Vài nguyên tắc cơ bản trong việc giáo dục Đức tin

Thứ tư - 25/05/2016 06:25      Số lượt xem: 4167

“Mục đích giáo lý, trên hết và trước hết, là giúp mọi người gặp được Chúa và nhận ra ơn gọi riêng của mình” và đó cũng chính là ơn gọi Kitô hữu.

 
“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15, 16).
 
1. Ý nghĩa và nền tảng của giáo lý

Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viết nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 28, ngày 21-4-1991 : “Mục đích giáo lý, trên hết và trước hết, là giúp mọi người gặp được Chúa và nhận ra ơn gọi riêng của mình” và đó cũng chính là ơn gọi Kitô hữu.

Trước hết, giáo lý giúp chúng ta khám phá ra chương trình riêng của Thiên Chúa đối với mỗi người. Nói cách khác, giáo lý giúp mỗi người biết rõ chỗ đứng và vai trò của mình trong vườn nho của Thiên Chúa. Chúa đang chờ đợi gì nơi tôi? Tôi phải làm gì để cộng tác với Chúa, thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài?

Trong chương trình cứu rỗi này, Đức Kitô phải là trung tâm điểm: “Đối tượng cốt yếu và nguyên thủy của khoa dạy giáo lý theo điển ngữ mà Thánh Phaolo và khoa thần học hiện nay ưa thích là ‘Mầu nhiệm Đức Kitô’ (Tông huấn dạy Giáo lý số 5).

Vì vậy, giáo lý là phương cách thích hợp giúp chúng ta hiểu chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa đối với nhân loại, hiểu ý nghĩa sau cùng của đời sống con người và lịch sử nhân loại.
 
2. Giáo lý viên là ai?
Giáo lý viên (GLV) là người chia sẻ sứ mạng của Hội thánh. Vậy trước tiên phải tìm hiểu sứ mạng của Hội thánh là gì?

a. Sứ mạng của Hội thánh:
Hội Thánh có nhiều sứ mạng, nhưng sứ mạng quan trọng nhất thuộc yếu tính của Hội Thánh chính là sứ mạng TRUYỀN GIÁO, Sứ mạng ấy bắt nguồn từ huấn lệnh sau cùng của Đức Giêsu:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

b. GLV tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh

Dạy giáo lý (GL) là Giáo dục đức tin, gồm đặc biệt là việc dạy Giáo lý Kitô giáo có tổ chức và hệ thống, nhằm khai tâm họ vào cuộc sống Kitô hữu sung mãn. Vì thế GLV là những người cộng tác vào đời sống của Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội. GLV là những người đang làm công tác Tông đồ Giáo dân và tôn giáo vì họ là những người giáo dục và đào tạo cho mọi người (Tông đồ giáo dân số 14a, 16 và 17a).

Ơn gọi giáo lý viên là giúp người khác nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống của họ để họ sống đời sống Kitô hữu một cách trọn vẹn theo như ý Chúa muốn. Vì thế phải đào tạo những người dạy tốt, là những người khiêm tốn và lãnh nhận những kiến thức về Chúa và sống lời mời gọi của Chúa và là chứng tá của Chúa cho mọi người.
 
3. Vai trò của Giáo lý viên

- GLV có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho học sinh. Do đó, Giáo hội mời gọi GLV sống đời sống Đức tin gương mẫu, đồng thời trau dồi chuyên môn để tích cực và thực sự giúp các em tăng trưởng đời sống đức tin theo lời dạy của Chúa Kitô. Vì lẽ đó, đời sống của GLV phải là đời sống của một chứng nhân.

Muốn làm chứng phải thấy, phải nghe, phải sống trong hoàn cảnh mà mình muốn minh chứng. Nói cách khác, dạy giáo lý là đồng hành cùng với các em đi tìm gặp Chúa.

- Vai trò của GLV là giúp các em đi tìm gặp Chúa, hướng dẫn các em “đọc” được ý muốn, lời nhắn nhủ của Chúa Kitô qua bài giáo lý dựa trên Lời Chúa trong Kinh Thánh. Do đó, GLV phải hiểu, thấm nhuần và sống Lời Chúa rồi mới có thể truyền đạt cho các em được. Vì thế, Thánh Kinh và ơn gọi GLV có tương quan với nhau ở chỗ đó. Vậy trước hết, GLV phải cảm nghiệm từ bản thân mình sự tìm kiếm và gặp gỡ đó. Mình không thể làm chứng một cách mù mờ được.

