Trời se se lạnh, cái lạnh đầu đông thật khiến người ta có cảm giác khó chịu. Nó không rét lắm, nhưng đủ có cảm giác ngai ngái trên da thịt và ngứa ngáy với những lớp da bong nứt nẻ do thời tiết hanh khô.
Đã mười một giờ khuya, làng xóm đã tắt đèn, chỉ còn lại ánh sáng mờ mờ trên gác hai của căn nhà cũ kỹ đơn sơ. Vị linh mục già vẫn đang ngồi làm việc bên chiếc bàn nhỏ kê gần cửa sổ.
Một vài tiếng chim cú xé rách màn đêm dày đặc rồi lại rơi vào im ắng. Xa xa trong bóng đêm, có tiếng xe máy, những công nhân vội vã về khuya sau một ngày mệt mỏi.
Tiếng mụ bếp the thé réo lên từ dưới chân cầu thang. Đúng là một mụ bếp già khó tính, suốt ngày làu bàu hết chuyện này sang chuyện nọ.
Nào là: Đêm khuya cha không chịu đóng cửa. Nào là: Cha tiếp khách chả có giờ giấc gì, lúc nào cũng tiếp. Trời đánh tránh miếng ăn, bao nhiêu lần phải bỏ bát đũa đấy ra tiếp khách, lại còn bảo người ta có cần mình thì họ mới đến. Chả được bữa cơm nào yên. Đã vậy, mấy hôm nay làng xóm cứ nháo nhào cả lên. Sáng mấy bà hội Con Đức Mẹ vào khoe xóm bên mới mất cái ti vi; nhà kia có đàn gà mười mấy con để dành tết, đêm qua đi hết rồi, chả còn vết lông nào. Mà cũng chỉ mấy đứa quanh xóm thôi, biết mặt nhau cả, mà nó có để cho yên đâu.
Nhà có cái cửa để bảo vệ, bảo đi ngủ thì đóng cái cửa vào cho nó an tâm. Cái nhà xứ này thì có cái gì đáng giá đâu ngoài cái xe máy cũ để góc nhà kia, cho không chắc gì nó đã lấy. Nhưng mà dù sao ngủ ngáy cũng phải đóng cái cửa vào chứ, đàng này cứ không cho người ta đóng cửa. Ừ thì cha ngủ ngon rồi, lại còn kêu người ta vào đỡ phải gọi. Nhưng còn cái thân già này, hai cái chân đã đau nhức cả đêm không ngủ được. Chợp mắt được tí thì lại lo nó vào nhà. Nào có được yên giấc đâu... Mụ cứ làu bàu một mình như đang nói chuyện với ai đó, nhưng chẳng có ai ngoài mụ với cái bóng to uỵch trên tường.
Căn nhà xứ có 2 tầng. Tầng một có một phòng dành ra làm cái bếp con con, cạnh cái bếp là phòng của bà bếp, ra phía chân cầu thang lên tầng 2 là phòng khách nơi cha hàng ngày tiếp đón các con chiên bổn đạo, và tất cả những ai đến với cả trăm ngàn lý do khác nhau. Phòng này cha yêu cầu không bao giờ được đóng, vì nó là nơi mọi người đều có thể đến bất cứ lúc nào vì nhu cầu thiêng liêng hay công việc. Cuối phòng khách là chiếc cầu thang gỗ nho nhỏ bước lên tầng hai nơi có căn phòng ngủ và phòng làm việc riêng của cha xứ.
Tiếng the thé của mụ dội lên từ dưới chân cầu thang.
- Cha đi ngủ chưa để con tắt đèn đóng cửa ạ?
- Cha đã bảo con nhiều lần rồi. Cửa phòng con thì con cứ đóng, còn phòng khách, con cứ để đó, không được đóng.
Giọng ấm áp từ trên gác hai vọng xuống
- Vâng thưa cha, nhưng mà đêm qua cả xóm nháo nhào lên đấy, cha không biết à? Rồi có cái gì nó khuôn hết đi cho mà xem.
- Cha biết, nhưng con thấy nhà mình có gì cho người ta lấy không?
- Vâng con biết, nhưng mà phòng vẫn hơn.
- Thôi, con ngủ đi. Cửa để đấy, bao giờ ngủ cha đóng sau.
Mụ lụng bụng thầm vài câu trong miệng rồi cũng đành về phòng.
- Kệ, cho nó vào lấy hết đi, rồi có ngày cái bát không có mà ăn.
Mụ ngấm nguẩy hai cánh tay ngắn cũn đi ra phía cửa phòng khách. Nói thế thôi, nhưng mụ cũng khép hờ cánh cửa rồi chui vào đống chăn hôi hám ấm áp trong cái phòng cạnh cái bếp của mụ. Và chưa đến năm phút sau đã nghe tiếng khè… khè… phẹp… phẹp… từ trong cái đống chăn hôi rình ấy.
Đối với mụ, vị linh mục già này không chỉ là cha xứ, nhưng là thần tượng. Và còn hơn thế, là sự tái sinh cho cuộc đời hẩm hiu rác rưởi của mụ. Trong lòng mụ luôn có sự tôn kính đặc biệt dành cho vị linh mục già. Tiếng the thé, giọng đành hành của mụ có thế nào đi chăng nữa cũng không thể che dấu nổi sự tôn kính sùng ái của mụ dành cho vị linh mục già ấy.
