“Đó là một cuộc chiến không có giới hạn”: đây là nhận định của Đức Hồng y Pietro Parolin về những gì đang xảy ra ở Gaza. ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã được phỏng vấn qua điện thoại vào tối qua, thứ Sáu ngày 18 tháng Bảy, bởi Tg2 Post, một chương trình trên kênh truyền hình Ý Rai 2. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài nói về “những giới hạn đã bị vượt quá” và một “sự tiến triển bi thảm”, kêu gọi làm sáng tỏ đầy đủ những gì đã xảy ra vào thứ Năm ngày 17 tháng Bảy trong cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào Nhà thờ Công giáo Thánh Gia ở Gaza, khiến 3 người thiệt mạng và 10 người bị thương, trong đó có linh mục quản xứ, cha Gabriel Romanelli.
Liên quan đến nhiều cuộc chiến đang diễn ra, Đức Hồng y muốn làm rõ rằng Tòa Thánh luôn sẵn sàng làm trung gian hòa giải, nhưng “trung gian hòa giải chỉ diễn ra khi cả hai bên chấp nhận nó”. Sau đó ngài đề cập đến cuộc trò chuyện qua điện thoại diễn ra vào thứ Sáu ngày 18 tháng Bảy giữa Đức Thánh Cha và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Tg2 Post: Ngài nghĩ gì về cuộc điện thoại của Thủ tướng Netanyahu với Đức Giáo hoàng?
ĐHY Parolin: Tôi nghĩ rằng đó là đúng lúc, chúng tôi không thể giải thích với Đức Thánh Cha, không thông tin trực tiếp cho ngài về những gì hoàn toàn nghiêm trọng đã xảy ra. Vì vậy, tôi thấy cuộc điện thoại này là tích cực, tôi thấy việc Thủ tướng Israel mong muốn được nói chuyện trực tiếp với Đức Giáo hoàng Lêô XIV là tích cực. Bây giờ, theo ý kiến của tôi, có ba điều có thể mong đợi từ cuộc điện thoại với Đức Giáo hoàng này: trước hết, kết quả thực sự của cuộc điều tra đã hứa phải thực sự được biết đến. Bởi vì cách giải thích đầu tiên được đưa ra, đó là đã có sai lầm, nhưng chúng tôi được đảm bảo rằng sẽ có một cuộc điều tra về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng cuộc điều tra này sẽ thực sự được thực hiện với tất cả sự nghiêm túc cần thiết và kết quả sẽ được biết và công khai. Và rồi, sau rất nhiều lời nói: cuối cùng chuyển sang hành động. Tôi chân thành hy vọng rằng những gì Thủ tướng nói sẽ thành hiện thực càng nhanh càng tốt, bởi vì tình hình ở Gaza thực sự không thể chịu được.
Tg2 Post: Chúng ta có cảm giác rằng chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến không có giới hạn…
ĐHY Parolin: Đây chắc chắn là một cuộc chiến không có giới hạn theo những gì chúng ta đã thấy: làm sao một dân số như của Gaza lại có thể bị tàn phá và chết đói? Nhiều giới hạn đã bị vượt quá. Mặt khác, chúng tôi đã nói điều này ngay từ đầu như một phương pháp ngoại giao của Tòa Thánh: vấn đề nổi tiếng về tính tương xứng. Còn tình tiết cuối này, nếu theo hướng như bạn vừa miêu tả, thì đó là một bước ngoặt đầy bi thảm. Tuy nhiên, tôi xin nói lại rằng, hãy để cho họ thời gian cần thiết để họ thực sự nói cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Liệu đây có thực sự là một sai lầm hay không, điều mà ta có thể nghi ngờ một cách chính đáng, hay liệu có ý muốn tấn công trực tiếp vào một nhà thờ Kitô giáo hay không, khi biết rằng các Kitô hữu là một yếu tố ôn hòa ở Trung Đông, cũng như trong mối quan hệ giữa người Palestine và người Israel. Do đó, một lần nữa sẽ có mong muốn loại bỏ bất kỳ yếu tố nào có khả năng đóng góp ít nhất cho một hiệp định đình chiến và tiếp đến là cho hòa bình.
Tg2 Post: Rất nhiều mặt trận chiến tranh đã được mở ra: Tòa Thánh có thể làm gì hơn nữa về phương diện trung gian hòa giải ngoại giao?
ĐHY Parolin: Chúng tôi vẫn cởi mở, chúng tôi đề nghị, điều này đã được thực hiện nhiều lần. Ngoài ra, dường như rất khó để đi xa hơn, đặc biệt bởi vì nếu người ta sử dụng từ “hòa giải” theo nghĩa kỹ thuật, hòa giải chỉ tồn tại khi cả hai bên chấp nhận nó: phải có ý muốn từ phía mỗi bên đang xung đột, hai quốc gia hoặc hai dân tộc xung đột chấp nhận sự trung gian hòa giải này từ Tòa Thánh. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định như chúng tôi vẫn luôn làm mà không mất hy vọng, nhưng về mặt kỹ thuật thì điều đó rất khó khăn. Mặt khác, cho đến nay có bao nhiêu cuộc trung gian hòa giải bên ngoài Vatican vẫn chưa thành công. Cần có ý chí chính trị để chấm dứt chiến tranh, biết rằng cái giá phải trả của chiến tranh là khủng khiếp đối với tất cả mọi người, theo mọi nghĩa của từ này.
Tg2 Post: Ngài không nhận thấy ý muốn này sao?
ĐHY Parolin: Thật không may…tôi không muốn quá tiêu cực…tôi hy vọng. Bạn đã trích dẫn những lời của Netanyahu cho tôi, theo đó thỏa thuận ngừng bắn sẽ gần rồi: tôi muốn tin vào điều đó.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Nguồn: xuanbichvietnam