Chân lý và lòng thương xót

Thứ hai - 20/04/2020 10:53      Số lượt xem: 1950

CHÂN LÝ VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

  •  
  •  

 

TGM Charles J. Chaput, O.F.M. Cap.
Cecile Liễu - Joseph Tuấn dịch từ firstthings.com

1. CÔNG LÝ, SỰ MỞ RỘNG VÔ BIÊN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Đức giáo hoàng Phanxicô đã mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 năm 2015. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng thương xót. Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuyên nhắc đến điều này một cách hùng hồn. Nhưng Đức giáo hoàng Phanxicô đã có một niềm say mê đặc biệt đối với nhân đức này, như thể nó đã được bám rễ sâu trong kinh nghiệm của ngài về người nghèo và niềm cảm mến đặc biệt đối với tư tưởng của Romano Guardini.

Trong tác phẩm trứ danh của mình Đức Chúa (The Lord), Guardini đã dành một chương để khai triển về “Công lý và điều vượt trên nó” (Justice and That Which Surpasses It). Những tư tưởng độc đáo trong đó có thể được xem như là chất kết dính với tư tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài đã trích dẫn một đoạn dài của Guardini như sau:

Công lý là điều tốt. Nó là nền tảng của cuộc sống. Nhưng còn có một điều gì đó cao vượt hơn công lý, đó chính là sự mở rộng vô biên của tấm lòng thương xót. Công lý thì minh bạch, nhưng một bước xa hơn nó sẽ trở thành lạnh lùng. Lòng thương xót thì chân thành, thẳng thắn; với những tính chất này, lòng thương xót sưởi ấm và cứu thoát. Công lý kiểm soát, sắp đặt cuộc sống; còn lòng thương xót tạo ra cuộc sống. Công lý làm thỏa mãn tâm trí rằng mọi thứ đều đâu vào đó, nhưng lòng thương xót đưa đến niềm vui của một đời sống đầy sáng tạo.

Guardini đã tinh tế lưu ý rằng “công lý thường xuyên được sử dụng như là chiếc mặt nạ để che giấu những điều khác,” có thể đó là sự đố kị những người thể hiện lòng thương xót một cách quảng đại, hoặc sự tức giận trước những hối nhân thoát ra khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc của họ.

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều biết câu chuyện trong Tin mừng Gioan, kể lại việc Chúa Giêsu đối diện với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo thánh Augustinô người phụ nữ ấy là hiện thân của toàn thể nhân loại. Cô ấy đã phạm một tội nghiêm trọng. Cô ấy đã phản bội Thiên Chúa, gia đình và cộng đồng mà cô ấy thuộc về. Bị đưa ra trước các nhà chức trách tôn giáo, cô ấy phải đối diện với sự nghiêm khắc của lề luật Môsê, luật ấy cho phép người ta ném đá cô. Những người đàn ông đứng ra xét xử cô ta, tất cả đều trung thành tuân giữ lề luật, tìm cách loại trừ tội lỗi ra khỏi cộng đoàn bằng cách loại trừ những kẻ phạm tội. Điều họ quan tâm là sự trừng phạt chứ không phải lòng ăn năn.

Chúa Giêsu sử dụng khoảnh khắc này để cho thấy sức mạnh của lòng thương xót và sự hoán cải mà lòng thương xót có thể đem lại. Như thánh Augustinô lưu ý, Đức Kitô không xem tội lỗi cũng giống như công lý - chúng đối nghịch nhau hoàn toàn. Khi Đức Giêsu hỏi các nhà chức trách tôn giáo: “Ai trong các ông không phạm tội?”, Ngài nói bằng tiếng nói công lý của Chúa Cha. Khi lề luật để mắt đến nhân loại, tất cả mọi người, bao gồm những kẻ tự coi mình là công chính, đều phải cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi tha thứ cho người phụ nữ, Đức Giêsu đã làm điều mà luật luân lý không thể làm được. Ngài đã đem lại cho cô ấy một đời sống mới trong tình bạn với Thiên Chúa.

Chúng ta không nên xem lòng thương xót của Đức Kitô như là một sự phán xét tất cả các phán xét khác. Sự dữ là điều có thật. Tội lỗi là một vấn nạn. Sự phá hoại của nó thì rất cay đắng và không dễ phục hồi - ngoại tình là một ví dụ rất đúng về điều này. Nhưng câu chuyện không quên nhắc nhở chúng ta rằng, ngoài ân sủng Thiên Chúa, tất cả chúng ta chẳng là gì cả, do những ước muốn méo mó của tâm hồn chúng ta.