Vốn là đứa con không cha không mẹ, nói là không cha không mẹ thì không đúng lắm, vì cho đến khi gặp cha thì mụ vẫn còn cha còn mẹ như bao đứa trẻ khác, chỉ có điều cả bố cả mẹ không ai chịu nuôi một đứa trẻ rớt rãi, lại bị dị tật bẩm sinh với dáng đi quặt quẹo. Mụ ở với bà ngoại, được bà ngoại nuôi từ nhỏ. Lớn lên thì mụ nuôi lại bà ngoại, đi ăn xin, ăn mày, ai cho gì ăn nấy. Và thỉnh thoảng, mụ làm thêm món nghề hai ngón. Thế quái nào, hôm đó mụ đang gặp món hàng béo bở từ một chàng thanh niên bảnh bao đẹp trai đi ngang qua chợ, nghĩ rằng lần này được món lớn, nhưng lần này mụ thất bại. Ngón tay còn chưa gắp được gì từ trong cái túi quần tây dày cộp của chàng thanh niên bảnh bao kia, thì tình cờ một bàn tay ấm áp và mềm mại từ phía sau tiến lên nắm lấy tay mụ. Mụ run gần chết, mặt tái mét, lấm lét nhìn trộm người đàn ông lạ lẫm. Nhưng kì lạ, với giọng ấm áp, người đàn ông ấy nhẹ nhàng hỏi: Nhà con ở đâu? Con ở với ai? Con đừng sợ, ta không bắt con đâu. Đưa ta về thăm nhà con được không? Đứa bé ngày ấy run rẩy, đưa người đàn ông đến căn chòi bé tí cuối chợ.
Cái phúc được gặp cha kể từ đó. Và cũng từ đó, hai bà cháu được cha đem về nuôi. Khi bà ngoại mất cũng chính cha lo tang ma hậu sự. Với cái chân què chân cụt, mụ cũng chả chồng con gì cả. Vả lại, với sự sùng mộ và kính yêu dành cho người cha ân nhân của mình, mụ nhất quyết ở lại để phục vụ cha suốt cả cuộc đời.
Bốn giờ ba mươi sáng, đúng không sai một giây, ông lão kéo chuông kéo đủ 3 hồi chín tiếng rồi tới một hồi chuông dài. Sau đó, lão mới lệnh khệnh vừa đi vừa ngái ngủ mở các cửa còn lại của nhà thờ. Ngay hàng ghế đầu lão đã thấy bóng đen mảnh khảnh dường như ngồi bất động từ bao giờ. Với bóng dáng quen thuộc ấy lão chả lạ lẫm gì. Cúi đầu chào rồi lão tiếp tục với công việc của mình.
Trời còn sớm lắm, làng xóm còn yên tĩnh. Căn gác tầng hai nhà xứ đã sáng ánh đèn. Vị linh mục già lặng lẽ nhẹ nhàng bước xuống cầu thang. Ngay dưới chân cầu thang có cái cửa nách mở thẳng ra tiền sảnh. Ngài bật điện và định mở cửa ra ngoài sảnh. Chợt ngài thấy có gì khác lạ. Ngay dưới chân cầu thang, trông có vẻ rộng rãi và trống trải, ngài quay lại nhìn, rồi tiến về phía chân cầu thang nhìn kỹ hơn một lần nữa. Đây là chỗ ngài vẫn dựng chiếc xe máy cũ, chiếc xe Dream do một ông bạn già tặng cho ngài trước lúc chết mấy ngày. Nó vừa là món quà kỷ niệm của người bạn thân thiết, cũng là phương tiện duy nhất ngài dùng để đi dâng lễ quanh các vùng lân cận. Đứng trầm ngâm một hồi, chợt nảy ra một ý nghĩ nào đó, ngài tiến lên cầu thang, mở cửa phòng, đi về phía bàn làm việc. Ngài mở ngăn kéo, lấy một tấm giấy nhỏ, nhét vào túi áo chùng thâm. Rồi ngài quay ra, tiến về phía cầu thang và lên mở cửa nhà thờ.
Ngài vẫn thường và thích ngồi trong ánh sáng mờ mờ hắt ra từ ngọn đèn Chầu cho tới khi ông lão kéo chuông lên mở các cánh cửa và thắp hết các ngọn đèn trong nhà thờ. Dưới ánh sáng mờ mờ huyền diệu ấy, là lúc ngài đắm mình trong những lời cầu nguyện và suy tư về mầu nhiệm tình yêu quá cao vời của Thiên Chúa – Đấng mà ngài đã dành hết cả cuộc đời để yêu mến tôn thờ và để sống tình yêu ấy trong mấy chục năm cuộc đời linh mục của ngài.
Bài Tin mừng trong thánh lễ buổi sáng hôm nay ông Phêrô hỏi Chúa: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu trả lời: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Thật vậy, vì thương xót mà Thiên Chúa tha cho chúng ta hết món nợ này đến món nợ khác, tha mãi không thôi. Đối với Thiên Chúa, Người chỉ biết có yêu thương, tha thứ và mời gọi con người quay trở về với Người để được thứ tha. Chính tình yêu thương và sự tha thứ cảm hóa được lòng dạ con người. Tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa đụng chạm tới tận sâu thẳm cõi lòng đen tối, u ám nhất của con người. Nó có sức mạnh động chạm tới lương tri của nhân loại, làm cho nhân loại bớt đi sự gian ác và u tối do chính mình gây lên.
