Cốt lõi của việc thờ cúng tượng thần là vấn đề kiểm soát. Các thần thời cổ đại được cho là nắm giữ sức mạnh thần linh nhờ đó có thể phần nào kiểm soát được những thế lực tự nhiên vô định.
Con người từ lâu đã luôn là những nhà chế tạo công cụ. Từ những viên đá lửa đầu tiên làm thành lưỡi dao cho đến các thuật toán phức tạp điều khiển trí tuệ nhân tạo ngày nay, những công cụ của chúng ta đã định hình thế giới xung quanh và định hình cách chúng ta hiểu về chính mình. Mối tương quan sâu sắc giữa con người với công nghệ không chỉ mang tính chức năng, nhưng mối tương quan ấy còn chịu sự tác động của con người, nghĩa là mối tương quan ấy tích cực hình thành và biến đổi bản thân chúng ta như ngày nay.
Tuy nhiên, như tài liệu gần đây của Tòa Thánh Vatican "Antiqua et Nova" đã cảnh báo, có một nguy cơ vừa mang tính tâm linh vừa mang tính tâm lý ngày càng gia tăng trong cách chúng ta liên hệ với những phát minh tiên tiến nhất của mình. Sức hấp dẫn của trí tuệ nhân tạo, với những hứa hẹn về tính hiệu quả, sự tự chủ, và thậm chí siêu trí tuệ, vang vọng lại cám dỗ cổ xưa: xu hướng đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào những sản phẩm do chính bàn tay chúng ta tạo ra. Điều này không có gì mới. Đó chính là động lực đằng sau lời chỉ trích về việc thờ cúng tượng thần trong Kinh Thánh, thay thế cái vô hạn và siêu việt bằng cái gì đó có hữu hạn và do con người tạo ra.
Cám dỗ cũ, hình thức mới
Trong Kinh Thánh Hebrew, việc thờ cúng tượng thần không hẳn chỉ là việc tôn kính những bức tượng bằng vàng hoặc bằng đá, nhưng là việc tin tưởng sai lầm, nghĩa là tin rằng chính những thứ chúng ta tạo ra có thể mang lại sự an toàn, mang lại ý nghĩa, hoặc có thể kiểm soát được những nguồn lực khó lường trong cuộc sống. Thánh Vịnh 115 mô tả các tượng thần có miệng nhưng không nói được, có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe. “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó, có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng” (Tv 115, 4-7). Ngày nay, các hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) có thể “nói,” “thấy,” và “nghe,” hoặc ít nhất cũng tạo ra những mô phỏng rất thuyết phục về những khả năng này. Nhưng cũng giống như những tượng thần thời xưa, những công nghệ này chỉ phản ánh những gì chúng ta đã lập trình vào chúng, cho dù sự phản chiếu đó có tinh vi đến đâu.
Tài liệu của Tòa Thánh đã cho thấy rõ nguy cơ này: “Thay thế Thiên Chúa bằng một vật phẩm do con người tạo ra chính là việc thờ cúng tượng thần, một thói tục mà Kinh Thánh cảnh báo và phản đối một cách rõ ràng... Tuy nhiên, cuối cùng người ta không thần thánh hoá AI và tôn thờ nó, nhưng là thần thánh hoá và tôn thờ chính con người, và như thế, nhân loại bị nô lệ hóa bởi chính những sản phẩm do tay mình làm ra.” (Antiqua et Nova, 105)
Đây chính là cốt lõi của vấn đề. Việc tôn thờ tượng thần nơi AI thực ra không phải là tôn thờ máy móc nhưng là tôn vinh chính chúng ta ngang qua chúng, nghĩa là tin rằng những gì chúng ta tạo ra có thể siêu việt những giới hạn chúng ta định nghĩa về chính mình như là con người. Hay nói cách khác, qua những sản phẩm do chúng ta tạo ra, chúng ta coi mình giống như các vị thần sáng tạo.
Trong suốt dòng lịch sử, các giai đoạn thay đổi công nghệ nhanh chóng thường đi kèm với những làn sóng lạc quan mù quáng. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, người ta tin rằng máy móc sẽ mở ra một kỷ nguyên của sự tiến bộ vô tận, sự thịnh vượng, và thậm chí cải thiện cả đạo đức con người. Tuy nhiên, chúng ta lại chứng kiến những hình thức bóc lột mới, sự suy thoái môi trường, và cơ giới hóa cuộc sống con người, điều này thường làm cho con người xa lạ với chính công việc lao động của mình.