Như Guardini đã viết, “trước khi có thể xét đoán, người ta phải học yêu thương.” Chúng ta sống trong một mớ bòng bong của nghi ngại rằng chúng ta mắc nợ người khác và người khác mắc nợ chúng ta, trong một mạng lưới của những nỗi đau đớn chung mà công lý thuần túy không thể nào tháo gỡ được. Khi chúng ta tìm kiếm công lý mà không quan tâm đến lòng thương xót, dù cho chúng ta có ý hướng tốt lành như thế nào đi nữa, chúng ta đều có nguy cơ dày vò người khác hoặc tự dày vò chính mình bằng những hình phạt mà chúng ta cho là xứng đáng. Với bản tính nhân loại, trong thực tế, nhân loại không thể nào đạt tới công lý thực sự hoặc bày tỏ lòng thương xót thực sự. Như thánh Phaolô nói, chúng ta bị trói buộc trong tội lỗi và sự chết.

Những ai bị trói buộc vào các đam mê của mình, với các tà thần do bàn tay họ chế tạo ra, thì không thể bước vào nhà Chúa. Chúng ta cần phải thoát ra khỏi hố bùn lầy của những sai lầm, oán giận và những ước muốn nổi loạn. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta. Chỉ có Ngài mới hoàn toàn có thể ném viên đá đầu tiên. Nhưng Ngài không làm như vậy, thay vào đó Ngài nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).

2. LÒNG THƯƠNG XÓT PHẢI ĐƯỢC THỂ HIỆN BẰNG HÀNH ĐỘNG

Chữ mercy (thương xót) có từ gốc Latin là merces, có nghĩa là “ân thưởng” hay “đền ơn”. Chúng ta cũng thấy ý nghĩa này trong tiếng Pháp khi nói merci. Thật là một điều tuyệt vời khi điều này làm đẹp những tương quan xã hội của chúng ta bằng một phong thái tử tế. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, mercy còn mang một ý nghĩa thần học, dù nó được sử dụng trong bối cảnh thế tục. Ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta như một quà tặng mà chúng ta không xứng đáng. Như vậy, thương xót còn có nghĩa là thể hiện sự khoan dung nhân từ cho một kẻ đáng bị phạt, hoặc tha bổng cho người khác về những món nợ của họ.

Thương xót (mercy) còn có một ý nghĩa bao gồm một cái gì đó còn hơn cả quà tặng, xứng đáng, ân ban, tha nợ. Thông thường, người ta sử dụng từ này để dịch chữ misericordia, từ Latin có nghĩa là trắc ẩn, hay nghĩa đen có nghĩa là lòng thương cảm. Ở đây, chúng ta nói về một tình trạng cảm xúc đi vào trong hoàn cảnh khốn khổ của một ai đó, hoặc chia sẻ gánh nặng của người khác. Như Chaucer quan niệm, thương xót là một “nhân đức mà nhờ đó tấm lòng người ta bị dày vò bởi sự khốn khổ của người khác.” Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không ban ân sủng cho chúng ta từ đằng xa. Ngài đồng hành với chúng ta trong những đau khổ hằng ngày của chúng ta.

Sách Xuất hành trình bày cho chúng ta mô hình đầu tiên về Thiên Chúa thương xót. Sách gợi hình ảnh tiên báo về đời sống của Giáo Hội. Dân Israel trải qua những đau khổ trong cảnh nô lệ ở Ai cập, và Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu khóc của dân mình. Ngài đã nhớ lại giao ước đã kí kết với các tổ phụ. Ngài đã ghé mắt nhìn đến họ, và như Kinh Thánh nói bằng một trong những kiểu diễn đạt về sự nghĩa thiết, Chúa biết nỗi đau đớn của họ. Ngài đã hiện ra với Môsê trong bụi gai bốc cháy. Ngài đã nói rõ mục đích của mình, đó là đem dân của Ngài ra khỏi cảnh nô lệ để đi đến vùng đất đã được hứa với Abraham. Ngài đã tỏ lộ Danh của Ngài với Môsê như một bằng chứng, một sự chia sẻ thần tính với con người báo hiệu mầu nhiệm Nhập thể sau này.

