Ở nơi giao lộ mùa, thềm đông đã đặt chân trước ngưỡng cửa. Tiếng chuông nhà thờ kết thúc cho một tuần chầu dài lê thê. Liên xoa xoa đôi bàn tay buốt cóng, bước từng bước thật dài để kịp bữa cơm tối với bà. Những cơn mưa dần thưa, hàng cây bắt đầu thay lá, lá rơi dày khiến cả con đường như thay một màu áo mới. Từ nhà nguyện về nhà là cung đường yêu thích nhất của Liên bởi có lúa, có mùi rơm, mùi rạ thơm nồng nàn phảng phất luôn níu chân Liên bước chậm thêm đôi phần. Nhưng không biết từ bao giờ bước chân chậm rãi đã được thay thế bằng vội vã. Thói quen cũ đã được thay bằng thói quen mới, sự vui vẻ đã thay bằng sự lo lắng và bất an. Liên muốn về nhà sớm, muốn về với bà.
Hạ Chí! Ngoài đồng còn chưa tan lớp sương sớm mà hiên bếp nhà Bà đã khói nghi ngút. Nắng vàng rộm lấp lánh hòa mình trong màu xanh non mát mắt của những giàn bầu, giàn bí. Ộp! ộp!. Từng tán lá cây tách ra, trên vũng bùn là một phiến lá to cùng chú ếch xanh với đôi mắt tròn xoe đảo điên nhìn xung quanh. Liên tinh nghịch sau tán lá chăm chú nhìn chú ếch với vẻ nghiêm túc. Với cô bé Liên 6 tuổi, con ếch này chính là quân xâm lược đã chiếm khoảng vườn sau nhà bà bấy lâu nay. Hôm nay Liên quyết tâm phải tóm được nó. Liên nhào đến, Tủm!
"Liên! Cháu lại nghịch gì vậy!"
Bà vội vàng từ trong nhà chạy ra, Cô bé Liên ngồi chềnh ềnh giữa vũng bùn, ếch xanh ngồi chồm hổm trên đầu Liên, đầu ngẩng cao như một kẻ chiến thắng. Chiếc váy sạch sẽ trắng tinh khôi bà mới thay cho cô bé ban sáng giờ đã nhuốm một màu cafe. Bà đỏ mặt, cau mày, ánh mắt dần trở nên nghiêm nghị. Liên bắt đầu lo lắng, sợ sệt vì nó biết, biết thế là xong đời, bà giận thật rồi. Bà chuẩn bị giáo huấn cô cháu gái nhỏ, chợt Liên mếu máo, môi cong lên, mắt long lanh, cô bé bật khóc, khóc thật to. Bà lo lắng vội vàng đỡ Liên dậy, phủi hết bùn đất, vỗ về an ủi: "Sao lại ngã bẩn hết quần áo thế này, cháu của bà bị đau ở đâu?". Liên bĩu môi dơ bàn tay nhỏ xinh, chỉ vào vào mu bàn tay nấc nấc vài cái nũng nịu nói với bà:" Con có, đau ở đây này!". Bà thổi phì phì vào bàn tay của Liên, dịu dàng bà ôm cô bé vào lòng. Liên nở nụ cười mãn nguyện, chiêu này vẫn vậy, vẫn luôn hiệu quả, nó cảm thấy đắc ý.
Trong mắt Liên bà là đẹp nhất, bà đã có tuổi, gương mặt dù đã đượm màu của thời gian nhưng càng tôn thêm vẻ phúc hậu. Thi thoảng, bà từng đùa bà đẹp nhất làng, Liên biết Bà không có đùa, bà của nó đẹp thật!. Bà có mái tóc hoa râm bạc màu, vũ khí mỗi khi Liên đòi quà ăn vặt, cứ 200 đồng 1 sợi. Cứ thế Liên nghĩ mình sớm sẽ thành đại gia bởi tóc bà bạc nhiều thế cơ mà.
Chiều tới, trước hiên nhà, Bà thường chải tóc cho Liên, những vòm nắng nhẹ tênh chiếu vào tóc Liên như làn suối, sưởi ấm đôi má hồng hây hây. Liên cười hì hì quay sang lém lỉnh nói với Bà "Ngoại ơi, con muốn đi xem các chị sơ tập duyệt cho buổi dâng lễ ạ". Bà cười hiền, gật đầu. Liên chạy vút đi nhanh thoăn thoắt. Bà chậc lưỡi "cẩn thận kẻo ngã". Bà vừa nói ngớt câu thì uỵch cái, Liên vồ ếch, cô bé tự mình đứng dậy quay lại cười hì với bà rồi vội vàng chạy tót đi mất dạng. Bà cười hiền từ lắc đầu bất lực.