Vị linh mục già khoan thai ngồi lại cầu nguyện ít giờ sau Thánh lễ, trước khi mụ bếp soạn cho ngài bữa điểm tâm buổi sáng. Thường thì ngài vào nhà thờ khi màn đêm còn buông kín và ngài cũng chính là người cuối cùng khép cánh cửa nhà thờ khi những sợi chỉ vàng kẻ những đường chỉ thẳng tắp phía chân trời phía đông. Ông lão kéo chuông biết thói quen của cha xứ nên ý tứ sau Thánh lễ, ông nhẹ nhàng tắt các bóng đèn và khép các cửa chính trong nhà thờ, còn cánh cửa xép cạnh buồng áo, ông để đó, rồi nhẹ nhàng ra về.
Mụ làm bếp vẫn có thói lanh chanh hấp tấp, nhưng được cái ngủ khỏe. Mụ đã ngủ thì trời long đất lở cũng mặc kệ. Chả sáng nào mà mụ không long bong vội vàng lau qua cái mặt, khoác trên mình tấm áo rồi lôi thôi, lếch thếch lao lên nhà thờ như người sốt sắng nhất, nhưng chả sáng nào mụ lên nhà thờ mà sau mụ còn ai nữa. Hấp tấp, vội vàng chọn cho mình chỗ ngồi quen thuộc rồi mụ ngồi gật gù cho đến khi nhà thờ tắt hết đèn mụ mới nửa tỉnh nửa mơ bước ra khỏi nhà thờ. Ấy thế mà trong giáo xứ hễ có ai nói gì hay bình phẩm gì về cha xứ hay bài giảng của ngài thì mụ là người đầu tiên lên tiếng. Khen thì không sao, ai lỡ mồm lỡ miệng chê bài giảng của cha xứ nào là dài, nào là nói thẳng quá hay có gì đó trái ý mụ thì mụ nói cho không ra làm sao: nào là có tai mà không chịu nghe, nào là lời cha nói là lời của Chúa, đi lễ thì phải tỉnh táo căng tai ra mà nghe cha giảng chứ... Phải nói là mụ không để cho bất cứ một ai có lời nói hay làm gì động chạm đến người cha già mà mụ hằng ngày kính phục.
Căn bếp là căn biệt thự sang trọng nhất của mụ, là thế giới của mụ. Về tới căn bếp mụ như được sống trong thế giới riêng của mình. Cái gì để đâu, chỗ nào, trong bếp có bao nhiêu cái bát cái đĩa, bao nhiêu cái ghế, đôi đũa... mụ nhớ như in trong đầu. Nhớ từ vị trí từng món đồ, từ ngày nó được sử dụng trong căn bếp này, còn bao nhiêu, mất bao nhiêu mụ nhớ từng ngày từng tháng. Mà cái thế giới riêng của mụ ấy không món đồ gì đáng giá ngoài bộ bát đĩa viền vàng mụ sắm riêng cho cha xứ. Ngoài mụ ra, bất cứ ai cũng không được động vào bộ bát đĩa viền vàng ấy. Chỉ có mụ mới được cái hân hạnh và vinh dự rửa bộ bát đĩa ấy sau mỗi bữa ăn. Mụ tự hào với bộ bát đĩa ấy, nó là một phần của những ngày mụ dành dụm những đồng tiền thừa đi chợ với ước mong sắm cho cha xứ một bộ bát đĩa thật đẹp, thập sang trọng. Mỗi khi rửa xong mụ cẩn thận lấy một chiếc khăn trắng muốt lau cho khô từng món một, rồi cẩn thận cất vào một khoang chạn riêng. Thế nên, hễ ai vào mượn cái gì hay tự ý lấy, hoặc di chuyển sai vị trí ấn định trong đầu mụ thì chỉ có chết với mụ. Nào là: “Cái ngữ ấy chả ra cái gì, cái nết ấy còn lâu mới lấy được chồng”, rồi là “nhà phải có nóc, người ta sống sờ sờ ra đây mà lấy hay mượn cái gì cũng không buồn mở cái miệng ra hỏi”, rồi là “có mắt như mù hay sao mà không biết để cho gọn vào.”
Vị linh mục già còn đang trầm ngâm thưởng thức ly cà phê và xem tin tức sau bữa sáng thịnh soạn mụ bếp dọn cho ngài, gồm một củ khoai luộc, phần nửa bát cháo pha thêm chút thịt băm với vài cái lá hành mà mụ bảo tuổi già ăn như thế cho dễ tiêu hóa, thì đột nhiên có tiếng la thất thanh từ phòng khách. Tiếng the thé rồi nấc lên xé tan tành bầu khí yên ả, bình an của buổi bình minh. Tiếng chạy bình bịch từ chân cầu thang lao vào bếp. Chỉ có mấy bước chân trong cái phòng khách bé tẹo mà mụ thở ra hồng hộc. Đu hai cánh tay sang hai cạnh cửa, cái thân mụ theo đà quán tính tiếp tục lao vào trong căn bếp ngay sát lưng vị linh mục già, cả người và hai cánh tay uốn cong lại sau lưng như một cánh cung bị kéo căng sắp bung ra khỏi sợi dây cung.
- Cha... cha...! Cái... cái... cái...
