Vị trí ghế của tư tế cử hành Thánh lễ

Thứ sáu - 05/04/2024 15:54      Số lượt xem: 1096

Ở Việt Nam hiện nay, trong các nhà thờ, ghế các vị chủ tế và một số đồng tế trên cung thánh thường được đặt sau bàn thờ. Có nơi đặt ghế chủ tế giữa sau bàn thờ, ngay dưới Nhà Tạm. Những cách xếp đặt này hầu như không thấy ở Roma hay ở những nhà thờ Âu Mỹ. Vì vậy, cần xem xét lại cách xếp đặt này có phù hợp với luật phụng vụ hay không.

screenshot 1712313694
VỊ TRÍ GHẾ CỦA TƯ TẾ CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Ghế của tư tế cử hành Thánh lễ (Sedes sacerdotis celebrantis, sede del sacerdote celebrante, chair of the priest celebrant, có thể gọi là ghế chủ tế) phải đặt ở đâu trên cung thánh?

1. Quy định phụng vụ

Quy chế Tổng Quát Sách lễ Roma (viết tắc QCSL) mới, ấn bản năm 2002, số 310 (giữ nguyên phần đầu của số 271 cũ) ấn định như sau:

310. Ghế của tư tế cử hành phải biểu thị (debet significare) nhiệm vụ chủ trì (præsidendi) cộng đoàn và hướng dẫn (dirigendi) cầu nguyện. Vì vậy, vị trí thích hợp nhất là vị trí đối diện với giáo dân ở đầu cung thánh, trừ khi cấu trúc của tòa nhà và các yếu tố khác cản trở điều này, ví dụ như khoảng cách quá xa sẽ khiến việc giao tiếp giữa linh mục và cộng đoàn giáo dân trở nên khó khăn, hoặc nếu Nhà Tạm chiếm vị trí trung tâm phía sau bàn thờ. Tránh mọi hình thức ngai tòa. Điều thích hợp là ghế phải được làm phép trước khi được sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức được mô tả trong Nghi thức Rôma.

Nơi cung thánh cũng đặt những chiếc ghế dành cho các tư tế đồng tế và linh mục mặc y phục ca đoàn hiện diện tại buổi cử hành mà không đồng tế.

Ghế của phó tế nằm gần ghế của chủ tế. Đối với các thừa tác viên khác, các ghế phải được sắp xếp sao cho tách biệt với các ghế của giáo sĩ và để cho họ thi hành tác vụ của mình một cách dễ dàng.

Chú giải:

QCSL số 310 quy định về vị trí của “Ghế” của tư tế cử hành Thánh Lễ (Sedes sacerdotis celebrantis) trong ý nghĩa thần học của nó, chứ không quy định về chỗ đứng hay chỗ ngồi một cách vật lý. Các nhà thần học phụng vụ vẫn thường xem 3 thực tại sự vật chính yếu tại nơi cung thánh: Bàn thờ, bục Lời Chúa và ghế tư tế dâng lễ.[1] Mỗi thực tại này đều mang nghĩa thần học riêng của nó. Ở đây xin luận xét chỉ về vị trí của ghế theo hướng dẫn của Giáo Hội.

a- Ghế “Phải biểu thị” (Debet significare)

Quy chế quy định ghế là “Phải biểu thị”. Động từ nguyên bản Latin được sử dụng là: debet significare, được các ngôn ngữ khác chuyển dịch là: must signify, deve mostrare, doit être le signe.

Ghế” (sedes, sede, chair) của tư tế cử hành, vì vậy “phải” (debet) có vai trò biểu thị (significare) nhiệm vụ chủ trì (præsidendi, presiding) cộng đoàn và hướng dẫn (dirigendi, derecting) cộng đoàn cầu nguyện.

Để đáp ứng vai trò biểu thị hay diễn tả được ý nghĩa, tất nhiên ghế phải được đặt ở vị trí nào mà giáo dân có thể thấy được. Nếu đặt nơi giáo dân không thể thấy, ghế bị mất vai trò biểu thị của nó. Bởi vậy, chỗ thích hợp nhất, Quy chế ấn định là ở đầu cung thánh và thường thấy là đặt trên cao. Các hình ảnh sau cho thấy ghế đặt rất cao, hơn nơi đặt bàn thờ tới mấy bậc:[2]

 

- Hình ảnh: Ghế chủ tọa tại nhà thờ chính tòa Canterbury đặt trên cao và các cấp bậc được trải thảm đỏ.[3]
 

- Hình ảnh:  Ghế chủ tọa tại nhà thờ ở San Vitale, Ravenna, Italy, cũng được thấy là cao hơn cả bàn thờ.[4]

