YÊU DẠI KHỜ - CHO ĐI TẤT CẢ
(Bài Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật 32 Mùa Thường Niên Năm B)
Samson là một nhân vật trong kinh thánh đã được Thiên Chúa ban cho có sức mạnh vô biên, đánh đâu thắng đó, kẻ thù chẳng thể làm gì được chàng. Deliad là người vợ mà Samson hết mực yêu thương. Tuy nhiên, Deliad lại bị mua chuộc bởi những người Philistia là kẻ thù muốn giết Samson để tìm ra bí quyết sức mạnh của chàng. Samson biết điều đó và dù cho năm lần bảy lượt Deliad hỏi Samson về bí quyết sức mạnh của chàng thì chàng chỉ từ chối và trêu chọc vợ mình là chàng sẽ mất sức mạnh khi bị trói bằng dây cung mới, bằng dây thừng mới, hoặc tóc của chàng bị dệt vào khung cửi của thợ dệt. Sau mỗi lần Samson ngủ thì Deliad đều làm như vậy nhưng chàng đều thoát ra dễ dàng bằng sức mạnh của mình. Deliad không từ bỏ nhưng luôn khóc lóc và trách Samson là yêu nàng không thật lòng khi giấu và không nói với nàng hết sự thật. Cuối cùng Samson đã phải nói ra sự thật về bí quyết sức mạnh là ở tóc của chàng. Để rồi khi Samson ngủ thì Deliad đã gọi người đến cạo tóc và bắt Samson một cách dễ dàng. Vì quá yêu và muốn chứng tỏ tình yêu của mình cho Deliad mà Samson sẵn sàng nói ra sự thật dù cho chàng biết trước hậu quả của mình.
Có lẽ khi đọc câu chuyện của Samson, có người thì ca ngợi tình yêu vĩ đại của chàng, có người thì chê trách chàng dại khờ, và cũng có thể ai đó cho rằng: Chàng yêu đến dại khờ.
Tình yêu dưới cái nhìn của thế giới con người chúng ta vốn muôn hình vạn trạng tùy theo quan điểm, suy nghĩ và cảm nhận của mỗi người. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa thì tình yêu vô cùng cụ thể như chính bản thân Ngài bởi lẽ “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4,16) Đức Giêsu chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, một tình yêu rất cụ thể mà chúng ta có thể cảm nhận và đụng chạm vào được. Ngài đã yêu chúng ta tới mức tự hủy tất cả mà đôi khi có người cho là yêu đến dại khờ, yêu mà dâng hiến và cho đi tất cả, chẳng giữ lại gì cho bản thân mình, thậm chí cả mạng sống.
Khi đọc các bài đọc trong Chúa Nhât ngày hôm nay, chúng ta có thể ngạc nhiên về cách hành xử của hai người đàn bà góa nghèo khó. Một người thì cho đi nắm bột và chút dầu ăn cuối cùng để làm bánh cho ông Elia; một người thì cho đi hai đồng tiền cuối cùng là tất cả những gì bà có mà dâng cho đền thờ Thiên Chúa.
Trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, đàn bà góa vốn đã khổ, lại còn nghèo nữa thì khổ biết bao. Hai đồng tiền giá trị chỉ bằng một phần tư đồng xu thì thật quá nhỏ bé như là một nắm bột và chút dầu ăn mà thôi. Nhưng đó là tất cả những gì mà bà có để sống. Có thể nói bà nghèo tới mức độ mà mạng sống của bà phụ thuộc vào hai đồng tiền đó; cho đi bà mất tất cả.
Trái với suy nghĩ cũng như cách hành xử của nhiều người là giữ lại chút tiền bé nhỏ đó để còn có cái mà ăn, thì bà góa nghèo đó lại cho đi tất cả. Phải chẳng là bà ta quá dại khờ? Bà ấy không dại khờ mà là do bà ấy yêu quá nhiều. Để rồi nhờ tình yêu cho đi tất cả, yêu tới mức dại khờ đó mà trong cái nhìn của Chúa Giêsu thì bà đã cho nhiều hơn ai hết.
Chỉ có tình yêu mới xứng đáng đáp trả lại tình yêu. Hai người quả phụ nghèo đã yêu mến thật nhiều mà cho đi tất cả đề rồi họ đã được Thiên Chúa yêu mến họ thật nhiều mà ban cho họ “hũ bột không cạn và bình dầu không vơi” cũng như những lời ca ngợi của chính Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa sẽ chẳng để ai yêu mến Ngài bị bỏ rơi bao giờ.
Yêu tới mức dại khờ và cho đi tất cả có lẽ là thứ gì đang quá xa xỉ trong xã hội của chúng ta ngày hôm nay khi con người đang có xu hướng sống theo chủ nghĩa cá nhân. Tình yêu vị kỉ và chiếm hữu (Eros) biến chúng ta thành những người đi tìm kiếm và sở hữu những gì mà chúng ta còn thiếu. Tình yêu (Eros) ấy biến chúng ta thành chính đối tượng tình yêu của mình và biến người khác thành công cụ để thỏa mãn những mong muốn của chúng ta. Điều đó khiến cho chúng ta, từ gia đình cho đến xã hội, luôn xảy ra những mâu thuẫn và bạo lực vì ai cũng muốn đối phương phải thỏa mãn những nhu cầu của mình.
Tình yêu của Thiên Chúa (Agape) một cách cụ thể qua Đức Giêsu Kitô là một tình yêu không nằm ở chiếm hữu nhưng là cho đi. Thiên Chúa đã cho đi tất cả và Ngài yêu đến mức dại khờ. Ngài đến không phải để thõa mãn bản thân nhưng là để yêu thương và đem hạnh phúc đến cho nhân loại. Phải chi, chúng ta biết cách yêu như Thiên Chúa yêu để nhờ tình yêu ấy (Agape) mà thế giới sẽ thực sự là một Thiên Đàng phác thảo mai sau.
Lm. Jos Nguyễn Huy