Mụ vừa hổn hển, vửa thở dốc, hai cái tròng mắt như sắp bật tung ra ngoài.
- Cái gì?
Vị linh mục già ôn tồn quay lại hỏi.
- Cái... cái ...xe...xe...xe...mất...mất...mất... mất rồi....
Mụ lắp bắp nói không thành tiếng đến mức cái lưỡi trong miệng như muốn dính vào hàm mà cổ họng thì cứ muốn rống lên.
Hai chữ “Mất rồi” mụ kéo dài một cách hãi hùng và hoảng loạn.
- Hừm…Cái xe cũ ấy cha cho rồi.
Vị linh mục già chậm rãi đằng hắng nói.
Rồi như để chứng minh cho cái lý luận của mình là đúng, mụ đành hanh thuyết giảng, phớt lờ lời giải thích của vị linh mục già:
- Con đã bảo rồi mà cha không chịu nghe con. Cái bọn khốn nạn ấy thì nó có trừ ai đâu. Có của thì phải giữ chứ? Nhà với chả cửa, lúc nào cũng mở tuyênh huyênh tuyênh hoang ra thế thì chỉ có mà mời cái bọn bất nhân bất nghĩa nó vào nó dọn cho mà thôi. Nay mất cái xe. Rồi mai còn cái gì nó dọn cho nốt. Đấy! Tối nay thì lấy gì mà đi dâng lễ bên kia chứ?
Rồi mụ như dứt khoát:
- Cha để con, con ra báo công an. Phải cho cái bọn đầu trộm đuôi cướp, cái bọn đầu trâu mặt ngựa, cái bọn mặt dày mặt tợn này vào tù mọt gông hết mới được.
Rồi mụ long bong định quay ra ngoài sân. Vị linh mục già ôn tồn nhưng nghiêm nghị nói gần như gằn giọng,
- Con không được đi đâu hết, ở nhà!
- Vâng!
Mụ lí nhí trong cổ rồi hậm hực vào lau dọn bàn ăn. Mụ hậm hực lắm, nhưng với người cha kính yêu của mụ thì mụ chỉ có một điều vâng lời tuyệt đối.
---
Hắn cay cú lắm, sao dạo này đen thế, mấy ván đầu còn được, càng về sau càng thua, biết vậy dừng ngay thì ngon ăn. Không được, cờ bạc ai chơi thế, đã chơi thì phải chơi tới bến. Mình ăn non sau ai cho chơi? Nhưng mà cuối cùng thì cả chì lẫn chài chả còn gì.
Trong cái ngõ sâu hun hút của cái xóm nghèo, hắn vừa đi vừa nghĩ lung tung, đầu óc rối bời, vừa cay cú vừa hụt hẫng. Tưởng qua đêm nay được đổi đời, ai đâu ngờ chưa quá nửa đêm đã tụt quần mất dép. Tưởng đâu một bước tới thiên đàng, ai ngờ tay đã rờ tới địa ngục.
Hắn chưa muốn về nhà. Giờ này vợ con đã ngủ say, hắn chả muốn gọi cửa làm gì rồi lại ầm làng ầm xóm lên. Vợ hắn hiền lắm và ngoan lắm, ngày làm công ty, tối tranh thủ lo việc gia đình, tháng lương vài triệu bạc không đủ lo tiền sữa, tiền ăn, tiền học cho con cái. Cuối tháng lĩnh lương chưa kịp nóng tay đã bay đi hết. Mà mọi chi tiêu trong cái nhà này do mình vợ hắn lo chứ hắn thì lo được gì. Thấy vợ con vất vả hắn cũng thương lắm, muốn làm gì để giúp vợ con, nhưng hắn chả biết làm gì. Giấy ra tù mấy cái, hắn đi đâu xin việc chả ai dám nhận. Ai mà dám chứa chấp một thằng tù tội như hắn. Vậy là cứ thế hắn lang thang hết chỗ nọ chỗ kia, hết xới bạc này đến xới bạc khác. Có khi cả nửa tháng hắn chẳng buồn về nhà.
Tiếng gió rít từ sau gáy khiến hắn rùng mình thu mình lại trong chiếc áo dạ cũ, đám lá khô bay tới tấp lạo xạo trên đầu hắn rồi cuốn ra mãi đằng xa mới chịu nằm yên chỗ. Mới chớm đầu đông sao mà trời đã rét như thế chứ, hay là mải ăn thua nên hắn quên chả ăn uống gì, giờ thấy rét vì đói.
Chợt có tiếng cọt kẹt, lạch cạch đều đều xen lẫn tiếng gió rít, khiến hắn chú ý. Hắn nghe ngóng. Theo phản xạ tự nhiên, hắn nhìn về hướng có âm thanh lạ ấy. Có một cánh cửa dường như không được đóng, nó đập ra đập vào theo từng cơn gió trong đêm. Mắt hắn lướt qua rồi bước đi tiếp. Nhưng hình như hắn nghĩ ra điều gì, đầu hắn lóe lên, mặt nóng bừng và chân không còn muốn bước tiếp nữa. Hắn quay lại nhìn một lần nữa. Quả đúng là một cánh cửa, một cánh cửa mở ra khép lại theo nhịp gió như một bàn tay vẫy hắn lại gần. Hắn quay hẳn người lại và từ từ chầm chậm bước qua khu sân rộng. Bóng đèn mờ mờ từ khung của sổ tầng hai của căn nhà khiến cái bóng của hắn dài ngoẵng ra, vừa siêu vẹo rồi co dần, cụt lủn và mất hút dưới hàng tiền sảnh.