Từ khởi điểm này trong sách Xuất hành, Thiên Chúa gắn kết chính mình với dân của Ngài. Ngài tìm cách giải thoát họ, không phải vì họ xứng đáng được tự do, nhưng vì họ là những người được Ngài yêu thương. Chúa đã phá tan mưu đồ của Pharaon để áp đặt ý định của Ngài đối với dân Israel. Nhưng vốn là con cái Ađam, chính dân Israel lại làm nô lệ cho tội lỗi. Do đó, họ tiếp tục cần đến sức mạnh giải thoát của Thiên Chúa, sức mạnh giải thoát ấy đến với họ trong lề luật do Môsê công bố trên núi Sinai. Được tự do khỏi cảnh nô lệ không phải là một loại giấy phép cho sự bướng bỉnh. Sự tự do phải hướng tới sự vâng phục Lề Luật và đi đến tình thân hữu với Thiên Chúa.

Tính chất thực sự của lòng thương xót thì khác với thương hại. Một thống đốc tiểu bang có thể thương hại các tù nhân sắp tới ngày tử hình, và ông ta thực sự có thể cảm nhận được sự đau khổ của họ. Nhưng khi không làm gì để tha chết cho họ, ông đã quay lưng lại với lòng thương xót. Lòng thương xót dẫn chúng ta đi tới bắt chước Thiên Chúa của Israel, đến mức chúng ta có được khả năng xót thương. Chỉ khi vị thống đốc ấy hủy bỏ bản án tử hình kia thì chúng ta mới có thể nói ông ta có lòng thương xót. Lòng thương xót phải là sự kết hợp của lòng thương cảm và hành động.

Lối nói này có thể gây hoang mang cho nhiều người tốt. Chúng ta thường nghĩ về lòng thương xót theo một cách nào đó như là sự trái ngược với việc phán xét công minh. Nhưng nghĩ như vậy là không đúng. Ví dụ giáo viên thấy một em học sinh của mình rất buồn bã, trên người em có những vết bầm tím và những vết thương do bị đánh đập. Chỉ cảm thấy buồn cho đứa trẻ thì cũng chẳng làm được gì. Có lòng thương xót đích thực thì phải theo đuổi những gì đã xảy ra. Có phải đứa trẻ này bị bạo hành ở gia đình? Hay em bị bạn khác trong lớp đánh? Cần phải đưa ra những phán đoán, cần phải báo cáo những hành vi xấu. Kẻ làm điều sai trái phải chịu trách nhiệm. Một lòng thương xót lệch lạc là chỉ biết thương hại em bị đánh đập mà không biết cách làm sao đưa em thoát khỏi những kẻ làm hại. Có thể biểu lộ quyết liệt lòng thương xót đích thực một cách đúng đắn. Một người có lòng thương xót biết nhanh chóng sử dụng sức mạnh mình có để tiêu diệt sự dữ. Đây mới đích xác là cách hành động của Thiên Chúa được trình bày trong Thánh Kinh.

3. MỘT SỐ HIỂU LẦM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Có hai yếu tố khiến chúng ta có cái nhìn sai lầm về lòng thương xót. Yếu tố thứ nhất là tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel. Giống như bao con người khác, Dân Riêng cũng là những tội nhân. Kết quả là, hành động của Thiên Chúa, vì lợi ích của dân Israel, tỏ lộ lòng thương xót của Ngài dành cho họ, hết lần này đến lần khác, họ được ưu đãi rất nhiều. Nói theo ngôn ngữ con người, Thiên Chúa đối xử không công bằng. Vì những lý do rất riêng của mình, Thiên Chúa đã can thiệp để đưa một trong số các dân tộc yếu ớt và sơ khai nhất của vùng Địa Trung Hải ra khỏi vũng lầy của bạo tàn, và đưa họ vào con đường đi tới sự công chính. Như vậy, lòng thương xót không đi đôi với sự công bằng, vì nói cho đúng, trong thế giới sa ngã, lẽ công bằng sẽ đòi Thiên Chúa ra tay trừng phạt hết thảy mọi người.

Yếu tố thứ hai là sự hoàn tất trong Tân ước những lời Chúa hứa trong Cựu ước về lòng thương xót. Ơn cứu độ nơi Đức Giêsu đi đến với mọi dân tộc. Nói cách khác, tình yêu của Thiên Chúa trở thành quà được ban phát không đắn đo, thậm chí hoang phí. Một lần nữa phản ứng tự nhiên của con người chúng ta về lẽ công bằng - công bằng là trả lại cho mỗi người những gì thuộc về họ - dường như đi ngược lại lòng thương xót của Thiên Chúa.

