01/10/2024: THỨ BA TUẦN 26 TN Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, trinh nữ, TSHT Mt 18,1-5 NGƯỜI LỚN NHẤT Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến,
đặt vào giữa các ông, và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại
mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời. Vậy ai tự hạ và nên như em
nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,2-4) Suy niệm: Lần theo ánh sáng của đoạn Tin
Mừng này, thánh Tê-rê-sa Hài Đồng đã sống và vạch ra linh đạo “Thơ Ấu Thiêng Liêng” làm con đường nên
thánh cho biết bao nhiêu tâm hồn. Trước tiên, Người khiêm
tốn nhận mình nhỏ bé: “Các vị thánh như những ngọn núi cao chót vót tận ngàn
mây xanh, còn con như hạt cát ti tiện nằm dưới chân khách bộ hành, nhỏ bé không
thể leo lên những bậc thang cao của bậc hoàn thiện được”. Người tìm kiếm chiếc
thang máy đưa mình lên, và thánh nhân đã khám phá ra chiếc thang máy đó là
chính Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su, chiếc thang máy nâng con lên tới Chúa,
chính là đôi cánh tay Chúa. Vì thế con không cần lớn lên, trái lại con phải bé
mãi, mỗi ngày con phải dần dần bé đi.” Chia sẻ: Chúa Giê-su đã nói và làm gì để
dạy các môn đệ bài học sống khiêm tốn? Mời Bạn: Tôi khiêm tốn chấp nhận giới hạn của mình và tin vào
Chúa, tôi biết sống phó thác, đón nhận thành công và thất bại, niềm vui và nỗi
buồn trong đời sống. Sống Lời Chúa: Thực tình quý trọng người khác;
tránh đề cao ‘cái tôi’ . Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin học nơi Chúa bài học khiêm nhượng và
hiền lành, để sống đơn sơ, bé nhỏ, tin tưởng phó thác, bước theo con đường Chúa
đi.
02/10/2024: THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN Các thiên thần hộ thủ Mt 18,1-5.10 NGƯỜI BẠN THÂN VÔ HÌNH “Anh em chớ khinh một ai trong những
kẻ bé mọn này; Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời
không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10) Suy niệm: Trong cuốn tiểu thuyết “Đôi bạn chân tình”, nhà văn nổi tiếng Herman Hess kể lại tình bạn
kỳ lạ giữa một tu viện trưởng thánh thiện và anh chàng Goldmund hào hoa. Mỗi
khi Goldmund gặp nguy hiểm thì vị tu viện trưởng lại xuất hiện để cứu anh: một
lần, khi anh suýt bị treo cổ vì dan díu với một phụ nữ quý phái, một lần đau
nặng giữa đường. Cuối cùng, ngài đã đưa anh về tu viện, khích lệ anh tạc một
bức tượng người mẹ tuyệt vời trước khi anh qua đời. Hẳn chúng ta tự hỏi cuộc
đời của Goldmund sẽ ra sao nếu không có người bạn tu viện trưởng? Chúng ta cũng
phải tự hỏi cuộc đời mình sẽ thế nào nếu không có người bạn thân là các thiên
thần hộ thủ? Mời Bạn: Luôn nhớ đến tình bạn thân thiết kỳ lạ giữa thiên
thần hộ thủ và bạn: một bên vô cùng thánh thiện, một bên có đủ các thói hư tật
xấu. Bạn nghĩ mình sẽ làm gì để tỏ lòng tôn trọng thiên thần hộ thủ của mình
hơn? Chia sẻ: Tôi nên làm gì để sống tình bạn thân thiết hơn với
thiên thần hộ thủ của mình? Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ nỗ lực làm điều tốt
và tránh làm điều xấu để khỏi làm buồn lòng người bạn thân thiên thần hộ thủ. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nhắc nhở chúng con nhớ đến các thiên thần hộ thủ
của mình. Quả thật, chúng con thường quên sự hiện diện gần gũi, việc trợ giúp
thần thánh, lòng quan tâm ưu ái của các ngài. Xin cho chúng con biết cư xử với
các ngài tốt đẹp và thân thiết hơn. Amen.
03/10/2024: THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN Lc 10,1-12 LOAN BÁO TIN MỪNG, QUYỀN ƯU TIÊN SỐ 1 “Anh em hãy ra đi…. Đừng mang theo
túi tiền, bao bị giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,3-4) Suy niệm: Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những chiếc xe cứu
thương hay xe chữa cháy bóp còi inh ỏi, đèn đỏ chớp nháy liên hồi, lao vun vút
trên đường phố trong khi tất cả các phương tiện giao thông khác phải nhường
đường tránh lối. Chúng ta biết rằng những xe đó có quyền ưu tiên vì đang thực
hiện sứ mạng khẩn cấp liên quan đến sinh mạng con người. Chúa Giê-su dùng những
ngôn từ rất mạnh để nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Đó là công việc phải làm ngay, bất chấp cả hiểm nguy, làm trước các việc khác,
dù phải hy sinh cả những mối quan hệ thân thiết nhất, phải làm cho bằng được,
dù thiếu phương tiện hoạt động, và thiếu cả những nhu cầu cơ bản nhất để sống
còn. Mời Bạn: Bạn có thấy việc loan báo Tin Mừng ngày nay còn khẩn
thiết hơn không? Bạn làm gì để dành quyền ưu tiên số một cho việc loan báo Tin
Mừng? Bạn đang sống, đang làm việc giữa anh em lương dân, đó có phải là cơ hội
để bạn biến các việc đời thường của mình thành lời rao giảng Tin Mừng không? Sống Lời Chúa: Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn
tự nhắc nhở mình làm thật tốt việc đó với tinh thần truyền giáo loan báo Tin
Mừng. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chung quanh chúng con, còn nhiều người chưa nhận biết
Chúa. Không thiếu sách vở, tranh ảnh về Chúa, nhưng chứng tá đời sống của các
cá nhân và cộng đoàn chúng con mới là những lời nói thuyết phục nhất. Xin Chúa
gửi tới cánh đồng truyền giáo những sứ giả biết ghi dấu ấn Tin Mừng trong tất
cả đời sống.
04/10/2024: THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di Lc 10,13-16 KHƯỚC TỪ HAY ĐÓN NHẬN “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai
khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai
Thầy.” (Lc
10,16) Suy niệm: Sau khi Chúa Giê-su đưa ra những chỉ thị để sai 72
môn đệ đi rao giảng, thánh sử Lu-ca cho biết Ngài than khóc cho các thành Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um, bởi
vì họ được nghe lời Ngài giảng dạy cũng như chứng kiến bao phép lạ Ngài làm,
thế mà họ vẫn không hối cải. Qua đó, Chúa ngầm báo trước cho các môn đệ rằng
họ, cũng giống như Thầy, sẽ gặp phải những con người cứng lòng như thế khi thi
hành sứ vụ. Dù thế nào đi nữa, họ đừng nản chí sờn lòng; trái lại hãy luôn xác
tín rằng sứ vụ của họ là hết sức cao cả bởi vì khước từ hay đón nhận lời họ rao
giảng chính là khước từ hay đón nhận Đức Giê-su, Đấng đã sai họ, và do đó cũng
có nghĩa là khước từ hay đón nhận chính Chúa Cha là “Đấng đã sai Thầy”. Bạn thân mến, Lời Chúa được loan báo cho bạn bằng nhiều cách: trong mỗi
một thánh lễ, trên các phương tiện truyền thông hay qua việc bạn suy niệm hằng
ngày, Chúa vẫn nói với bạn. Chúa kêu
gọi bạn đừng cứng lòng cũng đừng nản lòng. Ngài cho bạn hoàn toàn tự do để đón
nhận hay khước từ lời mời gọi để lắng nghe và sống theo Lời Ngài. Đồng thời,
khi bạn là người môn đệ trung thành loan báo Tin Mừng, bạn “sẽ được gấp trăm ở đời này và được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”
(Mt 19,29). Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để đọc
và suy niệm Lời Chúa. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Lời Chúa là
ngọn đèn soi cho con bước, là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn con. Xin giúp con
mở rộng lòng đón nhận và thực thi Lời Chúa truyền dạy, để được hưởng hạnh phúc
Nước Trời. Amen.
