Đức Mẹ Maria không phải là người duy nhất được Thiên Chúa chọn gọi để cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều được chọn gọi để sinh hạ Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không thể hiểu việc sinh hạ về phương diện thể lý. Đức Maria là người đặc biệt duy nhất trong việc hạ sinh Chúa Giêsu về phương diện thể lý, và Mẹ cũng rất đặc biệt trong rất nhiều khía cạnh khác nữa. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được mời gọi để sinh hạ Chúa Giêsu về mặt thiêng liêng nơi trái tim, tâm trí và cuộc sống của chúng ta. Việc sinh hạ Chúa Giêsu vào thế giới, về mặt thể lý, là một sự kiện độc nhất vô nhị; nhưng việc sinh hạ Chúa Giêsu vào thế giới về mặt thiêng liêng là một sự kiện liên tục, một sự kiện sẽ luôn cần được tiếp tục cho đến khi Ngài trở lại, và mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi tham gia vào việc sinh hạ này. Qua việc "sinh hạ" Chúa Giêsu, chúng ta giúp đem sự hiện diện đầyyêu thương của Ngài đến vớimọi thời đại và nơi trên toàn thế giới nàycho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang.
Khái niệm về việc "sinh hạ Chúa Giêsu" này đã được
nhắc tới ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Irênê đã
nói về NgôiLời
của Thiên Chúa đã chấp nhận để cho
con người “cưu mang” Ngài, và làm cho con người “mở lòng mình” để
cho Lời ấy cư ngụ nơi chính bản thân mình. Thánh Hippôlytô đã mô tả Logos như
là Đấng không ngừng sinh ra các thánh, và rồi đến lượt mình, các thánh cũng làm
cho Ngài được hạ sinh. Thánh Hippôlytô nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của Giáo
Hội trong quá trình sinh hạ này: Giáo Hội, xét như là toàn thể, cố gắng sinh hạ
Ngôi Lời của Thiên Chúa vào trong thế giới, đồng thời Giáo Hội cũng giúp các
thành viên của mình có thể tiếp tục việc hạ sinh ấy. Tương tự như vậy, thánh Mêthôdiô
đã miêu tả Giáo Hội như một thân thể đang “cưu
mang một trẻ thơ” và sẽ sinh hạ Thân Thể Mầu Nhiệm Của Chúa Kitô.
Trong bài giảng của mình (Bài giảng 25, 7–8), thánh Augustinô cũng đã bàn luận về chủ đề sinh
hạ Chúa Giêsu, dựa trên nền tảng của đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt
12,46-50), là đoạn Kinh Thánh được coi là nền tảng hình thành nên khái niệm
này. Trong đoạn Tin Mừng này, khi Chúa Giêsu đang nói chuyện với đám đông, thì
có người báo cho Ngài rằng "Mẹ Ngài
và anh em Ngài" đang ở ngoài kia và muốn gặp Ngài. Chúa Giêsu đáp lại
bằng cách hỏi: ‘Ai là mẹ tôi, ai là anh
em tôi?’ Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em
tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là
anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 48-50).
Theo thánh Augustinô, tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận phép rửa, thì nhờ phép rửa đều trở thành anh em và chị em của Chúa Kitô, đồng thời ngài cũng khẳng định rằng chúng ta trở thành "mẹ" của Chúa Giêsu ít nhất là theo hai cách: bằng cách làm theo ý muốn của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong đoạn Tin Mừng này, và bằng cách mở rộng Nhiệm Thể của Chúa Kitô qua việc lôi cuốn người khác tìm đến với phép rửa và gia nhập Giáo Hội: "Bây giờ, đến lượt mình, anh em phải đưa càng nhiều người đến với phép rửa càng tốt. Chính anh em đã được sinh ra tại giếng rửa tội, và khi anh em giúp những người khác cũng được sinh ra theo cùng cách thức ấy, anh em cũng có khả thể trở thành “mẹ” của Chúa Kitô.”
Cách đây hơn bốn thế kỷ, thánh Têrêsa Avila đã viết một bài thơ với tựa đề: "Chúa Kitô Không Có Thân Thể," miêu tả một cách sâu sắc việc chúng ta được mời gọi sinh hạ Chúa Giêsu và giúp Ngài tiếp tục nhập thể vào trong thế giới của chúng ta:
“Chúa Kitô không có thân thể nào ngoài thân thể của bạn,
Không có tay, không có chân trên trần gian này ngoài đôi tay và đôi chân của bạn,
Ngài nhìn mọi sự bằng chính đôi mắt của bạn,
Để thương xót thế giới này,
Ngài bước đi bằng chính đôi chân của bạn để làm những điều tốt lành,
Ngài dùng đôi tay của bạn để chúc phúc cho toàn thể nhân loại này.
