Hạnh phúc đích thực của người Kitô hữu

Thứ năm - 26/11/2020 00:50      Số lượt xem: 2167

Thực vậy, hạnh phúc luôn là điều mà cả nhân loại mọi nơi mọi thời hằng mơ ước. Một danh nhân đã nói: “Ước mơ lớn nhất của con người là cảm nhận và tìm được ý nghĩa và niềm hạnh phúc của cuộc sống”. Chúng ta tự hỏi, hạnh phúc là gì mà người ta phải quan tâm, phải tôn vinh, cần phát triển và nâng cao.

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Tác giả: Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (25.11.2020) – Chúng ta biết rằng, kể từ năm 2013, người ta đã quyết định chọn ngày 20 tháng 3 hằng năm để gọi là Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc hay Ngày Hạnh Phúc (International Day of Happiness). Ngày này là ý tưởng của chuyên gia Liên Hợp Quốc Jayme Illien đưa ra nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu.[1] Thực vậy, hạnh phúc luôn là điều mà cả nhân loại mọi nơi mọi thời hằng mơ ước. Một danh nhân đã nói: “Ước mơ lớn nhất của con người là cảm nhận và tìm được ý nghĩa và niềm hạnh phúc của cuộc sống”. Chúng ta tự hỏi, hạnh phúc là gì mà người ta phải quan tâm, phải tôn vinh, cần phát triển và nâng cao.

Trước hết, ta thử tìm hiểu xem theo nhận định và kinh nghiệm của con người thì hạnh phúc đích thực là gì?

I.- HẠNH PHÚC TRONG CÁI NHÌN CỦA CON NGƯỜI

Có một câu truyện ngắn thế này: Một người đàn ông già sống trong ngôi làng nhỏ, cả làng cảm thấy phiền vì ông ta luôn phàn nàn, khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy tâm trạng u ám. Càng ngày, ông ta càng khiến mọi người xung quanh khó chịu. Ông luôn khiến những người gặp mặt ông cảm thấy bất hạnh. Vì thế, tất cả người trong làng đều cố gắng hết sức để tránh đối mặt với ông ta.

Nhưng một ngày nọ, khi ông già bước sang tuổi 80, mọi người ngạc nhiên bởi tin đồn: “Hôm nay là một ngày hạnh phúc với ông già. Ông không phàn nàn bất cứ điều gì. Ông không hề nhăn nhó, thậm chí còn cười tươi rất nhiều”.

Dân làng tụ tập quanh người đàn ông và hỏi: “Điều gì đã xảy ra với ông thế?”.

“Không có gì đặc biệt cả. 80 năm qua tôi đã cố gắng theo đuổi hạnh phúc nhưng không có tác dụng gì cả. Tôi vừa quyết định sống mà không cần có hạnh phúc, chỉ cần tận hưởng hiện tại thôi. Thật ngạc nhiên, đó cũng là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất từ trước đến giờ”.

Câu truyện trên gợi cho ta bài học đơn giản này, đó là hãy tận hưởng cuộc sống của mình ngay lúc này và tại đây, hạnh phúc tự khắc tìm đến, sẽ vô ích nếu ta cứ mải mê theo đuổi hạnh phúc vì hạnh phúc không ở ngoài ta mà là do ta cảm nhận từ tâm trạng và thái độ chủ quan của mình.

Con người mọi thời đại đều ra sức suy nghĩ nhiều về hạnh phúc, và không ít người đã đưa ra những nhận định sâu sắc và những trải nghiệm tốt đẹp về hạnh phúc. Sau đây, ta thử bàn đến vài quan điểm của con người về hạnh phúc như thế nào.

Hạnh phúc là điều may mắn cho cuộc đời. Khi ta chúc ai được nhiều hạnh phúc, thì cũng có nghĩa là chúc người đó được nhiều may mắn (Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức).

Hạnh phúc có nghĩa là một tình trạng được hoàn toàn hài lòng (Tự điển Larousse).

Hạnh phúc cũng là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện (Từ điển Tiếng Việt 1992, Viện Ngôn Ngữ).