05/10/2024: THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN Thánh Faustina Kowalska, trinh nữ Lc 10,17-24 NIỀM VUI THIÊNG LIÊNG “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải
khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,20) Suy niệm: Khi các môn đệ đang hí hửng khoe những thành tích
phi thường của họ trong chuyến rao giảng của mình, thì ngay lập tức, Chúa
Giê-su hướng họ đến niềm vui cao thượng hơn, thuần khiết và đích thực hơn: “Hãy
mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Chúa muốn các môn đệ
hiểu rằng thành quả lớn nhất của việc rao giảng không cốt ở việc hơn thua ở đời
này, và các ông cũng đừng ảo tưởng tự hào rằng những thành quả ấy là do khả
năng riêng của họ. Trái lại, niềm vui đích thực mà Chúa muốn có nơi họ là niềm
vui thiêng liêng: vui vì bây giờ được tham gia cùng với Chúa trong sứ mạng loan
báo Nước Trời, và mai sau được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng. Mời Bạn: Như lời thánh Phao-lô quả quyết “quê hương chúng
ta ở trên trời” (Pl 3,20), bạn được mời gọi sống ‘niềm vui trên trời’ này
trong hành trình môn đệ của mình. Đừng để niềm vui rao giảng của mình phụ thuộc
vào kết quả đời này, hoặc tự hào về những kỹ năng, kiến thức của mình, hay thoả
mãn trước sự hâm mộ người ta dành cho. Hãy vui vì niềm vui thiêng liêng, một
niềm vui hướng về mục đích tối hậu là Nước Trời. Sống Lời Chúa: Hãy làm việc với tinh thần siêu
nhiên, luôn cầu nguyện trong mọi việc để thấy niềm vui thiêng liêng mà Chúa
tuôn đổ trong lòng mình. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa vì đã chọn con thực thi sứ vụ rao
giảng cho Chúa giữa thế gian này. Xin Chúa đổ đầy tâm hồn con niềm vui đích
thực của người môn đệ là mở rộng Nước Chúa giữa thế gian này. Amen.
06/10/2024: CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN - b Mc 10,2-16 ĐIỀU KIỆN ĐẠT TỚI NƯỚC TRỜI “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa
với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,15) Suy niệm: Có nhiều phương thế để lên thiên đàng: tử đạo, ẩn
tu, làm việc tông đồ, bác ái… và cũng có một cách giản dị để đạt tới Nước Trời là có tâm hồn trẻ em. Thánh nữ Tê-rê-sa
Hài đồng Giêsu, Ngài trở thành chứng nhân và mẫu gương sống động cho chúng ta
trong việc áp dụng Lời Chúa hôm nay. Nói là giản dị nhưng thực ra phương thế này đòi
hỏi con người phải đấu tranh quyết liệt để chống lại thói kiêu ngạo, cậy mình,
ích kỷ, tự mãn, vô cảm… Tính đấu tranh lúc này mãnh liệt tựa như đứa trẻ khóc
thét lên đòi bú sữa mẹ vậy, một hành động đòi hỏi chính đáng đối với em, nhưng
có thể không thích hợp với người lớn. Trẻ em đâu có gì để từ bỏ; thế nên từ bỏ
là làm cho mình trở thành không có gì giống như trẻ em ngoài việc nhìn nhận
mình là thấp hèn, hư không trước mặt Chúa và một niềm khát vọng mãnh liệt là
đạt được tất cả trong Thiên Chúa. Vì “chỉ
trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 62,2). Mời Bạn: Có kẻ xin ông Gandhi tóm gọn đời mình bằng một câu
không quá ba đặc điểm, ông bảo đó là: “từ bỏ và vui hưởng” cuộc sống. Thái độ an bình vô tư lự
và vui hưởng cuộc sống là đặc điểm tự nhiên của một trẻ nhỏ. Còn người ‘trẻ nhỏ trưởng thành’ đạt đến sự an
nhiên tự tại đó qua một quá trình chiến đấu từ bỏ để siêu thoát khỏi mọi ràng
buộc thế tục và hướng tới Nước Trời. Sống Lời Chúa: Mỗi lần xưng tội, tôi hãy quyết tâm
từ bỏ một thói xấu. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn mẫn cảm trước những đòi hỏi giản dị
nhưng chính đáng để hướng tới Nước Trời.
07/10/2024: THỨ HAI TUẦN 27 TN Đức Mẹ Mân Côi Lc 1,26-38 MẸ HIỆN DIỆN VÀ ĐỒNG HÀNH “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,
Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28) Suy niệm: Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ thường bảo con cái Mẹ
cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Khi hiện ra ở Lộ Đức vào năm 1858, Đức Mẹ bảo
thánh nữ Be-na-đét lần hạt. Lần hiện ra ở Fa-ti-ma vào năm 1917, Đức Mẹ bảo ba
trẻ Phan-xi-cô, Gia-xin-ta và Lu-xi-a là: “Hãy lần hạt mỗi ngày để kính nhớ Đức
Trinh Nữ.” Đức Mẹ còn nói: “Phan-xi-cô sẽ lên thiên đàng, nhưng phải lần hạt
trước đã.” Quả thật, Mẹ Ma-ri-a hết sức yêu mến kinh Mân Côi, và Mẹ cho thấy
lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất và giúp hoán cải nhất chính là lời cầu nguyện bằng
kinh Mân Côi. Mời Bạn: “Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các
con hiệp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con” (Đường Hy
Vọng, số 985). Chúa Giê-su từng ca ngợi lời cầu xin kiên trì và khiêm tốn của người đàn bà xứ Ca-na-an xin cho con
gái bà được lành bệnh (x. Mt 15,21-28). Hay trong dụ ngôn quan tòa bất chính và
bà góa quấy rầy: Dù quan tòa không muốn, nhưng vì bà cứ nài nỉ dai dẳng cuối
cùng quan cũng phải làm theo yêu cầu của bà góa này (x. Lc 18,1-8). Nhất là khi
cầu nguyện bằng kinh Mân Côi chúng ta được Mẹ đồng hành, vì nhờ lời của mẹ,
Chúa đã làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na, dù vừa trước đó Chúa mới nói “giờ của Chúa chưa đến”. Sống Lời Chúa: Bạn lần hạt không theo một tình cảm
uỷ mị cũng không phải là lải nhải dài dòng nhiều chuyện mà là cùng với Mẹ cầu
nguyện với lòng tin kính, kiên trì và khiêm tốn. Cầu nguyện: Lạy
Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ đồng hành với chúng con trong cuộc sống, đặc biệt khi chúng
con cầu nguyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi. Amen.
08/10/2024: THỨ BA TUẦN 27 TN Lc 10,38-42 CHÚA ĐẾN CHƠI NHÀ Chúa nói: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị
băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.
Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42) Suy niệm: Văn học Việt Nam ghi lại giai thoại cụ Dương Khuê
đến chơi nhà ông bạn vong niên Nguyễn Khuyến. Nhà cửa thanh đạm, không có gì
tiếp đãi bạn, cụ Nguyễn Khuyến dí dỏm dành cho bạn điều quý giá hơn hết, đó là
một tình bạn chân thật: “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Chúa Giê-su đến nhà của
chị em Mác-ta và Ma-ri-a ắt hẳn không phải để thưởng thức những món cao lương
mỹ vị. Ngài đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, nghĩa là Ngài sắp đương đầu với
các thượng tế, kỳ lão và luật sĩ thù địch, Ngài sắp “bị giao nộp, bị sỉ nhục, bị giết chết”… Trong bối cảnh căng thẳng
như thế, điều Ngài tìm kiếm, mong muốn không phải là những món ăn ngon, mà là
một tình bạn biết cảm thông, một tấm lòng biết lắng nghe, biết chia sẻ. Điều đó
Chúa đã tìm thấy nơi chính Ma-ri-a chứ không phải Mác-ta, và đó là điều duy
nhất cần đối với Chúa. Mời Bạn: Thật là thiếu tế nhị khi tiếp đãi bạn mình bằng
những thứ mà người đó không thích. Vậy bạn đang tiếp đón Chúa bằng những thứ
gì? Bạn có dành cho Chúa điều Chúa thích nhất là chính tấm lòng của bạn không? Sống Lời Chúa: - Đón Chúa trong lòng:
chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng mỗi khi ruớc Chúa Giê-su Thánh Thể, và hãy dành
trọn tâm tình và thời gian thích hợp để tâm sự với Ngài. - Đón Chúa trong gia
đình: đọc Lời Chúa trong giờ kinh chung của gia đình. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến. Con yêu Chúa hết lòng. Con xin dâng Chúa tất
cả con người của con để con được mãi mãi thuộc trọn về Chúa.
09/10/2024: THỨ TƯ TUẦN 27 TN Thánh Đi-ô-ni-xi-ô, giám mục và các bạn tử đạo Lc 11,1-4 LỜI NGUYỆN ĐẦU TIÊN “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy
Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” (Lc 11,2) Suy niệm: Lời kinh Chúa dạy đã ngắn, trong Phúc Âm theo thánh
Mát-thêu, lại càng ngắn hơn trong Phúc Âm theo thánh Lu-ca. Thế mà điều đầu
tiên Chúa dạy chúng ta cầu nguyện vẫn là “xin cho danh thánh Cha vinh hiển”.
Rõ ràng đó chính là bổn phận ưu tiên số một của người con đối với Chúa Cha. Đức Giê-su đã minh hoạ
kinh Lạy Cha một cách sống động bằng chính cuộc đời của Ngài : - chào đời trong hang
lừa nhưng thiên thần lại ca vang “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”; - Ngài rao giảng, làm
phép lạ cũng chỉ nhằm mục đích cho mọi người biết rằng “Cha đã sai con”; - việc làm tôn vinh danh
Chúa Cha chỉ hoàn tất khi Ngài đi hết con đường Chúa Cha đã hoạch định, đó là
tôn vinh Người trên cây thập giá: “Lạy
Cha, giờ đã đến. Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga
17,1) vì Ngài đã quyết một lòng khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng cho ý Con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc
22,42). Mời Bạn: Tính vị kỷ của con người len lỏi cả vào trong lời
cầu nguyện. Bạn dễ dàng nhận thấy rằng những điều mình cầu xin cho mình hoặc
cho những gì liên hệ tới mình thật nhiều và thật ưu tiên. Mời bạn ghi nhớ thái
độ của Đức Giê-su luôn sống trong tư thế người con yêu dấu của Chúa Cha trước
tiên trong lời cầu nguyện. Sống Lời Chúa: Bất cứ bạn định cầu xin Chúa điều
gì, bạn hãy bắt đầu bằng kinh Lạy Cha. Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước
Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.
10/10/2024: THỨ NĂM TUẦN 27 TN Lc 11,5-13 HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC “Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn
biết cho con cái mình những của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại
không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13) Suy niệm: Chìa khoá mà Chúa Giê-su áp dụng vào dụ ngôn này
không phải là sự tương tự mà là tương phản. Nếu anh em là những kẻ xấu mà
còn cho con cái những điều tốt thì Thiên Chúa là Cha nhân lành sẽ ban
cho những điều tốt hơn biết chừng nào. Chúa Giê-su không chỉ nhấn mạnh tới việc
kiên trì trong lời cầu xin. Ngài lưu ý chúng ta nhớ luôn rằng khi cầu nguyện
không phải chúng ta đang nói với một chiếc máy biết ban ơn mà là thưa chuyện
với một người Cha vừa quyền năng vừa biết rõ điều gì là tốt đẹp nhất cho con
cái mình. Chắc chắn không phải vì Thiên Chúa sợ chúng ta quấy rầy mà vì Ngài là
Đấng nhân lành hay thương xót. Do đó, chúng ta xin bao giờ cũng sẽ được,
không phải là ‘xin gì được nấy’ mà chắc chắn sẽ được điều Thiên Chúa thấy là
tốt nhất cho chúng ta, đó là Thánh Thần mà “Người sẽ ban cho những kẻ xin Người”. Mời Bạn: Đừng ngại ngùng cầu xin Thiên Chúa bất cứ điều gì
bạn cần. Bạn là con của Chúa mà! Nhưng cũng đừng nản lòng, bất mãn khi không
thấy mình được ơn mình xin, bởi vì có khi Chúa đã ban cho bạn một điều khác tốt
hơn nhiều. Bởi Chúa là Cha của bạn mà! Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đã cầu nguyện chưa? Bạn
đã xin Chúa điều gì chưa? Vậy bạn hãy bắt đầu cầu nguyện đi. Bạn đừng để một
ngày trôi qua mà không cầu nguyện. Cầu nguyện: Sốt sắng
đọckinh Lạy Cha.
11/10/2024: THỨ SÁU TUẦN 27 TN Thánh Gio-an XXIII, giáo hoàng Lc 11,15-26 TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI ĐỘC MIỆNG “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà
trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20) Suy niệm: Gán những phép lạ tốt lành Chúa Giê-su thực hiện cho
chúng có nguồn gốc từ quỷ Bê-en-dê-bun, đó quả là một lời xuyên tạc hiểm độc.
Đối lại, Chúa Giê-su cho thấy không có gì phải làm ầm ĩ. Một cách bình thản,
Ngài đưa ra những lập luận lành mạnh và vững chắc để bẻ gãy những lời nguỵ biện
kia: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu
tàn… Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao
được?” Nhưng ở đây, phản bác những lời xuyên tạc kia chưa phải là mối bận
tâm lớn nhất của Chúa, trọng tâm duy nhất của Ngài đó là loan báo Tin Mừng Nước
Thiên Chúa: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên
Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” Mời Bạn tự kiểm điểm chính mình: Tôi có cái nhìn đầy thành kiến
“trông cò ra quạ”, nhìn những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa mà lại kết luận là
biểu hiện của quỷ Bê-en-dê-bun hay không? Tôi có xu hướng xét đoán ý xấu cho
người khác không? Mặt khác, tôi đã phản ứng thế nào khi làm điều tốt mà lại bị
người khác công kích, xuyên tạc? Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm thật kỹ mẫu gương của
Chúa Giê-su hôm nay để cố gắng bắt chước Ngài. Mỗi khi tôi định nói xấu về ai
hoặc tôi bị ai nói xấu hãy nhớ lại thái độ này của Chúa và xin ơn bắt chước
Chúa. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biến tội lỗi chúng con thành dịp để ban cho chúng con
điều tốt đẹp nhất, đó là ơn cứu độ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa để con có
thể khám phá những điều tốt đẹp, những điểm tích cực nơi anh em con. Amen.
12/10/2024: THỨ BẢY TUẦN 27 TN Lc 11,27-28 PHÚC THAY NGƯỜI LẮNG NGHE Khi ấy giữa đám đông có một người
phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú
mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và
tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27-28) Suy niệm: Trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta vẫn thường nói: ‘Bà X. thật phúc đức, có con cái đỗ đạt,
thành tài!’ Quả thật, mối liên hệ huyết nhục cho phép người ta được ‘thơm
lây’ với người thân của mình; điều này rất tự nhiên không chỉ trong nền văn hóa
Do Thái hay Việt Nam mà hầu như trong bất cứ nền văn hóa nào, xưa cũng như nay.