Chính đôi tay của bạn là đôi tay của Chúa,
Đôi chân của bạn là đôi chân của Chúa,
Đôi mắt của bạn là đôi mắt của Chúa,
Chính thân thể bạn là thân thể của Chúa,
Chúa Kitô không có thân thể nào ngoài chính thân thể của bạn,
Không có tay chân nào ngoài chính đôi tay và đôi chân của bạn,
Ngài dùng chính đôi mắt của bạn để nhìn,
Để thương xót thế giới này.
Chúa Kitô không có thân thể nào ngoài thân thể của bạn.”
Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta đặc ân vô giá một cách nhưng không, đồng thời cũng là một trách nhiệm khá nặng nề, đó là làm cho Chúa Giêsu Kitô tiếp tục nhập thể vào trong thế giới đương đại của chúng ta bằng cách làm theo ý muốn của Chúa Cha (thánh ý ấy luôn luôn là tình yêu thương) và để Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta mỗi ngày trở nên giống hình ảnh của Chúa Con hơn (cf. Rm 8, 29).
Để làm cho Chúa Kitô tiếp tục nhập thể trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải chết đi cho chính mình để Chúa Kitô có thể sống trong chúng ta một cách trọn vẹn nhất có thể.
Nhà thơ Charles Péguy đã diễn tả tầm quan trọng của trách nhiệm này và việc Thiên Chúa đã tin tưởng chúng ta như thế nào trong sứ vụ này bằng những lời rất mạnh mẽ trong tác phẩm The Portico of the Mystery of the Second Virtue (Cổng Vòm Huyền Nhiệm Của Đức Hạnh Thứ Hai) năm 1911:
"Số phận, sự huyền nhiệm, sự hiểm nguy, sự khốn cùng, ân sủng của Thiên Chúa, một ơn gọi độc nhất,
Một trách nhiệm nặng nề, sự khốn khổ và sự cao quý nơi cuộc sống chúng ta,
Chúng ta là những tạo vật phù du mỏng manh... mọi sự nơi chúng ta đều tùy thuộc xem liệu Lời Vĩnh Cửu có vang lên hay chìm vào thinh lặng."
Thánh Phaolô cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách thức chúng ta có thể làm cho Chúa Giêsu nhập thể trong cuộc sống của mình, những cách thức giúp chúng ta xác tín rằng "Lời Vĩnh Cửu" vẫn sẽ tiếp tục vang lên trong thế giới của chúng ta hôm nay và tương lai. Cầu nguyện luôn là một khởi đầu tuyệt vời. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sức mạnh biến đổi của khoảng thời gian dành cho việc chiêm niệm về cuộc đời Chúa Kitô và "vinh quang của Chúa”: "Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18).
Trong các bức thư khác, thánh Phaolô tha thiết mời gọi chúng ta hãy để cho Chúa biến đổi tâm trí chúng ta và ban cho chúng ta "tri thức mới," tri thức giúp chúng ta mặc lấy "tâm trí của Chúa Kitô" (1 Cr 2,16; x. Phil 2,5). Thánh nhân cũng nhắc nhở các tín hữu Côlôsê (và cả chúng ta nữa): "Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu" (Cl 3,9 - 10). Và thánh nhân cũng khích lệ các tín hữu Rôma vào thời ngài cũng như khích lệ mỗi người chúng ta chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Việc biến đổi tâm trí (và cả trái tim) như thế sẽ giúp chúng ta "nói lên sự thật trong tình bác ái," điều này giúp chúng ta không ngừng vươn tới hình ảnh của Chúa Kitô (Ep 4,15).
Nhưng ở mức độ căn bản nhất, việc làm cho Chúa Kitô tiếp tục nhập thể đòi buộc chúng ta phải chết đi cho chính mình để Chúa Kitô có thể sống trong chúng ta một cách trọn vẹn nhất có thể: "Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).
Nếu chúng ta nỗ lực cố gắng làm như vậy, chúng ta sẽ chu toàn được bổn phận của mình trong việc tiếp tục sinh hạ Chúa Giêsu vào trong thế giới đầy rối ren thời nay, như Hans Urs von Balthasar đã khẳng định:
"Chúng ta cũng sẽ có khả năng sinh hạ và sinh hạ ngoài khả năng của con người, điều có thể làm chúng ta, như Chúa Giêsu nói, thành những 'người mẹ' của Ngài. Chúng ta có thể gieo trồng sự sống của Thiên Chúa trong thế giới này và làm cho nó lớn lên; chúng ta có thể làm cho Nước Thiên Chúa ngự đến và làm cho ý muốn của Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời; chúng ta có thể làm cho Danh Ngài được tôn vinh trong thế giới vô thần và phạm thượng này, bất chấp sự hung hăng của chủ nghĩa vô thần . . . Nếu chúng ta cưu mang Thiên Chúa nơi mình, chúng ta sẽ không phải lo lắng gì cả: nếu chúng ta can đảm sống đức tin của mình, chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái.”
Bài viết: The Ongoing Birth of Jesus - Tác giả: Dr. Richard Clements
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương
Nguồn: www.wordonfire.org