Riêng tác giả Hà Thủy Nguyên, trong bài “Hạnh phúc trong các quan niệm tôn giáo tâm linh”, trang Văn hóa Nghệ An, đã đưa ra một diễn giải chi tiết về hạnh phúc như sau:

“Hạnh phúc là gì? Trong tiếng Hán, “Hạnh”  có nghĩa là được yêu mến, được nhận sự may mắn; còn “Phúc”  có nghĩa là vận may, may mắn. Nếu ghép hai từ “hạnh phúc” này với nhau thì có thể hiểu rằng đó là trạng thái được nhận những điều may mắn. Không rõ từ khi nào “hạnh phúc” đã trở thành một cái đích để người ta hướng tới và được lý giải như một trạng thái tinh thần tích cực. Điều này tương tự với từ “happy” – có nghĩa là hạnh phúc trong tiếng Anh. Nghĩa gốc của từ “happy” cũng không bao hàm một trạng thái tinh thần tích cực mà gần gũi với vận may, may mắn. Dấu vết của ý nghĩa gốc này được tìm thấy trong tiếng Anh Trung Cổ, tiếng Norse cổ (heppinn) và tiếng Scotts (happin), đều có ý nghĩa là vận may, may mắn.”[2]

Trong tác phẩm “Đi tìm hạnh phúc cuộc sống”, hai tác giả Rick Foster và Greg Hicks đã đưa ra câu trả lời cho vấn nạn “Hạnh phúc là gì?”. Họ khẳng định đó là những điều rất đỗi bình dị.

Đó là cảm giác bình an khi biết bằng lòng với hiện tại nhưng vẫn nuôi dưỡng những ước mơ của mình và theo đuổi ước mơ đó đến tận cùng.

Đó là cảm giác thư thái đến từ niềm tin và sự can đảm đương đầu với nghịch cảnh cuộc sống.

Đó cũng là hiểu được cái tôi trong sâu thẳm tâm hồn mình, biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim và biết hy sinh cho người khác hơn là chỉ nghĩ đến bản thân.

Và sau cùng là biết sống, biết tạo ra niềm vui và tận hưởng niềm vui trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Người hạnh phúc thật sự không bao giờ phủ nhận thực tế, họ luôn đối mặt với cuộc sống, mở lòng mình để cảm nhận từng hơi thở của cuộc đời. Họ cảm nhận hạnh phúc bằng nỗi hân hoan. Họ nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan, chấp nhận hiện tại, khám phá và hướng tới tương lai với những thái độ tích cực.[3]

Vậy ta có thể tóm lược thế này: Hạnh phúc đối với con người không phải là một vật thể mà chúng ta có thể sở hữu như cái nhà, cái xe… nhưng nó là một trạng thái tâm hồn, một tâm trạng khi ta nhận được sự may mắn nào đó, khi ta được toại nguyện vì một ước mơ đạt được, khi ta hài lòng với cuộc sống của mình dù mình không có đầy đủ tiền bạc và các phương tiện, nhất là khi ta cảm thấy mình được bao bọc bằng tình yêu thương của người khác và ngược lại, mình có thể cho đi những gì mình có…

Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã nói: “Hạnh phúc lớn nhất trên đời là niềm tin vững chắc rằng chúng ta được yêu – được yêu vì chính bản thân, hay đúng hơn, được yêu bất chấp bản thân ta”. Cùng quan điểm đó, nữ văn hào Pháp George Sand cũng đã nói: “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, yêu và được yêu.

Thực ra, với nhiều người, hạnh phúc chỉ là một khái niệm “mờ mờ ảo ảo”, lúc thì có thật, nhưng có lúc chỉ là một ảo tưởng, ảo ảnh. Nó mong manh, dễ vỡ, dễ mất, dễ tan biến. Cái hạnh phúc của người này đôi khi lại là cái bất hạnh của người kia. Chẳng hạn, có người nghĩ rằng có nhiều tiền là hạnh phúc vì “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng không hẳn vậy. Nhớ lại cách đây không lâu, một đại gia cà-phê nổi tiếng của VN đã mạnh mẽ tuyên bố giữa phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng ông, rằng “Tiền nhiều để làm gì!?...” Truyền thông và mạng xã hội lúc đó đã nhanh chóng lan truyền câu nói nổi tiếng này của vị đại gia, và dư luận đã coi đó như một bài học để đời “Có tiền không hẳn đã hạnh phúc!”.

