Những người thợ đồng đang đánh bóng bàn thờ dự định dành cho nhà thờ Đức Bà Paris do nghệ nhân và nhà thiết kế người Pháp Guillaume Bardet thiết kế, tại xưởng Nghệ thuật Barthelemy ở Crest, ngày 11 tháng 9 năm 2024.

Olivier CHASSIGNOLE / AFP


Khi Nhà thờ Đức Bà Paris được mở cửa trở lại vào ngày 7 và 8 tháng 12, không chỉ có các linh mục, tín hữu mà còn có cả các du khách sẽ trở lại ngôi nhà thờ chính tòa tráng lệ và được phục hồi này. Năm vị thánh cũng sẽ bước vào gian cung thánh. Hay đúng hơn, thánh tích của các ngài sẽ được đưa vào đó!

Giáo Hội đặt một “phần mộ” nhỏ bên trong mỗi bàn thờ cố định. Trong chiếc hộp kín này là hài cốt của những người đã sống không theo tiêu chuẩn thế gian, mà theo Tin Mừng: những người đã hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa theo gương Chúa Kitô, Đấng vẫn tái hiện hy tế của Người nơi mỗi cử hành Bí tích Thánh Thể.

Vì lý do này, thánh tích nơi bàn thờ gợi nhớ đến nguồn gốc và mục đích của mọi đời sống Kitô hữu và của bí tích tình yêu. Những thánh tích này cũng biểu hiện cho lời cầu nguyện của Giáo Hội khải hoàn trong mầu nhiệm các thánh thông công.

Năm vị thánh được chọn cho bàn thờ mới của Nhà thờ Đức Bà -- năm vị, giống như những vết thương của Chúa Kitô, giống như năm cây thánh giá được dùng để thánh hiến bàn thờ và dâng hương trong buổi lễ cung hiến. Các ngài là năm nhân vật đã ghi dấu cuộc sống của Tổng Giáo phận Paris: ba người nữ và hai người nam thánh thiện này thể hiện năm cách thức đáp lại lời mời gọi của của Thiên Chúa Cha, một minh chứng cho thấy mọi ơn gọi đều vô cùng riêng tư.


Thánh Madeleine-Sophie Barat

Đầu tiên là Thánh Madeleine-Sophie Barat (1779-1865), nhà giáo dục và người sáng Dòng Thánh Tâm, người đã tiếp nhận hiến pháp được lấy cảm hứng từ Dòng Tên vào năm 1815. Dành riêng cho các nữ tử thuộc tầng lớp quý tộc và tư sản, vị nữ tu vùng Burgundy này muốn “mở rộng và giải phóng tâm hồn” thông qua giáo dục, vì chính thánh nữ đã từng phải chịu đựng chế độ độc đoán từ anh trai mình.

Dòng có trụ sở chính tại Paris, nơi hiện là Bảo tàng Rodin. Từ năm 2009, thi hài của thánh nữ được đặt tại nhà nguyện Thánh Tâm của Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, đối diện với Trường Trung học Duruy, một trường do Dòng điều hành cho đến năm 1904. Thi hài không bị phân hủy của thánh nữ được đặt trong một hộp đựng thánh tích có cửa kính cho phép mọi người chiêm ngưỡng và tôn kính.


Thánh Marie-Eugénie Milleret

Một nhà giáo dục khác sẽ có thánh tích của mình tại ngôi nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Paris: Thánh Marie-Eugénie Milleret (1817-1898), được tuyên thánh vào năm 2007. Là một phụ nữ xuất thân từ một gia đình tốt lành ở Lorraine, thánh nữ đã trải qua sự xa cách với cha mẹ và sự cô đơn, đồng thời cũng như những tiện nghi trần gian, trước khi nghe Cha Lacordaire phát biểu tại một hội nghị Mùa Chay -- thực tế là tại Nhà thờ Đức Bà vào năm 1836.