Muốn biết về Chúa Kitô, tôi phải tìm đến Thánh Kinh, vì qua Thánh Kinh, nhất là Bốn Phúc Âm, tôi có thể biết Chúa Kitô là ai, sứ mệnh của Ngài là gì? Điều này sẽ đặt ra cho tôi câu hỏi khác: tôi đang có hình ảnh nào về Ngài? Hình ảnh đó có trung thực với Tin Mừng không? Khi đối diện với những đau khổ trong cuộc sống, tôi nghĩ Ngài là ai? Niềm tin của tôi vào Ngài có tạo nên những thay đổi trong đời sống của tôi không?

Tóm lại: “Mục đích giáo lý là giúp hiểu mầu nhiệm của Chúa Kitô trong ánh sáng của Lời Chúa” (ĐTC Gioan Phaolo II).

4. Phải truyền đạt giáo lý thế nào?
Trong thực tế, thế nào là việc dạy giáo lý:

- Nhìn bề ngoài, lớp giáo lý giống hệt lớp học bình thường: có thày dạy và có học sinh và đầy đủ các phương thế của một lớp học như: có bài cho học trò và trả bài, có chương trình, có bảng đen, có sách vở, và những trợ giảng khác, nhưng lớp giáo lý là một lớp độc đáo:

- Trong lớp học này, sau mỗi bài giảng, không những chỉ cần nắm vững nội dung để trả bài, để kiểm tra kiến thức, nhưng còn phải có một quyết tâm, một sự đổi mới trong cách sống, khác với các môn học khác không liên quan gì đến đời sống nội tâm cả.

- Trong lớp học này, qua Lời Chúa, GLV dạy cho trẻ hiểu biết về Thiên Chúa (trí khôn) và yêu mến Ngài (tâm hồn).

- GLV nói về Thiên Chúa (rao giảng về một Con Người chứ không phải về một tín điều). “Vậy phải nói rằng trong việc dạy giáo lý, chính Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể và Con Thiên Chúa là Đấng mà ta giảng dạy... Tất cả quy chiếu về Người: và chỉ mình Đức Kitô giảng dạy” (Tông huấn dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, số 6). Dạy cho trẻ tin AI chứ không phải tin điều gì?
Vì thế:

A- Khi dạy giáo lý phải trung thành với nội dung.

Khoa giáo lý lưu ý đến sự toàn vẹn của nội dung: “Để tiến lễ của đức tin được hoàn toàn, người trở nên môn đệ của Đức Kitô có quyền đón nghe “lời đức tin”, không bị cắt xén, biến tạo và giảm bớt, nhưng đầy đủ và toàn vẹn, nghiêm túc và có uy lực” (Tông huấn dạy giáo lý, số 30).

Qua việc học hỏi, ta biết: Thiên Chúa là Tình yêu là Đấng giàu lòng thương xót, bởi sáng kiến yêu thương của Ngài đã muốn cứu nhân loại sa ngã nên Ngài đã can thiệp vào lịch sử loài người để phục hồi con người tội lỗi. Tình yêu thương cao cả của Thiên Chúa đối với con người yếu hèn tội lỗi: Đó là Niềm vui, đó là Tin Mừng cho mỗi người. Vì thế: Nội dung chính yếu và số một của Giáo lý là Tin mừng, là Lời Chúa. Mà Tin Mừng là một sứ điệp, nghĩa là một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ.

Giáo lý có nhiệm vụ trình bày những giai đoạn chính của Lịch sử ấy, và khi trình bày, cần cho thấy rõ tính cách liên tục, thời sự, của chương trình Cứu rỗi của Thiên Chúa, và vai trò trung tâm điểm nổi bật của Đức Giêsu Kitô:

§ Chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi (Cựu ước) = TC mạc khải kế hoạch cứu rỗi và loan báo Đức Giêsu Kitô (ĐGKT).

§ Thực hiện Ơn Cứu Rỗi (Tân ước) = ĐGKT (Ngôi Lời nhập thể) thực hiện chương trình.

§ Phân phối Ơn Cứu Rỗi (Giáo Hội) = ĐGKT đặt nền tảng GH để ban phát Ơn cứu rỗi.

Vì GLV là người giáo dục đức tin nên nhớ: Đức tin không bất động, nhưng rất năng động và mang tính chất “Lữ Hành” vì nó là một cuộc hành trình đi tìm gặp ĐGKT. Do đó, dù có trình bày nội dung Đức tin bằng phương thức nào đi nữa. GLV nên lưu ý đến tính cách “Lữ hành” của nó, và tôn trọng 3 bước tiến của lòng tin trong cuộc hành trình đi tìm gặp Chúa: Đón nhận – Đối chiếu – Đáp trả (Đón nhận Lời Chúa- Đối chiếu với Lời Chúa và Đáp trả tiếng Chúa trong cuộc sống thường ngày).
 