Ngày hôm đó Liên được chị sơ tặng một con búp bê sứ, trả công cho cô bé đã giúp chị tết lá cho lễ phục sinh sắp tới. Nó nâng niu con búp bê sứ trên tay, yêu thích không nỡ rời. Liên vui vẻ muốn về nhà khoe với mẹ. Liên chìm đắm trong niềm vui nhỏ, mải ngắm con búp bê mà không biết mình đã về trước cửa nhà từ bao giờ. Bỗng "Choang" - tiếng vỡ bát từ trong nhà phát ra như kéo cô bé về với thực tại đang chờ đón. Tiếng hét đau đớn nghe điếng người, tiếng gào khóc đến khàn giọng của mẹ phát ra từ căn nhà cấp bốn xập xệ. Cô bé đứng sững lại, người bố mặt đỏ bừng lảo đảo từ trong nhà đi ra, trên tay cầm một mớ tiền lẻ. Bàn tay của ông ta đỏ ửng, dù còn nhỏ nhưng nó biết bàn tay ấy thể hiện điều gì, nó biết mẹ nó lại bị đau, bố lại đánh mẹ như bao lần. Ban đầu thấy Liên ông ta hơi bất ngờ nhưng cũng chỉ đến vậy, ông ta cắm đầu tiếp tục đếm từng tờ tiền sải bước nhanh qua người Liên rời đi. Khi ông ta lướt qua, một mùi nồng nặc của rượu xộc thẳng đến, cái mùi sẽ ghim sâu vào tâm hồn nó cho đến mãi sau này.
Liên nhìn vào căn nhà với bóng tối bao trùm, Liên sợ, nó sợ nơi được gọi là nhà, không muốn bước vào nhưng nghĩ đến mẹ, đôi chân vẫn run rẩy tiến từng bước. Trong gian phòng, chỉ có ánh đèn dầu hiu hắt, ngọn lửa nhỏ bé ấy không xua nổi sự lạnh lẽo khi thiếu đi hơi ấm của một gia đình. Mẹ ngồi sõng soài giữa nền đất. Khuôn mặt mẹ đầy những vết bầm tím, khóe mắt đỏ hằn những tia máu. Liên thấy mẹ, không kìm nổi nước mắt, nó bật khóc chạy đến bên mẹ:" Mẹ ơi! Mẹ ơi!". Người mẹ ngẩng đầu lên, thấy con gái, bao uất nghẹn tuôn trào, cô ôm chầm lấy con gái khóc thật lớn
Liên đưa bàn tay nhỏ nhắn vỗ về an ủi mẹ, mếu máo:" Mẹ đau lắm không, mẹ đừng khóc nữa mà huhu". Mẹ thấy Liên khóc, dịu dàng lau nước mắt cho Liên, ngắm nhìn gương mặt con gái. Như nhận ra điều gì đó, bàn tay người mẹ khựng lại, mẹ sợ hãi đẩy Liên ra. Thấy biểu cảm khác lạ của mẹ, Liên lo lắng, nước mắt chực tuôn một lần nữa. Liên tiến đến vén tóc cho mẹ: "Mẹ đừng khóc nữa nhé, Liên cho mẹ con búp bê sứ này". Nói rồi Liên đưa con búp bê ra. Mẹ bỗng phát điên hất tay Liên gào lên:" Tại sao mày lại giống lão ta, tại sao ở đâu cũng có hình bóng hắn!", con búp bê sứ vỡ tan tành. Mẹ lay người Liên thật mạnh:" Tại sao, tại sao hắn ta lại đối xử với tao như vậy!". Liên sợ hãi òa khóc:" Mẹ ơi mẹ! Mẹ làm con đau!".
Đúng lúc này, bà chạy đến đẩy con gái ra:" Hoa! mày buông cái Liên ra, nó là con mày mà!". Liên víu lấy cánh tay bà:" Bà ơi...!". Nhận ra con gái mình, ánh mắt người mẹ có thần trở lại, nhìn người mẹ già, nhìn con gái, mếu máo muốn nói gì đó lại thôi, cô chạy vụt đi. Bà thương con, thương cho số phận con gái mình, lấy sai một người mà một đời bạc như vôi. Thương con bấy nhiêu lại càng thương cháu gấp bội, những giọt nước mắt bất lực lăn xuống. Bà vỗ về cháu gái:" Nín đi, nín đi, đừng khóc, có Bà ở đây rồi". Bà xuất hiện, ngọn đèn dầu như cháy to hơn, Liên cảm nhận được hơi ấm, được tình yêu của bà. Nó không còn sợ nữa.
Thời gian sau Ba Liên, người đàn ông đấy vì nợ nần cờ bạc mà trốn đi biệt xứ. Rồi mẹ liên cũng bỏ Liên lại mà đi tìm hạnh phúc của đời mình. Ngày mẹ rời đi, bước chân dang rộng như tìm thấy tự do đầu không ngoảnh lại. Bà bế Liên đứng nhìn theo, Liên nhìn bóng lưng chờ đợi một phép màu rằng mẹ sẽ quay lại, cuối cùng điều đó đã không xảy ra.
Bốn mùa của trời đất bắt đầu xoay vòng, Liên không nhớ nổi khái niệm, không còn đoái hoài về miền quá khứ thăm thẳm nơi có một gia đình hạnh phúc nữa. Ngày hè oi ả, cánh diều đón gió bay cao, bước chân Liên thoăn thoắt chạy trên đồng, gió chiều vui đùa theo dưới gót chân, lùa trên mái tóc Liên thật dịu dàng, đứng giữa cánh đồng đâm bông của bà, mùi cỏ nội xộc thẳng vào mũi gai gai. Giữa lưng chừng mùa hạ phải lớn, ánh mặt trời phấp phới trên nền hồng chiều tà ưng ửng như đôi má của người thiếu nữ. Liên dẫm lên chân mạ, hoàng hôn dần tắt cuốn theo bóng Bà hòa vào làn nắng, bước chân nhanh dần, Liên muốn chạy về phía bà, vui vẻ gọi hai tiếng "Bà ơi"...
