Lược sử Giáo xứ Hội Am

Thứ hai - 22/03/2021 22:44      Số lượt xem: 3571

Trước sự lớn mạnh từng ngày, năm 1924, Bề trên Giáo phận quyết định nâng Hội Thượng lên giáo xứ và lấy tên là Hội Am, nhận thánh Luca làm Đấng Bảo trợ.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HỘI AM
 
01 Giao Phan HaiPhong HoiAm 00 2

I. VỊ TRÍ VÀ TÊN GỌI

Giáo xứ Hội Am nằm trên địa bàn xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; cách Tòa Giám mục khoảng 37 km về hướng Tây Nam; phía Đông giáp Quốc lộ 17B; phía Tây giáp Cộng Hiền; phía Nam giáp sông Hóa; phía Bắc giáp xã Liên Am.
 
Thành lập: Năm 1700
Bổn mạng: Thánh Luca
Giáo dân: 280 nhân danh
Giáo họ trực thuộc: Cống Hiền và Hội Bến
Linh mục chính xứ: Gioakim Nguyễn Văn Thăng
Địa chỉ: Thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Cùng với các miền đất khác của huyện Vĩnh Bảo như Lôi Trạch, Hạ Đồng, An Quý, Hội Thượng (tên cũ của Hội Am) được đón nhận Tin Mừng vào đầu thế kỷ 18, khoảng năm 1700, tức năm Canh Thìn đời vua Lê Hy Tông. Khi Lời Chúa được gieo trồng trên mảnh đất này, người dân đã mau mắn đón nhận. Theo truyền khẩu, cụ Hoàng Công Mạnh là người đầu tiên được rửa tội. Theo đó, cộng đoàn Hội Thượng được khai sinh, và thuộc về Nam Am sau khi giáo xứ này được thành lập. Tuy bổn đạo ít, song mọi người đã cùng nhau dựng lên ngôi nhà nguyện để sớm tối đọc kinh cầu nguyện.

Nhờ nhiệt huyết tông đồ của các Đấng Bậc và lối sống tốt lành của người tín hữu, họ Hội Thượng ngày một thêm đông đúc. Vào thời bách hại đạo gắt gao, nhất là thời vua Tự Đức với chiếu chỉ phân sáp (1861), mọi tín hữu nếu không chối đạo sẽ bị khắc trên má chữ tả đạo, và bị phân tán vào các làng ngoại giáo, giáo dân Hội Thượng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, thời ấy, giáo dân nhiệt thành sống đức tin, can trường làm chứng cho đạo Chúa, mà điển hình là tấm gương tử đạo của ông Gioan Ất.

z2375804828676 2aaa68f4d3dc1208045183d7b4f33a16

Năm 1901, Hội Thượng đã khởi công xây dựng nhà thờ mới, đáp ứng số người ngày một gia tăng. Ngôi nhà thờ được hoàn thành vào năm 1904.

Trước sự lớn mạnh từng ngày, năm 1924, Bề trên Giáo phận quyết định nâng Hội Thượng lên giáo xứ và lấy tên là Hội Am, nhận thánh Luca làm Đấng Bảo trợ. Giáo xứ gồm 8 họ trực thuộc: Hội Bến, Vạn Hoạch, Thủy Giang (Vạn Chài), Cống Hiền, Yên Quý (An Quý), Trại Đồng (Hạ Đồng) và Thanh Khê (Thanh Giáo), với tổng số 2.000 nhân danh. Cùng với quyết định lên xứ, Tòa Giám mục bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Đức Chuẩn làm cha xứ tiên khởi (1924 - 1927); đồng thời dành cho Hội Am 8 mẫu ruộng Bắc bộ ở khu đồng Thâu, đầu làng Vạn Hoạch, và đặt làm sở ruộng của Tòa Giám mục, chuyên cung cấp thóc gạo cho Tòa giám mục.

Năm 1933, Bề trên Giáo phận lại tách ba họ: Yên Quý, Trại Đồng, Thanh Khê để thành lập giáo xứ An Quý. Sau nạn đói năm 1945, họ Thủy Giang chỉ còn lại vài gia đình với nền nhà thờ dở dang bên ngoài sông Hóa. Đến năm 1954, những gia đình này di cư hết vào Nam nên bị bỏ hoang, do đó xứ Hội Am chỉ còn lại 4 họ đạo.

HoiAm 07292015 (12)

Biến cố năm 1954 đã khiến 1,2 triệu người miền Bắc đi Nam. Hội Am cũng có hơn một nửa số giáo dân rời đi theo biến cố này. Từ một xứ đạo lớn mạnh, Hội Am rơi vào tình cảnh khó khăn, chỉ còn ít giáo dân bám trụ giữ đất giữ làng, giữa những o ép của chính quyền với người Công Giáo. Với đức bác ái mục tử, cha chính xứ Giuse Nguyễn Khắc Cẩn đã quyết định ở lại với đoàn chiên. Quyết định này khiến cha gặp biết bao vất vả trong sứ vụ. Cuộc cải cách ruộng đất năm 1956, ngoài việc cha bị đấu tố thì nhà thờ còn bị tịch thu hết sổ sách, ruộng đất. Tuy khó khăn chồng chất, nhưng cha luôn kiên tâm tín thác vào Chúa và một lòng chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên.

