Đức Giêsu Nazareth (theo cái nhìn lịch sử)

Thứ bảy - 14/05/2022 12:56      Số lượt xem: 1594

Chính trong chiều hướng nghiên cứu và tìm hiểu để khám phá ra khuôn mặt lịch sử của Đức Giêsu, Tủ sách Dân Chúa châu Âu xin được trân trọng giới thiệu tác phẩm "Đức Giêsu Nazareth“ tái bản năm 2020 (ấn bản “Đức Giêsu Nazareth“ gốc được in vào năm 2011) của linh mục Vinh sơn Lê Phú Hải OMI, chủ biên thần học của trang mạng Danchua.eu từ nhiều năm qua. Ngài cũng là cựu chủ bút của nguyệt san Dân Chúa châu Âu và đã biên soạn in ấn 12 tác phẩm tôn giáo giá trị khác.

so 1

Lời giới thiệu

Cho dù bức chân dung của Đức Giêsu Nazareth đã được phác họa mỗi thời mỗi kiểu từ hơn 2000 năm qua, nhưng đối với mỗi Kitô hữu, đã được lãnh nhận Phép Rửa Tội, đều tuyên xưng và tin rằng:  "Đức Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi vẫn là một" (Dt 13,8). Bản tuyên xưng đức tin cổ nhất của các Kitô hữu tiên khởi đã được Thánh Phaolô ghi lại: “Đức Kitô đã chết/ vì tội lỗi chúng ta,/ đúng như lời Kinh thánh, rồi Người đã được mai táng,/ và ngày thứ ba/ đã trỗi dậy,/ đúng như lời Kinh thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1Côrintô 15,3b-5) .

Nhưng các nhà nghiên cứu Kinh Thánh sẽ khẳng định với các Kitô hữu rằng: đó là Đức Giêsu của lòng tin, của mặc khải. Còn dung mạo đích thật của Đức Giêsu Nagiarét, nói đúng hơn khuôn mặt lịch sử của Ngài vẫn còn là câu hỏi mở, đang được nghiên cứu và khám phá.

Trong số báo Danchua online số 60 được phát hành vào tháng Hoa dâng kính Đức Maria năm 2020, trang mạng Dân Chúa Âu châu đã cho đăng bản tin đáng được các học giả, những nhà nghiên cứu Kinh Thánh quan tâm, và tất các tín hữu Kitô cũng cảm thấy vui mừng: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có hình ảnh chính xác về Chúa Giêsu trên trái đất này,” giáo sư Giulio Fanti của đại học Padua quả quyết.

Ông Giulio Fanti - giáo sư môn đo đạc cơ khí và nhiệt lượng tại đại học Padua, cũng là người nghiên cứu Tấm Khăn Liệm - nói: “Hình tượng này - là hình ảnh ba chiều, đúng với kích thước thực tế của Người trong khăn liệm - được tạo ra theo số đo chính xác lấy từ tấm khăn liệm bọc thân thể Chúa Kitô chịu đóng đinh.”

Dựa trên các phép đo đạc của mình, vị giáo sư này tuyên bố: Ông đã tạo ra một bản sao carbon 3D, cho phép khẳng định như đinh đóng cột rằng, đây đúng là chân dung thực sự của Chúa Kitô chịu đóng đinh: “Vì vậy, chúng tôi tin rằng: Cuối cùng, chúng ta cũng có hình ảnh chính xác, giống Chúa Giêsu ngày xưa trên trái đất này. Từ giờ trở đi, người ta không thể mô tả Ngài mà không để ý đến việc này.”

Giáo sư cũng tiết lộ: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, Đức Giêsu là một người có vẻ đẹp phi thường. Chi thể cao lớn, nhưng rất khỏe mạnh, Ngài cao gần 5 ft 11 in (1,8m), trong khi chiều cao trung bình lúc đó là khoảng 5 ft 5 in (1,67m). Ngài có một phong thái vương giả và uy nghi. (Vatican Insider)

Nhưng các câu hỏi xung quanh điều bí ẩn của Tấm Khăn Liệm vẫn còn nguyên vẹn. Chắc chắn, nơi người đàn ông bị tra tấn đó, chúng ta thấy những dấu vết đau khổ, trong đó chúng ta cũng tìm thấy một phần của mỗi chúng ta, nhưng dưới cái nhìn đức tin, hy vọng rằng người đàn ông này chính là người đàn ông xuất sắc: “Này là Người” đứng yên lặng trước Philatô và sau trận đòn khủng khiếp, đã bị đóng đinh trên thập giá như một người vô tội; không những vô tội, mà còn mang nơi mình tội lỗi của tất cả mọi người.