Tiếng chuông điện thoại reo "reng reng" kéo mọi thứ về thực tại. Liên bất giác tỉnh dậy trong phòng Ký túc xá của trường, quơ vội điện thoại lên nghe, đầu dây bên kia vang lên âm giọng quen thuộc "Alo em ở mô rồi, bài nghiên cứu em đã làm xong chưa? Liên dụi mắt, cầm tệp tài liệu với tiêu đề: "Bài nghiên cứu đặc điểm hình thái tổn thương não bộ thực nghiệm ở người", thấy ở bên cạnh, Liên nhìn thoáng qua rồi nói: em xong rồi ạ, em mang đến ngay đây!
Liên chạy tới trước gương vấn cao mái tóc, gương mặt thanh tú xuất hiện trong gương. Liên của ngày ấy giờ đã đôi mươi, một cô sinh viên ưu tú của trường y danh giá. Trộm vía Liên lớn lên không giống ba cũng chẳng giống mẹ, nó giống Bà. Nhác thấy bộ tràng hạt của bà, nó cuỗm lấy đeo vào tay, quàng vội chiếc khăn cho ấm cổ, mở cửa bước ra ngoài, gió thổi vù vù không còn hơi ấm như trong giấc mơ cùng hương đồng lúa chín. Dù đã kịp cuộn thêm vài chiếc áo nhưng cái lạnh thấu xương của tiết trời miền bắc những ngày đông vẫn thẩm thấu len lỏi vào trong da thịt. Liên không khỏi bất giác rùng mình một cái. Như một cách làm nóng người, nó sải bước thật nhanh đến sảnh đường bệnh viện đại học y Hà Nội - nơi có một cuộc hẹn.
Bước vào sảnh chính bệnh viện Liên nhận ra gương mặt điển trai cùng dáng người quen thuộc của người con trai ấy. Anh Phong – anh trưởng cộng đoàn Vinh – Hà Tĩnh đồng thời cũng là bác sĩ trẻ tài năng. Những bài nghiên cứu y học của anh được đăng đầy trên các tạp chí y khoa cả trong và ngoài nước. Phong là một người bạn, một người anh mà Liên vô cùng ngưỡng mộ. Anh đã đồng hành cùng Liên từ khi cô mới chập chững làm tân sinh viên, giúp đỡ cô rất nhiều cả trong việc cộng đoàn lẫn trên giảng đường. Hai người làm bạn với nhau thấm thoắt vậy mà đã 8 năm rồi. Liên vẫn luôn tự hỏi, sao một người con trai tài giỏi như thế đến giờ vẫn còn độc thân, liệu anh ấy có biết yêu hay tình yêu ấy đã dành cả cho y học, đến giờ đó vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án.
Hôm nay tranh thủ Phong có một cuộc hội chẩn ở bệnh viện đại học y, anh hẹn gặp nó. Thấy Liên tiến đến, Phong đưa tay lên xem đồng hồ, khuôn mặt tỏ vẻ nghiêm nghị nhưng nụ cười cùng ánh mắt thì đầy sự phấn khởi và trìu mến. Anh ta vui khi gặp nó. Phong cố gằn giọng nói: "Em đến muộn, anh phải chờ cụ thể là 5 phút 43 giây và 25 tích tắc, đáng ra đã đủ thời gian cho anh hút vội xong điếu thuốc". Liên mỉm cười tinh nghịch: "Nay bác sĩ tan ca không để thời gian đi hẹn hò lại đứng đợi em thế này". Phong mỉm cười cốc vào trán nó: "Bài nghiên cứu em nhờ anh xem có mang đến không?". Liên xoa xoa trán đưa tệp tài liệu ra. Phong vui vẻ cầm lấy lướt xem qua, tay lật dở từng trang nhưng tâm trí anh không đặt trên con chữ. Phong cười nói: "Giúp em nhận xét nghiên cứu anh có được trả công bằng một bữa tối không nhỉ?". Phong vừa ngẩng đầu lên thì Liên đã chạy tót ở xa, cô ngoảnh đầu lại vẫy tay cười nói: "Anh nhớ đánh giá sơ lược giúp em nhá, đội ơn, Chúa phù hộ anh, hôm khác em mời"!. Phong ngại ngùng đứng chôn chân bất động.
Trời về tối ngày càng lạnh hơn, gió âm ỉ, cây xơ xác, bầu trời như muốn nổi giông giữa trời đông. Không biết có phải do thời tiết ảnh hưởng đến tâm trạng không, càng bước, Liên càng thấy lòng nặng trĩu. Tâm trí Liên vẫn chưa thoát khỏi giấc mơ ban chiều, nó ngồi vu vơ nơi ghế đá, nhớ bà, nhớ nhà. Liên ấn nhanh số điện thoại quen thuộc, nó gọi cho bà, chờ đợi tiếng của bà nhưng đáp lại chỉ là những tiếng tút tút kéo dài. Nó bấm gọi thêm lần hai, rồi lần ba, kết quả vẫn vậy. Lòng Liên chợt dâng lên một cảm giác bất an.