Hạnh phúc con người nhiều khi cũng tùy thuộc tâm trạng chủ quan của họ. Chẳng hạn, khi ta buồn thì cảnh vật cũng buồn theo, khi ta vui thì cảnh vật cũng trở nên đáng yêu, vì thế mới nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mặt khác, con người vốn bị ràng buộc bởi “Tham, sân, si” nên nhiều khi có hạnh phúc nhỏ thì mơ đến hạnh phúc to. Có sự may mắn bình dị thì lại đòi hỏi vận may to lớn. Đó là cái kiểu tham lam như ông bà ta thường nói, “Được voi đòi tiên” hay “Đứng núi này, trông núi nọ”…

LM Thái Nguyên, trong bài viết có tựa đề: “Hạnh phúc trong cuộc đời” đã chia sẻ như sau:[4]

“Có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc trong cuộc đời. Cách chung, người ta coi hạnh phúc như một cái gì bên ngoài mà mình phải có được, như tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực, thành công, thỏa mãn ước muốn, .v.v... Mỗi người theo góc độ của mình, tùy thuộc vào nhu cầu thiết yếu của thể chất và tâm linh mà hình thành một quan niệm về hạnh phúc.

“Nhưng nếu như thế thì hạnh phúc là một cái gì chủ quan, phiến diện, tạm thời, và cứ phải săn đuổi, tìm kiếm, chẳng biết bao giờ cho có, và cho cùng. Hạnh phúc như thế đồng nghĩa với sở hữu, sở hữu càng nhiều, hạnh phúc càng lớn, chiếm cứ càng lớn hạnh phúc càng nhiều. Kinh nghiệm thực tế cho thấy không phải thế, nhưng trái lại, sở hữu càng nhiều, càng khổ tâm; chiếm cứ càng lớn, càng khốn đốn. Không nên lẫn lộn phương tiện với mục đích: “Con dao và cái nĩa không làm cho người ta ngon miệng” (De Sirvy).

“Có những phương tiện không cần thiết, không cách này thì cách khác. Hạnh phúc không phải là cái gì bên ngoài mà mình cần phải có, nhưng nhiều khi lại là điều mà mình không có, và không cần phải có. Hạnh phúc không lệ thuộc vào những gì ta có, cũng không nằm trong những gì ta được. Không thể luận bàn về hạnh phúc trên cái có hay không có, được hay không được. Nó nằm trên bình diện khác của đời sống con người, trong chính tâm hồn con người”.

Khi con người cảm nhận được hạnh phúc trên đời này chỉ là một thực tế mong manh, dễ vỡ, dễ mất và tùy thuộc nhiều vào tâm trạng chủ quan của từng người, thì Chúa Giê-su đến trần gian loan báo về hạnh phúc đích thực, đặc biệt thông qua những Mối Phúc thật (x. Mt 5; Lc 6). ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở các tín hữu: Hãy đọc các Mối Phúc để hiểu hạnh phúc là gì. Ngài nói, các Mối Phúc là tám cánh cửa để chúng ta gặp được sức mạnh tình yêu của Chúa hoán cải cuộc sống và lịch sử của chúng ta. ĐTC mời gọi các tín hữu học thuộc các Mối Phúc thật và lập đi lập lại để luật mới của Chúa thấm nhuần tâm trí chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi đến hạnh phúc.[5]

II.- HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Trong Sứ điệp gửi cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2015, ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như sau: Tìm kiếm hạnh phúc là một ước muốn chung của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi thời gian; bởi vì chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi người một ước muốn không thể phủ nhận đó là hạnh phúc. Tâm hồn chúng ta không ngừng tìm kiếm điều tốt đẹp, làm cho chúng ta thỏa mãn cơn khát vô tận.

Ngài nói tiếp: Từ “phúc lộc” hay “hạnh phúc” được nhắc đến chín lần trong bài giảng lớn đầu tiên của Đức Giêsu (x. Mt 5,1-12). Nó giống như một điệp khúc nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi của Chúa để tiến về phía trước cùng với Ngài trên con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, dù phải trải qua nhiều thử thách.[6]

Từ điển Công Giáo đã định nghĩa hạnh phúc như sau: Hạnh là vui sướng; phúc là sự tốt lành. Hạnh phúc là trạng thái vui sướng vì được sự tốt lành. Có nhiều quan niệm về hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật là chính Thiên Chúa: “Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người… chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (GLHTCG 27). Thiên Chúa ban ơn trợ giúp để con người có thể đạt đến hạnh phúc ở đời này và đời sau. Các mối phúc là con đường dẫn đến hạnh phúc thật trong Thiên Chúa (x. Mt 5, 3-12. GLHTCG 1718).[7]

Vậy đã rõ, từ muôn đời, Thiên Chúa mong muốn mọi người đều được hạnh phúc đích thực và chỉ có nơi Thiên Chúa người ta mới gặp được chân lý và hạnh phúc trường cửu. Thánh Au-gus-ti-nô đã thốt lên nỗi niềm thao thức của mình như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa.

