Máy bay dừng tại khu vực nghi lễ của sân bay Jakarta. Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia và Trưởng nghi lễ Indonesia lên máy bay chào đón Đức Thánh Cha.

Sau đó, tại chân cầu thang phía trước của máy bay, Đức Thánh Cha được chào đón bởi Bộ trưởng Bộ Tôn giáo, và hai trẻ em trong trang phục truyền thống tặng hoa cho ngài. Tiếp đến, các thành viên của hai phái đoàn của Toà Thánh và Indonesia được giới thiệu với Đức Thánh Cha và Bộ trưởng.

Từ sân bay, Đức Thánh Cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Tại đây, ngài gặp gỡ một nhóm người bệnh, người di cư và tị nạn do Cộng đoàn Thánh Egidio tháp tùng. Sau đó, ngài dùng bữa và nghỉ ngơi.

Các hoạt động của Đức Thánh Cha tại quốc gia có đa số Hồi giáo bắt đầu vào sáng thứ Tư, ngày 04/9, với cuộc viếng thăm hữu nghị tổng thống, gặp chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 10 giờ 30’. Sau đó, ngài trở về Tòa Sứ thần vào ban trưa để gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên và nghỉ trưa. Tiếp đến vào buổi chiều, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Lên Trời. Hoạt động sau cùng trong ngày đầu tiên là gặp gỡ những người trẻ của Phong trào Scholas Occurrentes tại Nhà Giới trẻ “Grha Pemuda”.

Thủ đô Jakarta

Trong ba ngày, Đức Thánh Cha viếng thăm một vùng đất có khoảng 11 ngàn cư dân. Jakarta trong tiếng Java có nghĩa là “chiến thắng và thịnh vượng”, thủ đô Indonesia nằm trên bờ biển tây bắc của đảo Java, ở cửa sông Ciliwung, có nguồn gốc bắt nguồn từ thế kỷ thứ tư, lúc đó khu vực chỉ là một cảng thương mại gọi là Sunda Kelapa.

Những người châu Âu đầu tiên đến khu vực này là các thương gia Bồ Đào Nha từ Malacca, nay là Malaysia, vào năm 1513. Sau khi bị chinh phục vào năm 1527 bởi Tướng Fatahillah, thành phố trở thành một phần của Vương quốc Hồi giáo Banten và được đổi tên thành Jayakarta. Sau đó, vùng đất còn bị người Hà Lan thống trị và đổi tên thành Batavia.

Trong Thế chiến II, những người theo chủ nghĩa dân tộc Indonesia đã chiến đấu với người Hà Lan và tuyên bố độc lập vào năm 1945. Thành phố được đổi tên thành Jakarta.

Do bị sụt lún, vào năm 2019, chính phủ đã quyết định xây một thủ đô mới trong rừng, trên đảo Borneo, ở trung tâm đất nước và trong một khu vực ít bị thiên tai. Quyết định này đã bị chỉ trích gay gắt bởi các nhà hoạt động môi trường, vì Borneo có một khu rừng nhiệt đới lâu đời nhất trên thế giới. Thành phố, hiện đang được xây dựng, được gọi là Nusantara, nghĩa là “quần đảo” trong tiếng Java, và theo kế hoạch, sẽ được hoàn thiện vào năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của quốc gia.

Tổng Giáo phận Jakarta

Tổng Giáo phận Jakarta được thiết lập vào ngày 22/8/1973, có 561.665 người Công giáo; hiện diện ở 72 giáo xứ; 75 linh mục giáo phận; 279 linh mục thường trú trong giáo phận; 49 chủng sinh; hơn 1.000 tu sĩ; quản lý 492 cơ sở giáo dục; 18 tổ chức bác ái.

Tổng Giám mục Jakarta

Tổng Giám mục Jakarta là Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, sinh năm 1950 tại Sedayu. Thụ phong linh mục cho Tổng Giáo phận Semarang ngày 26/01/1976. Được tấn phong Giám mục cho Tổng Giám mục Semarang ngày 22/8/1997. Ngày 25/7/2009, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Jakarta, và sau đó là Tổng Giám mục Chính tòa từ ngày 28/6/2010. Trong Công nghị hồng y ngày 05/10/2019, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng y.

Nguồn: Vatican News