Đúng lúc này có số điện thoại gọi đến, là số của ông Sáu hàng xóm nhà nó, giọng ông Sáu từ đầu dây bên kia vang lên gấp gáp: "Liên, con bình tĩnh nghe ông nói, bà con bị ốm mấy hôm rồi, nay ông sang thì thấy bà bị ngất trong nhà, con thu xếp về chuyển viện cho bà ra ngoài đó nhé, để ông sắp đồ cho bà con!" Nghe tin bà ốm nó chết lặng, hai tai ù đi, bàn tay run lên. Từ bé nó đã luôn quen với sự hiện diện của bà, bà vẫn luôn ở bên nó. Dù nó biết đến một ngày sức khỏe của bà sẽ yếu đi nhưng nó chưa bao giờ chuẩn bị tâm lý cho điều đó, nó sợ.
Liên vội về phòng ký túc, chuẩn bị nhanh giấy tờ cùng đồ thiết yếu, bỏ vào balo sau đó chạy xuống lầu. Vừa chạy nó vừa cố gắng mua một vé cuối ngày về quê nhưng các nhà xe đều đã kín chỗ, còn chuyến tàu cuối cùng của ngày hôm nay cũng đã khởi hành một giờ trước. Nó cần sự giúp đỡ, lướt nhanh danh bạ đầy các con số nhưng lại vắng những người thân, cảm giác hoảng loạn dần bao trùm, nó ngồi thụp xuống ôm mặt khóc.
Điện thoại reo lên, là Phong, giống như người chết đuối hít được một hơi thở. Vừa nghe máy, nó òa khóc: "Anh ơi, bà em ốm nặng em phải về quê gấp chuyển viện cho bà mà em không bắt được xe huhu, em không biết phải làm sao nữa". "Bình tĩnh anh đến ngay" - Phong nói. Một lúc sau, chiếc xe đỗ trước ký túc. Phong bước ra khỏi xe, trời lạnh nhưng người chỉ mặc chiếc áo sơ mi ban chiều, có vẻ anh còn chưa kịp thay ra. Anh vội vã chạy đến trấn an: "Để anh đưa em về với bà". Thời điểm này Liên không nghĩ được gì nhiều bèn gật đầu đồng ý.
Trên xe dù rất mệt nhưng nó vẫn không tài nào chợp mắt. Tờ mờ sáng, hai đứa về đến quê, Phong đưa Liên đi thẳng đến bệnh viện, ông Sáu biết Liên sẽ về nên đã đứng đợi sẵn ở cửa viện. Với Liên, ngoài bà ra thì ông Sáu là người nó tin tưởng nhất. Hồi còn trẻ, ông sáu là một trong những người theo đuổi Bà, nhưng Bà lại chọn ông của Liên và nó biết có vẻ ông Sáu vẫn trồng cây Si đến giờ. Cho đến hiện tại ông vẫn còn thương Bà nó lắm, đã hơn cả cách một người yêu một người. Nhìn gương mặt tiều tụy của ông, Liên cảm nhận được lòng ông cũng đang ngổn ngang, bề bộn không kém gì nó, chắc ông cũng giống như nó đã có một đêm thức trắng. Ông Sáu chào hỏi Phong, sau đó dẫn cả hai đứa lên phòng bệnh của bà.
Vẫn là căn giường bệnh quen thuộc với những máy móc theo dõi sự sống mà nó đã nhìn thấy quá nhiều đến thành quen. Nhưng lần này, khác ở chỗ, người nằm trên giường bệnh lại là bà của nó, người mà nó hết mực yêu thương. Liên tiến đến gục đầu bên thành giường, nắm lấy đôi bàn tay gầy gân guốc, áp tay bà vào má, cảm nhận hơi ấm của bà, nó mếu máo: "Bà ơi con về rồi!". Biết cháu về, bà mở mắt đầy trìu mến, thều thào cười nói một câu thân quen: "Con về đấy à!"
Nhờ sự giúp đỡ của Phong, thủ tục chuyển viện cho bà đã hoàn thành sớm hơn dự kiến. Bà được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai - nơi mà anh Phong đang làm việc. Anh cũng hứa với nó sẽ tự mình theo dõi và cùng với các bác sĩ chẩn bệnh cho bà. Nó biết ơn anh nhiều lắm.
Theo thời gian, bệnh tình của bà khá hơn, bà đã ăn uống và dần đi lại được bình thường. Bây giờ, ngoài thời gian thực tập trên viện, làm bài nghiên cứu, nó lại đến bệnh viện chơi với bà. Khi sức khỏe tốt dần lên là bà lại liên tục đòi ra viện, bà than phiền, càm ràm với nó về sự lãng phí khi nằm viện như tính bà trước giờ vẫn vậy, lo lắng, chắt chiu từng đồng. Nó cứ nghĩ với tiến triển như vậy mọi thứ sẽ tốt đẹp nhưng nó đã nhầm.
Hôm nay cũng như mọi hôm, nó cầm bó hoa mà bà thích vui vẻ sải bước nhanh trên hành lang bệnh viện, muốn sớm gặp bà, kể cho bà về một ngày thực tập của nó. Bỗng Phong hẹn gặp nó, anh muốn trao đổi về tình hình bệnh tình của bà. Đứng trước người con gái mà anh thầm yêu, Phong không biết nên mở lời nói với cô như thế nào. Qua nhiều lần hội chẩn, và phân tích các biểu đồ, anh và các đồng nghiệp đều thống nhất rằng bà của cô bị bệnh alzheimer. Liên cầm kết quả mà Phong đưa, tim như thắt lại, nó không muốn tin nhưng với một sinh viên xuất sắc chuyên khoa thần kinh, đang viết nghiên cứu về tổn thương não bộ như nó, nó hiểu tính xác thực của tờ kết quả, nó biết sự đáng sợ của căn bệnh này.