Nhưng, Chúa Giê-su muốn
nhân cơ hội này chỉ cho thính giả của Ngài - và cho cả chúng ta hôm nay - thấy
‘phúc đức’ thật sự nằm ở đâu: “Phúc thay
kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!” Thì ra, một hạnh phúc thật sự,
một hạnh phúc lớn lao hơn nhiều (so với tình trạng được có liên hệ huyết nhục
với Thầy Giêsu) đang ở trong tầm tay của tất cả mọi người, chỉ cần mỗi người
biết lắng nghe và tuân giữ lời Ngài! Cả Đức Ma-ri-a, người đã “cưu mang và cho Thầy bú mớm”, là Đấng “đầy ơn phúc” trước hết bởi vì Mẹ đã
lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa chứ không duy chỉ bởi vì Mẹ đã sinh hạ và
nuôi dưỡng Đức Giê-su. Mời Bạn: Nhìn lại những thứ hạnh phúc mà bạn vẫn tìm kiếm
trong đời thường, đối chiếu chúng với các mối phúc thật của Tin Mừng - trong đó
mối phúc nền móng đệ nhất được Chúa Giê-su công bố hôm nay: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời
Thiên Chúa.” Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành thời gian đặc biệt
để đọc, suy niệm một câu Lời Chúa và làm một việc cụ thể để thực hành Lời Chúa
mà bạn vừa đọc. Cầu nguyện: Hát: “Xin cho con biết lắng nghe...”
13/10/2024: CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN - B Mc 10,17-30 “ĐI ĐẠO” LÀ THEO ĐỨC KI-TÔ “Hãy đến theo tôi.”(Mc 10,21) Suy niệm: “Đi đạo” Công giáo
hệ tại điều gì? Anh em lương dân nhìn vào các tín hữu Công giáo đặt ra câu
hỏi đó; nhưng chính mỗi người tín hữu cũng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta
rằng “đi đạo” không hệ tại giữ các điều răn giới luật, làm lành lánh dữ (anh em
lương dân cũng giữ những điều ấy); cũng không hệ tại từ bỏ tất cả những gì vốn
rất thiết thân với cuộc sống (có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để theo đuổi
một lý tưởng); mà “đi đạo” thiết yếu
là “đi theo Chúa,” đi theo Đấng là “TẤT CẢ” của đời mình. Đi đạo chính là
thiết lập mối tương quan gắn bó mật thiết giữa ta với Chúa. Chỉ có Ngài là trên
hết và trước hết mọi sự. Nào chúng ta chẳng đọc: “Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi
sự” đó sao? Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cứ lầm tưởng “đi đạo” là để được
ơn này, ơn kia, kể cả để được hưởng phúc Thiên đàng. Chúng ta đừng để mình bị
chi phối bởi quan niệm “đi đạo” để được lợi lộc vật chất đời này đời sau. Chia sẻ: Xem lại mỗi khi cầu nguyện, ta thường xin gì với
Chúa? Đúng hơn, đừng xin điều này điều nọ, ơn này ơn kia..., mà là xin được
chính Chúa. Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh Phao-lô: “Tôi
coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì
Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết
hợp với Người” (Pl 3,8-9). Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Chúa luôn là Tất Cả của đời con, Chúa luôn là lời đáp
trả đầu tiên và cuối cùng của con trong mọi vấn đề, về mọi sự việc, và với mọi
người. Amen.
14/10/2024: THỨ HAI TUẦN 28 TN Thánh Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo Lc 11,29-32 ĐỂ CÓ ĐỨC TIN “Xưa dân Ni-ni-vê đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì
còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,32) Suy niệm: Người Do Thái đòi dấu lạ từ Đức Giê-su, nhưng Chúa
cho biết chỉ có dấu lạ Giô-na, mà dấu lạ đó báo trước chính Ngài mới dấu lạ
đích thực, dấu lạ lớn “còn hơn ông Giô-na
nữa”. Tiên tri Giô-na “ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm”, rồi
đến rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, để rồi từ vua quan cho đến thứ dân đều
sám hối và nhận được ơn tha thứ. Dấu lạ Giô-na báo trước “Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (x. Mt
12,40). Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến, làm nhiều phép lạ và rao giảng sám hối
để được cứu độ nhờ tin vào Ngài. Việc Ngài phục sinh từ cõi chết là dấu lạ tối
thượng. Dấu lạ có đó nhưng người Do Thái coi như không có. Chính vì thái độ cao
ngạo cứng lòng mà họ không thể nhận biết Vị Thiên Chúa tự hủy mình để cứu độ
con người. Cần có tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn để nhận ra Đức Giê-su chính là vị
Thiên Chúa đến trong trần gian để cứu độ trần gian. Mời Bạn: Để có niềm tin, thánh
Bô-na-ven-tu-ra khuyên: “Bạn hãy hỏi ơn thánh chứ đừng hỏi kiến thức, hãy
hỏi lòng khao khát thâm sâu chứ đừng hỏi lý trí, hãy hỏi Thiên Chúa chứ đừng
hỏi người phàm… [bởi vì Ngài là] ngọn lửa đốt cháy cả con người và đưa
lên con người lên tới Ngài bằng ân phúc chứa chan và tình mến yêu nồng nàn”. Sống Lời Chúa: Bạn cần có lòng sám hối trong khiêm tốn trước khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con.” Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin cho con biết bình tâm đặt mình trước nhan Chúa, lắng nghe Chúa nói
trong tâm hồn và thêm lòng tin yêu Chúa. Amen.
15/10/2024: THỨ BA TUẦN 28 TN Thánh Tê-rê-sa Giê-su, trinh nữ, TSHT Lc 11,37-41 CHỮA TẬN CĂN Đức Giê-su nói: “Nhóm Pha-ri-sêu các
người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người
thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà… Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên
trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”. (Lc 11,39.41) Suy niệm: Người ta thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”
Nhưng giới Pha-ri-sêu thì không nghĩ như vậy. Họ trau chuốt bên ngoài bằng việc
giữ luật cách chi li để tỏ ra mình đạo đức. Chúa Giê-su trách họ
chăm chút “rửa sạch chén đĩa bên ngoài” nhưng
trong lòng thì “đầy những chuyện cướp bóc
gian tà.” Nhưng nhân đức phải phát xuất tự nội tâm và không được “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên
Chúa” (x. Lc 11,42); bởi Thiên Chúa là “Đấng
làm ra cái bên ngoài” cũng là “Đấng
làm ra cái bên trong”. Mời Bạn: Những nghi thức, việc làm bên ngoài, tự chúng, không
phải là xấu. Nhưng khi chúng thiếu đi điều thiết yếu bên trong là công bình và bác ái, thì những việc làm
đó trở thành vô nghĩa. Thánh Phao-lô ca ngợi lòng bác ái đã nói: “Giả như
tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).
Và thánh Au-gút-ti-nô cũng nói mạnh không kém: “Hãy yêu rồi làm gì thì làm.” Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm làm những
việc nhỏ nhưng với tất cả tấm lòng yêu mến. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết thanh luyện nội tâm bằng những
việc lành phúc đức và siêng năng kín múc ân sủng từ nơi Chúa để đời sống chúng
con thực sự ngát hương bác ái cho đời. Amen.
