Ở tuổi 88, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang bắt đầu chuyến công du quốc tế thứ 45 - chuyến công du dài nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, dành 12 ngày bên ngoài nước Ý. Tổng cộng, 44 giờ bay bằng máy bay và trực thăng cho hành trình gần 20.000 dặm đang chờ đợi ngài: Một thử thách thể chất ấn tượng đối với bất kỳ ai, và đặc biệt là đối với Đức Giáo hoàng - người có khả năng di chuyển hạn chế, buộc ngài phải sử dụng xe lăn hoặc gậy.
Các quốc gia trong hành trình này nằm trong một vùng biển rộng lớn, đó là quần đảo Sunda. Lãnh thổ rộng lớn này trải dài hàng ngàn cây số, từ thành phố đảo Singapore ở mũi Bán đảo Mã Lai đến vô số những hòn đảo của Sunda - một quần đảo lớn nhất thế giới, bao gồm Indonesia, Papua New Guinea và Đông Timor.
Trong khu vực này, có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia giàu có (chẳng hạn như Singapore) và các quốc gia nghèo (chẳng hạn như Timor và Papua New Guinea) cũng như chênh lệch giàu nghèo giữa các nơi trong cùng một quốc gia.
Các vấn đề cũng khác nhau rất nhiều giữa các vùng lãnh thổ đông dân (chẳng hạn như Singapore hoặc Java) và những nơi khác mà thiên nhiên đôi khi vẫn còn nguyên sơ (như trên đảo Papua). Vấn đề phát triển kinh tế, cũng như vai trò của công nghệ, vốn hiện diện ở khắp mọi nơi trong chính thành phố-quốc gia Singapore, là một trong những chủ đề mà Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ đề cập đến.
Sự đa dạng về mặt tinh thần cũng lớn không kém: Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia, và gặp gỡ dân số có tỷ lệ người Công giáo cao nhất thế giới sau Vatican, đó là Đông Timor.
Nhóm tôn giáo hàng đầu ở Papua New Guinea là Tin Lành, và là Phật giáo ở Singapore. Và các tôn giáo truyền thống như đạo vật linh và Nho giáo, do có cộng đồng người Hoa di cư đông đảo, đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Do đó, đối thoại liên tôn sẽ là một trong những chủ đề chính của chuyến đi, với hai cuộc gặp với đại diện của các tôn giáo khác tại Indonesia và Singapore.
Lần đầu tiên, Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ đặt chân đến Châu Đại Dương với chuyến thăm Papua New Guinea. Ngài dự kiến sẽ gặp đại diện của các quốc gia nhỏ bé nằm trong một đại dương lớn nhất thế giới. Những lời phát biểu của ngài sẽ đề cập đến các vấn đề quan trọng đối với các quốc gia này, chẳng hạn như hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái đặc biệt phong phú nhưng cũng mong manh của họ.
Chuyến dừng chân ở Đông Timor cũng rất quan trọng: Không giống như chuyến thăm của Thánh Gioan Phaolô II năm 1989, đất nước mà Đức Phanxicô sẽ đến thăm đã không còn sự chiếm đóng của Indonesia kể từ năm 2002. Chuyến đi sẽ là cơ hội để tưởng nhớ lịch sử đẫm máu của quốc gia này, nhưng cũng là để hướng tới tương lai khi đất nước ấy đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng - người tin rằng Giáo hội có nhiều điều để học hỏi từ phương Đông - sẽ rất muốn khuyến khích những người Công giáo và các nhà truyền giáo địa phương sống đức tin của họ một cách mãnh liệt hơn.