Hội Am trải qua các cha chính xứ: Cha Phêrô Nguyễn Đức Chuẩn (1924 – 1927), cha Đaminh Lê Thanh Bá (1927 – 1930), cha Đaminh Hoàng Trọng An (1930 – 1933), cha Đaminh Nguyễn Văn Tự (1933 – 1935), cha Đaminh Nguyễn Ôn Lương (1935 – 1949), cha Giuse Nguyễn Khắc Cẩn (1949 – 1971); các cha quản nhiệm: cha Gioan B. Nguyễn Duy Nhật (1972 – 1977), cha Phanxicô Xavie Nguyễn Trường Triều (1978), cha Giuse Phạm Văn Dương (1979 – 1992), cha Antôn Nguyễn Văn Ninh (1992 – 2004), cha Gioan. B Nguyễn Quang Sách (2004 – 2014), và hiện là cha xứ Gioakim Nguyễn Văn Thăng (từ 29/7/2015).
 

Ngôi thánh đường hiện tại được khởi công xây vào ngày 23/04/2003, dưới thời cha quản nhiệm Gioan Baotixita Nguyễn Quang Sách. Nhờ sự giúp sức và đồng lòng của giáo xứ và những người con Hội Am ở miền Nam và hải ngoại, sau gần 4 năm thi công, năm 2007, nhà thờ đã hoàn thành. Đến năm 2015, giáo xứ tiếp tục hoàn thiện khuôn viên quanh thánh đường và xây dựng tượng đài. Có thể nói, đây những mốc son đánh dấu sự phát triển của giáo xứ không chỉ về cơ sở vật chất mà còn là sự lớn mạnh về đức tin.

Nếu nhìn lại lịch sử giáo xứ Hội Am, có thể khẳng định đây là một giáo xứ truyền thống đạo đức, đời sống đức tin vững mạnh. Hoa trái của đời sống đức tin ấy là những người con Hội Am dâng mình cho Chúa trong ơn gọi linh mục: cha Giuse Hoàng Ngọc Minh, cha Giuse Huỳnh Công Hạnh; và ơn gọi tu sĩ: Roberto Nguyễn Đức Nghĩa, Phaolô Nguyễn Phong Phú, Luxia Hoàng Thị Thưởng, Têrêsa Hoàng Thị Vui, Maria Hoàng Thị Vững, Maria Huỳnh Trúc Mai và Anna Nguyễn Thị Thảo.

HoiAm 07292015 (2)

III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Ngày nay, giáo xứ Hội Am chỉ còn hai giáo họ trực thuộc là Cống Hiền và Hội Bến, do Vạn Hoạch tách xứ vào năm 2012. Nhân danh không nhiều, nhưng Giáo xứ vẫn có đầy đủ cơ cấu tổ chức, bao gồm: Ban Chánh trương, Ban Hành giáo, cùng các hội đoàn đạo đức như: Nam Nhạc, Kim Nhạc, Dòng Ba Đaminh, Mân Côi, Ca đoàn, Thiếu nhi Thánh Thể, hội Lêgiô Mariae…

Cùng với dòng chảy của lịch sử, qua bao biến cố thăng trầm, Hội Am không còn đông đúc như ngày nào. Dầu vậy, các tín hữu vẫn một lòng tín thác vào sự quan phòng của Chúa, luôn cộng tác đắc lực trong việc xây dựng đền thờ tâm hồn là đời sống tin cậy mến, sống chan hòa bác ái với mọi người, và nhiệt thành trong các công việc nhà Chúa.

z2375804846223 396066252879493aae81d5c1690550c3
 
TRUYỆN ĐẤNG TỬ ĐẠO: ÔNG GIOAN ẤT


Ông Ất là người xứ Hội Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình đạo đức, cha mẹ luôn quan tâm dạy dỗ con cái. Ông Ất tính nết hiền lành. Ông lập gia đình, vợ trước mất sớm, ông lấy vợ hai và sinh được 6 người con. Ông chăm chỉ giữ đạo, siêng năng đọc kinh lần hạt. Ông có thói quen một năm xưng tội hai lần. Ông lang Tuấn nói ông Ất có học thuốc. Khi quan huyện gọi các thầy lang lên huyện chữa bệnh cho các người bị bệnh trong trại giam, không ông nào dám đi, ông nào cũng sợ. Họ bàn nhau để ông Ất đi. Ông Ất tưởng đi một thời gian thì về, nhưng khi tra hỏi biết ông là đầu mục, nên bị giữ lại huyện và tống ngục. Mấy hôm sau, ông bị giải lên tỉnh.

Con ông lên thăm nói: Cha tôi bị đeo gông nặng nhưng vẫn vui vẻ. Ông còn khuyên con về nhà chịu khó đọc kinh lần hạt và coi sóc cửa nhà. Ông không bao giờ nghe các quan mà bước qua Thánh giá. Ông còn nói với ông lang Tuấn: “Nếu Chúa định cho tôi chịu nhiều khốn khó, dầu nhiều bao nhiêu, tôi càng tăng lòng kính mến Chúa”. Ông bị giam cầm trong ngục và 3 lần bị tra khảo, nhưng vẫn giữ vững đức tin. Ngày 09/05/1862, ông đã được phúc tử đạo, lúc ấy ông 63 tuổi.
 
Ban Truyền thông Giáo phận
  • Ghi chú: Tài liệu lịch sử Giáo xứ Hội Am đang được sưu tầm và hình thành. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của Quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ này được hoàn thiện. Email liên hệ: [email protected]. Xin trân trọng cám ơn.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 296
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 286
 
  •   Hôm nay 56,203
  •   Tháng hiện tại 1,088,211
  •   Tổng lượt truy cập 79,836,895