16/10/2024: THỨ TƯ TUẦN 28 TN Thánh Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ Lc 11,42-46 SỐNG CÔNG BẰNG VÀ YÊU MẾN “Các người nộp thuế
thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và
lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42) Suy niệm: “Không ít bạn
trẻ vì muốn ‘long lanh’ hơn dưới mát bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại ‘nước
sơn’ vật chất dễ dàng ‘bong tróc’,” Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ
như thế. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng
hiệu, xe đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v… để khẳng định mình là đẳng
cấp khác biệt, là sành điệu. Ngay cả
trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu hướng chuộng hình thức, làm đầy
đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người thấy: đi nhà thờ đều đặn,
thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái... nhưng bên trong tâm
hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn tình yêu thương và
đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo, khinh người, đối xử
bất công với đồng loại... Chúa đã lên án lối sống vụ hình thức đó, và đề cao
một lối sống công bình và yêu thương phục vụ. Mời Bạn: Biết bao lần bạn đã vô
tình hay cố ý chạy theo trào lưu xã hội chuộng hình thức bên ngoài; còn việc
sống đạo thì chỉ dừng lại ở mức tối thiểu: làm cho vừa đủ những điều khoản luật
buộc mà thôi. Nếu như thế bạn đã bỏ quên căn tính cốt lõi của lề luật là công
bình và yêu thương rồi đó. Sống Lời Chúa: Xác tín việc thực thi công bình và
phục vụ trong yêu thương là cốt lõi của việc sống đạo và loan báo Tin Mừng. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen.
17/10/2024: THỨ NĂM TUẦN 28 TN Thánh I-nha-xi-ô, giám mục An-ti-ô-ki-a, tử đạo Lc 11,47-54 HỌC ĐỂ HÀNH “Các ngươi đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết, các ngươi đã không
vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản.”
(Lc 11,52) Suy niệm: Chúa Giê-su vạch rõ những điều sai trái, giả hình
của những người Pha-ri-sêu và luật sĩ bằng những lời khiển trách gay gắt, nặng
nề, khó nghe: “Khốn cho các người…”.
Đúng như câu nói: “Thuốc đắng giã tật,
sự thật mất lòng”, lời nói ngay thật như thuốc đắng, thường
khó nghe, nhưng có vậy mới mong chữa bệnh tận căn.
Các thầy thông luật vốn dĩ hiểu biết rất rõ
về Lề Luật, nhưng họ cố tình bẻ cong luật Chúa để giải thích theo ý họ và và
biến Lề Luật thành “ách nặng nề” bởi
những luật lệ do chính họ đặt ra, thậm chí “họ
bãi bỏ điều răn của Chúa mà duy trì truyền thống phàm nhân” (Mc 7,8). Chúa
trách họ làm thế là “che giấu sự hiểu
biết” khiến họ không hoán cải đã vậy mà cả những người nghe theo họ cũng
không thể hoán cải nữa. Chính lòng ghen tỵ và óc tự mãn đã làm cho họ bị
tê liệt khả năng hoán cải đó. Mời Bạn:Bạn nghĩ Chúa Giê-sucó đang khiển trách bạn không? Có khi nào bạn nghe
biết tiếng Chúa mà bạn không làm lại còn dạy người khác không làm hay không?
Bạn nhớ Chúa cũng đang kêu gọi bạn: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, các bạn đừng
cứng lòng” (Tv 95,8). Sống Lời Chúa: Chọn một việc
bổn phận hằng ngày của bạn và thực hiện với ý chỉ cầu cho việc truyền giáo. Cầu nguyện:Lạy
Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để
con thực sự là người thân trong gia đình của Chúa và được Chúa chúc phúc, bây
giờ và mãi đến muôn đời. Amen.
18/10/2024: THỨ SÁU TUẦN 28 TN Thánh Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng Lc 10,1-9 ĐƯỢC GỌI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy
mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả
các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.(Lc 10,1) Suy niệm: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là người được
sai đi” (TG 1). Trong Giáo hội, sứ mệnh của mọi người là truyền giáo. Chúa Giê-su sai 72 môn đệ cũng là sai mỗi một tín hữu ra đi loan báo Tin
Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải là việc mỗi người làm riêng lẻ, mà là của cả
một mạng lưới, “cứ từng hai người một”
thành một nhóm liên kết với nhau. Loan báo Tin Mừng không chỉ là truyền đi một
thông tin nào đó, mà là tất cả một cuộc sống chứng tá về Ngài, Đấng đã chịu
chết trên thập giá và đã sống lại để đem ơn cứu độ. Đó là cuộc sống hiền lành
và thanh bần “không túi tiền, bao bị giày
dép, không chào hỏi ai dọc đường”. Sứ điệp đầu tiên được đem đến là sự bình
an: “Vào nhà nào, trước tiên hãy nói:
Bình an cho nhà này”. Lúc đó tâm hồn người ta như mảnh đất đã cày bừa sẵn
sàng đón nhận sứ điệp “Triều đại của
Thiên Chúa đã đến gần”. Mời Bạn: Bạn và tôi
cũng đang được Chúa mời gọi đem Chúa đến cho anh chị em xung quanh, nơi trường
học, xí nghiệp, thôn xóm, khu phố mà chúng ta hiện diện. Chúng ta làm chứng cho
Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Cuộc sống huynh đệ bác ái giúp chúng ta gắn
kết và tạo động lực cho việc loan báo tin Mừng có sức thuyết phục con người
thời đại hôm nay. Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một ý
chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con trở nên người tông đồ nhiệt thành dấn
thân loan báo Tin Mừng ngay trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.
19/10/2024: THỨ BẢY TUẦN 28 TN Thánh Gio-an Brê-bớp, linh mục Lc 12,8-12 THÁNH THẦN SẼ DẠY ANH EM NÓI “Khi người ta đưa anh em ra trước
hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em
đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì.” (Lc 12,11) Suy niệm: Đứng trước toà án quan
Nghè Bộ, người thanh niên 19 tuổi vẫn “cả
lòng, lại quyết mình không lầm, cứ nói rằng mình là bổn đạo thờ Chúa Trời Đất,
dầu cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất mạng
sống nữa” (Philipphê Bỉnh, Truyện Đàng Trão). Với những lời nói đó,
người thanh niên ấy, chính là thầy giảng An-rê Phú Yên, đã hy sinh mạng sống để
làm chứng đức tin. Những lời của thầy An-rê Phú Yên được cha Đắc Lộ ghi lại
không phải là lời của phàm nhân, mà là lời mà “Thánh Thần dạy anh em nói”
khi phải ra trước mặt vua chúa quan quyền để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Mời Bạn: Chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh
Tẩy, rồi được tăng cường qua bí tích Thêm Sức. Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận
được tràn đầy qua ơn ban sung mãn mà truyền thống gọi là bảy ơn Chúa Thánh
Thần. Nhưng đừng tưởng rằng ơn ban đó giống như một “bản đề cương” đầy đủ
những lời giải đáp viết sẵn để có thể tuôn ra đối phó với bất kỳ câu hỏi nào.
Thánh Thần chỉ nói thay cho chúng ta khi chúng ta sống trong ơn nghĩa Chúa và
kết hiệp mật thiết với Ngài nhờ đời sống cầu nguyện và bí tích. Sống Lời Chúa: Cầu nguyện riêng mỗi ngày và thường
xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động mạnh mẽ
nơi bạn. Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ở lại
trong chúng con và ban tràn đầy ơn sủng của Người để chúng con can đảm tuyên
xưng Đức Giê-su là Cứu Chúa của chúng con.
20/10/2024: CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN - B Khánh nhật Truyền giáo Mc 10,35-45 LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì
phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi
người.” (Mc 10,43-44) Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười
môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ
Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với
họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với
nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của
nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh
em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn
đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân. Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’
nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân
anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều
mình đã học được nơi Chúa. Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn,
chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu toàn công tác của người
được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những
biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền
hành hay tham quyền cố vị hay
không? Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm
tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, nhỏ bé để làm sáng
danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà
không đòi một quyền lợi nào.