Hắn loay hoay tìm cách giữ cho cánh cửa khỏi đập ra đập vào rồi nhanh như cắt, lách mình nhẹ nhàng vào căn phòng khách. Hai con mắt hắn quét thành một đường vòng tròn khắp căn phòng. Hắn dừng lại phía dưới chân cầu thang. Mắt hắn sáng lên, suýt xoa: “Có cái để bù lại rồi”. Hắn nhẹ nhàng tiến về phía cuối chân cầu thang. Thì ra là một chiếc xe máy.
“Ồ! Dream Thái, đời chót. Có giá của nó đấy”.
Bất thình lình hắn giật mình nhảy vào trong cái khe giữa chiếc xe và bức tường chân cầu thang. Có tiếng động lạ từ sau lưng hắn. Hắn nghe ngóng một hồi và từ từ tiến về phía cuối phòng khách nơi gần cửa bếp. Thì ra từ phía trong cánh cửa này. Tiếng ngủ mơ ú ớ, rồi lại tiếng phè phè như lợn bị cắt tiết. Hắn nhoẻn miệng cười cách bí hiểm và quay lại chiếc xe. Phập… Phụp… Hắn giật bắn người tay đập vào cạnh lan can gỗ cầu thang. Ngoao … ngheo… nghao… Hắn đau điếng nhảy lùi lại đằng sau.
- Cái con mèo chết tiệt! Hắn lầm bầm chửi.
Thì ra con mèo hoang nhảy qua phòng khách vào trong bếp kiếm thức ăn khiến hắn giật mình. Chợt nghe cạch một tiếng, một âm thanh khô khốc vụt tan trong đêm vắng. Hắn định hình lại, đưa bàn tay sờ sờ dưới nền nhà theo vị trí tiếng rơi. Hắn sờ đi sờ lại, và mắt hắn sáng lên lần nữa. Chiếc chìa khóa. Hắn đoán ngay là của chiếc xe máy. Vậy là trời đã giúp hắn. Thì ra, cú nhảy của con mèo hoang khiến hắn giật mình đập tay vào cạnh lan can cầu thang, đập trúng chiếc chìa khóa treo ở đó khiến nó văng ra khỏi chiếc đinh và rơi xuống đất. Hắn nhanh chóng cắm chìa khóa vào ổ khóa rồi nhẹ nhàng dắt chiến xe ra khỏi căn phòng khách, mất dần trong đêm đen mờ mờ ảo ảo.
---
Vị linh mục già vừa ra khỏi bếp, đi qua phòng khách nơi đặt chiếc xe máy, ngài đặt chân lên chiếc cầu thang gỗ, đầu còn ngoái nhìn ra cổng như muốn chờ đợi điều gì, thì có tiếng chào ngoài tiền sảnh.
- Chào linh mục. Xin gặp linh mục có chút việc.
Vị linh mục già quay lại thấy một viên công an vừa mới đến vẻ như có việc rất vội vàng.
- Ô, chào anh Công nhé. Lâu lắm không thấy anh ghé chơi? Nay có việc gì mà vào gặp tôi sớm thế? Mời anh vào uống nước.
Ấm trà chưa kịp ngấm, viên công an đã nói ngay.
- Thưa linh mục.
Vị linh mục già nhíu mày. Điều mà ngài suy nghĩ từ khi bước xuống chân cầu thang tới giờ quả là sự thật hay sao.
- Đêm qua, anh em chúng tôi đi tuần có thấy một thanh niên đi chiếc xe máy cách rất vội vã. Vả lại giờ đó không còn ai ra đường nên chúng tôi nghi ngờ, cho dừng lại kiểm tra và phát hiện xe không giấy tờ. Nhìn biển số xe, một trong anh em chúng tôi nhận ra đây là chiếc xe linh mục vẫn đi. Để cẩn thận chúng tôi tạm giữ người và giữ xe để xác minh chiếc xe đó.
Vị linh mục trầm ngâm một hồi. Rồi đột nhiên ngài nhìn vào viên công an và nói:
- Vậy à!...
Rồi vị linh mục nhẹ nhàng nhìn viên công an, đặt tay lên vai anh ta và nói.
- Tôi muốn gặp anh ấy. Anh có thể dẫn anh ấy đến đây cho tôi gặp ít phút được không?.
Ít phút sau, tên trộm và chiếc xe được đưa đến. Vừa nhìn thấy tên trộm, vị linh mục già liền gọi với ra cách mau mắn.
- Ơ kìa anh Đoái, tối qua anh vội thế, quên cả giấy tờ xe?
Nói rồi ngài lấy trong chiếc áo chùng thâm tấm giấy nhỏ gấp làm đôi. Ngài mở ra và … toàn bộ giấy tờ xe và thẻ bảo hiểm xe, ngài đưa cho anh ta.
- Anh nhớ giữ cẩn thận. Chiếc xe này tôi đã cho anh rồi thì nó là của anh.
Nói xong vị linh mục già quay lại viên công an:
- Chắc có sự hiểu nhầm thôi anh. Chiếc xe này hôm qua tôi đã cho anh Đoái rồi. Lúc đó mừng quá nên anh ấy quên không cầm giấy tờ xe, bảo là về mai chạy chuyến xe đầu tiên. Anh thấy đấy, nó vẫn còn trong túi áo tôi cho tới khi tôi đưa cho anh ấy.