Câu chuyện vườn địa đàng, hay vườn Eden hay vườn hạnh phúc đã minh họa cho chân lý này, đó là Thiên Chúa tạo dựng con người để họ được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc của tạo vật được tạo dựng theo họa ảnh của Đấng Tạo Thành.

Thực vậy, “Từ Cựu ước đến Tân ước, đề tài hạnh phúc có một chỗ đứng không kém phần quan trọng. Quan niệm hạnh phúc trong Cựu Ước mang nhiều biến đổi tùy theo từng thời kỳ một, nhưng chung chung các tác giả đều khẳng định nguồn gốc chân thật của mọi hạnh phúc là Thiên Chúa. Thiên Chúa theo người Do Thái không phải một hình ảnh trừu tượng nhưng Ngài là một hữu thể huyền bí điều khiển vũ trụ. Ngài đã tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài và ban cho họ cuộc sống hạnh phúc. Sự sáng tạo ló ra từ sự hỗn độn và tất cả khởi đầu trong ánh sáng hạnh phúc. Loài người được hạnh phúc qua cuộc sống thân mật với Thiên Chúa”.[8]

Tuy nhiên, câu chuyện trong vườn địa đàng đã đi đến một kết cục bi thảm khi ông bà nguyên tổ phạm tội kiêu ngạo, bất tùng phục Thiên Chúa và đã bị trừng phạt. Họ trở nên kẻ phản bội và không còn được hưởng hạnh phúc nào nữa. Nhất là từ đây con người phải chịu mọi đau khổ và phải chết. “Hậu quả của tội tổ tông là bản tính nhân loại bị suy yếu trong các sức lực tự nhiên của mình, u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều này được gọi là ‘dục vọng’).” (GLHTCG số 418 – Tóm lược)

Lịch sử cứu độ chính là chiều dài các biến cố qua đó Thiên Chúa can thiệp nhằm phục hồi mối tương quan tốt đẹp giữa con người với Đấng Tạo Hóa, nhất là khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến để làm Đấng Trung Gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người. Nhờ Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc con người, nhân loại được “giải án tuyên công” nghĩa là thoát án chết và trở nên công chính, đẹp lòng Thiên Chúa.

Hình ảnh tương phản giữa Adam-cũ và Adam-mới đã tỏ lộ. Đức Giê-su, Adam-mới sẽ thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Đây là mạc khải ý định của Thiên Chúa: “Tóm lại, cũng vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5, 18-19)

Vậy nhờ công trình cứu chuộc của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng ta thoát khỏi những án phạt của tội, đồng thời chúng ta được diễm phúc trở nên con cái Thiên Chúa, chúng ta được chúc phúc và được hứa ban sự sống đời đời. Chính Chúa Giê-su loan báo và làm chứng điều đó.

2.1. Đức Giê-su loan báo hạnh phúc đích thực:

Khởi sự sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã long trọng công bố Bài Giảng Trên Núi (hay Hiến Chương Nước Trời) (Mt 5, 1-12; Lc 6, 20-23) là giáo huấn quan trọng mà Chúa Giê-su đã giảng trên núi, bao gồm những quy luật trọn hảo của đời sống Ki-tô hữu, như những con đường thiêng liêng dẫn vào Nước Trời (x. Mt 5, 7).

