Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết lập. Gia đình mang nhiều tên gọi khác nhau. Các Văn kiện của Công đồng Vaticanô II định nghĩa gia đình là “Hội Thánh tại gia – một Hội Thánh thu nhỏ. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng gia đình là tế bào và là nền tảng cốt lõi của xã hội. Ngài cũng khẳng định rằng xã hội sẽ đi theo con đường của gia đình. Lịch sử thế giới đã chứng minh tầm quan trọng hàng đầu của gia đình, cũng như sự tan rã của gia đình. Khi gia đình tan rã, thì việc xã hội suy tàn và sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Xét về tầm quan trọng cao cả và không thể thay thế của gia đình, chúng ta hãy nêu bật một số bước tích cực cần thực hiện để duy trì, hỗ trợ, bảo vệ và gìn giữ gia đình mà Thiên Chúa tạo dựng trước sự tấn công của ác thần. Hy vọng rằng mỗi người chúng ta đều nỗ lực đóng góp mình vì sự lành mạnh, thánh thiện và bền vững của các gia đình!

Chúng tôi sẽ đưa ra một chương trình bao gồm mười bước, đóng vai trò như một hệ thống hỗ trợ cho sự hình thành, nuôi dưỡng và giúp đỡ các gia đình. Chúng tôi hằng cầu nguyện và hy vọng bài viết này có thể được sánh ví như mười nấc thang giúp chúng ta về Thiên đàng qua đời sống gia đình. Nguyện xin Thánh Gia Thất – Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse – luôn là mẫu gương, động lực và là những vì sao sáng trên vòm trời Thiên quốc, soi dẫn chúng ta vượt qua những nẻo đường tăm tối mịt mù nơi dương thế.

1. Hôn nhân Công giáo

Thật đáng tiếc khi hôn nhân Công giáo đang trở thành một tai họa trong hệ tư tưởng của nhiều bạn trẻ với lối sống thử hoặc sống chung như vợ chồng, hay chỉ kết hôn theo luật đời mà không lãnh nhận bí tích. Bí tích Hôn phối khi được lãnh nhận cách đúng đắn và sống trọn vẹn, sẽ mang lại một nguồn ân sủng giúp đôi vợ chồng triển nở trong tình yêu, chung thủy với nhau, đồng thời luôn cởi mở trong việc sinh sản và nuôi dạy con cái, cũng như yêu mến Thiên Chúa và thực hiện ý muốn của Ngài.

Nếu không có Bí tích Hôn phối, đời sống hôn nhân theo lời Chúa Giêsu giống như “việc xây nhà trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”. (Mt 7:24-27).

2. Kinh nguyện gia đình

Cầu nguyện là yếu tố không thể thiếu cho sự thánh hóa gia đình. Cha Patrick Peyton, vị linh mục nổi tiếng về lòng sùng kính kinh Mân Côi đã phát động một chiến dịch Kinh Mân Côi vì phần rỗi các gia đình. Ý định và mong muốn của ngài là thúc đẩy tất cả các gia đình cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi với châm ngôn: Gia đình cùng nhau cầu nguyện thì sẽ ở bên nhau”. Con người này của Chúa, với lòng say mê Mẹ Maria và Kinh Mân Côi, đã quy tụ được khoảng 2-3 triệu người ở Philippines, giáo huấn và kêu gọi họ cầu nguyện với Kinh Mân Côi để xin ơn cứu rỗi cho gia đình và xã hội.

3. Sống trong ân sủng Bí tích

Không chỉ các đôi vợ chồng nên lãnh nhận Bí tích Hôn phối, mà cả gia đình cũng nên sống và gìn giữ đức tin Công giáo qua việc siêng năng, sốt mến lãnh nhận các Bí tích với đức tin vững mạnh. Đặc biệt, các gia đình nên tham dự thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần, và đón rước Thánh Thể là Bí tích tình yêu nhiệm mầu từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thiên Chúa là Tình Yêu và tình yêu của Người sẽ tuôn trào trên các gia đình qua Bí tích Thánh Thể.

4. Mở lòng đón nhận sự sống

Ngày xưa, tổ tiên chúng ta bước vào đời sống hôn nhân với khát khao chào đón những đứa con mà Thiên Chúa ban tặng, dù gia đình có đông con đến mấy. Ngày nay, có một tâm lý tránh thai đang ăn sâu trong toàn xã hội. Tâm lý chống lại sự sống này thường thể hiện qua sự tiếp tay của các phòng khám và việc sử dụng biện pháp tránh thai.

Lệnh truyền đầu tiên của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (St 1:28). Nhờ ân sủng Chúa, chúng ta hãy thay đổi góc nhìn và thúc đẩy việc chấp nhận và xây đựng gia đình đông con hơn, để tình yêu và sự sống của Thiên Chúa được lan tỏa mạnh mẽ.

5. Lòng thương xót và sự tha thứ trong gia đình

Một trong những kẻ thù thâm hiểm nhất đối với ơn cứu rỗi của các gia đình là sự oán giận ngày càng tăng. Thật không may, nhiều cặp vợ chồng, đang sống triền miên trong tình trạng cãi vã, đánh nhau, tức giận, lời nói gây tổn thương, oán hận và cay đắng. Hiển nhiên, chất độc này tràn vào đời sống của chính con cái họ. 