Tên trộm há hốc mồm. Hắn như bị dội một gáo nước lạnh lên đầu. Cả đời hắn chưa bao giờ gặp trường hợp nào như thế này. Một trận đòn nhừ tử, rồi sau đó được đưa về đồn và sau nữa là ngồi bóc lịch là điều mà hắn nghĩ tới. Đằng này, rõ ràng mình là một tên ăn trộm, tự dưng lại trở thành một vị khách. Từ thằng ăn cắp trở thành người bạn. Từ món đồ ăn cắp trở thành món quà được tặng. Hắn chả hiểu gì cả. Sao trên đời lại có cái thứ gì kỳ quặc thế. Đầu hắn rối tung. Miệng hắn ú ớ. Hắn chỉ biết gật đầu vâng vâng dạ dạ miệng cười méo mó theo lời vị linh mục già.
Nghe vị linh mục già nói, viên công an với ánh mắt đa nghi và dò xét, anh quét qua một lượt vị linh mục già và dừng lại nơi khuôn mặt cằn cỗi và dáng vẻ khô nhược của tên ăn trộm. Hắn biết tỏng tỏng đêm qua tên trộm đã làm gì, nhưng với lời nói ôn tồn và hành động thuyết phục của vị linh mục già, anh đành phải chấp nhận trắng án.
- Vậy thì cám ơn linh mục. Nếu không có chuyện gì thì xin phép linh mục cho tôi về.
Viên công an bắt tay chào vị linh mục già rồi tiến nhanh ra phía cổng nhà xứ.
Phía trong bếp, từ khi nghe có tiếng người ngoài tiền sảnh, mụ bếp đã hóng hớt ngỏng cái cổ ngắn tũn ra xem. Bao lần hóng chuyện bị cha xứ mắng rồi, nên lần này mụ rút kinh nghiệm, đứng nấp sau cánh cửa bếp nghe câu được câu chăng. Mắt mụ sáng lên, hai cái má bành ra khi nghe thấy tên trộm bị bắt. Mụ muốn nhảy ra, lao vào xé xác tên trộm cho bõ cơn tức khiến “bà mất ăn mất ngủ” bấy lâu nay, nhưng đời nào mụ dám. Người cha kính yêu của mụ còn đứng đó thì mụ chỉ có một phép ngoan ngoãn đứng xa mà nghe ngóng vụng trộm thôi. Đột nhiên mặt mụ sầm lại, tím bầm, cái cổ bành ra như muốn gào lên: “Nó là thằng ăn cắp chứ đâu phải cha cho nó cái xe ấy”. Nhưng mà không được gào, nên mặt mụ càng tím bầm lại trên cái cổ bạnh ra như để chặn lại một luồng âm thanh muốn phá tung cái cổ họng của mụ.
Ngoái về phía tên trộm, vị linh mục già âu yếu nhìn anh ta rồi ôn tồn nói.
- Này anh Đoái! Chiếc xe này tuy cũ nhưng còn tốt lắm. Dùng nó chạy xe ôm thêm thắt cho vợ cho con thì cũng tốt. Anh cố gắng chịu thương chịu khó, ngày kiếm vài lượt khách thì không sợ chết đói đâu.
Rồi ngài nói tiếp cách rất vui vẻ, hồn nhiên, nhưng dứt khoát:
- Thôi anh về nhà đi. Chắc hẳn chị ấy đang sốt ruột chờ anh về rồi. Khi nào có công việc đi đâu đó tôi gọi anh. Nhớ lấy giá hữu nghị cho tôi nhé.
Tên ăn trộm càng ngạc nhiên hơn. Hắn càng không ngờ điều xảy ra trước mắt hắn lại là sự thật. Có khi nào lại thế, đầu óc hắn hỗn loạn một cách mông lung. Từ lúc bị bắt tới khi được đưa tới đây, hắn luôn nghĩ mình sẽ tiếp tục ngồi bóc lịch. Ai ngờ hắn lại được tha bổng. Chẳng những được tha bổng mà hắn còn được đối xử tử tế như một con người.
Cả cuộc đời đã bao giờ hắn được đối xử tử tế như một con người đâu. Người ta cũng chả buồn quan tâm đến sự hiện diện của hắn trong cõi đời này. Chả bao giờ hắn được chào hỏi hay ít ra nhận được một cái nhìn tử tế một chút. Người đời coi thường hắn, khinh bỉ hắn. Đối với họ, hắn chỉ như một mớ giẻ rách người ta tùy ý quăng từ nhà tù này sang nhà tù kia mà thôi. Ngay cả vợ con hắn cũng chả quan tâm đến sự xuất hiện của hắn trong cái gia đình nghèo nàn rách nát này. Hắn đi hay về, ngủ ở nhà hay ở ngoài đường cũng không ảnh hưởng đến ai và cũng chẳng ai quản lý được giờ giấc của hắn. Hắn được ví như một đời thừa trong con mắt của mọi người. Vậy mà hôm nay hắn lại được đối xử hết sức tử tế. Lần đầu tiên hắn được chào. Nghĩa là từ nay trở đi hắn được thừa nhận là một con người, được đối xử như một con người.