LM Jacques Dupont OSB trong cuốn “Tám mối phúc thật” đã diễn giải như sau:

“Các mối phúc là một thông điệp thần học và Ki-tô học. Đó là một giáo huấn kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, thay đổi cách thức suy tư và hành động. Nhưng chúng ta đừng quên rằng trước hết, các mối phúc là một lời công bố hạnh phúc. Đó là một lời công bố hạnh phúc, chứ không phải chỉ là một lời hứa hạnh phúc. Các mối phúc tuyên bố rằng những người được nói tới ở đây là những người hạnh phúc. Những người nghèo khổ, hay những người nghèo khổ trong tinh thần là những người hạnh phúc: họ thực sự hạnh phúc ngay lúc họ được nghe công bố Tin Mừng đó. Vấn đề là họ phải ý thức được điều này. Các mối phúc không phải là một lời hứa hay một lời cầu chúc, nhưng là một lời chúc mừng.”[9]

Quả thực, khi công bố Tám Mối Phúc, Đức Giê-su muốn thay đổi não trạng của chúng ta về hạnh phúc. LM Thái Nguyên, trong bài đã dẫn[10], đã giải thích thêm, rõ hơn như sau:

“Bản văn của Thánh Mat-thêu nói trên 9 lần làm nổi bật từ ngữ “Phúc cho”. Sứ điệp của Chúa Giêsu muốn tập trung vào “Hạnh phúc thật”: Hạnh phúc theo nghĩa tôn giáo, đó là hạnh phúc đặt con người trong tương quan đích thực với Thiên Chúa, và do đó, với toàn thể thực tại. Tất cả các mối phúc đều hướng đến đích điểm là được sống thân tình với Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài mới có hạnh phúc trọn vẹn, vững bền. Con người chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn Cội, với Đấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả. Nói cho cùng, người hạnh phúc là người biết mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

“Chúng ta biết rằng: Mọi người đều khao khát hạnh phúc. Chúa Giêsu đã đến để thỏa mãn khát vọng hạnh phúc ấy đang dầy vò trong tâm hồn con người. Ngài cho chúng ta biết ai là người hạnh phúc đích thực trên trần gian. Đó không phải là người giàu sang, nổi tiếng, quyền thế, danh nhân hay thiên tài, song là kẻ có tinh thần nghèo khó, khiêm nhu, chính trực, nhân ái, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì đức tin... Ngài có thể nói những điều đó, bởi vì Ngài đem đến hạnh phúc đó, bởi vì chính bản thân Ngài là niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa”.

Thực vậy, hạnh phúc mà Chúa đã ban hoặc hứa ban cho con người không phải là chuyện “cơm áo gạo tiền” hay chuyện “nhà cao cửa rộng”, “vợ đẹp con khôn” hoặc vấn đề “công thành danh toại” vv… nhưng là ân nghĩa mà Thiên Chúa ban cho ta khi ta được nhận vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa. Ân nghĩa chính là cánh cửa đưa ta vào sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc đời đời trong Thiên Chúa. ĐTC Phan-xi-cô đã nói đến “Tình trạng ân sủng”: Chúa Giêsu thường sử dụng một thì tương lai ở thể thụ động: ‘họ sẽ được an ủi’, ‘họ sẽ được đất là sản nghiệp’. Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều này.

ĐTC đặt vấn đề: “Phúc” có nghĩa là gì? Tại sao mỗi Mối Phúc bắt đầu với từ “Phúc”. Ngài giải thích: “Theo nguyên ngữ, hạnh phúc không có nghĩa là được ăn no đầy bụng hay mọi sự yên ổn, nhưng là một người ở trong tình trạng ân sủng, tiến triển trong ơn Chúa và tiến triển trên con đường của Chúa: sự kiên nhẫn, sự nghèo khó, phục vụ tha nhân, sự an ủi… Những người này là những người hạnh phúc, những người này sẽ được chúc phúc.[11]

Tóm lại, hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn ban cho con người căn cứ theo lời loan báo, dạy dỗ của Đức Giê-su Ki-tô cũng như các giáo huấn của Tin Mừng, hoàn toàn khác với những gì chúng ta suy nghĩ và mong đợi.

2.2. Ki-tô hữu và các mối phúc thật:

Thực vậy, “Các mối phúc trình bày cho ta thấy chân dung của một con người biết để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt. Họ đặt tin tưởng nơi Chúa, họ dâng hiến cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa, họ phản ánh đường lối cư xử của Chúa khi giao tiếp với tha nhân. Chính vì đặt trọng tâm của cuộc đời ở nơi Thiên Chúa, cho nên họ thâm tín rằng duy có Chúa mới mang lại được hạnh phúc cho họ, một thứ hạnh phúc có tính chất vững bền trường cửu, không bị lệ thuộc vào thế tạm này.”[12]

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (Mt 5, 3): Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là được giàu có phú quý, là may mắn nhưng Chúa lại chúc phúc cho những ai là những người nghèo, có tâm hồn nghèo, sống nghèo theo tinh thần Tin Mừng (x. Lc 6, 20). Chúng ta được chúc phúc vì hiện-tại-nghèo-khó của ta sẽ là bảo chứng Nước Trời cho ta sau này.

