Chị thân mến!
Trước hết, tôi cảm ơn chị thật nhiều vì đã tin tưởng nhắn tin và chia sẻ với tôi về câu chuyện cuộc đời của chị. Nhưng hơn một tháng trôi qua kể từ cuộc trò chuyện đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi và chị, tôi không thấy chị nhắn tin hay gọi lại cho tôi. Qua một người bạn, tôi biết gia đình chị vẫn còn căng thẳng. Chị vẫn bị sốc và chưa thể sẵn sàng tha thứ cho chồng chị. Những hình ảnh tiêu cực lúc nào cũng cứ hiển hiện trong đầu óc chị. Chị đã cố quên đi nhưng càng cố quên thì nó càng ám ảnh nhiều hơn. Vì thế mà chị càng trở nên căng thẳng. Tôi hiểu và cảm thông cho những nỗi đau mà chị đang gánh chịu. Tôi muốn viết cho chị và những ai đang có hoàn cảnh tương tự để có thể tìm ra một hướng giải quyết cho bản thân và cho gia đình mình.
Là một giáo lý viên, hẳn chị đã đọc Tin Mừng nhiều. Chắc chị cũng đã nghe và suy niệm về hai chữ “chén đắng”. Đứng trước chén đắng, Chúa Giê-su dường như cũng dao động. Thế nhưng, Ngài đã vượt qua thử thách để sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa Cha. Điều đó được thể hiện qua câu nói: "chén Cha Ta đã trao, lẽ nào Ta không uống?" (Ga 18,11). Tôi thấy dường như Chúa cũng đang trao cho chị một chén đắng. Chắc hẳn chén này cũng khó uống nhưng lẽ nào chị từ chối chén Chúa trao?
Hai chữ “tha thứ” nghe rất đơn giản nhưng để hiểu sâu sắc và thấu đáo thì cũng không nhiều người hiểu được. Như tôi đã viết nhiều về đề tài này, tôi muốn nhắc lại ở đây với chị rằng:
Thứ nhất, tha thứ không phải là công việc ta làm cho một ai khác mà là làm cho chính bản thân mình. Khi ta tha thứ là lúc ta được thanh thản. Ta không còn phải ở trong vòng luẩn quẩn. Không có điều gì có thể giam giữ ta trong hận thù. Càng hận thù ta càng đau khổ. Ngày ta tha thứ là ngày ta được tự do. Nếu là công việc làm cho bản thân thì tại sao ta còn chần chừ? Hãy bắt đầu tha thứ ngay hôm nay.
Thứ hai, tha thứ không phải là công việc của nỗ lực mà là nhận thức. Có những người hay dùng cụm từ “nỗ lực tha thứ”. Tôi khẳng định với chị rằng nếu chúng ta còn nỗ lực, chúng ta vẫn chưa hiểu tha thứ là gì. Chỉ khi nào ta nhận thức thì tha thứ như một cái gì đó tự động xảy ra.
Thứ ba, tha thứ không phải là biểu hiện của sự nhu nhược, bất lực. Tha thứ không bao giờ là nhu nhược. Tha thứ là biểu hiện của một người có sức mạnh vô song. Trên cây thập giá, Chúa Giê-su đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình. Chính khoảnh khắc ấy, Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả. Quyền năng của Chúa không phải thể hiện qua việc làm những phép lạ cả thể. Quyền năng của Chúa được biểu lộ chính là lúc Chúa tha thứ cho kẻ thù. Chúa đã từng giảng dạy điều này và chính Ngài đã thực thi trọn vẹn trên cây thập giá.
Tôi vừa xem lại một video clip về thầy Minh Tuệ. Khi thầy đi khất thực từ Nam ra Bắc, thầy đã bị một người ở Quảng Nam đấm vào mồm khiến chảy máu. Thầy đã không chống lại nhưng thầy đã tha thứ và mong những điều tốt lành cho người đã đánh mình. Đó quả là một điều tuyệt vời chứng minh rằng con người có thể thực hành được điều Chúa dạy là tha thứ cho kẻ thù. Là một giáo lý viên, tôi chắc chị cũng đã nhiều lần dạy cho các trẻ em về điều Chúa đã dạy là yêu thương và tha thứ cho kẻ thù. Đây là lúc chị thực hành điều chị đã từng dạy cho các em. Chị hãy tin tôi đi, khi chị tha thứ là lúc chị được bình an và gia đình chị cũng được hạnh phúc.
Trong bức Thư Mục vụ năm 2025 gửi cộng đồng dân Chúa với chủ đề "cùng nhau loan báo Tin Mừng", Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị với chúng ta hãy cùng nhau loan báo Tin Mừng bắt đầu từ gia đình. Các Đức Giám mục đề nghị cụ thể trong số 2 của bức thư như sau:
1. Trong gia đình, các thành viên sống yêu thương, quan tâm và liên đới với nhau hơn, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ.
2. Gia đình sống thân thiện, bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác.
3. Giữa các gia đình và cộng đoàn, cần nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau, vì dấu chỉ của hy vọng đầu tiên của Năm Thánh toàn xá là bầu khí hài hòa, bình an.
Những lời nhắc nhở của các vị chủ chăn thật đơn sơ và dễ hiểu. Nhìn vào bức ảnh của gia đình chị, tôi thấy những nụ cười thật đẹp, tràn ngập tình yêu thương. Chị đừng để một nỗi đau làm tan vỡ gia đình. Chị hãy cho anh một cơ hội làm lại. Hãy trọn niềm tin tưởng. Đừng lo sợ điều gì. Hãy tha thứ và đặt trọn niềm phó thác trong tay Chúa quan phòng. Tôi vẫn luôn tràn đầy hy vọng những ngày tươi sáng sẽ tới với gia đình chị. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng.
Hôm trước, tôi có đi thăm một gia đình ở giáo xứ bên cạnh. Bước vào phòng khách, tôi thấy một bức ảnh gia đình Thánh Gia thật đẹp. Trên bức ảnh có hai câu thơ:
Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu
Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương
Tôi rất thích bức ảnh này. Hai vợ chồng của gia đình đó đã chia sẻ với tôi rằng đó là bức ảnh mà họ sẽ ghi nhớ và lưu giữ mãi mãi. Chính lúc gia đình họ có những trục trặc thì họ được một người bạn tặng cho bức ảnh đó. Họ nhận được thông điệp phải thương nhau đến bạc đầu vì tình nghĩa vợ chồng thật sâu sắc. Nhờ bức ảnh đó mà vợ chồng họ đã vượt qua được mâu thuẫn để tới hôm nay, họ vẫn rất hạnh phúc. Tôi muốn gửi tặng chị thông điệp của bức ảnh này để mong chị suy nghĩ lại và cố gắng hàn gắn gia đình mình, để có thể cùng chồng và các con đi đến cuối con đường lữ khách trần gian.
Trần gian này chỉ là quán trọ. Chúng ta chỉ là những lữ khách đang tiến về quê trời. Nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thì chúng ta là những người hành hương. Chúng ta là những người hành hương trong hy vọng. Tôi thành tâm cầu chúc cho gia đình chị được đoàn kết yêu thương để cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam loan báo tin mừng, đặc biệt trong Năm Thánh 2025. Tôi đã và sẽ luôn cầu nguyện cho chị và gia đình chị. Xin chị cũng thêm lời cầu nguyện cho tôi.
Lm. Giu-se Tạ Xuân Hòa
Nguồn: tonggiaophanhanoi