Liên đứng trước một hiện thực tàn khốc, người bà mà nó yêu nhất có thể sẽ đến thời điểm không còn nhớ nó là ai, nhớ mình là ai, trái tim Liên như bị bóp nghẹt, không khí bị rút ra khỏi lồng ngực, nó vô thức bật khóc.
Mọi thứ đến như một phép thử của Chúa, thử thách đức tin của nó với người, thử thách tình cảm mà nó dành cho bà có đủ lớn lao để nó có thể đương đầu với cơn thủy triều đang âm ỷ ngầm dâng trào chỉ trực chờ nhấn chìm hai bà cháu hay không. Đây là cách mà một mùa đông cho nó thấy có thể tàn nhẫn đến nhường nào. Phong muốn nói gì đó, muốn ngăn những giọt nước mắt của người anh yêu, một cảm giác bất lực bao trùm, thời điểm này anh chỉ có thể lặng im đứng nhìn.
Liên đến trước cửa phòng bệnh, nó không biết nên đối diện với bà thế nào. Mở cửa bước vào thì thấy bà của nó đang đọc sách. Liên chạy đến nhào vào lòng bà, bà thấy cháu gái có vẻ khác lạ, đặt cuốn kinh thánh sang một bên, xoa đầu nhìn Liên trìu mến. Liên ngập ngừng rồi nói với bà: "Bà ơi, hay bà ở ngoài này luôn với con nhé, đi học hay đi làm con vẫn chăm sóc được cho bà!". Bà lắc đầu trong vô thức, Liên cũng hiểu rằng cả cuộc đời bà đã gắn liền với ngôi nhà ven sông, với luống rau, với đàn vịt bà cần nuôi lớn. Nắng gió của Hà Tĩnh đã trở thành một phần trong máu thịt, bà không sống xa quê được. Liên trầm mặc không nói, nhìn màu nắng vàng óng ướm lên mảng rêu hoen ố trên bức tường trước cửa sổ bệnh viện, tựa đầu vào vai Bà, hít hà mùi dầu xoa còn vương trên áo. Giữa bao ngày giá rét lại có một ngày nắng bình yên đến lạ.
Đứng trước bệnh tình của bà, Liên biết nó không thể để bà một mình, nhưng còn sự học, còn giấc mơ trở thành bác sĩ của nó vẫn còn đang dang dở. Liên đến nhà thờ, tựa bên chân Chúa với lòng nặng trĩu trách cứ: "Lạy Chúa, chao ôi tại sao người lại mang đến cho con và Bà những thử thách như vậy, con thật không biết phải đối mặt như thế nào đây? "Bước ra khỏi nhà thờ, Liên nhìn thấy Phong đang đứng đợi nó, nhìn Phong mặc chiếc măng tô dày kín cổ, Liên như nhận ra cái lạnh, hôm nay trời thật lạnh!
Liên cùng Phong sải bước trong công viên vắng người qua lại, cả hai cứ vậy lặng im bước, cuối cùng Liên là người mở lời: "Em nghĩ kĩ rồi, em sẽ nghỉ học về quê, bà cần em anh ạ! Hà Nội với em thật đẹp và cũng thật buồn". Lòng Phong như có lửa đốt, muốn nói rồi lại thôi.
Lặng lẽ đi qua bao mùa nắng cháy, tạm biệt những cơn mưa cuối hạ, thu dần ngả mình bên hiên nhà, nắng mùa thu trông buồn nhưng thơ lắm, cứ âm u mang mãi màu phai phôi. Cảnh thu đẹp là vậy nhưng lại gom một màu buồn man mác, làm sao nó có thể vui được khi mà bệnh tình của bà ngày một nặng hơn, gần đây bà đã quên dần mọi thứ, quên đi quá khứ, quên mất hiện tại và quên luôn cả nó. Bà của nó bây giờ như một đứa trẻ phải học lại từ đầu, nó dạy bà từ những điều nhỏ nhất, từ cách ăn uống đến cách đi vệ sinh, mỗi ngày đều như vậy, lặp đi lặp lại như cách bà dạy nó thuở còn ẩm ương. Bà mắc kẹt trong quá khứ và hiện tại còn nó thì đánh đổi hiện tại và tương lai. Nghỉ học về chăm sóc bà là lựa chọn của nó, nó không thấy hối hận về quyết định đó nhưng sao khi nghe tin những người bạn của nó tốt nghiệp, từng người trở thành bác sĩ, thực hiện được ước mơ của nó, lòng nó lại như thắt lại. Con người nó chia làm hai nửa, nửa muốn được thành công hết đời tuổi trẻ, nửa kia lại muốn cùng bà thỏ thẻ mỗi chiều sương.
Liên ngồi thẫn thờ trước hiên nhà nghiêng đầu đón nắng sớm ban mai, nhớ những khoảnh khắc ngày còn thơ dại, lặng nghe tiếng bà ru ầu ơ trong hàng ngàn giấc mơ trưa. Nhìn khoảng sân nhà, tuổi thơ như thước phim ngắn chảy qua trước mắt Liên, Liên muốn gặp lại quá khứ, muốn gặp lại bản ngã bé nhỏ của mình lúc còn ấm êm trong vòng tay của bà, muốn gặp lại bản thân và ngủ mãi trong hình hài như thế. Dường như nó đã chợp mắt lúc nào không hay.
Trời còn canh ba tờ mờ sáng, gà còn chưa gáy bà đã thức dậy rồi. Bà ho mấy tiếng thật nhỏ sợ đánh thức đứa cháu gái đang ngủ say trên giường. Bà ra chuồng gia súc, nào gà nào vịt, cứ con nào to béo nhất là bà chọn đem đi bán. Bà nhẹ nhàng dắt chiếc xe đạp cũ kĩ đi thật nhanh cho kịp phiên chợ sáng. Mấy hôm nay bà bị ốm, dù rất mệt nhưng bà vẫn còn cái Liên đang tuổi ăn tuổi lớn, đâu thể kìm hãm cái miệng "ham ăn" đấy được.
Hôm nay trộm vía con gà con vịt bán được giá, không uổng công bà chăm cho béo mần béo mẫn. Bán hết thì trời cũng đã sáng tỏ, vừa kịp lúc nấu bữa sáng cho cháu gái. Nhưng có vẻ bà đã hơi quá sức, về đến nhà bà như lả đi, ngồi bệt bên chiếc võng trước thềm, trời đất chao đảo. Một bàn tay lành lạnh sờ lên trán, thút thít nói "Bà bệnh rồi? Sao bà không đi khám bác sĩ" Bà cười dịu dàng lắc đầu "tiền bà còn để dành cho cháu gái bà học cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi còn vào đại học nữa". Nó biết bà nói dối, thời gian này bà bị ốm nặng không ăn được gì. Nó lắc đầu nguầy nguậy lập lời hứa với Chúa rằng mỗi ngày chỉ ăn hai bát cơm để bà không phải vất vả kiếm tiền nữa.
Huỵch! - tiếng đổ vỡ. Nó như bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị, chạy vào trong nhà thì thấy bà đang ngã nhoài trên nền đất. Nó hoảng hốt chạy đến đỡ bà: "Bà ơi bà có làm sao không?." Bà đáp lời: "Bà không sao, không thấy cháu nên bà khó ngủ". rồi bà mỉm cười hỏi: "Thế tuần này cháu gái bà có được phát phiếu bé ngoan không?". Liên mím chặt môi gật đầu rồi lấy phiếu bé ngoan đã chuẩn bị từ bao giờ ra khoe. Bà cười hiền, lấy cho Liên chiếc kẹo nhỏ trong chiếc túi áo sờn rách chỉ: "Cháu gái của bà giỏi quá, bà thưởng cho cháu gái này!". Nếu là Liên năm 6 tuổi khi được bà thưởng kẹo nó sẽ vui cả tuần nhưng bây giờ nó không sao mà vui được. Bà Liên đã như vậy một thời gian rồi, trong mắt bà, thời gian đã dừng lại năm nó 6 tuổi. Cầm chiếc kẹo trong tay Liên không kìm nổi nước mắt, một năm nay nó đã tự nhủ mình phải mạnh mẽ, không để nước mắt rơi, mạnh mẽ thay cả phần bà nhưng không biết sao bây giờ nó lại thấy tủi hờn đến vậy. Thấy nó khóc bà vội vàng lau nước mắt vỗ về an ủi: "Sao cháu lại khóc, nín đi nín đi!". Bà vỗ về, nó càng ôm chặt bà, càng khóc to hơn, khóc để chút hết cảm xúc dồn nén bấy lâu nay.
Ngày hôm ấy, khoa cần một bác sĩ trẻ đi công tác ở bệnh viện Hà Tĩnh trong một cuộc hội thảo, Phong không ngần ngại xung phong. Ngay khi về đến quê anh muốn hẹn gặp cô nhưng vì cần chăm bà mà cô từ chối và hẹn anh ngày hôm sau. Cuộc hội thảo chỉ kéo dài một ngày dù vậy anh quyết định nán lại thêm ngày nữa để thăm Liên.
Liên quạt cho bà, thấy bà đã ngủ say. Liên nhẹ nhàng đóng cửa và đi đến chỗ Phong hẹn. Phong mừng rỡ khi nhìn thấy Liên, người con gái ấy đã gầy đi rất nhiều, đôi mắt mang thêm nhiều vẻ ưu phiền, anh cảm thấy nhói đau trong lòng. Phong mừng rỡ báo với Liên: "Những bài nghiên cứu gần đây của em anh đã gửi cho trường, được các thầy cô đánh giá rất là cao. Trường hiểu hoàn cảnh của em và sẽ tạo điều kiện hết sức để em tốt nghiệp. Em có muốn quay lại trường không?". Nghe lời Phong nói, lòng Liên như cháy lên một ngọn lửa hy vọng nhưng chỉ sớm qua rồi vụt tắt: "Tình hình của bà em ngày càng không ổn. Em...". Liên ngập ngừng nói chưa hết câu, ông Sáu gọi đến: "Liên! cháu về nhà ngay, bà cháu mất tích rồi! ông đã tìm quanh xóm nhưng không có thấy!".