Nhưng mà hắn vẫn sợ. Sợ ánh mắt của vị linh mục già. Ánh mắt rất hiền, hiền như chẳng bao giờ kết tội ai. Nhưng từ sâu trong đáy mắt đã soi thấu trần trụi tất cả những gì hắn đã làm. Đời hắn chưa bao giờ biết sợ. Bao lần ẩu đả, bao lần bị bắt cùng với tang vật rõ ràng, chứng cứ rành rành hắn cũng không sợ. Vậy mà bây giờ, trước một ông già ngoài bảy mươi không một lời phán xét, không một lời kết án, chỉ với ánh mắt nhìn như xoáy vào tận tâm can khiến hắn run lẩy bẩy và chỉ biết đứng cúi đầu vâng vâng dạ dạ.
Trong cơn thất thần hắn cố gắng rít lên một thứ âm thanh sền sệt trong cái cổ họng khô đặc.
- Vâng!
Tiếng “Vâng” khô khốc, cụt lủn rồi hắn lại cúi đầu như tiếp tục chờ một án lệnh mới.
Vị linh mục già lại giục:
- Thôi anh về đi! Chắc cũng mệt rồi. Về nghỉ ngơi cho lại sức.
- Vâng! Hắn khẽ thưa, rồi cúi đầu dắt xe ra khỏi cổng.
---
Thời gian trôi nhanh như ánh hoàng hôn vội lướt trên cánh đồng quê yên ả trước khi vùi mình trong giấc ngủ sâu. Ngôi nhà thờ đã không còn sự hiện diện của vị linh mục già nữa. Cha xứ mới bây giờ là một linh mục trẻ, năng động. Ngài đã cho xây sửa lại toàn bộ khuôn viên nhà thờ và nhà xứ thật khang trang lộng lẫy. Còn vị linh mục già, sau cả cuộc đời phục vụ, ngài đã nghỉ hưu dành những ngày tháng thanh thản còn lại để suy ngẫm về quá khứ, bằng lòng với hiện tại và hạnh phúc hướng về tương lai.
Mụ bếp không còn lanh chanh, hấp tấp và cáu bẳn như xưa nữa. Mụ cung cúc tận tụy phục vụ người cha đáng kính của mụ một cách trung thành yêu mến và cả lòng cảm phục, ngay cả những ngày tháng còn lại của ngài nơi nhà hưu dành cho các linh mục này. Hàng ngày mụ vẫn chăm lo, săn sóc chu đáo cho ngài từng ly từng chút với tất cả lòng thành kính và biết ơn.
Vị linh mục già bước nhẹ trên những con đường nhỏ của khu vườn cây xanh mát với những khóm hoa hồng, hoa cúc ngào ngạt hương thơm. Người làm vườn đã khéo léo chăm sóc những khóm cây bụi hoa vừa mộc mạc tự nhiên lại vừa tạo nên một không gian yên ả trong lành. Vài tiếng chim líu lo trên cành, những cánh bướm dập dờn trên những cánh hoa khoe sắc. Mùa xuân đã đến.
Có tiếng xe từ xa vọng lại rồi nhỏ dần ngoài cổng. Tiếng người lớn, tiếng trẻ con lao xao làm lay động bầu khí yên tĩnh của buổi bình minh. Bác bảo vệ nhẹ nhàng kính cẩn bước tới thưa.
- Thưa cha, có một gia đình dưới quê xin được gặp cha.
Vị linh mục già nheo mắt nghĩ không ra ai có thể từ nhà quê lên thành phố xa xôi này được. Ngài cảm ơn bác bảo vệ và cho mời khách vào. Ngài quay lại bảo mụ bếp:
- Con vào pha nước cho cha.
Mụ bếp vâng dạ rồi nhanh nhẹn đi pha nước. Mụ tỏ ra vui vẻ hẳn lên, vì đang ở nhà xứ ngày ngày có người ra vào, có người “buôn dưa”, rồi lúc rảnh rỗi thì mụ đảo qua nhà này lướt qua nhà kia xem có tin tức gì hay ho. Đằng này, từ ngày về đây chỉ có mấy cha già, mấy người giúp việc và bác bảo vệ. Cả ngày chẳng có ma nào đến chơi, buồn hết biết.
Mụ bếp vừa quay đi, thì từ ngoài cổng đã ríu rít: Con chào bố! Cháu chào ông cha. Tiếng rộn ràng khiến mấy chú chim sâu trên cành đào ngay góc sân vội vàng bay lên để lại tiếng líu lo trong veo và tinh khiết.
Vị linh mục già nhìn mãi không ra, trông vừa lạ lại vừa quen. Một cặp gia đình hai vợ chồng với hai đứa con một trai một gái thật xinh xắn đáng yêu bước ra từ chiếc xe 5 chỗ trắng tinh.
Người đàn ông dáng vẻ đĩnh đạc, ăn mặc lịch thiệp trong chiếc quần âu đen và chiếc sơ mi trắng.
- Bố nhận ra chúng con không?
Vị linh mục già nhìn kỹ lại lần nữa vẫn không ra rồi ồ lên.
- Ô kìa, anh Đoái! Phải anh Đoái không?
Anh chồng ôm lấy vị linh mục già cười tươi với niềm vui mãn nguyện. Chị vợ và hai đứa con nhìn vị linh mục già và anh chồng với gương mặt đầy niềm hạnh phúc.