Người nghèo đồng nghĩa với người có tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa (Xc Is 66, 2), chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Sự khó nghèo về tài sản vật chất trong Bài Giảng Trên Núi chỉ là một dấu hiệu biểu lộ sự tín thác hoàn toàn nơi sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng đã nuôi chim trời và trang điểm cho hoa ngoài đồng.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5, 4): Ðức Giêsu đã nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11, 29). Nơi Ngài đức hiền lành biểu lộ như một phẩm tính của tình thương. Thực vậy, tình thương đích thực mà Chúa Thánh thần đổ vào lòng chúng ta là “Hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22). Người nào mến yêu thì không phá phách, không vội vã, không làm mất lòng, không làm hại. Người nào mến yêu thì tự chủ, dịu dàng, hiền lành, nhẫn nại.

Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta đã nói: “Chúng ta được sai đi loan báo Tin Mừng là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Loan báo bằng cách nào? - Trước tiên là bằng lòng nhân hậu. Vì vậy, chúng ta phải trở nên trong sáng, khiêm nhu, tế nhị”.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (Mt 5, 5): Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 12-02-2020, ĐTC Phan-xi-cô tiếp tục loạt bài giáo lý về các Mối Phúc mà ngài đã bắt đầu hai tuần trước. Ngài diễn giải mối phúc thứ hai: Phúc cho ai khóc lóc… Các giáo phụ ẩn tu gọi đây là sự đau khổ thật sự, sự sầu khổ nội tâm, là điều có thể giúp chúng ta đi đến tương quan đích thực với Thiên Chúa và tha nhân. Kinh Thánh nói về hai sự sầu khổ: thứ nhất là khi đứng trước đau khổ hay sự qua đời của người thân và thứ hai là sầu khổ vì tội lỗi, như thánh Phêrô thống hối về sai lỗi của mình. 

Dịp này, ĐTC mời gọi các tín hữu xin ơn biết sầu khổ vì tội lỗi của mình và mở rộng tâm hồn đón nhận ơn chữa lành của Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể an ủi người khác với cùng sự an ủi mà chính chúng ta đã lãnh nhận.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. (Mt 5, 6): Nên người công chính tức là nên người thánh thiện, sống đẹp lòng Thiên Chúa, biết xa lánh tội lỗi. Người công chính luôn biết tìm kiếm Thiên Chúa và thực thi các huấn lệnh của Người. Chúa Giê-su đã nhắc nhở: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33)

Môn đệ Đức Giê-su là người mang trong mình khao khát sống động đức công chính của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng công chính và là cội nguồn của mọi sự công chính. Chẳng có ai theo Chúa thật sự mà lại không khao khát nên người công chính. Niềm khao khát sống động ấy sẽ thôi thúc người môn đệ sống giữa xã hội như một nhân chứng công chính của Thiên Chúa, và đóng góp vào với những giá trị tốt đẹp của xã hội bằng chính sự công chính của mình.

Thế nên, môn đệ của Đức Giê-su cũng là người ra tay kiến tạo một xã hội công chính. Cuộc đời sẽ chẳng bao giờ có được những giá trị đẹp nếu không có khởi đầu là những người dám sống đẹp. Xã hội chẳng bao giờ có được công lý nếu không có khởi đầu là những người dám sống công chính. Môn đệ là người tìm kiếm và kiến tạo sự công chính của Nước Thiên Chúa. Người môn đệ không thể là người dễ dãi buông mình theo chủ nghĩa tục hóa của những người xung quanh, để ai sao thì mình vậy. Nhiệm vụ của những người môn đệ Giê-su là sống như những người công chính, ngay cả khi cả xã hội quanh mình không còn một ai là công chính. Thế giới được cứu rỗi là nhờ những người công chính. Người công chính kiên vững gìn giữ những lề thói của đạo làm người, gìn giữ những nét đẹp cho cuộc đời. Người công chính trở nên một lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa, Đấng Công Chính.[13]