Còn lòng thương xót của Thiên Chúa thì luôn hoạt động. Để cứu chúng ta, Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận con người một cách “triệt để”, và trở nên rất con người so với tất cả chúng ta. Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Đức Giêsu đã dâng sự sống của Ngài cho Chúa Cha vì hết lòng yêu thương chúng ta, trong sự công bằng và vô tội hoàn toàn. Khi làm như thế, Ngài phục hồi “công bằng” cho chúng ta, sửa lại mối tương quan đích thực giữa nhân loại với Thiên Chúa. Chính vì lý do này, Thập giá là dấu chỉ vĩ đại nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa. Bị đóng đinh vào Thập giá, Chúa đi vào sự bất hòa của chúng ta từ chính Ngài - và đó là chiếc cầu nối lấp đầy khoảng trống bằng hành động yêu thương giải thoát chúng ta. Vì Đức Giêsu đã chết vì chúng ta, nên khi Ngài nói: “Hãy đến đây, đi vào vương quốc của Ta” chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bước vào.

Khi nói như thế, chúng ta hiểu rõ rằng Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta sự tha thứ hay ơn cứu độ - hay bất cứ điều gì khác. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không cấp phát cho chúng ta giấy chứng nhận để chúng ta tiếp tục sống trong tội lỗi. Lòng thương xót đó đòi chúng ta đáp lại: “hãy đi và đừng phạm tội nữa.” Có thể mượn lời của thánh Augustinô để nói rằng: “Chúng ta không được tuyệt vọng, vì một trong hai kẻ trộm đã được cứu độ, chúng ta không được liều lĩnh, vì một trong hai kẻ trộm đã bị kết án.”

Lòng thương xót, cũng có nguồn gốc như đức ái (hoặc tình yêu), là một nhân đức rất dễ bị lạm dụng và hiểu sai. Không phải là sự thương xót trong việc làm chết vì xót thương (mercy killing), tước đoạt mạng sống người khác dựa trên phán xét sai lầm rằng một số kẻ không đáng sống. Nhưng thậm chí trong những thói quen hằng ngày, chúng ta thường bị cám dỗ sử dụng ngôn ngữ xót thương để trốn tránh trách nhiệm tìm kiếm công lý. Chúng ta nói dối hoặc che giấu hơn là tìm hiểu cẩn thận cảm xúc của người khác khi mà những hành vi của họ rõ ràng là sai trái. Đây là một hình thức lịch sự của kẻ nhút nhát, chứ không phải lòng thương xót. Luật luân lý hướng dẫn chúng ta đi đến những chọn lựa hiến mạng sống, và lòng thương xót thực sự luôn luôn được nối kết mật thiết với chân lý. Nuông chiều theo lựa chọn sai lầm của chính mình hoặc của người khác viện cớ của lòng thương xót thì cũng đồng nghĩa với việc làm cản trở mục tiêu thực sự của lòng thương xót.

4. LÒNG THƯƠNG XÓT ĐẶT TRÊN NỀN TẢNG CHÂN LÝ

Thật là hữu ích khi nhắc lại những tư tưởng của Guardini nói về công lý và lòng thương xót, trong đó chân lý được đề cập đến khá nhiều. Đoạn văn này được trích trong tác phẩm Đức Tin và Con Người Hiện Đại (The Faith and Modern Man):

Tâm trí con người rơi vào sai lầm khi nó từ bỏ chân lý - không phải bằng việc nói dối, bởi vì khi nói dối thường xuyên, thương tích gây ra cho tinh thần có thể được chữa lành bằng ăn năn và dốc lòng chừa - nhưng bằng một cuộc nổi loạn nội tâm lìa bỏ chân lý. Sự bệnh hoạn thực sự của tâm trí và tinh thần là khi một người không còn yêu chuộng chân lý nữa, mà khinh thường chân lý, khi đó anh ta sử dụng nó như là những phương tiện cho mục đích riêng của mình, khi đó trong sâu thẳm linh hồn anh ta, chân lý đã không còn chiếm vị trí ưu tiên, không còn là mối bận tâm hàng đầu nữa.