Thánh nữ đã tìm thấy Thiên Chúa cùng lúc với ơn gọi của mình: giáo dục cho các bé gái, đặc biệt là những bé gái có hoàn cảnh đặc quyền, thường là về vật chất. Là “người hầu của người nghèo”, thánh nữ trở thành bạn của Cha Emmanuel d’Alzon. Cả hai đã khích lệ nhau thành lập Dòng Đức Bà Lên Trời cho thánh nữ, Dòng Augustinô và Dòng Đức Bà Lên Trời cho vị linh mục này.


Thánh Catherine Labouré

Người phụ nữ thứ ba có hài cốt của mình bên dưới bàn thờ của Nhà thờ Đức Bà là Thánh Catherine Labouré (1806-1876). Với khởi đầu khiêm tốn, Thánh Catherine bắt đầu chăm sóc người khác khi mới 12 tuổi. Sau khi mẹ mất và chị gái vào dòng tu, thánh nữ đã trở thành người quán xuyến mọi công việc gia đình.

Đến Paris làm người hầu, thánh nữ đã phát hiện ra tình cảnh khốn cùng ở nơi đó. Thánh nữ đã trở thành Nữ tu Bác ái vào năm 1830, bất chấp sự lo lắng từ người cha của mình.

Khi đang học tại nhà mẹ trên phố du Bac, thánh nữ đã có thị kiến đầu tiên về Đức Mẹ vào ngày 18 tháng 7, sau đó là một thị kiến khác vào ngày 27 tháng 11 năm 1830. Đức Mẹ được bao quanh bởi câu nói “Lạy Mẹ Maria, Đấng được thụ thai mà chẳng vương tội lỗi, xin cầu cho chúng con là những người chạy đến cùng Mẹ.” Thánh nữ đã yêu cầu đúc một tấm huy chương (Huy chương “Phép lạ” nổi tiếng) để mọi người có thể dám cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ.

Thánh Catherine đã qua đời sau 45 năm phục vụ người nghèo tại trại tế bần ở Enghien, để lại một câu chuyện về những thị kiến của mình, mà thánh nữ chỉ tiết lộ cho vị linh hướng của mình. Thi hài của thánh nữ hiện đang ở trong một nhà nguyện trên phố du Bac.


Thánh Charles de Foucauld

Các thánh tích của những người nam bên dưới bàn thờ của Nhà thờ Đức Bà sẽ là của hai linh mục. Một người rất nổi tiếng. Thánh Charles de Foucauld (1858-1916), người xứ Strasbourg, đã trở lại đạo tại nhà thờ St. Augustin, Paris, trong một cuộc trò chuyện với Cha Huvelin, một cuộc trò chuyện đã biến thành một dịp xưng nhận tội lỗi.

Từ bỏ cuộc sống phóng túng và xa hoa của mình, và ước muốn sống ẩn dật như Chúa Giêsu ở Nazareth, ngài đã trở thành “người anh em đại đồng” của Tamanrasset, một tông đồ của Chúa Kitô giữa dãy núi Atlas. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào năm 2022.


Chân phước Vladimir Ghika

Vladimir Ghika (1873-1954) là một linh mục của Giáo phận Paris, được thụ phong ở tuổi 50. Là người Rumani và Chính thống giáo, ngài đã trở thành người Công giáo ở tuổi 29 và được biết đến về mối quan tâm của mình đối với sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tiền thân của phong trào đại kết.

Được phép cử hành theo nghi lễ Latin và Byzantine, ngài là bạn của những nhà trí thức Jacques Maritain và Paul Claudel, và đồng thời sống trong một khu ổ chuột ở Villejuif. Là một nhà ngoại giao của Tòa thánh, ngài đã trở về Bucharest trong Thế chiến thứ hai. Chính tại đây, ngài đã bị bắt vào năm 1952 vì có liên hệ với Vatican. Bị tra tấn, thánh nhân qua đời hai năm sau đó và được tuyên phong là Chân phước vào năm 2013.

Tác giả: Valdemar de Vaux

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Theo: Aleteia (27/11/2024)

Nguồn: giaophanvinhlong.net