Cuộc thảo luận hiện nay về AI cũng mang những sắc thái tương tự. Có những cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo tổng quát vượt qua trí tuệ con người, về những công nghệ có thể tiêu diệt cái chết, giải quyết mọi vấn đề, và tối ưu hóa mọi khía cạnh của cuộc sống. Đây không chỉ là tham vọng công nghệ, nhưng nó lặp lại những giấc mơ xưa của chủ nghĩa tận thế thế tục, ở đó ơn cứu độ không đến từ ân sủng nhưng đến từ công nghiệp.
Nhưng như "Antiqua et Nova" nhắc nhở chúng ta, “không phải tất cả những tiến bộ công nghệ đều đại diện cho sự tiến bộ đích thực của nhân loại” (số 38). Vấn đề ở đây không chỉ là AI có thể làm gì, mà là nó đang làm gì với chúng ta, nó đang tái định hình mối quan hệ của chúng ta với công việc, với môi trường, với nhau, và thậm chí với chính chúng ta như thế nào.
Giới hạn của công cụ và mục đích của nhân loại
Những công cụ của chúng ta luôn nới rộng khả năng tự nhiên của con người. Cần cẩu có thể nâng được khối lượng nhiều hơn bất kỳ con người nào; ô tô có thể di chuyển nhanh hơn bất kỳ đôi chân nào của chúng ta. Nhưng những công cụ này không thể thay thế khả năng cơ bản của con người, nhưng chúng phục vụ những mục đích khác nhau. Không có cần cẩu nào có thể tái hiện hành động dịu dàng, một hành động có chủ ý khi bế một đứa trẻ vào lòng. Không có ô tô nào, dù nhanh đến đâu, có thể thay thế niềm vui của việc chạy bộ dọc trên bãi biển. Những hành động này không chỉ là hành động thể chất, nhưng chúng là biểu hiện của tình yêu, sự hiện diện, và mối tương quan, những khả năng mà không công nghệ nào có thể bắt chước hay thay thế được.
AI, cho dù có khả năng ấn tượng đến đâu, nó vẫn chỉ là một công cụ. Mối nguy hiểm xảy ra khi chúng ta quên rằng công cụ chỉ là phương tiện để đạt được mục đích, chúng không phải là chính cùng đích. Như "Antiqua et Nova" khẳng định: “Công nghệ phải phục vụ ‘lợi ích chung của toàn thể gia đình nhân loại,’ là ‘tổng hợp các điều kiện xã hội cho phép con người, dù là các nhóm hay cá nhân, đạt được sự hoàn thiện của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn’” (Số 55).
Chúng ta là con người, là mục đích chứ không phải là phương tiện. Phẩm giá của chúng ta không đến từ những gì chúng ta có thể sản xuất, tối ưu hóa, hay những gì chúng ta đạt được, nhưng là từ một thực tế đó là chúng ta hiện hữu như những cá nhân độc nhất và không thể thay thế.
Kháng cự lại việc thờ cúng tượng thần của việc kiểm soát
Các nhà chú giải Kinh Thánh luôn khẳng định rằng cốt lõi của việc thờ cúng tượng thần chính là vấn đề kiểm soát. Các thần thời cổ đại được cho là nắm giữ sức mạnh thần linh nhờ đó có thể phần nào kiểm soát được những thế lực tự nhiên vô định. Tương tự như vậy, AI quyến rũ chúng ta với những lời hứa về việc làm chủ, làm chủ thông tin, làm chủ trong việc đưa ra quyết định, thậm chí là làm chủ cả sự sống nữa. Nhưng ảo tưởng này cũng có cái giá của nó. Càng phụ thuộc vào công nghệ để định nghĩa thực tại của mình, chúng ta càng có nguy cơ đánh mất sự liên kết với nhiều khía cạnh trong cuộc sống, những thứ không thể đo lường được như tình yêu, sự huyền nhiệm, sự dễ bị tổn thương, và ân sủng.
Liều thuốc để chữa lành cho việc tôn thờ tượng thần của thời nay không phải là từ chối công nghệ, mà đơn giản là định hình lại mối tương quan của chúng ta với nó. AI có thể hỗ trợ, nâng cao, và thậm chí truyền cảm hứng, thế nhưng nó không thể thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm của con người về ý nghĩa cuộc đời, về sự kết nối, và sự siêu việt. Như "Antiqua et Nova" kết luận: “Sự khôn ngoan đích thực đòi hỏi phải có một cuộc gặp gỡ với thực tại” (Số 59), không chỉ là với những mô phỏng ảo hoặc những dự đoán của thuật toán, nhưng mà là vẻ đẹp mộc mạc, chưa bị kịch bản hoá của cuộc sống như nó vốn có.
Bài viết: AI and the temptations of contemporary idolatries - Tác giả: Daniel Esparza
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Đình Dương
Nguồn: aleteia.org