Những ai đến linh địa tử đạo Hải Dương hôm nay không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay mỗi ngày. Cơ sở vật chất tuy còn tạm bợ, nhưng được chỉnh trang để phục vụ năm thánh hành hương. Giữa không gian chật chội, ngôi Đền thánh bằng đá vẫn không ngừng vươn lên với nét uy nghi của công trình tử đạo. Chốn hiu quạnh xưa, nay ngày một rộn vang lời kinh, tiếng hát của khách hành hương bốn phương. Các dấu hiệu ấy cho thấy di tích tử đạo Hải Dương, một thời lãng quên, hiện đang hồi sinh.
Dấu ấn Di tích tử đạo
Di tích tử đạo Hải Dương vốn là Pháp trường Năm Mẫu xưa, nơi lưu giữ chứng tích hào hùng của hàng trăm chiến sĩ đã can đảm đổ máu đào làm chứng cho Chúa. Trong đó có 4 đấng bị xử trảm năm 1861 và được phong hiển thánh năm 1988: Thánh Giêrônimô Liêm, thánh Valentinô Vinh, thánh Almatô Bình và thánh Giuse Khang. Riêng thánh Liêm được biết đến là một trong ba nhà thừa sai lỗi lạc và can đảm nhất trong lịch sử truyền giáo; một trong ba cột trụ xây dựng Giáo hội Việt Nam và cũng là khuôn mặt sáng ngời trong 117 vị thánh tử đạo trên quê hương đất Việt.
Những giọt máu đào các thánh tử đạo đã làm cho mảnh đất Năm Mẫu Hải Dương nên linh thiêng và là cội nguồn phát sinh hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội Chúa Kitô nơi Giáo phận Đông Đàng Ngoài xưa, và cách riêng Giáo phận Hải Phòng ngày nay.
Máu tử đạo trổ sinh hoa trái
Việc tử đạo của các anh hùng đức tin không chỉ là lời chứng hùng hồn cho Chúa, mà còn mang lại mùa màng bội thu, là đoàn người đông đảo tin theo Đức Kitô. Sự hưng thịnh của Giáo hội Miền Bắc trước đây đã minh chứng điều ấy. Với linh địa Hải Dương, hoa trái là các sinh hoạt đạo đức sầm uất và các tín hữu tấp nập tuôn đến hành hương. Sức sống đức tin mãnh liệt được khơi nguồn và đơm bông kết trái từ dòng máu tử đạo.
Hoa trái tử đạo tại linh địa Hải Dương còn được thể hiện qua công trình vật chất là nhà nguyện được xây dựng năm 1907, nhất là Đền thánh nguy nga năm 1927. Các công trình ấy vừa tỏ lòng sùng kính các thánh tử đạo, vừa bảo tồn thánh tích tử đạo và góp phần làm cho Giáo hội Chúa được lớn mạnh trên mảnh đất này.
Di tích tử đạo bị chìm vào quên lãng
Biến cố di cư 1954 và sự kiện hai quả bom tàn phá năm 1967 đã làm cho Đền thánh thành đống hoang tàn, chốn hiu quạnh. Đau lòng hơn, đất Đền thành nhà dân, lòng Đền thánh, vốn linh thiêng, bị người vô gia cư, nghiện ngập chiếm và làm ô uế với các tệ nạn xã hội... Đền thánh lúc ấy tựa như lời Đức Giêsu quở trách: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 46).
Các cuộc hành hương chẳng còn nữa, mà chỉ còn là tiếng thở than: “Chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa, để chúng con được Chúa xót thương” (Đn 3, 38). Thời huy hoàng dần bị lãng quên trong lặng lẽ. Những ai đến viếng đều cảm thấy xót xa cho một di tích tử đạo ghi dấu lịch sử truyền giáo bị xúc phạm; ngậm ngùi cho một thời vàng son đã qua. Bởi thế, cả Gia đình Giáo phận và những ai yêu mến các thánh tử đạo đều mang trong mình nỗi khát khao cháy bỏng “Tái thiết di tích tử đạo Hải Dương”.
Di tích tử đạo hồi sinh
Thiết tưởng Đền thánh bị xoá sổ, di tích tử đạo chìm vào quên lãng. Nhưng, “Việc Chúa làm thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu” (Tv 111, 2), vào năm 2017, sau đúng 50 năm bị phá đổ, Giáo phận đã nhận lại 3 ngàn m2 đất, để dựng Nhà nguyện phục vụ hành hương và xây lại Đền thánh. Đền thánh mới mang một dấu ấn đức tin đặc biệt khi được xây trên mảnh đất vì đức tin mà tử đạo, và bằng chất liệu biểu trưng cho đức tin kiên vững là đá tự nhiên. Hiện công trình thực hiện trên 70 % công việc, và dự tính hoàn thành năm 2027, nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây Đền thánh cũ.
Cùng với việc xây lại Đền thánh, công cuộc tái thiết còn hướng tới mở rộng khuôn viên phục vụ nhu cầu Trung tâm hành hương cấp Giáo phận. Lợi thế cho việc này là các hộ dân đều không có giấy tờ hợp pháp, vì khu vực này vốn là đất tôn giáo. Hiện Đền thánh ngày một chật chội, khi danh tiếng Di tích tử đạo Hải Dương ngày một nhiều người biết đến, thì lượng người tuôn về hành hương ngày càng thêm đông.
Bên cạnh việc tái thiết cơ sở vật chất, Bề trên Giáo phận cũng đang nỗ lực tái thiết gia sản đức tin tử đạo. Gia sản ấy đang hồi sinh qua các sinh hoạt đạo đức tại Đền thánh ngày một sốt sắng và các cuộc hành hương ngày một đông đảo. Những điều này không chỉ gia tăng đức tin cho người tín hữu, mà còn giúp họ biết dõi theo gương các thánh tử đạo trên hành trình sống đạo mến Chúa, yêu người.
Chung tay tái thiết Di tích tử đạo
Từ khởi công, tiến trình tái thiết Di tích tử đạo được nhiều người ủng hộ. Sự đóng góp ấy vừa là nghĩa cử của lòng hiếu thảo với các bậc tổ tiên đức tin, vừa góp phần “làm cho lòng cha ông quay về với con cháu” (Lc 1, 17). Hy vọng, công trình ý nghĩa đức tin và giá trị lịch sử này tiếp tục nhận được sự cộng tác của nhiều tấm lòng hảo tâm, hầu Danh Chúa thêm toả sáng và dòng máu tử đạo được nối tiếp nơi dòng dõi các ngài.
Công cuộc tái thiết Di tích tử đạo đang và sẽ đối diện với nhiều thách đố. Nhưng với truyền thống yêu mến các thánh tử đạo của người dân Việt và niềm xác tín “dòng máu đức tin của các ngài đang chảy trong trái tim mỗi người chúng con”, hy vọng một ngày không xa, người người lại nô nức hành hương đến đây với niềm hoan hỷ: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trảy lên Đền thánh tử đạo Hải Dương”. Nhờ đó, đức tin hào hùng một thời lại được sáng ngời, trang sử tử đạo vẻ vang được viết tiếp và những giọt máu đào tiếp tục trổ sinh hoa trái trên quê hương Việt Nam yêu thương.
BBT Đền thánh tử đạo Hải Dương