- Sơ đồ được thấy trên Wikipedia cũng đặt ghế rất cao ở đầu cung thánh.[5]

b- Thực hiện được sự giao tiếp
Quy chế số 310 cũng đòi hỏi vị trí ghế phải giúp cho việc giao tiếp được dễ dàng. Ghế có thể đặt tại nơi khác nếu như “khoảng cách quá xa sẽ khiến việc giao tiếp giữa linh mục và cộng đoàn giáo dân trở nên khó khăn”. Những nơi có cung thánh quá sâu rộng, lúc đó ghế nên được đặt ở vị trí gần giáo dân hơn.

c- Trong trường hợp Nhà Tạm được đặt ở giữa, đầu cung thánh

 Quy chế cũng dự liệu trường hợp Nhà Tạm được đặt ở giữa, đầu cung thánh. Khi đó, ghế thường được đặt ở một bên, có thể là phía trước gần giáo dân hay một bên của cung thánh, hoặc một bên cạnh bàn thờ.

Khi có Thánh Thể ở giữa cung thánh, ghế chủ tế có thể đặt sau bàn thờ hay không, Bộ Phụng tự đã có câu trả lời cho vấn đề này.[6]

 

Hỏi: 9. Một số linh mục nghĩ rằng nơi tốt nhất cho chủ tế và các thừa tác viên là phía sau cung thánh, nhưng để bàn thờ không che khuất họ, họ nói rằng chỗ ngồi phải được đặt cao, ít nhất là ba bậc, để giáo dân có thể nhìn thấy họ và thể hiện rõ ràng rằng người chủ tế đang thực sự chủ sự. Liệu ý kiến này có thể được chấp nhận hay không, cách riêng nếu ngai để trưng bày Bí tích Thánh Thể được đặt trong chính cung thánh?
 

Giải đáp: Khẳng định (Affirmative) về phần thứ nhất, theo Instruction, n. 92.

Về phần thứ hai: Nếu nhà tạm ở trong cung thánh hoặc nếu đặt ngai để trưng bày Mình Thánh Chúa ở đó, thì ghế chủ tọa nên được đặt hơi cao, ở cạnh bên bàn thờ (to the side of the altar). 
 

Các hình minh họa ở trên cho thấy ghế chủ tọa được đặt một bên, không đặt sau bàn thờ.

 


- Với hình sơ đồ của các phần của một nhà thờ, tác giả cho thấy ghế chủ tọa và giếng rửa tội ở hai bên đầu cung thánh, nhà tạm ở giữa.[7]
 

- Hình ảnh: Ghế tư tế dâng lễ bên cạnh bàn thờ, thấy tại nhà thờ Our Lady of the Rockies[8]
 

- Hình ảnh: Ghế được đặt theo hướng xiên, theo ý kiến của cha Allan J. McDonald trong bài luận về ghế “To Properly Chair Or Not To Properly Chair—That Is The Question”. [9]
 
2. Không nên đặt ghế chủ tế sau bàn thờ

Ở Việt Nam rất nhiều ghế tư tế dâng lễ được đặt sau bàn thờ. Điều này có hợp với luật phụng vụ không?

Trong câu hỏi đã nêu ở trên, đặt trường hợp Nhà Tạm nằm ở giữa cung thánh, và mặc dù ghế đã được đặt cao, “ít nhất là ba bậc, để giáo dân có thể nhìn thấy họ và thể hiện rõ ràng rằng người chủ tế đang thực sự chủ sự”, Bộ Phụng tự vẫn trả lời là đặt ghế cạnh bên bàn thờ (to the side of the altar), chứ không đặt sau bàn thờ.[10]

Ngoài ra, ta có thể nêu một số lý do khiến cho việc đặt ghế chủ tế sau bàn thờ là không phù hợp với quy định phụng vụ:

- Ghế bị lấp sau bàn thờ, giáo dân dự lễ không thấy được. Do đó, ghế không biểu thị được ý nghĩa “nhiệm vụ chủ trì cộng đoàn và hướng dẫn cầu nguyện” của vị tư tế dâng lễ (QCSL 310). Ba thực thể sự vật chính được tập chú trên cung thánh sau Công đồng Vatican II: Bàn thờ (alta), Bục Lời Chúa (ambo) và ghế (sede) tư tế dâng lễ, đáng tiếc chỉ còn lại hai.

-  Nguy cơ thờ lạy người hay sự vật.  Theo luật, khi đi ngang qua bàn thờ và phía sau bàn thờ có Nhà Tạm mọi người đều phải bái gối hay bái sâu để tôn thờ Thánh Thể hoặc kính chào bàn thờ. Các tư tế ngồi hay đứng sau bàn thờ đó có thể được hiểu là họ được thờ lạy hay kính chào. Trong khi đó, Giáo hội dạy chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa. Một đặc tính chính yếu của phụng vụ là dấu hiệu khả giác (Phụng Vụ, 7), không thể giải thích ý muốn thờ lạy chỉ là trong lòng khác với hình thức bên ngoài.