21/10/2024: THỨ HAI TUẦN 29 TN Lc 12,13-21 CỦA CẢI KHÔNG LÀ CÙNG ĐÍCH “Anh em phải coi chừng, phải giữ
mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được
bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15) Suy niệm: Không biết từ đâu mà giới trẻ hôm nay có được một
bản tóm lược những tiêu chuẩn thành công phải vươn tới trên đường đời: “tiền
bao la, tình bát ngát.” Sự ham mê vật chất thì không có điểm dừng, lối sống
phóng túng chẳng khác gì xe lao dốc, càng lúc càng gia tốc. Cơn bệnh thèm tiền, thèm
tình khiến nhiều người không cưỡng nổi, làm băng hoại nhân phẩm và thui chột
tâm hồn vốn dĩ lương thiện được Thiên Chúa đặt để trong con người và nhờ đó,
con người “linh ư vạn vật.” Điều đáng tiếc là tiền và “tình” bị nhầm lẫn với
hạnh phúc! Hậu quả tất yếu cho sự nhầm lẫn này là đang có nhiều tiếng thở dài
lo âu về một xã hội ‘kinh tế đi lên tình người đi xuống’, về sự bất an hằn sâu
trong lòng người. Thảm trạng này đang minh họa lời Chúa nói, “không phải vì dư giả mà mạng sống con người
được bảo đảm.” Vì thế, cần một cuộc tự vấn nghiêm túc nơi mỗi người để
thoát khỏi sự tha hóa do của cải, thói tục và trở thành người “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” Mời Bạn:Đâu là mục tiêu mà bạn đang nỗ lực đạt
đến? Mục tiêu ấy có phù hợp với lời Chúa căn dặn bạn hôm nay không? Rất cần có
một cuộc tự vấn trước mặt Chúa để bạn có được một mục tiêu như lòng Chúa mong
muốn. Sống Lời Chúa: Ý thức của cải
là phương tiện để giúp ta thực hành những lời Chúa dạy. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đang sống trong một xã hội duy vật, thực dụng, khiến
con quên mất ơn gọi nên thánh. Xin giúp con luôn biết vươn lên sống cuộc sống
thánh thiện hướng về giá trị đích thực trên Nước Trời.
22/10/2024: THỨ BA TUẦN 29 TN Thánh Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng Lc 12,35-38 PHÚC CHO NHỮNG ĐẦY TỚ ẤY “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ
tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,38) Suy niệm: “Thắt lưng cho
gọn, thắp đèn cho sẵn” đó là những nét chấm phá mô tả thái độ sẵn sàng của
người tôi tớ trung thành. Chủ đề của dụ ngôn đã quen thuộc: ông chủ và người
đầy tớ. Nhưng sứ điệp thì lại mới: người đầy tớ phải sẵn sàng đợi chờ chủ về
cách bất ngờ. Phần thưởng cho sự tỉnh thức đó không phải là tăng lương, không
phải là một ngày nghỉ bù. Không, không phải là bất cứ thứ gì người đầy tớ có
thể tưởng tượng ra: chính người chủ lại đảo ngược vị thế để trở thành tôi tớ
phục vụ người đầy tớ của mình: “Chủ sẽ
thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ”. Mời Bạn: Phần bạn, bạn có bao giờ tưởng tượng ra có một người
chủ nào như thế không? Thế mà có đấy, chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên bạn,
nay lại trở thành tôi tớ phục vụ bạn là con người. Bạn còn nhớ Chúa Giê-su đã
quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ chứ? Nhưng đó mới chỉ là hình ảnh của việc
Ngài chịu đóng đinh vào thập giá như một tên tội đồ để đền tội thay cho bạn,
thay cho tôi, thay cho chúng ta. Bạn có muốn phục vụ một ông chủ như thế không?
Có bao giờ bạn bắt chước Ngài, phục vụ những người có địa vị xã hội thấp kém
hơn bạn không? Đặc biệt, bạn hãy xét xem mình phục vụ những người thân trong
gia đình mình như thế nào? Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ một người
trong gia đình bạn hoặc nơi bạn làm việc, với ý thức rằng bạn đang phục vụ Đức
Ki-tô đang hiện diện nơi người ấy. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống khiêm tốn, để con phục vụ anh em con
như phục vụ chính Chúa. Amen.
23/10/2024: THỨ TƯ TUẦN 29 TN Thánh Gio-an Ca-pét-tra-nô, linh mục Lc 12,39-48 CHĂM SÓC “NGÔI NHÀ CHUNG” Chúa Giê-su nói: “Vậy thì ai là
người quản gia trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn
người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” (Lc 12,42) Suy niệm: Khi mà hiểm hoạ huỷ diệt môi trường sinh thái không
còn là chuyện viễn tưởng, người ta mới nhận ra con người phải khẩn thiết ý thức
trách nhiệm đối với vũ trụ này: “Hãy là những người quản lý tốt Trái Đất mà
chúng ta được thừa hưởng. Tất cả chúng ta cùng chia sẻ hệ sinh thái và tài
nguyên quý báu của Trái Đất này, và mỗi người chúng ta đều đóng một vai trò
trong việc bảo tồn chúng” (cựu TTK LHQ Kofi Annan). Thật ra, khi tạo dựng
con người, Thiên Chúa đã đặt họ làm người “quản lý Trái Đất” để “cày cấy và canh giữ đất đai” (x. St
1,26; 2,15). Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại người “quản gia của Chúa” phải “trung
tín và khôn ngoan” khi phục vụ tha nhân là “kẻ ăn người ở” trong “Ngôi nhà chung” là Trái đất này và là công
trình của Chúa dựng nên cho chúng ta. Mời Bạn: Thánh Gio-an Phao-lô II nói: “Cách riêng các Ki-tô hữu nhận thức rằng họ có trách nhiệm đối với thụ
tạo, và bổn phận của họ đối với thiên nhiên và với Đấng Tạo Hoá là một phần
thiết yếu trong niềm tin của mình” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình1990). Để đối lại lối sống hưởng thụ
ích kỷ, là căn nguyên sâu xa dẫn đến huỷ hoại môi trường, mời bạn góp tay xây
dựng một nền văn hoá thân thiện môi trường qua lối sống tiết độ và biết hy sinh
quên mình để chia sẻ và phục vụ tha nhân. Sống Lời Chúa: Hằng ngày duyệt xét lại cách sử
dụng của cải: 1/ Có phung phí, gây tổn
hại cho môi trường không? 2/ Có quan tâm chia sẻ
với những người yếu thế, dễ tổn thương không? Cầu nguyện: Hát Kinh
Hoà Bình.
