CN I Mùa Vọng năm C 2024
(Gr 33, 14-16; 1 Th 3, 12-4, 2; Lc 21, 25-28. 34-36)
Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bài giảng về sự sụp đổ của thành Giêrusalem và đi trước bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Tại sao vào ngày Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, ngày khởi đầu của năm phụng vụ mới, Giáo Hội lại mời gọi chúng ta nghe đoạn Tin Mừng nói về ngày thế mạt ? Đó là lời nhắc nhở về thái độ khôn ngoan của người kitô hữu: điểm đến đã bắt đầu trong điểm khởi đầu, lịch sử nằm trong chương trình của Thiên Chúa, Ngài là điểm khởi đầu và cũng là điểm đến cho toàn bộ cuộc sống của con người, cũng như của cả nhân loại. Vì thế, những bản văn nói về ngày tận thế, thường dùng lối văn khải huyền để trình bày, bởi vì điều đó vượt quá kinh nghiệm của con người. Chúng ta thử tìm hiểu một vài đặc tính của văn chương khải huyền, để có thể hiểu được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay.
Văn chương khải huyền có 4 đặc tính như sau:
1/ Trước tiên, đó là những sách được viết trong thời kỳ khốn quẫn, thường là trong chiến tranh, hay bị ngoại quốc chiếm đóng, đi kèm với việc bách hại; điều này rất đúng đối với sách Daniel và khải huyền của Gioan : trong trường hợp này, chúng gợi lên hình ảnh của những kẻ bách hại dưới những nét của những con quái vật đáng sợ; và chính vì thế mà từ "khải huyền" có thể trở thành đồng nghĩa với những nhân vật và những biến cố làm người ta khiếp sợ.
2/ Thứ đến, bởi vì chúng được viết trong thời kỳ khốn quẫn, nên sách khải huyền cũng là những sách an ủi. Mục đích là để khuyến khích các tín hữu trung thành trong niềm tin, cung cấp cho họ những lý do về lòng can đảm và niềm hy vọng, khi phải đối diện với sự bách hại.
3/ Chúng "hé mở ra", nghĩa là "kéo bức màn lên", tỏ bày khuôn mặt còn bị che khuất của lịch sử. Chúng loan báo sự chiến thắng chung cục của Thiên Chúa: từ sự kiện này, chúng luôn hướng về tương lai; dẫu cho những hiện tượng có vẻ bề ngoài, chúng không nói về một "sự tận cùng của thế giới", nhưng về một sự thay đổi của thế giới, về sự hình thành một thế giới mới, về việc "tái tạo thế giới". Khi chúng mô tả một sự xáo trộn trong vũ trụ, đó chỉ là một hình ảnh có tính cách biểu tượng diễn tả một sự đảo ngược hoàn toàn về hoàn cảnh đang sống. Tóm lại, sứ điệp của chúng muốn nói là: "Thiên Chúa sẽ nói lời cuối cùng". Sứ điệp về chiến thắng, chúng ta đã nghe điều đó trong sách Đaniel vào Chúa nhật vừa qua. Sứ điệp đó loan báo rằng Con Người, tức là dân thánh của Đấng Tối Cao, sẽ thấy một ngày nào đó các địch thù bị đánh bại và sẽ nhận được vương quốc đại đồng.
4/ Trong khi chờ đợi sự tái tạo mà Thiên Chúa hứa, chúng mời gọi các tín hữu đón nhận điều đang xảy đến với một thái độ chờ đợi tỉnh thức tích cực: cuộc sống thường ngày phải được hướng dẫn nhờ ánh sáng của niềm hy vọng này.
Bốn đặc điểm của các sách khải huyền nói trên được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
1/ Là lời nói về một thời khốn quẫn, nó mô tả những dấu hiệu kinh khủng, ngôn ngữ được mã hoá để loan báo rằng thế giới hiện tại đang qua đi : "sẽ có những dấu hiệu trên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú … tiếng ầm của biển và bão tố … những quyền năng trên trời sẽ bị rúng động".
2/ Là lời an ủi, nó mời gọi các tín hữu vững tâm: "Ơn cứu độ của ngươi đã gần tới".