B- Khi dạy giáo lý phải trung thành với người nghe.

“Dạy giáo lý phải có tính chất toàn diện, và không nên thu hẹp lại trong việc dạy dỗ mà thôi... Mục tiêu của dạy giáo lý là cổ võ sự hiệp thông với Đức Giê-su Kitô, cần trình bày chân lý mầu nhiệm Đức Kitô một cách quân bình hơn” (Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý, số 29 và 30).
Khi sinh hoạt giáo lý những trở ngại GLV có thể gặp:

Những người học giáo lý đến lớp hay mang tâm trạng của một học viên.Vì thế các em có thể nghĩ là đến để “học đạo”. Chứ không nghĩ là đến để biết và sống gần Chúa hơn. Mặt khác, ở trường, các em được giáo dục thích ứng với những biến đổi của thế giới bên ngoài.

Ví dụ như khoa học thường thức, vật lý, hóa học...đều được dạy song song với những thí nghiệm, những bài thực tập chứng minh cho những lý thuyết đã học... Do đó, trẻ chỉ quen chú tâm đến những gì hiển nhiên, những gì có thể sờ mó, kiểm chứng một cách cụ thể được. Tâm trạng này sẽ tạo cho GLV khó khăn không ít.

Về phía GLV, chúng ta thường có khuynh hướng quá chú tâm đến tín điều phải giải thích, phải trình bày, mà quên đi việc cần thiết là “thái độ đức tin” phải giáo dục cho người trẻ.
Vậy phải làm cách nào để lướt thắng những trở ngại trên đây?

Trước hết, GLV chúng ta phải nhớ rằng mình phục vụ cho Tin Mừng, cho Lời Chúa. Vì vậy đừng có cao vọng cắt nghĩa tất cả, nhưng cố gắng làm sao để hướng dẫn trẻ đến một thái độ đón nhận, lắng nghe.

Để thực hiện được điều đó, qua bài giáo lý, GLV nên:

§ Tạo bầu khí trầm tĩnh, yên lặng, để giúp trẻ tự đặt mình vào thái độ của một người đang lắng nghe (tâm), chứ không phải của một người đang cố gắng tìm hiểu (trí).

§ Thường trước khi bắt đầu trình bày một bài giáo lý, GLV nên tạo điều kiện cho các em cảm nghiệm sự hiện diện yêu thương của Chúa trước mặt các em, trong tâm hồn các em. Có thể cho nghe một chút nhạc êm dịu, yêu cầu các em ngồi yên trong tư thế thoải mái, mắt nhắm lại... GLV gợi ý...

§ Chú tâm đến hoàn cảnh cụ thể của các em:
Thiên Chúa nói với từng em, và mỗi em sẽ đón nhận theo tâm lý, theo môi trường xã hội, theo lịch sử riêng của chúng. Vì vậy, tìm hiểu ý nghĩa của từng giai đoạn của cuộc sống con người là mối quan tâm hàng đầu của GLV trong công tác giáo dục đức tin.

§ Cố gắng gây cảm tình, để qua đó, trẻ dễ đón nhận Lời Chúa rồi đáp lại.

§ Tuy nhiên, cảm tình đó chỉ là phương tiện, không phải là mục đích dừng lại ở con người cá nhân GLV.

§ Vì thế GLV cần trau dồi và học hỏi cho mình thêm những kỹ năng giúp cho buổi giáo lý thêm hữu hiệu như: biết phân tích não trạng và tâm lý của lứa tuổi, những bài hát liên quan đến bài giáo lý, những câu chuyện thực tế và trò chơi năng động để nhờ đó mà GLV có thể nắm bắt được nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh học viên của mình để có thể soạn một bài giáo lý theo phương pháp thực nghiệm sẽ giúp cho các em đón nhận Thiên Chúa một cách tích cực và năng động hơn.

Những tâm tình trên đây đã được tích góp qua những năm tháng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và tìm tòi, hy vọng sẽ giúp mỗi GLV chúng ta ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm mà Giáo Hội trao phó, và chia sẻ sứ mạng của Giáo hội trong việc giúp người khác đến gặp Thiên Chúa qua các bài chia sẻ giáo lý của mình cho mọi lứa tuổi và mọi thành phần.
 
GLV Anna Trần Thị Kim Oanh
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 229
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 225
 
  •   Hôm nay 32,023
  •   Tháng hiện tại 1,064,031
  •   Tổng lượt truy cập 79,812,715