Chân lý là điều cốt yếu của bí tích hòa giải. Là những tội nhân, chúng ta đến với Thiên Chúa để tìm lòng thương xót của Ngài. Trong hành vi thực sự xưng thú tội lỗi, một sự thú nhận chân thành, chúng ta tìm thấy sự an ủi và bình an. Nhưng bí tích này không nhằm mục đích chấp nhận chúng ta ở trong tội lỗi chúng ta, như thể liệt kê cách máy móc danh sách các lỗi lầm và các hành vi xấu của chúng ta, ngăn cản chúng ta lên án chúng, và cuối cùng vẫn giữ nguyên lối sống cũ của chúng ta. Ơn gọi Kitô hữu đưa ra đòi hỏi cao hơn và đẹp hơn thế nữa. Bí tích hòa giải, được lãnh nhận và thực hiện một cách chân thành, là một con đường chắc chắn dẫn tới sự biến đổi và thánh thiện. Nhờ đó, chúng ta được lãnh nhận ân sủng để làm một cuộc xuất hành, vượt ra khỏi hoàn cảnh sống và lối sống tiêu cực của chúng ta, và gắn kết chúng ta với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn. Lòng thương xót của Thiên Chúa giúp chúng ta ngày càng trung thực hơn, công bình hơn, cũng như yêu thương và an bình hơn.

Vì lý do này, Giáo Hội luôn luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc xưng thú các tội nặng như là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thể. Xưng tội và thực sự thống hối - bao gồm việc dứt khoát từ bỏ tội lỗi - phải được thực hiện trước khi rước lễ. Việc thực sự hướng lòng lên Thiên Chúa luôn bao gồm việc từ bỏ tội lỗi và lầm lạc.

Và điều này dẫn chúng ta đến với những đề xuất hiện nay trong việc để cho những người đã li dị và tái hôn về mặt dân sự được rước lễ mà không cần thay đổi đời sống ấy. Những đề xuất này - được đưa ra như là cách bày tỏ lòng thương xót - được nhắm tới các cặp vợ chồng trước đây đã kết hôn, mà không thể tuyên bố là hôn nhân vô hiệu. Theo những đề nghị này, những cặp vợ chồng đã có hành vi tính dục với những người mà đối với Giáo Hội là chưa kết hôn thực sự vẫn có thể được Rước lễ, thậm chí không cần xưng tội, và không cần tìm kiếm sự khiết tịnh trong khi sống với nhau như “anh em” .

Những đề nghị này được tiếp thêm sức mạnh từ thực tế là có nhiều người trong số những trường hợp như vậy đã xin được giúp đỡ ngày càng gia tăng, những người có ý ngay lành nhưng bị ràng buộc trong những mối tương quan mới, thường phức tạp hơn với chuyện con cái. Tại sao Giáo Hội vẫn muốn trừng phạt và loại trừ họ, đâu là lý do cho chuyện này?

Câu trả lời cho vấn đề này đó là Giáo Hội không muốn trừng phạt họ, và thực tế là không loại trừ họ. Những người ly dị và tái hôn về mặt dân sự vẫn được chào đón như là những thành viên của cộng đoàn tín hữu. Nhưng Giáo Hội không thể làm ngơ trước Lời Thiên Chúa về tính chất bền vững của hôn nhận, cũng như không làm giảm bớt những hậu quả của những lựa chọn mà những người trưởng thành đưa ra một cách tự do. Giáo Hội không thể xác nhận con người theo khuôn mẫu của hành vi để tách biệt họ ra khỏi Thiên Chúa, trong khi đó vẫn luôn trung thành với sứ mạng của mình. Lòng thương xót thực sự chính là việc loan báo Tin Mừng. Nó phát xuất từ niềm tin rằng ân sủng Thiên Chúa có sức mạnh biến đổi chúng ta. Thật trớ trêu, chiến lược mục vụ nhằm giảm bớt phạm tội nhân danh lòng thương xót không thể là sự thương xót đích thực, bởi vì nó không chân thực.

Giáo Hội có thể trung thành mà không thương xót, giống như các kinh sư muốn ném đá người phạm tội ngoại tình vi phạm luật Môsê. Nhưng Giáo Hội không thể tỏ lòng thương xót mà không trung thành. Và sự thực là, chúng ta được kêu gọi hoán cải. Một phương pháp mục vụ làm ngơ sự thực này bằng một bức màn mỏng che đậy sự thất vọng về mặt mục vụ và chủ nghĩa thỏa hiệp sẽ dẫn tới kết quả là giảm sút, chứ không phải làm tăng thêm lòng trung thành. Henri de Lubac đã cảnh báo bằng một câu nói nổi tiếng rằng: “Ai càng muốn thích nghi, thì càng dễ đánh mất chính mình.” Thật vậy, đây là những gì chúng ta nhận thấy đang diễn ra ở Âu châu, trong các Giáo Hội mà việc chăm sóc mục vụ liên quan đến ly dị, tái hôn và lãnh nhận các bí tích đã tách rời ra khỏi giáo huấn đích thực của Giáo Hội Công giáo. Lời dạy và cử hành bí tích không trung thành với giáo huấn sẽ không sinh ra một đời sống Tin Mừng nhiệt thành hơn, trái lại chỉ khiến nó sụp đổ.