3/ Là lời tỏ bày khuôn mặt còn bị che khuất của lịch sử, nó loan báo việc Con Người đến. Ở đây, Chúa Giêsu hai lần lập lại lời hứa, và rõ ràng là Ngài gán cho mình danh hiệu "Con Người", cách thế để nói rằng Ngài đứng đầu dân thánh của Đấng Tối Cao, nghĩa là những tín hữu: "Bấy giờ, người ta sẽ thấy Con Người đến trong đám mây với một quyền năng lớn lao và vinh quang vĩ đại”. “Các ngươi sẽ được xét xử xứng đáng thoát khỏi mọi điều phải xảy đến và đứng thẳng trước mặt Con Người".
4/ Sau hết, trong khi chờ đợi sự đổi mới mà Thiên Chúa hứa, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi các tín hữu đón nhận một thái độ chờ đợi trong tỉnh thức sống động, chứ không thụ động : "Khi các biến cố này bắt đầu xảy ra, hãy đứng thẳng và ngước cao đầu …" … "Hãy đứng vững, sợ rằng tâm hồn anh em ra nặng nề … hãy tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng…" "Hãy ngẩng cao đầu lên". Đó đúng là một cử chỉ thách thức, như Giêrêmia mời gọi chúng ta trong bài đọc thứ nhất : “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non. Một Đấng Công Chính để nối nghiệp David; Người sẽ trị nước theo lẽ công bằng chính trực. Trong những ngày ấy, Giuda sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp” (Gr 33, 15).
Một trong những thách thức đối với người kitô hữu nói chung là một thái độ thanh thoát, một ý lực cánh chung trong cuộc sống của mình. Làm sao vừa sống trong thế giới này, với những công việc bận bịu hàng ngày, vừa có thể tỉnh thức để nhận ra tiếng Chúa cũng như sự xuất hiện của Ngài?
Anh chị em thân mến,
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có kinh nghiệm là để có thể sống đức tin một cách tốt đẹp trong thời đại hôm nay, người kitô hữu không thể sống đơn lẻ, hay chỉ dựa vào sự cố gắng của riêng mình, nhưng cần phải có sự nâng đỡ, góp sức của tất cả mọi người. Cụ thể như điều Chúa Giêsu mời gọi trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”. Đứng trước một biến cố bất ngờ xảy đến hay được báo trước, người ta thường lúng túng và ngay từ phút đầu, không biết giải quyết như thế nào; nhưng dần dần, với sự góp ý của nhiều người, người ta sẽ từng bước tìm ra phương thức thích hợp để đối phó.
Để sống được tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện, người tín hữu không thể chỉ dựa vào lòng đạo đức của riêng mình, nhưng cần đến sự hiệp thông, đồng hành của những người khác. Mỗi người ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình, và hiểu rằng Giáo Hội là một cộng đoàn dân Chúa. Một mình tôi không thể xây dựng được Giáo Hội này, nhưng phải mời gọi mọi người cùng sống đức tin, cùng chia sẻ sứ vụ trong tinh thần hiệp thông. Giáo Hội chỉ có thể trở nên dấu chỉ Nước Trời và là Thân Mình của Đức Kitô, khi mỗi thành viên nhận ra giá trị tích cực của nhau, cùng nhau đóng góp trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt.
Trong giáo phận Hải Phòng thân yêu của chúng ta, nhiều anh chị em tín hữu sống đức tin rất là mạnh mẽ, tích cực tham gia vào trong đời sống của Giáo Hội. Tuy nhiên, cũng có một phần không nhỏ những anh chị em đã từng được lãnh bí tích rửa tội, có cha mẹ là những người công giáo, nhưng lại cảm thấy lạc lõng trong một xã hội còn xa lạ với đời sống đức tin của người công giáo, vì không được học hỏi giáo lý và không được nâng đỡ từ phía Giáo hội, cũng như của cộng đoàn. Bước vào Mùa Vọng năm nay, chúng ta cần biết quan tâm đến những anh chị em còn chưa dám xác tín vào giá trị của người con cái Chúa, qua lời cầu nguyện cũng như sự thăm viếng, để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Hải Phòng đều “đứng thẳng và ngẩng cao đầu” vì vững tin vào lòng từ ái của Thiên Chúa.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.
Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản