NẤM MỒ CUỘC ĐỜI

(Bài Suy Niệm Nhân Dịp Tháng Cầu Hồn)

 

Như “đến hẹn lại lên”, Giáo hội dành cả tháng cầu hồn không chỉ như là một cơ hội để chúng ta suy ngẫm về cuộc đời mà cũng còn là cơ hội để chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người thân yêu bằng việc đi đến với các mộ phần của những người thân yêu và dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho họ. Những mộ phần ấy tuy có thể khác nhau về vị trí, về kích thước, về kiến trúc và hình dáng … Có những nầm mồ có thể được làm bằng những tảng đá khang trang và vững chắc hoặc chỉ đơn giản là một nấm đất cát lụi tàn với thời gian và mọc trên nó là những đám cỏ vàng úa, màu của mùa Thu, mùa của những chiếc lá rơi về cội.

Tuy khác nhau như vậy, nhưng tất cả các nầm mồ ấy có chung một điểm đó là nó mang trên mình triết lý của cuộc đời và ý nghĩa sâu xa của cuôc sống.

1.            Nầm mồ là bằng chứng hùng hồn về một thực tại mà không ai có thể chối cãi được, đó là sự chết. Thật trớ trêu và nghịch lý khi cái chết lại chính là một phần của cuộc sống.Cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã viết rằng: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi.” Được sinh ra từ lòng đất mẹ và khi nhắm mắt xuôi tay con người cũng được đất mẹ ôm vào lòng. Dù có ốm đau hay mạnh khoẻ, dù có đoản thọ hay trường thọ thì con người trước sau cũng phải nằm xuống nơi những nấm mồ lạnh lẽo u ám. Chính vì thế mà nhà thơ Nguyễn Du đã có vẻ bi quan mà thốt lên rằng:

“Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”

Vâng, nếu ai đó sánh vì cuộc đời của con người ở trần thế này như một bản nhạc thì “một nấm cỏ khâu xanh rì” chính là dấu chấm hết cho bản nhạc cuộc đời ấy.

2.            Nầm mồ mang trên mình một sứ mạng lịch sử bởi vì nó mang trong mình thân xác của một con người. Dù người đó là già hay trẻ thì cũng đã từng tồn tại, đã từng sống nơi làng quê, thôn xóm chúng ta. Họ là những con người ở những thế hệ khác nhau và họ đã chứng kiến biết bao nhiêu những thăng trầm lịch sử, sự hình thành và phát triển của làng quê ấy. Và khi họ nằm xuống thì họ mang theo lịch sử của nơi mà họ đã từng sinh sống. Nếu như các thế hệ con cháu không lưu tâm để ý học hỏi thì rất có thể lịch sử sẽ bị chôn vùi và quên lãng dưới những nấm mồ lạnh lẽo.

3.            Nấm mồ trả lại cho con người sự công bằng.  Con người ai sinh ra cũng đều trần trụi với hai bàn tay nắm chặt và cất lên những tiếng khóc chào đời. Có một triết gia còn ví von rằng: Đứa trẻ khi sinh ra lúc nào cũng nắm chặt tay như ích kỉ muốn chiếm lĩnh cả thế gian. Nhưng khi nó còn quá nhỏ và không làm được điều đó thì nó khóc thét lên. Khitrưởng thành, con người có thể bị chia rẽ, phân biệt đối xử vì sự giàu có và quyền lực khiến cho cuộc sống đôi khi bất công bằng. Nhưng khi chết thì ai cũng nhắm mắt xuôi tay. Như thế, khi sinh ra thì tay nắm và lúc chết đi thì xuôi tay, ai cũng giống ai, chẳng mang theo được gì và nấm mồ đã san bằng mọi khoảng cách của mọi con người, đưa họ trở về với điểm xuất phát và trả lại cho họ sự công bằng.

4.            Nấm mồ giúp họ nhận thức giá trị của cuộc sống bởi vì đơn giản không có cái chết thì sẽ chẳng ai có thể nhận thức ra cuộc sống và giá trị của nó. Nếu mỗi con người nhận thức ra được giá trị đích thực của cuộc sống thì họ sẽ nhận biết được Đấng đã làm lên sự sống và nhờ đó họ sẽ biết trân trọng sự sống và sống tốt hơn.

5.            Nấm mồ là trạm dừng chân trong cuộc hành trình phục sinh. Không ai tạo dựng nên cái gì chỉ để ngay sau đó tự tay mình hủy hoại đi. Thiên Chúa không tạo dựng nên con người để hủy diệt, để chết đi nhưng để yêu thương và mời gọi họ tham dự vào sự sống đời đời nơi Thiên Chúa. Và như thế, nấm mồ trở thành một trạm dừng chân để những ai tin vào Đức Kitô sẽ sống lại trong ngày sau hết và sống hạnh phúc đời đời.

Như thế, nấm mồ không chỉ đơn thuần là những nấm đất vô nghĩa hay những tảng đá lạnh lẽo vô hồn mà nó mang trên nó cả một triết lý của cuộc đời. Nơi đó, những ai tin vào Thiên Chúa đang chờ ngày sống lại vinh quang. Amen

Lm. Jos Nguyễn Huy