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (Mt 5, 7): Biết xót thương, thực hành lòng thương xót đối với tha nhân là nếp sống đặc trưng của người Ki-tô hữu. Khi chúng ta xót thương người thì ta sẽ được Thiên Chúa thương xót mình. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu: “Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” (Êp 4,32)

ĐTC Phan-xi-cô đã cắt nghĩa như sau: “Lòng thương xót của chúng ta đến từ đâu? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” ( Lc 6, 36). Càng đón nhận tình yêu của Chúa Cha bao nhiêu, chúng ta càng được yêu nhiều bấy nhiêu (x. GLCG 2842). Lòng thương xót không phải là một chiều kích giữa muôn chiều kích, nhưng đó là trung tâm của cuộc sống Kitô hữu: Không có Kitô giáo nào mà không có lòng thương xót. Nếu đạo Kitô giáo không mang chúng ta đến với lòng thương xót, chúng ta đã lầm đường, vì lòng thương xót là mục đích duy nhất thực sự của mỗi hành trình thiêng liêng. Đó là một trong những hoa trái đẹp đẽ nhất của đức ái (x. GLCG 1829).”

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mt 5, 8): Thế nào là một tâm hồn trong sạch? Là một tâm hồn ngay thẳng, không có ẩn ý, không nhằm mục đích thứ hai, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt loài người; là một tâm hồn không bị ô uế bởi tội lỗi nào cả, nhưng cũng là tâm hồn, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã được thanh tẩy và tái thiết.

Hơn nữa, trong sạch là tâm hồn chấp nhận Thánh Ý Chúa đối với mình một cách chân thật, rõ ràng, vui vẻ và trung thành; là một tâm hồn tìm Nước Thiên Chúa trên tất cả; là tâm hồn của một người đã thống nhất cuộc sống và đức tin, cầu nguyện và hoạt động, vui vẻ cử hành Thánh Lễ và làm trọn bổn phận trong cuộc sống.

Đây là mối Phúc Thật then chốt, là mục đích và là hoa quả của cuộc sống “chiêm niệm trong hoạt động”. “Kho tàng ở đâu, trái tim của con ở đó” (Mt 6, 21). Đức Kitô biết rằng giữa ước muốn và trái tim có một liên hệ mật thiết. Muốn hiểu lời Đức Kitô về “tâm hồn trong sạch”, chúng ta nên chú ý đến các ước muốn. Các ước muốn là tâm điểm của đời sống thiêng liêng, là nguồn ý nghĩa và đường hướng cuộc sống của mỗi người. Trái tim chiều theo các ước ao sâu xa nhất.[14]

Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (Mt 5, 9): Người Ki-tô chẳng những là người yêu chuộng hòa bình nhưng còn là người có trách nhiệm thiết lập và kiến tạo hòa bình nữa. Hòa bình ngay từ trong gia đình, khu xóm, làng mạc đến những cộng đồng lớn, nơi mà mọi người đều khao khát sự bình an, hoan lạc và vui sướng.

Ngày 12-12-2019, ĐTC Phan-xi-cô gởi sứ điệp cho Ngày Thế giới Hoà bình 1-1-2020. Chủ đề của Sứ điệp Hoà bình năm 2020 là: “Hoà bình như là một con đường của hy vọng: đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái”. ĐTC Phan-xi-cô kêu gọi: “Hãy từ bỏ ước muốn thống trị người khác” và thúc giục chúng ta học cách nhìn nhau “như con người, như con Chúa, như anh em”. Bước đi trên con đường này, chúng ta có thể bẻ gãy “vòng xoáy trả thù” và đón nhận con đường của hy vọng. “Học cách sống trong sự tha thứ sẽ làm tăng nơi chúng ta khả năng trở thành những người nam, người nữ của hòa bình”.[15]

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (Mt 5, 10): ĐTC Phan-xi-cô trong bài giáo lý về 8 mối phúc, đã diễn giải về mối phúc này như sau:

Mối phúc này loan báo niềm hạnh phúc giống như mối phúc đầu tiên: Nước Trời là của những người bị bách hại, cũng như của những người có tinh thần nghèo khó; vì vậy chúng ta hiểu rằng chúng ta đã đi đến điểm cuối của tiến trình duy nhất đã được sáng tỏ nơi những mối phúc trước đó. 

