SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM B

"Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được thấy"


Động từ "thấy" trong tiếng Việt (mà có lẽ trong ngôn ngữ nào cũng  vậy) luôn mang hai ý nghĩa: Một là chỉ việc nhận biết bằng mắt nhìn để thấy được những sự vật hiện tượng trong thế giới vật chất xung quanh. Ví dụ: Tôi thấy anh. Tôi thấy mọi người. Mắt thấy tai nghe; Hai là sự nhận biết qua tri giác, giống như nhận thức. Ví dụ: Tôi thấy được mình sai. Tôi thấy được tình yêu thương của Chúa và tôi biết ơn Ngài. Thấy bằng tri giác và cảm nhận, nói cách khác, thấy bằng con mắt tâm hồn hay con mắt đức tin, theo cách nói của niềm tin tôn giáo. Nét nghĩa thứ hai của động từ "thấy" đòi hỏi nhiều điều hơn nét nghĩa thứ nhất. Thực tế, thậm chí đôi khi mắt sáng chúng ta đấy nhưng lại không thấy được những thứ đáng ra phải thấy. Chẳng hạn có những đứa con mắt rất sáng nhưng không nhìn ra được, không thấy được tình thương của cha mẹ để biết ơn.

Bài Tin Mừng theo thánh Maccô (Mc 10,46-52) kể việc Chúa Giêsu chữa cho anh mù Bartimê tại thành Giêricô và anh nhìn thấy được, dễ làm cho chúng ta dừng lại ở việc suy tư phép lạ Chúa chữa cho anh khỏi bệnh mù đôi mắt thể lý. Tuy nhiên nếu đọc sâu bài Tin Mừng và đặt trong ngữ cảnh cùng với các bài đọc Lời Chúa còn lại của Phụng vụ, chúng ta thấy mục đích phụng vụ Lời Chúa dường như không phải như thế.

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Giêrêmia nói tiên tri về thời giải phóng, thời mà Thiên Chúa sẽ đưa dân từ chốn lưu đày trở về quê hương, thời mà tất cả những người đau khổ, mà đại biểu là những người mù, què, tàn tật sẽ được cứu chữa. Người người sẽ nhận ra ơn lành của Thiên Chúa. Giêrêmia tiên tri điều đó vào khảong năm 604 TCN khi người Do Thái đã bị đưa đi lưu đày tại Babilon được 8 năm trong hoàn toàn vô vọng, không ai dám nghĩ đến ngày được trở về. Thế nhưng 42 năm sau, lời tiên tri này đã ứng nghiệm, năm 538 TCN, sau 50 năm bị lưu đày, người Do Thái được hồi hương. Họ xây lại được Đền Thờ và tường thành Giêrusalem là hồn cốt của dân tộc. Họ thấy được ơn Chúa và họ vui mừng khôn tả xiết, niềm vui vỡ oà như lời Đáp ca: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (Tv 125)

Trở lại với anh mù Bartimê trong bài Tin Mừng, chìa khoá để hiểu bài Tin Mừng này nằm ở câu cuối cùng của bài đọc, thánh Maccô viết: "Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người." (Mc 10, 52). Tại sao anh Bartimê được sáng mắt rồi, nhìn rõ đường rồi, lại không đi con đường của mình mà lại đi theo Chúa Giêsu? Phải chăng anh đã THẤY điều gì đặc biệt?

Trước câu chuyện Chúa chữa người anh mù Bartimê tại Giêricô, thánh Máccô đã kể 3 lần Chúa loan báo về con đường Khổ Nạn của Ngài trong chương 8 câu 31, chương 9 câu 31 và chương 10 câu 33-34. Chuyện gì xảy ra khi Chúa Giêsu mạc khải điều rất quan trọng này? Phêrô thì bàn lùi, ngăn Chúa Giêsu tiếp tục con đường lên Giêrusalem. Hai anh em Giacôbê và Gioan thì cậy nhờ mẹ đến xin cho ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang. Các tông đồ còn lại thì cự cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Tất cả đều không nhìn thấy con đường Chúa đi. Ngược lại, anh mù lại nhìn thấy điều mà vượt hơn cả con mắt thể lý đã được chữa lành có thể nhìn thấy. Giống như người Do Thái sau lưu đầy đã nhìn thấy Lòng Thương Xót và sự quan phòng của Thiên Chúa, nhân ra sự hiện diện thực của Thiên Chúa, anh Bartimê đã thấy Đức Giêsu là Đấng cứu thế, con đường Ngài đi là con đường chính đạo, và đó là lý do anh quyết định dứt khoát từ bỏ con đường mình đi mà đi theo con đường Chúa đi.

Nhìn vào cuộc sống khô cứng, thiếu tình yêu ngày hôm nay, dưới ánh sáng của Lời Chúa, tôi nhận ra rằng dường như chúng ta đang thiếu một cái gì đó để giúp cho cuộc sống được tốt đẹp hơn. Phải chăng đó là thiếu cái nhìn nhạy cảm của con tim và tâm hồn như anh mù Bartime? Bởi vì, thiếu cái nhìn này chúng ta sẽ khó thấy được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, khó thấy được những việc tốt mà Giáo Hội, quê hương, cha mẹ, người thân mang lại cho mình. Và nếu không thấy được những ơn nghĩa tốt đẹp này, thì làm sao chúng ta có thể sống tốt lòng mến với Chúa, với Giáo Hội và sống tốt chữ yêu với quê hương, với cha mẹ cũng như những người xung quanh!? Bởi vì, con đường đến với nhau nhanh nhất là con đường từ trái tim đến trái tim. Mà con đường trái tim chỉ có thể thiết lập được khi chúng ta thấy được tình yêu, hay nói cách khác, khi chúng ta nhận thấy rằng mình được yêu thương. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được thấy. Amen.


Linh mục Giuse Vũ Văn Khương