Như axit làm tổn thương dạ dày, sự bất hòa và hận thù cũng gây tổn hại cho linh hồn và gia đình chúng ta! Axit làm thủng niêm mạc dạ dày và gây ra loét, thì sự bất hòa và hận thù cũng có thể bào mòn và phá hủy sợi dây liên kết giữa vợ chồng và làm tan vỡ gia đình.

Hãy học cách tha thứ, không chỉ một hay hai lần, nhưng là 70 lần 7 lần! Như nhà thơ Anh Alexander Pope đã viết rất hùng hồn: “Sai lầm là bản tính loài người; tha thứ là bản tính của Thiên Chúa.” Bí quyết của sự tha thứ là tha thứ ngay lập tức và tìm đến cầu nguyện, để giành chiến thắng ngay từ đầu trận chiến.

6. Đối thoại trong gia đình

Rất nhiều gia đình phải chịu đau khổ do thiếu vắng những cuộc đối thoại chân thành, thường xuyên và nhẹ nhàng. Nếu không có sự giao tiếp cơ bản giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái hay giữa anh chị em, đời sống gia đình sẽ phải oằn mình trong những thương tổn. Thường thì cha mẹ cho rằng họ có thể chiếm được tình yêu và sự quý mến của con cái bằng cách đáp ứng tất cả các nhu cầu của chúng. Tuy nhiên, điều trọng hơn hết đó là dành thời gian cho con cái thay vì tiền bạc!

7. Giờ ăn: Thời gian vàng cho việc đối thoại

Mục tiêu là để bố mẹ cùng đưa cả gia đình quây quần bên nhau, mỗi ngày nếu có thể, trong bữa ăn. Thách thức đặt ra trước mắt đó là: trong suốt bữa ăn (có thể chỉ là nửa tiếng, hy vọng là lâu hơn), không được có thiết bị điện tử trên bàn ăn. Nghĩa là không có T.V., radio hay điện thoại. Bỏ qua tất cả những thiết bị này để cả gia đình có thể tụ họp lại trò chuyện, lắng nghe, cười đùa và tận hưởng thời gian bên nhau. Từ người nhỏ nhất đến người lớn nhất, hãy để mọi người được tự do bày tỏ ý kiến và chú tâm lắng nghe. Hãy tôn trọng và yêu thương từng thành viên trong gia đình!

8. Canh tân và nhóm lửa tình yêu

Trước khi kết hôn, hầu hết các cặp đôi đều thích dành nhiều thời giờ bên người bạn đời tương lai của mình. Cùng nhau ăn tối, khiêu vũ vào cuối tuần, đi dạo trên bãi biển, cùng nhau xem một bộ phim hay, thậm chí là những chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần. Những hoạt động này là một phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình tìm hiểu và yêu thương người bạn đời tương lai. Thật không may, sau khi kết hôn, tất cả những hoạt động gắn kết tình cảm quan trọng này dần đi vào quên lãng.

Vì vậy, để duy trì mối liên kết tình bạn, tình yêu và sự triển nở trong đời sống hôn nhân, các cặp vợ chồng thỉnh thoảng nên dành thời gian riêng tư bên nhau, để tiếp lửa cho mối tình của họ.

9. Chúa Nhật: Ngày dành cho Thiên Chúa và gia đình

Trong Văn kiện Die Domino (Ngày của Thiên Chúa), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái tạo và tái khám phá việc giữ ngày Chúa Nhật – Ngày của Chúa. Vị Giáo hoàng thánh thiện này đã tuyên bố rằng Chúa Nhật nên là ngày dành riêng cho việc tham dự thánh lễ, thờ phượng và ngợi khen Chúa.

Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng cũng quả quyết rằng Chúa Nhật cũng nên là thời gian dành cho gia đình. Lúc này, các gia đình có thể cùng nhau tổ chức và tham gia các hoạt động chung. Vậy những hoạt động đó là gì? Các bữa ăn chung, các hoạt động thể thao, đi bộ và khám phá thiên nhiên, chơi cờ, cùng nhau xem một bộ phim hay, dã ngoại, cầu nguyện chung, thăm người già hay các bệnh nhân.

Chúa nhật thực sự là Ngày của Chúa và là Ngày Gia Đình. Hãy sống trọn vẹn ngày này!

10. Mẹ Maria và gia đình

Cuối cùng, chúng ta hãy dâng hiến gia đình mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh, Mẹ của từng người và Mẹ của mỗi gia đình chúng ta! Hãy tận hiến gia đình mình cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria và Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Hãy để tất cả các thành viên trong gia đình mang Áo Đức Bà như một dấu chỉ dâng hiến cho Đức Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi. Hãy chạy đến cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ để tìm nơi trú ngụ cho tổ ấm của mình.

Tác giả: Lm. Ed Broomm, OMV

Chuyển ngữ: Vũ My | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Theo: Catholic Exchange

Nguồn: dongten.net