- Nguy cơ biểu hiện hội đồng quản trị ngồi phía sau bàn thờ. Trong Thánh lễ đồng tế, Giám mục và các linh mục ngồi thành hàng ngang sau bàn thờ, gọi lên hình ảnh của một ban trị sự hay một hội đồng quản trị. Cha sở, khi đó, cũng phải lo sắp xếp vị nào có chức vụ lớn nhất: Cha Tổng đại diện, Giám đốc Đại Chủng Viện… ngồi gần Giám mục chủ tế. Trong khi đó, QCSL 310 quy định: “Ghế của phó tế nằm gần ghế của chủ tế”.

3. Nên có một bục đặt trước ghế tư tế dâng lễ không?

Ai cũng thấy cần thiết là phải có giá để sách lễ và micro đặt trước ghế tư tế dâng lễ. Vậy có được phép thiết kế một bục để đặt sách lễ và micro trên đó không?

Về việc đặt thêm một bục trên cung thánh, không thấy có điều cấm và cũng không thấy có lý do sai thần học. Tuy nhiên, nó sẽ không phù hợp với QCSL số 310, nếu bục này to và có thể che khuất ghế. Vì vậy, chỉ nên có một giá sách khá vững vàng, chỉ hơi to.

- Hình ảnh: Một giá sách khá đẹp gắn với micro đặt trước ghế chủ tọa, tại Sant Antoni. Giám mục Vicente Juan Segura của Ibiza và Formentera ở Tây Ban Nha, đang ngồi tại ghế chủ tế.[11]
 

- Hình ảnh: Tại giáo xứ Pont della Muda ở Ý, Đức Cha Ravignani đứng trước một giá sách khá lớn đặt trước ghế. Ghế này lại được đặt trên bục khá cao, vượt trội hơn các ghế khác.[12]

Ở những nơi cung thánh hơi thấp, vì vậy, nên thiết kế ghế trên một bục cao, để giáo dân có thể dễ dàng nhìn thấy. Khi đó, ghế của vị tư tế dâng lễ mới thể hiện được vai trò biểu thị nhiệm vụ chủ trì cộng đoàn và hướng dẫn cầu nguyện.

Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
Nguồn: Web Giáo luật Công giáo


[1] X.  Denis R. Mcnamara, That Other “Seat of Wisdom”—The Role of the Celebrant’s Chair in the Life of the Church, X. https://adoremus.org/2017/03/seat-wisdom-role-celebrants-chair-life-church/;
 X. https://cathedralsaginaw.org/church-tour/altar-ambo-pulpit-seating/
https://dlib.bc.edu/islandora/object/bc-ir:109843

[2] sơ đồ ở Wikipedia, ghế chủ tế đầu cung thánh, nhà tạm một bên;
cũng vậy Presiding Chair and Altar, ở San Vitale, Ravenna, Italy.

[3]X. https://praytellblog.com/index.php/2017/12/01/presiding-from-which-chair/

[4] X. https://praytellblog.com/index.php/2017/12/01/presiding-from-which-chair/

[5] X. https://it.wikipedia.org/wiki/Presbiterio,

[6] X. “Thesaurus responsorum ex «Notitiae» - Notitiae Response Database”, tại  https://notitiae.ipsissima-verba.org/, n. 9.

[7] X. https://colegiopadrecollado.blogspot.com/2013/10/partes-de-la-iglesia.html, sơ đồ ghế chủ tọa và giếng rửa tội ở hai bên đầu cung thánh, nhà tạm ở giữa;

[8] X. https://www.rockiesshrine.org/shrine-tour-1/14-altar%2C-ambo-and-celebrant-chair, The Shrine Church of Our Lady of the Rockies có ghế chủ tế bên cạnh bàn thờ.

[9] X. https://southernorderspage.blogspot.com/2023/12/to-properly-chair-or-not-to-properly.html.

[10] X. “Thesaurus responsorum ex «Notitiae» - Notitiae Response Database”, tại  https://notitiae.ipsissima-verba.org/, n. 9.

[11] X. https://www.periodicodeibiza.es/pitiusas/ibiza/2020/01/17/1135259/santa-sede-ultima-traslado-del-obispo-pitiusas-valencia-1.html

[12] X. http://pontedellamuda.weebly.com/chiesa-parrocchiale.html.


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 269
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 266
 
  •   Hôm nay 11,703
  •   Tháng hiện tại 1,322,017
  •   Tổng lượt truy cập 81,254,917