Câu chuyện này diễn ra ở Normandy, nước Pháp, trên bờ sông Orne. Tu viện Biển Đức Almenêches, vốn được chuyển đến Argentan vào thế kỷ 18, là một trong những tu viện nữ lâu đời nhất ở Pháp. Ngày nay, 31 nữ tu sống tại tu viện Notre-Dame d’Argentan theo tu luật thánh Biển Đức. Họ sống một cuộc sống chiêm niệm, trong khi trồng rau trong vườn và đảm đương công việc nhà.

Tuy nhiên, năm trong số những nữ tu này lại có ơn gọi khác thường. Họ thực sự là những bậc thầy của một nghệ thuật mà những người tiền nhiệm của họ đã được trao tặng danh hiệu Meilleur Ouvrier de France (“Thợ thủ công giỏi nhất của Pháp”) vào những năm 1950. Ngày nay, họ là những người duy nhất nắm giữ bí mật về ren khâu Argentan.

Ren Pháp ra đời ở Argentan

Ren có nguồn gốc từ Venice trong thời Phục hưng. Kỹ thuật thêu ren này khác với việc thêu thùa khác (embroidery) ở chỗ nó không cần vải lót. Các họa tiết được nối bằng những sợi chỉ tiện dụng. Ý tưởng này thu hút những người giàu có, vì vậy nó đã vượt qua dãy An-pơ và kiểu thời trang này nhanh chóng xâm chiếm các hốc tường và phòng thánh của vương quốc Pháp.



Dưới thời Vua Louis XIV, Gioan Baotixita Colbert – người chịu trách nhiệm cho nhiều nhà xưởng hoàng gia, chẳng hạn như Sèvres (đồ sứ) và Les Gobelins (thảm trang trí) – cũng đã thành lập các nhà xưởng làm ren, nơi có thể nắm vững bí quyết mới của Ý này.

Để ngăn chặn tiền chảy ra khỏi đất nước, việc nhập khẩu ren đã bị cấm và ren Pháp – “point de France” – đã được phát minh tại Argentan. Các họa tiết Point de France được nối bằng các mũi khâu lục giác đều đặn, có khía.

Vào thế kỷ 18, ren Argentan nổi tiếng với sự tinh tế nên các đồ vật như quần áo, đồ dùng trong phụng vụ và đồ nội thất đều được trang trí bằng ren Argentan. Các nhà máy ren của Argentan đã sử dụng khoảng một nghìn công nhân. Tuy nhiên, Cách mạng Pháp đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim này.

Các nữ tu dòng Biển Đức tiếp nối truyền thống

Bí quyết về mũi khâu Argentan gần như đã bị mai một. Phải cần đến sự kiên trì của một thị trưởng và một phó thị trưởng mới có thể khôi phục lại nghề làm ren, nhờ những người thợ làm ren cuối cùng và các nữ tu dòng Biển Đức, những người đã thành lập một trại trẻ mồ côi. Một trường dạy làm ren do các nữ tu dòng Biển Đức điều hành đã mở cửa vào năm 1874 tại cơ sở trại trẻ mồ côi của họ, cách đây 150 năm. Ngôi trường đã giành được huy chương tại Hội chợ Thế giới.



Ngôi trường đã bị phá hủy bởi trận ném bom của thế chiến II. Từ năm 1958 trở đi, chỉ có các nữ tu dòng Biển Đức tiếp tục truyền thống làm ren Argentan. Một số sáng kiến tuyệt vời nhất của họ được lưu giữ trong các bảo tàng tại Vatican và Washington DC. Tu viện đã lưu giữ một số tác phẩm có giá trị, bao gồm một hình bầu dục có tên là “Le Marquis”, được làm vào khoảng năm 1930. Tác phẩm này cần 730 giờ lao động để hoàn thành!

Công việc rất “tu viện” 

“Chúng tôi không nhận đơn đặt hàng, hàng được bán ngay tại chỗ”, Sơ Colette nói. “Khách hàng chọn từ những tác phẩm đã được giới thiệu tới họ. Với khối lượng công việc như vậy, mức giá đầu tiên vào khoảng 350 euro [khoảng 380 đô la] cho một mảnh vải có kích thước 5 cm x 3 cm [2 x 1,2 inch]. Đây là công việc thêu thùa, được thực hiện bằng chỉ lanh rất mịn (mịn hơn nhiều so với loại dùng để may ga trải giường hoặc rèm cửa) và mũi kim rất nhỏ. Hiện tại, chỉ lanh rất khó tìm và chúng tôi rất biết ơn bất kỳ ai có thể giúp chúng tôi tìm nguồn cung cấp”.



Các nữ tu dòng Biển Đức không chỉ làm họa tiết tôn giáo; họ còn tự tạo ra các thiết kế hoa và ruy-băng của riêng mình. “Vì giá rất cao nên chúng tôi không bán được nhiều, và chúng tôi sẽ bán được ít hơn nữa nếu chỉ làm họa tiết tôn giáo!”

“Chúng tôi không thể làm việc quá hai giờ cùng một lúc. Công việc gây sự mệt mỏi cho đôi mắt. Đây là công việc rất ‘tu viện’, cho phép chúng tôi có thể vừa làm vừa cầu nguyện cùng lúc.” Ren Argentan trên hết là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và thinh lặng. “Ora et labora – cầu nguyện và làm việc” là khẩu hiệu của dòng Biển Đức.


Nguồn: dongten.net

Hoàng Nam chuyển ngữ theo Aleteia