Tinh thần nghèo khó, khóc lóc, hiền lành, khát khao nên trọn lành, xót thương, tâm hồn trong sạch và xây dựng hòa bình có thể dẫn đến sự bách hại vì Chúa Kitô, nhưng sự bách hại này cuối cùng lại tạo ra niềm vui và phần thưởng lớn lao trên thiên đàng. Con đường của các Mối phúc là một hành trình vượt qua dẫn đến một cuộc sống theo thế gian hoặc theo Thiên Chúa, từ một cuộc sống được dẫn dắt bởi xác thịt – tức là từ sự ích kỷ - cho đến được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần.

Thế gian, với những thần tượng, những thỏa hiệp và đặc quyền của nó, không thể chấp nhận cuộc sống kiểu này. “Các cấu trúc tội lỗi”, thường được tạo ra bởi não trạng của con người, chúng xa lạ với Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận được (x. Ga 14,17), chỉ có thể từ chối sự nghèo khó, hiền lành hay trong sạch và tuyên bố cuộc sống theo Tin mừng như một sai lầm hay là một vấn đề, thì nó như là cái gì đó cần gạt ngoài lề. Thế gian nghĩ rằng: “Đây là những người duy tâm hoặc cuồng tín ...”. Họ nghĩ như vậy. …

Trong thời này, thật đau đớn khi có nhiều Kitô hữu phải chịu những cuộc bắt bớ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, và chúng ta cần phải hy vọng, cầu nguyện để nỗi khổ cực của họ mau chấm dứt. Con số đó rất nhiều: các vị tử đạo ngày nay nhiều hơn cả những thế kỷ đầu. Chúng ta hãy bày tỏ sự gần gũi của chúng ta với anh chị em này: chúng ta là một thân thể, và những người tín hữu này là những giọt máu chi thể của thân thể Chúa Kitô, là Giáo hội.[16]

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (Mt 5, 11): Nếu chúng ta sống đạo đức, chúng ta sẽ bị chịu đau khổ. Chúng ta không thể ước tính. Đó không là vấn đề của đau khổ mà là vấn đề của thời điểm và mức độ. Chúng ta muốn công bố những lời hứa của Thiên Chúa về sự quan phòng và sự bảo vệ. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta công bố những lời hứa đó? Thánh Phaolô nói: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3:12). Tôi không muốn. Có ai lại muốn bị hành hạ chứ?

Nhưng Chúa Giêsu đã có “định luật” của Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật): “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5, 10-11). Trong các Mối Phúc khác, chữ “phúc thay” đều được dùng, nhưng trong Mối Phúc đặc biệt này, Chúa Giêsu dùng chữ “phúc thay” 2 lần để nhấn mạnh phúc lành của Thiên Chúa dành cho những người bị bách hại.

Theo bản chất của điều đó, sự công chính mang tính đối đầu. Chính việc bạn tin vào Chúa Giêsu đã “làm phiền” một số người, vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3:20). Người ta viện nhiều cớ về lý do không là Kitô hữu, nhưng lý do người ta không đến với Đức Kitô là họ không muốn những điều xấu của họ bị vạch trần. Họ không muốn nhận mình là tội nhân.

Chúng ta đại diện cho Đức Kitô. Thực tế là nếu ta theo Ngài, ta sẽ đối mặt với sự bách hại, vì ai muốn sống thánh thiện trong Đức Kitô thì đều bị bách hại – cách này hay cách khác…[17]./.

 


[1] U.N.-designatedday offers opportunity toreflect on what makes us happyNewsOK.com (bằng tiếng en-US). 20 tháng 3 năm 2016.

[3] Rick Foster và Greg Hicks - “Đi tìm Hạnh phúc Cuộc sống” – Bản dịch First News NXB TH TP.HCM trang 11-12

[7] Từ điển CG – UBGLĐT/ HĐGMVN – Mục từ “Hạnh phúc” trang 376 - NXB TG năm 2019

[9] LM Jacques Dupont OSB – “Tám mối phúc thật” – Dịch giả: LM Thiện Cẩm OP – Tủ sách Đại Kết 1992 – Trang 151

[17] Theo tác giả: Trầm Thiên Thu – Đức tin và Sống đạo – Nguồn: http://tinmung.net/DocGia/_GiaoHoi/BaiViet/Duc-tin-va-song-dao.htm


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 128
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 115
 
  •   Hôm nay 2,912
  •   Tháng hiện tại 1,034,920
  •   Tổng lượt truy cập 79,783,604