Lễ kính Các Thánh tử đạo Hải Dương được chọn vào ngày 06 tháng 11 hàng năm. Chắc hẳn sẽ có thắc mắc tại sao lại là ngày này, bởi ba nhà thừa sai: Đức cha Giêrônimô Liêm, Đức cha Valentinô Vinh và cha Almatô Bình đều bị xử trảm ngày 01/11/1861, còn thầy Giuse Nguyễn Duy Khang tử đạo ngày 06/12/1861. Nhiều người suy đoán rằng, để mừng chung bốn thánh tử đạo, nên lấy ngày của thánh Giuse Khang và lấy tháng của ba đấng tử đạo kia, để hình thành nên ngày 06/11.
Tuy nhiên, lý luận đó không đủ thuyết phục. Trước hết, theo thứ bậc phụng vụ, Các Thánh tử đạo Hải Dương không thể mừng kính ngày 01/11, dù là ngày các ngài lãnh triều thiên tử đạo, vì đó là ngày lễ trọng kính Các Thánh nam nữ. Các Thánh tử đạo Hải Dương được mừng kính ngày 06/11, theo cha Phanxicô Xavier Đào Trung Hiệu, OP, chuyên gia giáo sử, là vì ngày này là ngày kính các Chân Phước tử đạo của dòng Đa Minh tại Á Châu. Bốn đấng tử đạo Hải Dương đều thuộc dòng Đa Minh, nên khi được phong Chân phước ngày 20/5/1906, các ngài được mừng kính theo truyền thống Đa Minh. Kể từ đó, ngày 06/11 đã trở thành ngày truyền thống mừng kính các ngài hằng năm tại linh địa Hải Dương, nơi các ngài đã đổ máu đào làm chứng cho Chúa.
Không có tài liệu nào ghi rõ về việc thiết lập ngày hành hương truyền thống này. Nhưng theo các dữ liệu để lại, đặc biệt là ngôi nhà nguyện được xây dựng năm 1907, chỉ một năm sau bốn đấng được phong chân phước, cho thấy lòng yêu mến các anh hùng tử đạo có từ khá sớm. Từ lòng yêu mến ấy đã hình thành nên các cuộc hành hương kính các ngài. Sự xuất hiện của ngôi Đền thánh nguy nga năm 1927 là một minh chứng nữa về lòng yêu mến các Chân phước tử đạo và sức sống dồi dào từ ngày hành hương đem lại cho mảnh đất thiêng này. Vì thế, từ những năm đầu của thế kỷ XX, nơi đây đã được biết đến là Trung tâm hành hương kính các đấng Chân phước tử đạo. Cũng từ đó, ngày 06/11 đã trở thành Ngày hành hương truyền thống kính Các Thánh tử đạo Hải Dương.
Trung tâm hành hương kính Các Thánh tử đạo Hải Dương đã sớm thu hút được nhiều người hành hương, bởi đây là đất thiêng, đất tử đạo. Mảnh đất này vốn là Pháp trường Năm Mẫu, nơi thấm đẫm máo đào biết bao chiến sĩ đức tin. Lịch sử Đền thánh còn ghi khắc một ngày đáng nhớ, ngày 09/5/1862, có đến 200 người đã ngã xuống làm chứng cho Chúa. Những giọt máu đào của các anh hùng tử đạo, đặc biệt của bốn đấng đã được phong hiển thánh ngày 19/6/1988, đã làm cho mảnh đất này trở nên linh thiêng và lôi cuốn nhiều người hành hướng đến tôn vinh Chúa và kính viếng các ngài.
Các cuộc hành hương, đặc biệt trong ngày hành hương truyền thống kính các Chân phước tử đạo Hải Dương ngày một tấp nập. Đời sống đức tin nơi Đền thánh luôn sinh động và sầm uất. Những người có tuổi kể lại rằng, cứ vào dịp lễ truyền thống, các bến trên các con sông quanh Hải Dương phủ kín thuyền của khách hành hương. Tuy nhiên, với biến cố di cư 1954 cùng với sự kiện Đền thánh bị bom phá huỷ năm 1967, các sinh hoạt đạo đức đã ngưng trệ, các cuộc hành hương không còn được tiếp diễn và ngày truyền thống cũng dần lu mờ. Tưởng rằng Đền thánh sẽ bị xoá sổ và ngày hành hương truyền thống sẽ mãi mãi chỉ là một kỷ niệm đẹp trôi vào dĩ vãng.
Tuy nhiên, như lời Thánh Vịnh 139,14 thổ lộ: “Công trình Chúa xiết bao kỳ diệu”, từ chỗ Đền thánh lụi tàn, Chúa đã cho hồi sinh. Đúng sau 50 năm Đền thánh bị tàn phá, trong ngày lễ hành hương truyền thống 06/11/2017, công trình tái thiết chính thức khởi công với nghi lễ làm phép khu đất xây dựng Đền thánh mới bằng đá. Cũng kể từ đây, các sinh hoạt tôn giáo được khôi phục. Sức sống của Đền thánh đang dần hồi sinh, từ cơ sở vất chất cho đến đời sống tâm linh, nhất là các cuộc hành hương đang được tái thiết lập nơi các Giáo hạt cũng như toàn thể Giáo phận.
Hành hương, xét theo khía cạnh địa dư, là cuộc hành trình đến một nơi được coi là thánh địa. Với ý hướng đó, Đền thánh tử đạo Hải Dương là một nơi hành hương đúng nghĩa. Đó cũng là lý do các cuộc hành hương đến linh địa Hải Dương đã xuất hiện ngay sau khi các đấng tử đạo được tôn vinh và ngày này đã đi vào truyền thống sống đạo của người dân Giáo phận Hải Phòng và những ai yêu mến Các Thánh tử đạo nơi đây.
Mục đích thiêng liêng của hành hương hướng tới là giúp người tín hữu gặp gỡ Chúa ngang qua cuộc đời các thánh hoặc qua các dấu tích thánh. Qua đó, nhờ ơn Chúa, người hành hương được biến đổi đời sống để phù hợp với Tin mừng, đồng thời nhận ra cuộc đời trần thế chính là cuộc lữ hành tiến về quê trời. Đây cũng là sứ điệp mà các cuộc hành hương đến linh địa Hải Dương, nhất là Ngày hành hương truyền thống kính Các Thánh tử đạo Hải Dương, muốn trao gửi cho những ai tham dự.
“Pháp trường Năm Mẫu thấm máu đào
Linh địa Hải Dương đến hành hương”
Chứng Nhân