24/10/2024: THỨ NĂM TUẦN 29 TN Thánh An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục Lc 12,49-53 CỚ VẤP PHẠM CỦA THẬP GIÁ “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51) Suy niệm: Thật ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giê-su, Vị
Thái Tử Hòa Bình, phán rằng Ngài không đến để ban hòa bình cho trái đất nhưng
là đem sự chia rẽ. Tại sao thế? Phải chăng những chiến tranh, khủng bố, mâu
thuẫn, tranh giành trên thế giới ngày nay là do Chúa gây nên? Ông Si-mê-on đã chẳng tiên
báo rằng Hài Nhi Giê-su sẽ nên “cớ vấp
phạm” và “một lưỡi gươm đâm thâu tâm
hồn” Mẹ Ngài (x. Lc 2,34-35) hay sao? Quả thật, Chúa Giê-su là đối tượng
chống đối của các luật sĩ và Pha-ri-sêu, bị thân nhân cho là mất trí, bị chính
các môn đệ bỏ rơi, bởi Ngài đã chọn con đường cứu độ bằng thập giá, điều mà
người ta cho là sỉ nhục và điên rồ. Mời Bạn: Sự chia rẽ mà Chúa nói đến chính là sự căng thẳng
trong gia đình, xã hội và ngay trong chính nội tâm mình khi phải chọn lựa giữa
sự thiện và sự ác, giữa cuộc sống theo Chúa Ki-tô hoặc theo thế gian. Đó chính
là điều các thánh (như thánh Lu-xi-a, thánh Cla-ra, thánh Phan-xi-cô Át-xi-di...) phải đối diện khi chọn sống theo
Chúa Ki-tô khiêm nhường, nghèo khó, chịu sỉ nhục. Chia sẻ: Giáo Hội đang bị nhiều người chống đối vì lập trường
lên án phá thai, hôn nhân đồng tính, sống thử trước hôn nhân... Bạn có thấy sự
chia rẽ này đúng như Lời Chúa hôm nay không? Sống Lời Chúa:Can đảm sống
niềm tin của mình, không thỏa hiệp với điều gì trái ngược với đường lối của
Chúa. Cầu nguyện:Lạy Chúa Ki-tô, xin giúp con dám từ bỏ những quyến
luyến lệch lạc, dám chấp nhận những chống đối để sống theo và làm chứng cho
Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá.
25/10/2024: THỨ SÁU TUẦN 29 TN Lc 12,54-59 KHÔN NGOAN NHẬN ĐỊNH “Sao các người không tự mình xét xem
cái gì là phải?” (Lc 12,57) Suy niệm: Hồi giữa tháng 5 năm 2006, siêu bão Chanchu tràn vào
Biển Đông với sức gió lúc mạnh nhất lên tới 250 km/giờ. Do dự báo sai về đường
đi của bão mà thảm hoạ xảy ra: hàng chục tàu đánh cá Việt Nam bị chìm và hàng
trăm ngư dân thiệt mạng vì tránh vào đúng ngay đường đi của cơn bão. Nói chung,
trong mọi lãnh vực, công việc xem xét, dự báo là hết sức cần thiết: để điều trị
một căn bệnh, cần chẩn đoán xét nghiệm, muốn đầu tư kinh doanh phải nghiên cứu
kỹ thị trường. Công việc khảo sát dự báo nếu bị bỏ qua, hoặc sai lệch sẽ dẫn
đến nguy cơ thất bại, hoặc gây ra tai hoạ, hậu quả khôn lường. Cũng vậy, việc sống đức
tin và loan báo Tin Mừng, để được đúng hướng, cần bao gồm việc nghiêm túc XEM
và XÉT các ‘dấu chỉ của thời đại’, chứ không thể chỉ nhắm mắt chúi mũi LÀM!
Chúa Giê-su cảnh tỉnh chúng ta: “Sao các người không tự mình xem xét cái gì
là phải?” Mời Bạn: Mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều có chuyển tải
những thông điệp của Chúa. Chúng ta cần phải khôn ngoan nhận định để biết đâu
là điều Thiên Chúa muốn cho mình, trong những chọn lựa hằng ngày và nhất là khi
phải đưa ra những quyết định quan trọng. Và để chọn lựa đúng thánh ý Chúa, ta
cần có sự bình tâm. Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm gì về việc áp dụng phương pháp
Xem-Xét-Làm? Sống Lời Chúa: Nhìn mọi biến cố trong đời sống với
cái nhìn của Chúa. Siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống có bao
điều con phải cân nhắc và chọn lựa. Xin cho con luôn biết khôn ngoan nhận định,
luôn đủ quảng đại và dũng cảm để chọn lựa những gì đẹp lòng Chúa.
26/10/2024: THỨ BẢY TUẦN 29 TN Lc 13,1-9 LÒNG KIÊN NHẪN CỦA CHÚA “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ
vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu
không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,9) Suy niệm: Người làm vườn, hình ảnh chỉ về Đức Giê-su, nài xin
chủ vườn, là Thiên Chúa, Cha của Ngài,
gia hạn thêm một năm nữa cho cây vả đã ba năm không kết trái, với cam kết sẽ
chăm sóc, vun xới, bón phân và hy vọng
“may ra sang năm nó có trái”. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi đến vô
cùng; Ngài ban nhiều ơn lành cho chúng ta, và hy vọng chúng ta sẽ hoán cải. Tuy
nhiên, đây cũng là một lời cảnh báo: thời gian của chúng ta là có hạn. Nếu
chúng ta tiếp tục không sinh trái, thì cái kết sẽ là bị “chặt đi”. Lòng
thương xót của Thiên Chúa vô biên, Ngài không muốn ai phải hư mất, mà luôn mong
muốn chúng ta trở về và sống một đời sống trọn vẹn trong tình yêu của Ngài. Mời Bạn: Thời gian là một món quà vô giá từ Thiên Chúa. Mỗi
ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi giây phút
đều là cơ hội để trở nên tốt hơn và sinh hoa kết trái. Đừng chờ đợi đến ngày
mai để hoán cải; hãy bắt đầu ngay hôm nay bằng cách vun xới và bón phân cho đời
sống của mình. Hãy để lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc đẩy
chúng ta sống một cuộc đời đáng giá, đầy ý nghĩa và mang lại hoa trái tốt lành
cho thế giới xung quanh. Sống Lời Chúa: Tâm niệm Chúa luôn giàu lòng thương
xót, đủ kiên nhẫn để chờ chúng ta trở về và đâm bông kết hạt. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn bao dung và quảng đại đối với tội nhân. Xin cho
chúng con biết đón nhận ơn lành của Chúa để trở về và lại trở về với Chúa luôn
mãi. Amen.
27/10/2024: CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN - B Mc 10,46-52 PHỤC HỒI PHẨM GIÁ CAO QUÝ Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu
lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su đứng lại và
nói: “Gọi anh ta lại đây.”(Mc 10,48-49) Suy niệm: Đối với nhiều người, anh mù Ba-ti-mê chẳng có một
chút giá trị nào, thậm chí còn là chướng ngại phải dẹp bỏ đi. Có thể họ nghĩ
mình đang bảo vệ Đức Giê-su khi “quát nạt
bảo anh ta im đi”. Nhưng Chúa Giê-su không loại trừ ai. Ngài đón nhận tất
cả mọi người đến với Ngài, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi,…
những người bị loại trừ. Ngài cho người gọi anh mù đến với Chúa. Lời kêu gọi
của Chúa khiến anh được phục hồi phẩm giá. Người chung quanh liền đổi giọng,
nói với anh một cách ân cần tôn trọng: “Cứ
yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy.” Không phải Đức Giê-su
thương hại anh ta. Đúng hơn Ngài thương xót vì phẩm giá của anh bị chà đạp.
Ngài tôn trọng phẩm giá là con người của anh. Đó là lối sống của Đức Giê-su và
cũng phải là lối sống của mọi Ki-tô hữu trong một giáo hội Công giáo mở đón tất
cả mọi người. Mời Bạn: Trong một thế giới thực dụng, những người không đem
lại giá trị kinh tế thường là người yếu thế, dễ bị tổn thương, và bị loại trừ.
Người môn đệ Chúa Ki-tô sống theo chuẩn mực của Ngài luôn tôn trọng mọi người,
bảo vệ và phục hồi phẩm giá của những người bé mọn, yếu đuối nhất và bị bỏ rơi
nhất. Sống Lời Chúa: Thể hiện sự tôn trọng phẩm giá con
người qua lời nói thể hiện sự hoà nhã, tôn trọng. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
Chúa không loại trừ ai, nhưng đến với mọi người và mời gọi mọi người đến với
Chúa. Xin cho chúng con là Ki-tô hữu cũng luôn mở rộng đến với tha nhân để cùng
họ đến với Chúa. Amen.
