsu là Đấng quyền năng hơn so với Satan là kẻ có quyền năng. Còn trong đoạn này, Chúa Giêsu là Đấng quyền năng hơn Gioan, không hiểu theo nghĩa là Ngài chiến thắng Gioan, nhưng theo nghĩa là “Ngài được trang bị tốt hơn Gioan để chiến thắng Satan”, bời vì Ngài chiếm hữu tròn đầy Thánh Thần Thiên Chúa, nguồn của quyền năng và sức mạnh (x. 3, 22 và 4, 11).

Gioan nói rõ rằng phép rửa bằng nước mà ông thực hiện chỉ là một nghi thức bày tỏ lòng thống hối, còn Đấng sẽ đến sau sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa, ban ơn cứu rỗi.

Trong cuộc đối thoại với Nicodemo (Ga 3, 1-8), Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí”. Trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 1-4), Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu trên từng người. Trong sách GLHTCG số 1258 và 1259 đề cập đến trường hợp của những người chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng đã chấp nhận chịu chết vì đức tin, hay những người dự tòng chết trước khi lãnh bí tích rửa tội, được coi như là những người đã lãnh phép rửa tội bằng máu hoặc bằng lòng ước muốn. Qua những trường hợp này, chúng ta thấy điều căn bản làm nên phép rửa ban ơn tha tội là chính Chúa Thánh Thần. Chính Ngài giúp con người đón nhận Chúa Giêsu, tin vào Ngài, hoán cải đời sống, và bước vào trong sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thật là khó để giải thích về câu: “Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa”. Nó có thể chỉ chung chung về ơn của Thánh Thần như lời Chúa Giêsu nói trước khi về trời: “ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 5). Hay như lời của Phêrô trình bày với các Tông Đồ về việc đến rao giảng tại nhà Cornelio, người ngoại giáo: “Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: ‘Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần” (Cv 11, 15-16).

Câu “Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa” có thể hiểu theo nghĩa rộng về toàn bộ công việc của Đấng Mesie, công trình thanh tẩy và thánh hóa. Những ơn Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần được biểu thị dưới hình lưỡi lửa (Cv 2, 2), và lửa, yếu tố có vẻ thiêng liêng hơn nước, được dùng để diễn tả về tiến trình thanh tẩy trong nhiều bản văn Cựu Ước (Is 1, 25; Gr 6, 29). Người ta thấy ở đây tổng hợp hai truyền thống : một bên là thấy trong lời của Gioan lời tiên tri về ơn Thánh Thần do Đức Kitô mang đến, trong khi trông chờ kỷ nguyên của Đấng Mesie (Ez 36, 27), và truyền thống kia đã hiểu rằng đối với Gioan, kẻ mạnh thế hơn là người sẽ đến trong ngày cuối cùng, công bố ngày phán xét chắc chắn theo những cách nói khải huyền: “Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.

Anh chị em thân mến,

Việc chuẩn bị tâm hồn trong Mùa Vọng là điểm nhấn giúp cho người tín hữu luôn giữ được trạng thái luôn sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến trong cuộc sống thường ngày. Nhờ việc sẵn sàng như thế, mà người tín hữu luôn sống trong tâm tình phó thác và vui tươi đón nhận mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời của mình.

Năm nay, bầu khí Mùa Vọng và Giáng Sinh khác hẳn những năm trước. Chúng ta chuẩn bị bước vào Năm Thánh 2025, kỷ niệm 1.700 năm Công Đồng đại kết Nicêa, với chủ đề “NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH CỦA NIỀM HY VỌNG”. Trong thư gởi cho ĐTGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ Tân Phúc Âm hóa, về Năm Thánh 2025, ĐTC Phanxicô viết: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được truyền trao cho mình, đồng thời giúp mọi người lấy lại sức mạnh và sự chắc chắn mới để hướng về tương lai với một tinh thần cởi mở, một tâm hồn tín thác, và tầm nhìn rộng lớn. Năm Thánh sắp tới có thể góp phần to lớn vào việc khôi phục bầu khí hy vọng và tin tưởng như một khúc dạo đầu của sự đổi mới và tái sinh mà tất cả chúng ta đều cho là cấp bách; đó là lý do tại sao tôi đã chọn chủ đề của Năm Thánh là “Những người lữ hành của niềm Hy vọng”. Điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng phục hồi cảm thức về tình huynh đệ đại đồng và không nhắm mắt làm ngơ trước thảm trạng nghèo đói tràn lan, ngăn cản hàng triệu người nam nữ, người trẻ và trẻ em sống xứng đáng với phẩm giá con người. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều người tị nạn buộc phải rời bỏ xứ sở của họ. Ước gì tiếng nói của người nghèo được lắng nghe trong suốt thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh, điều này có nghĩa là hãy trả lại quyền hưởng dùng hoa màu từ đất đai cho tất cả mọi người”.

Chúng ta cùng hiệp ý với ĐTC và toàn thể Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Giáng Sinh sắp tới trong niềm vui và trong tình bác ái, để có thể góp phần nuôi dưỡng niềm hy vọng cho những anh chị em sống chung quanh chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản