Thánh Inhaxiô tin rằng chúng ta có thể trở nên bạn hữu của Thiên Chúa và mỗi người chúng ta có thể trở nên giống như Đức Kitô, nhờ vào gương sáng và lời giáo huấn của Người.
Hãy cùng suy gẫm điểm này nhé! Hầu là phàm nhân, chúng ta đều có thể được biến đổi. Thần học Ki-tô giáo dùng thuật ngữ “thần hóa”(divinization) để nói về sự biến đổi này. Bởi lẽ, Đức Kitô, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21). Đúng vậy, thần hóa, hoặc trở nên công chính trong Chúa cũng chính là cùng đích của con người chúng ta.
Ở đây, chúng ta không nói về sự biến đổi kiểu ma thuật – một kiểu thay đổi tức thời mà không cần đến sự cộng tác từ chúng ta. Không phải thế, trong sự biến đổi đích thực, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Người trong hành trình của đời mình để trở nên những thụ tạo như lòng Chúa đã mong ước từ khi tạo dựng chúng ta.
Trong cách cộng tác đó, có thể nói rằng tự do là chính yếu tố then chốt. Chúng ta cần được giải thoát để tự do khỏi những gì đang ràng buộc chúng ta, và đồng thời tự do cho việc đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, mở đầu sách Linh Thao, trong phần Nguyên lý và Nền tảng, Thánh Inhaxiô đã coi sự tự do này là một ơn xin liên lỉ; đó là sự tự do mà không mong chờ sống lâu hơn chết yểu, khỏe mạnh hơn bệnh tật, giàu sang hơn nhục nhã, danh vọng hơn nhục nhã v.v… (LT, 23) Bởi thế, sự trưởng thành của đức tin hệ ở sự tự do nội tâm, tự do để không bám víu vào bất cứ điều gì, tự do để dấn thân trọn vẹn cho những điều mà Thiên Chúa mời gọi.
Đây là một kiểu tự do đem lại cho chúng ta niềm phấn khởi và hoan lạc, vì chúng ta có thể bước đi với niềm xác tín rằng cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương, hay nói như lời Thánh nữ Julian thành Norwich: “Trong Chúa, mọi sự rồi sẽ ổn.” Nó không thể bị trói buộc bởi bất kỳ điều gì: lo âu, sợ hãi, toan tính, do dự… Khi chúng ta có được sự tự do đích thực này, chính những người khác sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy khí chất của ta: bình an, vui tươi, vững tâm, kiên cường, và đầy hy vọng.
Thử tưởng tượng bạn có được sự tự do ấy trong một ngày, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra những điều Thiên Chúa đang mời gọi bạn. Thực tế, bạn có dư khả năng để hiểu được ý Chúa vì lúc đó bạn đã hoàn toàn tự do, không bị bám víu vào hành động hay kết quả nào cả. Khi biết mình phải làm gì, bạn chỉ cần thực hiện điều đó mà không bị vướng bận bởi ý kiến của người khác, hoặc lo nghĩ về kết quả của hành động đó. Bạn thực hiện điều cần làm, đơn giản vì bạn hiểu rằng đó là điều Chúa mời gọi bạn và mọi kết quả sẽ đều do Thiên Chúa định liệu. Tương tự như vậy, ngay cả những ngày tháng khó khăn tăm tối cũng có thể trở nên chất xúc tác hướng bạn tiến về phía trước, trong sự tự do và xác tín vào tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho bạn.
Nhiều khi, những người khác sẽ hiểu lầm và cho rằng chúng ta ngây thơ ngớ ngẩn khi họ nhìn thấy cách sống tự do nội tâm của chúng ta. Đặc biệt là những lúc chúng ta gặp phải những khó khăn trong cuộc sống của mình. Điều đó xem ra cũng dễ hiểu, vì sự tự do mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta vốn dĩ đi ngược lại với cách hiểu thông thường của nhân loại. Quả thực, cả những lúc như vậy, chúng ta càng được mời gợi để tự do khỏi những lời xầm xì đó. Đó mới chính là sự tự do táo bạo của Đức Giêsu, và dám sống tự do như Đức Giêsu.
Châu Anh chuyển ngữ theo Ignatian Spirituality, Vinita Hampton Wright
Nguồn: dongten