- Vào trong nhà đã. Chúng con vào trong nhà đi. Anh Đoái, cha nhận không ra. Thật, con khác xưa nhiều quá.
Nói đến khác xưa, anh Đoái liền chùng mặt xuống pha chút xấu hổ và tiếc nuối cho một quá khứ.
- Thế nào? Giờ cuộc sống của chúng con ra sao?
Chị vợ nhanh nhảu thưa:
- Dạ thưa cha. Kể từ ngày nhà con được gặp cha, đúng ra là từ ngày bị cha tặng cho chiếc xe, anh ấy bắt đầu thay đổi. Cha còn nhớ buổi sáng hôm đó? Về tới nhà, anh ấy chẳng nói năng gì, buồn phiền không ăn không ngủ mấy ngày trời. Hết ra lại vào, anh ngồi ngắm chiếc xe và đăm chiêu suy nghĩ. Rồi anh ôm đầu bứt tóc. Nhà con muốn đến xin lỗi cha, nhưng mặc cảm, nên anh không dám bước ra khỏi ngõ. Cho đến khi được tin cha về nghỉ hưu, chúng con có ra thăm cha nhưng cha đã đi rồi. Hôm nay chúng con mới ra thăm cha được.
Rồi chị tiếp:
- Sau một thời gian đủ để hồi tâm chuyển ý, nhà con quyết định làm theo lời cha dạy. Quyết định dùng chiếc xe của cha để làm lại cuộc đời. Ngày ngày chạy xe ôm cũng kiếm được đủ ăn đủ tiêu. Anh tránh tiếp xúc với bạn bè cũ, tuyệt nhiên không đụng đến giọt rượu kể từ ngày đó. Bẵng đi một thời gian, cuộc sống chúng con khá dần lên, rồi chúng con sinh thêm một bé nữa, là bé trai. Nhà con bảo đặt tên cho cháu là Thương, để muốn nói rằng Chúa đã “Đoái Thương” đến gia đình bé nhỏ này. Với tài khéo léo, sự nhanh nhẹn và quyết chí của anh ấy, giờ chúng con đã có một công ty riêng nho nhỏ đủ để nuôi sống gia đình và noi gương cha giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ.
Chi vợ dừng lại và ánh mắt vui cách lạ lùng.
- Thưa Cha, niềm vui lớn nhất với chúng con là giáo xứ vừa mới bầu lại Ban hành giáo và nhà con được bầu vào Ban mục vụ Hội đồng giáo xứ. Anh được mọi người tín nhiệm lắm, vì anh rất chuyên cần đi lễ sớm chiều dù công việc của công ty khá bận rộn, đồng thời lại năng nổ hoạt bát thu vén công việc nhà xứ rất tốt…
Chúng con cảm ơn Cha nhiều lắm. Nhờ có cha và tình thương yêu của cha mà nhà con đã thay đổi, anh ấy đã sống lại, gia đình con đã sống lại và Chúa đã cất nỗi tủi nhục cho con sau bao năm tháng đắng cay của cuộc đời. Cha tuy không sinh ra chúng con trong huyết nhục, nhưng cha đã sinh ra chúng con lần thứ hai trong ơn Chúa và tình thương của Giáo Hội.
Mụ bếp từ trong nhà đã nghe trộm từ đầu câu chuyện. Chị vợ chưa dứt lời mụ đã từ dưới bếp vừa đi vừa bê đĩa trái cây lên vừa cười vừa nói oang oang.
- Này, tôi nói cho biết nhé, lần này mà thế nữa là tôi không tha cho đâu đấy!
Rồi cả nhà phá lên cười.
Vị linh mục già nhìn đôi vợ chồng đua nhau thưa chuyện mà lòng thấy ấm áp vô cùng. Ngài có đâu ngờ, một chiếc xe máy cũ là nguyên do gây nên tội lỗi, lại trở thành khí cụ Thiên Chúa đã dùng để thể hiện tình thương của Người. Thiên Chúa, Người có thể vẽ những đường thẳng từ những nét cong. Hành động tội lỗi của con người, Thiên Chúa biến thành dấu chỉ của tình thương yêu và sự tha thứ. Ngài thầm tạ ơn Chúa vì muôn điều kỳ diệu Chúa đã làm mà ngài cũng chỉ là một trong muôn vàn cánh tay mà Chúa đã sử dụng để đem lòng trắc ẩn của Người đến với con người mà thôi. Phải, chính lòng trắc ẩn, tình yêu và sự tha thứ mới cảm hóa được lòng người, mới đủ sức để đưa những tâm hồn tan nát vì tội lỗi trở nên lành lặn và được sống đúng với phẩm giá con người đã được Thiên Chúa định liệu từ ngàn xưa.
Ngoài vườn, bọn trẻ nô đùa cách hồn nhiên và đơn sơ trên vạt cỏ xanh còn đọng vết sương. Ánh nắng buổi sớm mùa xuân vừa ấm áp vừa đem lại cho ta cái cảm giác yêu thương đến lạ lùng vừa gợi lên một niềm vui phơi phới. Phố xá đã bắt đầu chưng bày những món hàng tết. Đường phố nhộn nhịp hơn.
Một cái Tết nữa chuẩn bị đến, một mùa xuân mới sắp sang. Chúa xuân đang đến khiến lòng người rộn ràng mừng vui.
Xuân Ất Tỵ
Jos. Nguyễn