Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, nằm ở phía nam Rôma, nổi tiếng với một hàng dài những bức chân dung khảm đại diện cho tất cả các Đức Giáo hoàng trong lịch sử. Những bức chân dung hình tròn này chiếm các hốc tròn có đường kính gần hai mét và đại diện cho tất cả các Đức Giáo hoàng kể từ thời Thánh Phêrô, trên nền vàng. Vào ngày 21/4/2025, ngày Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, ánh sáng chiếu sáng bức chân dung của ngài kể từ năm 2013 đã được tắt đi.
Sau khi Đức Lêô XIV được bầu chọn, công việc thực hiện bức chân dung của vị Giáo hoàng thứ 267 không được bắt đầu ngay lập tức. Vào tháng Sáu, giàn giáo đã được lắp đặt ở độ cao của hốc để tiếp nhận bức chân dung khảm mới, nhưng cuối cùng nó đã bị dỡ bỏ vào đầu tháng Bảy.
Chỗ dành cho bức chân dung của Đức Lêô XIV vẫn còn trống, nhưng được chiếu sáng để báo hiệu một triều đại giáo hoàng mới đã thực sự bắt đầu. Một người bảo vệ Vương cung thánh đường cho biết: “Công việc đã được thực hiện để chuẩn bị hốc để tiếp nhận bức chân dung khảm, nhưng để xem được nó, sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa. Có lẽ là vài tháng.” Năm 2013, cần phải đợi đến ngày 9 tháng Mười Hai – gần chín tháng sau cuộc bầu chọn Đức Phanxicô – để bức chân dung của vị Giáo hoàng người Argentina được lắp đặt.
Một truyền thống có từ thế kỷ thứ V
Truyền thống chân dung khảm của các Đức Giáo hoàng ở Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành có từ rất lâu đời. Nó có từ thời Đức Giáo hoàng Lêô I, vào thế kỷ thứ V, ngay cả khi hầu hết các bức chân dung khảm được tạo ra sau đó đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn xảy ra vào ngày 15 tháng 7 năm 1823, khiến phần lớn vương cung thánh đường thành tro bụi.
Chính Đức Giáo hoàng Lêô XII, vào năm sau, đã khởi động công trường tái thiết, được hoàn thành vào năm 1854 dưới triều đại giáo hoàng của Đức Grêgôriô XVI. Trong quá trình thực hiện, khoảng bốn mươi bức chân dung khảm còn sót lại – đại diện cho các Đức Giáo hoàng từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX – đã được chuyển đến tu viện Biển Đức liền kề với Vương cung thánh đường. Định dạng của các bức chân dung khảm hiện tại, có biệt danh là “tondi”, lúc đó đã được thiết lập và tích hợp vào kiến trúc mới của nơi này.
Xưởng Khảm ở Vatican, được thành lập vào thế kỷ XVI, hiện đang thực hiện bức chân dung khảm của Đức Lêô XIV. Trong quá trình lắp đặt, các nghệ nhân cũng sẽ thêm vào dưới bức chân dung của Đức Phanxicô ngày bắt đầu và ngày kết thúc triều đại giáo hoàng của ngài.
Tại sao những bức chân dung khảm của các Đức Giáo hoàng lại khơi dậy nỗi sợ hãi về ngày tận thế ?
Khi các nghệ nhân chuẩn bị bức chân dung khảm của Đức Lêô XIV để nối vào hàng dài các bức chân dung của các Đức Giáo hoàng, một câu hỏi quen thuộc lại xuất hiện: Điều gì xảy ra khi không còn chỗ?
Những bức chân dung khảm này bao quanh bên trong nhà thờ giống như một lịch sử trực quan về sự kế vị các Tông đồ. Nhưng chuỗi lịch sử này cũng khơi dậy một truyền thuyết lạ lùng: Khi tất cả các khoảng trống được lấp đầy, thế giới sẽ kết thúc.
Nó đã được lưu hành trong nhiều thập kỷ bên ngoài Giáo hội, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ, thu hút sự chú ý mỗi khi bầu ra một vị Giáo hoàng mới. Nó đã được đà sau trận hỏa hoạn năm 1823 đã phá hủy phần lớn Vương cung thánh đường và các bức ảnh.
Khi Đức Giáo hoàng Lêô XII bắt đầu công cuộc tái thiết, loạt bức chân dung khảm mới có số lượng hạn chế. Kể từ đó, mỗi bức chân dung mới đã đưa đến gần hơn với “sự kết thúc”.
Với Đức Lêô XIV, vị Giáo hoàng 267, Vương cung thánh đường phát triển gần hơn một chút đến giới hạn kiến trúc của nó (mặc dù khách du lịch đã nghe truyền thuyết có thể ngạc nhiên khi thấy – vẫn còn sẵn hàng chục không gian trống).
Một số du khách vẫn thầm phân vân: Liệu có thể không còn chỗ nào nữa? Và nếu không có?
Giáo hội không tán thành những cách giải thích mang tính khải huyền về các bức chân dung khảm. Thực ra, Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nhắc nhở các tín hữu rằng ngày tận thế “vẫn ẩn giấu đối với tất cả mọi người” (GLCG, 1040).
Ngay từ Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cảnh báo đối với việc cố gắng tính ngày tính giờ (x. Mc 13, 32). Thay vào đó, giáo huấn Công giáo tập trung vào sự tỉnh thức sẵn sàng, hy vọng và tin tưởng – chứ không phải sợ hãi.
Nhưng có điều gì đó để nói về truyền thuyết. Những bức chân dung khảm không chỉ đơn thuần là trang trí; chúng thuộc loại thần học thị giác. Mỗi bức chân dung đều làm chứng về một người được chọn để gánh vác gánh nặng và mang phúc lành trong vai trò của Phêrô, trong một thế giới không ngừng thay đổi. Và việc lắp đặt một bức chân dung khảm mới không phải là dấu hiệu của sự kết thúc, nhưng là của tính liên tục. Giáo hội vẫn tiếp tục, hết bức chân dung khảm này đến bức chân dung khảm khác, hết triều đại giáo hoàng này đến triều đại giáo hoàng khác.
Thông điệp thực sự ở Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành không phải là sự diệt vong, nhưng là niềm hy vọng: hàng dài những người kế vị, trải dài suốt lịch sử, thầm lặng làm chứng cho lời hứa được đưa ra trên bờ biển Galilê rằng cửa tử thần sẽ không thắng được.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Nguồn: xuanbichvietnam