28/10/2024: THỨ HAI TUẦN 30 TN Thánh Si-mon và thánh Giu-đa, tông đồ Lc 6,12-19 ĐƯỢC GỌI ĐỂ LÀM TÔNG ĐỒ Chúa Giê-su đã thức suốt đêm cầu
nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, người kêu các môn đệ, chọn lấy mười hai ông
mà Người gọi là tông đồ. (Lc 6,12-13) Suy niệm: Cụm từ “Nhóm Mười Hai” không chỉ để nói về mười hai
người đầu tiên được Chúa chọn đích danh để làm tông đồ, mà có thể nói đó là “tế
bào gốc” của Hội Thánh duy nhất, tông truyền. Từ đó, mọi đặc tính của nhóm này
cũng sẽ có giá trị và hiệu lực nơi mọi phần tử trong Hội Thánh. Các đặc tính đó
là: 1/ tính cầu nguyện: Chúa chọn các tông đồ sau khi cầu nguyện suốt đêm, nghĩa là qua việc cầu nguyện Ngài đã gắn sứ
mạng của Giáo Hội với chương trình cứu độ của Chúa Cha; 2/ tính cộng đoàn: các tông đồ chỉ làm chứng một cách trọn vẹn với tư
cách của “nhóm Mười Hai”; các Ki-tô hữu không thể làm chứng khi chính mình lại
phân ly với toàn thân là Hội Thánh Chúa; 3/ tính truyền giáo: các tông đồ được chọn là để được sai đi loan báo
Tin Mừng cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô; đó cũng chính là căn tính và sứ mạng sống
còn của Ki-tô hữu mọi thời. Mời Bạn: Bạn hãy luôn tỉnh táo sao cho mọi việc bạn làm dù
việc “đạo” hay việc “đời”, dù lớn hay nhỏ, cũng hội đủ ba đặc tính đó. Nếu được
như vậy, bạn đã trở thành tông đồ rồi đấy. Chia sẻ: Đối với bạn, việc tông đồ không thể thiếu là việc gì
và đâu là việc tông đồ mà bạn có thể mở rộng nhất đến với mọi người, mọi lúc,
mọi nơi? Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm không bỏ lỡ một cơ
hội nào để làm việc tông đồ cho Chúa. Cầu nguyện:Hát: “Vì con muốn là men, muốn là muối uớp cho
mặn đời. Vì con muốn liều thân, đem Tin Mừng đi khắp nơi.” (Sai đi)
29/10/2024: THỨ BA TUẦN 30 TN Lc 13,18-21 LÀ MEN TRONG BỘT “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm
men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột… ” (Lc 13,21) Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến
cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống
như chuyện nắm men trong bột”: Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột,
Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm
thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội,
Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố
của thế giới. Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp
đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng
cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào
giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản
thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ,
nhưng là chính thời gian bạn ở nhà bạn, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v…
mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Vì thế, người giáo dân trở thành men
trong bột bằng cách chu toàn những bổn phận hằng ngày của mình trong gia đình,
trong công ăn việc làm, theo đúng giáo huấn của Tin Mừng. Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm trong
nghề nghiệp của bạn để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để
vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,… xin cứ dùng con làm tất cả, cho
mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu
và lẽ sống của con. Amen. (“Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ”,
tr 5-6)
30/10/2024: THỨ TƯ TUẦN 30 TN Lc 13,22-30 GIỜ ĐÃ ĐIỂM “Ta không biết các anh từ đâu đến.
Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (Lc 13,27) Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn quả là phũ phàng: đã không
thèm nhìn mặt lại còn chửi rủa thậm tệ những người đã từng đồng bàn ăn uống với
ông. Mà ông làm thế chỉ vì một lý do xem ra rất cỏn con: Họ đã không vào đúng
cửa - cánh cửa hẹp - và hơn nữa, họ đã không đến đúng giờ. Thế nhưng, sự bất
thường trong dụ ngôn lại là điều Chúa muốn nhấn mạnh: Lời Chúa không chấp nhận
một một trạng thái bình bình, “không nóng không lạnh”, hay khoan giãn, khất lần
khất lữa. Quả thật, Thiên Chúa nhẫn nại “đợi cho đến mùa gặt”, nhưng một khi
“giờ đã điểm”, cửa phòng tiệc đã đóng thì không mở ra nữa. Mời Bạn: Có những người nghĩ rằng họ đã được rửa tội, có tên
trong sổ gia đình Công giáo, được gọi là “có đạo”, như thế đã là đủ rồi. Người
đó có thể đang hưởng nhờ các ơn ích từ cộng đoàn từ những người đi trước, nhưng
chính mình lại không góp phần xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Thiên Chúa đã
ban cho họ nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống thờ ơ và lãng phí. Thế rồi
khi giờ của họ đã điểm, họ lại bị lọt sổ, bị loại ra ngoài. Bạn có ở trong số
này không? Chia sẻ: Lời Chúa luôn đòi bạn đáp lại cách triệt để và dứt
khoát. Bạn có sẵn sàng đáp lại như thế không? Sống Lời Chúa: Mỗi khi nhận ra tiếng Chúa mời gọi,
bạn đáp lại ngay tức khắc, ví dụ tới giờ thức dậy, bạn dậy ngay; hoặc tới giờ
đi lễ bạn xếp lại công việc để đi lễ, không làm ráng… Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh của Ngài để con có thể vượt thắng yếu
đuối của bản thân để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn.
31/10/2024: THỨ NĂM TUẦN 30 TN Lc 13,31-35 “CÓ DUYÊN” VỚI CHÚA KI-TÔ Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy đi nói với
con cáo ấy (Hê-rô-đê) rằng: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất…” (Lc 13,32) Suy niệm: Người ta thường nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.”
Hê-rô-đê cai trị xứ Ga-li-lê-a, thiếu gì quyền lực, muốn gặp Chúa Giê-su, thiết
thưởng chẳng khó khăn gì, nhưng ông vẫn “bất tương phùng” với Chúa, theo cả
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quả vậy, Chúa Giê-su là
Chiên Thiên Chúa, còn Ngài lại gọi Hê-rô-đê là “con cáo”: Chiên và cáo có lẽ nào sống chung với nhau được! Con cáo
có hang: Hê-rô-đê hưởng thụ phè phỡn nơi lầu son gác tía. Còn Con Chiên Giê-su
sống đạm bạc “không nơi gối đầu” (Lc
9,58). Hê-rô-đê tưởng Gio-an Tẩy giả sống dậy và nhập thân nơi Chúa Giê-su nên
muốn gặp mặt Ngài (x. Lc 9,7-8). Phải chăng ông muốn nhổ cỏ tận gốc? Chúa
Giê-su lại chẳng xem sao mưu đồ ấy, mà chỉ nhắn cho con cáo ấy rằng Ngài vẫn ung dung hoàn tất sứ mạng của mình. Thế
rồi Hê-rô-đê không hẹn mà được diện đối
diện với Chúa Ki-tô trong cuộc Thương khó của Ngài (x. Lc 23,8-11). Có
người gọi như thế là duyên kỳ ngộ. Tiếc thay, một lần nữa Hê-rô-đê lại “vô
duyên” với Chúa Ki-tô: ông ta miệt thị chế diễu Chúa, còn Ngài chỉ thinh lặng. Mời Bạn: Bạn có trở thành “vô duyên” với Đức Ki-tô vì lối
sống xa lạ với Lời Ngài hay không? Chỉ khi nào bạn cùng đi con đường thập giá
với Chúa Ki-tô, con đường hiền lành, khiêm nhường, nghèo khó và chịu sỉ nhục,
lúc đó bạn mới gặp được Ngài, mới “có duyên” với Ngài. Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn soi gương tâm hồn (xét
mình) để sửa lại những nét “vô duyên” của bạn đối với Chúa Giê-su, Đấng yêu
thương bạn. Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn năn tội.