Để lại mình Phong và ly cà phê còn nóng hổi, Liên chạy nhanh đến chợ - nơi bà từng bán vịt bán gà cho nó đi học, mua cho nó cái kẹo bông, kẹo dừa. Chạy đến khóm nương - nơi bà với giàn mướp nuôi nó lớn khôn. Liên chạy đến hết các chốn thân quen nhưng thứ hiện hữu chỉ có những kỷ niệm xưa mà không thấy bà đâu. Nó đã tìm không biết qua bao lâu, bầu trời đã ngả xế chiều. Nó vừa chạy đi tìm bà vừa khóc trong hoảng loạn. Những viễn cảnh xấu khi một người mắc bệnh Alzheimer đi lạc liên tục hiện lên trong đầu nó. Nhìn thấy đám trẻ nhỏ vui vẻ dắt tay nhau đi học về, Liên chợt nhớ đến một nơi nó chưa tìm. Nó vội vàng chạy đến gốc cây hoa gạo - nơi chiều chiều bà thường đứng đợi nó tan trường. May thay, nó nhìn thấy hình bóng thân quen ấy. Bà thấy Liên thì vẫy tay: "Cháu của bà đi học về rồi đấy à bà đến đón con đây!". Liên chạy đến nhào vào lòng bà òa khóc. Bàn vỗ về nó an ủi, hơi tức giận nói: "Tại sao cháu bà lại khóc, mấy đứa bạn hư lại nói cháu là đứa không cha không mẹ à! Để bà bảo cô giáo!". Liên ôm chặt bà: "Bà ơi bà đừng bỏ con mà đi, con chỉ có một mình bà thôi!". Liên cứ lặng người mà rơi nước mắt.
Hoàng hôn mờ dần, chiền chiện sải cánh bay về tổ, Liên dìu bà về nhà. Thấy Liên đưa bà về, Phong và ông Sáu đang lo lắng cũng thở phào nhẹ nhõm. Liên nhìn Phong thở dài lắc đầu thay cho câu trả lời chưa nói hết. Phong không muốn từ bỏ, anh không muốn ước mơ trở thành bác sĩ của cô sẽ kết thúc như vậy, thời hạn trường cho Liên không còn nhiều, anh vẫn chưa thể nói được với cô.
Những đóm sao sáng vươn mình trên mái nhà nguyện, chuông nhà thờ vang lên từng nhịp, những lời cầu nguyện liên lỉ sau giờ đọc kinh tối, Liên chuẩn bị bước vào nhà thì có một bàn tay níu lấy cánh tay cô. Là Phong, Phong luôn nuôi hy vọng muốn thuyết phục Liên. Phong vội vàng nói: "Em có thể đưa bà cùng lên thành phố, không thì anh có thể thuê người chăm sóc bà, bà sẽ được chăm sóc tốt nhất!". Liên buồn bã nói: "Anh về đi, em không không thể để bà một mình được". Liên lắc đầu bất lực: "Anh không hiểu, ngay cả khi bà quên nhiều thứ nhưng điều bà luôn nhớ là không muốn rời xa quê hương, luôn nhớ đến em". Nói xong Liên định rời đi. Phong sợ nếu mình không nắm lấy thì sẽ không còn cơ hội, anh càng thêm chất vấn cô: "Thế còn ước mơ của em thì sao? em định chôn vùi tất cả và mắc kẹt ở đây à, mắc kẹt với bà...". Liên tức giận gào lên: "Anh chẳng biết gì về ước mơ của em hết, và bà mới chính là người đã mắc kẹt với em! Anh về đi!". Cánh cửa nhà Liên từ từ khép lại. Phong thở dài đau đớn: "Còn anh thì sao...". Cho đến khi Phong rời đi, Liên đứng bất động sau cánh cửa im lặng tự trách "Em xin lỗi". Một hình bóng gầy guộc quen thuộc đứng nơi hiên nhà từ bao giờ, lặng lẽ đi vào trong.
Liên nấu cho bà một bát cháo thật ngon, vừa bê vừa thổi cho bớt nóng, Cô mang cháo vào trong phòng thì không thấy bà đâu chỉ còn vỏn vẹn một bức thư đặt ngay ngắn trên bàn. Liên nhanh chóng đặt bát cháo xuống rồi mở bức thư ra đọc, trên tờ giấy là những nét bút mộc mạc của bà:
"Gửi Liên, cháu gái yêu quý của bà
Bà hiểu căn bệnh của mình, nhiều lúc muốn nói gì đó với cháu gái của bà nhưng rồi bà lại không còn nhớ mình muốn nói gì. Thời gian trôi đi, bà ngày một quên đi mọi thứ. Bà sợ sẽ đến một ngày, những ký ức ít ỏi còn sót lại của bà cũng sẽ không còn nữa. Nhân lúc bà còn tỉnh táo, bà muốn nói với cháu. Thời gian qua cháu của bà đã làm rất tốt rồi, bà sợ con lớn lên sẽ có những khiếm khuyết vì thiếu cha, thiếu mẹ nhưng số phận tước đi của cháu bà một gia đình lại trả cho cháu một trái tim ấm áp và nghị lực biết bao. Từ nhỏ cháu đã là một cô bé hiểu chuyện, bàn tay nhỏ bé ấy sẵn sàng phụ bà cả những công việc của một người lớn. Lớn lên chút lại càng ngoan ngoãn, học giỏi. Mỗi lần cháu có thành tích ở trường, bà phấn khởi lắm, các cô các bà ở chợ đều muốn xí cháu bà làm con dâu đấy, bà đều từ chối. Và rồi cho đến khi trưởng thành cháu chưa bao giờ đánh mất đức tin và quên đi những lời răn của chúa, quên đi ước mơ hồi bé là trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người, cháu bà là thủ khoa trường Y Hà Nội khiến bà hết mực tự hào. Nhìn cháu gái bé nhỏ của bà vui vẻ gấp từng chiếc áo bỏ vào vali, chuẩn bị hành trang lên Hà Nội bà chợt nhận ra cháu bà lớn thật rồi, thời gian trôi thật là nhanh, ước mơ của bà từng là được nhìn cháu lớn khôn, nhưng khi hoàn thành ước mơ rồi bà lại tham lam có cho mình một ước mơ khác là được nhìn cháu trở thành một bác sĩ giỏi có tâm, khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi. Có vẻ căn bệnh chính là sự trừng phạt của Chúa dành cho bà vì đã quá tham lam.