5. LÒNG THƯƠNG XÓT GIÚP THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG

Giáo hoàng Phanxicô đã nói một cách hùng hồn về “sự đồng hành”, nhiệm vụ kiên nhẫn bước đi cùng với người khác trong những thực tại phức tạp của đời sống của họ, và cũng là của chúng ta. Đây là khía cạnh quan trọng của lòng thương xót và là một cách diễn tả sống động tình bác ái Kitô giáo. Sự ràng buộc của tội lỗi rất mạnh mẽ, và ân sủng của Thiên Chúa thường tháo cởi một cách chậm chạp. Đôi khi, điều quan trọng nhất mà người khác cần nghe đó là lời thì thầm nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Chúng ta phải gần gũi với những người chúng ta yêu thương, để rồi chúng ta cố gắng nâng họ đạt đến với sự toàn vẹn của Phúc âm.

Nhưng thời đại thiên về trị liệu này có khuynh hướng diễn dịch “sự đồng hành” (accompaniment) thành “không xét đoán” (thou shalt not judge), xác nhận tình trạng của người ta một cách bừa bãi. Đây không phải là lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn đưa chúng ta tiến về phía trước và giúp chúng ta thăng tiến. Không có tội lỗi nào đẩy con người ra ngoài sự tha thứ của Thiên Chúa.

Lòng thương xót của Ngài bền vững muôn đời. Điều đó có nghĩa là mọi người đều được mời gọi khi các nhà thờ lớn ở Rôma mở cửa để khai mạc năm thánh ngoại thường, Năm của Lòng Thương Xót. Nhưng một lần nữa, sẽ là một sự trái ngược với lòng thương xót được cho là sẽ “đến với” (come) và như vậy hàm ý rằng chúng ta không cần di chuyển, không cần bước ra khỏi tình trạng tội lỗi của chúng ta và tiến đến vâng phục sự công chính của Đấng Thiên Chúa hiến mạng sống mình, vâng phục lề luật của Chúa Giêsu Kitô.

Cuối cùng, thừa tác vụ thương xót trong Giáo Hội cần phải mang tính chất như Đức Maria. Tin Mừng Gioan thuật lại Maria là chứng nhân cuộc khổ hình thập giá của Con mình. Mẹ nhìn thấy trước hết sự tha thứ của Thiên Chúa được tỏ lộ trên khuôn mặt Đức Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá. Đôi tay Ngài dang rộng ra với thế giới, Đức Kitô đã trao ban, và vẫn còn trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Liên kết lời cầu nguyện của Mẹ với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chính Mẹ Maria đã trở nên tấm gương phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa. Nơi tấm gương này, Mẹ Maria là một nguyên mẫu của Giáo Hội. Người Kitô hữu chúng ta được sai vào thế giới để làm chứng cho lòng thương xót của Thập giá được khắc ghi trong chính đời sống của chúng ta. Như vậy, Giáo Hội tìm cách noi theo tấm gương hiền mẫu của Đức Maria trong việc trở nên người tôi tớ hoàn hảo của lòng Chúa thương xót.

Lòng thương xót này đòi buộc chúng ta rao giảng sự thật, đồng thời cũng sống theo sự thật đó. Lòng thương xót đòi buộc chúng ta không rao giảng về chính mình, nhưng là rao giảng Tin Mừng cứu độ được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Đây là Tin không nhằm “khẳng định” nhưng mang lại điều mạnh mẽ hơn, đáng để chúng ta ước ao hơn – đó là ơn cứu độ. Giáo Hội mở cánh cửa ra với thế giới, và mời gọi tất cả mọi người đi vào tiệc cưới của Con Chiên.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 92 (Tháng 1 & 2 năm 2016)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 184
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 181
 
  •   Hôm nay 41,709
  •   Tháng hiện tại 1,028,626
  •   Tổng lượt truy cập 79,777,310