Tuần Thánh được khởi đi bằng Lễ Lá là sự kiện giúp chúng ta ngược dòng thời gian để cùng Đức Giêsu bước vào thành Jerusalem, nơi chúng ta được chứng kiến những cung bậc cảm xúc lẫn lộn trong những ngày cuối cuộc đời trần thế của Ngài. Nơi thành Jerusalem chúng ta được chứng kiến sự tráo trở, thay lòng đổi dạ của con người. Nhưng cũng tại nơi thành Jerusalem chúng ta được chứng kiến một Thiên Chúa yêu thương nhân loại cho đến cùng, để rồi Ngài “dám hy sinh mạng sống cho người mình yêu”. Vào thành Jerusalem không phải là bước vào sự thất vọng của con đường thập giá nhưng là cùng với Chúa bước vào hành trình của niềm hy vọng phục sinh.
Vào thành Jerusalem để thấy sự tráo trở của lòng người.
Cuộc rước lá như tái hiện lại khung cảnh hân hoan chào đón của dân thành Jerusalem dành cho Chúa Giêsu. Mọi người ai nấy đều hân hoan phấn khởi cởi áo choàng lót đường và lấy cành lá giơ cao để chào đón Chúa Giêsu. Những tiếng hô vang cả đất trời: “Hoan hô Con Vua Đavid...Hoan hô...Hoan hô...Vạn tuế...Vạn tuế...Vạn tuế Con Vua Đavid ....Vạn tuế Đấng ngự đến nhân Danh Chúa”.
Nhưng, vẫn những con người đó, chỉ vài ngày sau, khi được quan Philatô cho họ lựa chọn để tha Chúa Giêsu hay Baraba (một kẻ gây loạn trong thành và giết người), thì tất cả đều hô vang: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi … Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá đi” (Mt 27,3). Không dừng lại ở đó, ngay cả những môn đệ gần gũi, được Chúa Giêsu yêu thương và dạy dỗ, và đã từng thề hứa trung thành cũng lần lượt bỏ Chúa mà trốn chạy. Đỉnh điểm của sự tráo trở lòng người là Giuđa Iscariôt bán Chúa với 30 đồng bạc rẻ mạt; Phêrô thì chối Chúa tới 3 lần, những môn đệ khác thì bỏ chạy và để lại Chúa một mình cô đơn đối diện với cây thập giá.
Ôi, lòng dạ con người thật tráo trở và dễ dàng đổi thay làm sao! Tất cả dường như run sợ trước sức nặng của cây thập giá; chỉ mình Chúa Giêsu là sẵn sàng vác lấy vì Ngài yêu nhân loại. Tình yêu của Chúa vĩ đại và lớn hơn nhiều so với sức nặng khủng khiếp của thập tự giá.
Vào thành Jerusalem để thấy một Thiên Chúa “yêu cho đến cùng”.
Tại thành Jerusalem, chúng ta được chứng kiến một Thiên Chúa “biết chết mà vẫn vào” là bởi vì quá yêu. Một tình yêu lớn hơn tội lỗi của nhân loại. Một tình yêu vĩ đại hơn sự sợ hãi của cái chết trên thập giá. Tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người từ thuở ban sơ cho đến tận cùng trái đất cũng không bao giờ thay đổi dù cho lòng người có đổi thay. Tại thành Jerusalem, nhân loại được diễm phúc chứng kiến tình yêu vĩ đại ấy qua Chúa Giêsu.
Một tình yêu lớn hơn cả nỗi sợ hãi đã thôi thúc Ngài bước vào thành Jerusalem để đối diện với con đường thập giá. Một tình yêu trút bỏ mọi vinh quang để mặc lấy thân nô lệ, cúi xuống rửa chân phục vụ cho các môn đệ. Một tình yêu vĩ đại “dám hy vinh mạng sống vì người mình yêu” đã khiến Ngài cúi xuống vác lấy thập giá và chết trên cây thập tự. Một tình yêu vượt trên sức tưởng tượng của con người, đó là tha thứ cho kẻ thù là chính kẻ đang hành hạ và giết chết mình, “lạy Cha, xin cha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23,34)
Dẫu cho nhân loại có thay đổi như chối bỏ, phỉ báng, phản bội, kết án, giết chết Chúa thì tình yêu của Chúa dành cho chúng ta vẫn nguyên vẹn như thuở ban sơ. Thật vĩ đại làm sao tình yêu Thiên Chúa! Thật diễm phúc làm sao, ôi nhân loại được Chúa yêu thương!
Vào thành Jerusalem để cùng Chúa bước vào cuộc hành trình của hy vọng.
Kết thúc cuộc hành trình tại Jerusalem không phải là nấm mồ thất vọng của sự chết nhưng là “ngôi mộ trống” của niềm hy vọng Phục sinh. Ba ngày sau khi được an táng trong mồ, Chúa Giêsu đã trỗi dậy vinh quang và chiến thắng sự chết. Đó là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, sự thiện trên sự dữ, ánh sáng trên bóng tối, sự sống trên sự chết. Tất cả quyền lực của ác thần bao gồm sự chết cũng không thể làm gì được Ngài, để tất cả những ai tin vào Ngài đều cất tiếng khải hoàn ca.
Sự phục sinh và tình yêu của Chúa Giêsu chính là nguồn mạch cho chúng ta như “những người hành hương của hy vọng.” Nào ta hãy cùng Chúa vào thành Jerusalem để sống những ngày của Tuần Thánh thật ý nghĩa, đem lại nhiều ân sủng và niềm hy vọng lớn lao vào sự Phục sinh nơi Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương.
Lm. Jos Nguyễn Huy