Phong là một đứa trẻ tốt, nó yêu cháu bà chắc cũng không kém gì bà yêu cháu đâu. Cháu đừng giận nó. Cháu hãy tiếp tục giấc mơ của mình và thực hiện cả giấc mơ của bà nhé! Lần tới bà quên mình, cháu gái của bà cũng nên quên bà đi thôi."
Tay lân la những con chữ bị nhòe đi bởi những giọt nước mắt đã khô, Liên biết đây không phải là nước mắt của nó. Từng giọt nước mắt mát lạnh cứ như thủy tinh rơi vỡ tan tành trên trang giấy. Nó ôm chặt bức thư vào ngực khóc đến nghẹn họng. Nó chạy đi tìm bà như bao lần, nhưng lần này không phải là bà đi lạc nữa. Bà sẽ không tìm nó như mỗi buổi nó trốn đi chơi cùng đám bạn, không còn đợi chờ nó tan trường nữa. Lần này bà muốn đi, bà muốn rời xa nó. Một người đã muốn đi, sao người kia có thể tìm thấy được. Nó thấy tuyệt vọng, lần này nó nghĩ tới Chúa, Liên đánh cược tất cả những gì nó có, nó vội chạy đến nhà thờ, quỳ xuống trước nhan thánh Chúa, tự sám hối về suy nghĩ của bản thân, chắp hai tay nguyện xin "Chúa ơi con sai rồi, cầu xin người dẫn đường chỉ lối cho con tìm thấy bà". Như một phép màu được đoái hoài, một tia sáng cuối ngày chiếu qua ô cửa sổ nhiều màu, hắt lên cây thập giá. Ông Sáu chợt hớt hải dừng xe đạp trước cửa nhà thờ gọi vọng vào: "Liên ơi, con mau đi với ông, có người thấy bà con trên đường lớn". Nó vội vàng ngồi sau yên xe ông như hồi còn bé nhưng không phải ông đèo nó đi chơi, đi tìm những hoa thơm, cỏ lạ về tặng bà, lần này ông đèo nó đi tìm bà.
Khoảnh khắc Liên nhìn thấy bà. Nó nhảy xuống khỏi yên xe ông Sáu, chạy vội về phía bà. Bà đi vô định ra giữa đường cao tốc, nơi một chiếc xe đang lao đến. Kíttttttt! UỲNH! Tiếng phanh xe ma sát kéo dài trên đường nhựa, tiếng va chạm như khoét sâu vào tâm hồn nó. Khoảng không gian dần yên ắng chỉ có những tiếng gọi: "Bà! Bà ơi!" của Liên là không ngừng vang vọng.
Ba năm sau
Giữa một khán phòng rộng lớn, MC dõng dạc lên tiếng: "Xin chúc mừng bác sĩ Nguyễn Hoàng Kim Liên đã dành được giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam năm 2025 với thành công trong việc xây dựng phác đồ điều trị cho căn bệnh Alzheimer". Mọi người đều đứng dậy vỗ tay. Liên đứng trên bục nhận giải thưởng danh giá, cô vui mừng cất tiếng phát biểu: "Để đến được đây, đánh bại được căn bệnh Alzheimer, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các thầy, các bạn, cảm ơn ông Sáu, cảm ơn Phong người chồng đã luôn đồng hành với tôi trong những giờ phút khó khăn nhất..." Liên nhìn qua mọi người một lượt, nhìn sang Phong trên khán đài. Anh nhìn cô đầy yêu thương và ánh mắt hãnh diện mỉm cười thật tươi. Cuối cùng ánh mắt của Liên dừng lại ở bà đang ngồi bên dưới cạnh ông Sáu, hôm nay bà ăn mặc thật đẹp, bà cười như xóa nhòa mọi nếp nhăn trên khuôn mặt. Ánh mắt Liên long lanh ngấn lệ nói tiếp: "Và cuối cùng, bà ơi. Con cảm ơn bà, cảm ơn Chúa đã để con được ngắm bà lâu thật lâu". Cả bà và Liên bật khóc trong hạnh phúc.
Hình ảnh đứa cháu gái nhỏ ôm bà thật chặt thủ thỉ: "Cháu sẽ trở thành bác sĩ, cháu sẽ chữa hết bệnh cho bà, không để bà bị ốm bao giờ nữa!". Bà cầm khăn mùi xoa chấm nước mắt vừa cười vừa gật đầu tán thưởng đứa cháu gái nhỏ thì thầm trong xúc động: "Tạ ơn Chúa! tạ ơn Người đã để con lại bên cháu gái, để con được chứng kiến khoảnh khắc này!". Cả khán đài rộn vang tiếng vỗ tay, không ngớt...
Tác giả: Maria Nguyễn Thị Thanh Huyền
Nguồn: vanthoconggiao