Mặc dù niềm tin vào Tấm Khăn Liệm này không phải là điều bắt buộc, ngay cả đối với các Kitô hữu, nhưng sự đặc biệt của mảnh vải đó vẫn thách thức sự hiểu biết và định kiến của chúng ta, cũng gần giống như một Giêsu thành Nadarét, đã thách thức định kiến của chúng ta, bằng cách yêu thương những kẻ bắt bớ Ngài, tha thứ cho họ khi Ngài ở trên thập giá, và chiến thắng cái chết vào 2.000 năm trước đây.

Từ hơn 2000 năm qua, câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà nghiên cứu Thánh Kinh có thể nào tìm lại được khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử không? Và câu hỏi Đức Giêsu nêu lên cho các môn đệ, và các Kitô hữu tiên khởi: « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? » (Máccô 8,29). Câu trả lời cho hành trình  tìm kiếm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử vẫn tiếp tục không ngừng không những cho các nhà nghiên cứu chuyên môn mà còn cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay.

Chính trong chiều hướng nghiên cứu và tìm hiểu để khám phá ra khuôn mặt lịch sử của Đức Giêsu, Tủ sách Dân Chúa châu Âu xin được trân trọng giới thiệu tác phẩm "Đức Giêsu Nazareth“ tái bản năm 2020 (ấn bản “Đức Giêsu Nazareth“ gốc được in vào năm 2011)  của linh mục Vinh sơn Lê Phú Hải OMI, chủ biên thần học của trang mạng Danchua.eu từ nhiều năm qua. Ngài cũng là cựu chủ bút của nguyệt san Dân Chúa châu Âu và đã biên soạn in ấn 12 tác phẩm tôn giáo giá trị khác.

Trong lần tái bản năm 2020 này, chính tác giả đã xác định trong phần dẫn nhập: “sách Đức Giêsu Nazareth vẫn được soạn theo chiều hướng nghiên cứu lịch sử, chú giải và suy tư thiêng liêng giúp độc giả đi vào tìm hiểu khám phá khuôn mặt Đức Giêsu trong bối cảnh Do thái giáo ở thế kỷ thứ I cũng như tác động trong kitô giáo tiên khởi.“

Qua 160 trang sách, tác giả đã có công trình bầy một cách tổng quát những nghiên cứu Kinh Thánh của các tác giả trong 20 thế kỷ qua … từ các nguồn tài liệu khác nhau như khoa khảo cổ, xã hội học, nhân chủng học, kinh tế những xã hội nông nghiệp, nhất là từ nguồn gốc chính là các sách Tin mừng.

Trong phần Nhập đề tác giả đã xác định và giới thiệu các nguồn tài liệu: “tiến trình đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử“ qua các nguồn sử liệu ngoài Kitô giáo, bằng tiếng Hy Lạp, các bản văn La tinh. Nguồn tài liệu đến từ kinh Coran của đạo Muslim (Hồi giáo). Nhất là Nguồn tài liệu từ kitô giáo đến từ Thư quy hay Quy điển: Bốn Tin Mừng Máccô, Mátthêu, Luca, Gioan, Sách Công Vụ, Thư bộ Phaolô…. Cũng phải kể đến nguồn tài liệu đến từ Ngụy thư. Những Tin mừng đến từ Kitô hữu gốc Do thái. Nguồn tài liệu đến từ truyền thống Giáo phụ.

Sau đó tác giả trình bầy Chân dung Đức Giêsu trong bối cảnh về địa dư xứ Galilê với các thành phố lớn, thủ đô Giêrusalem, về ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, lịch sử và ảnh hưởng Ba tư, Hy Lạp và La mã.

Những nét chính yếu của Do thái giáo đầu thế kỷ công nguyên với Cơ chế tổ chức với các Tư Tế và giới nắm quyền hành tại Đền thờ.  Đền thờ và việc phục vụ tại đền thờ, các đại Lễ Vượt Qua (Pesah), Lễ Ngũ Tuần (Shavuot) và Lễ Lều (Sukkot). Hội đường và việc Phụng tự. Luật về Ngày Sabát

Tác giả đặc biệt trình bầy Lý lịch Đức Giêsu: gia đình của Ngài, nơi sinh và năm sinh. Những năm ẩn dật tại Nazareth và Nghề nghiệp: “tektôn”. Sứ vụ công khai với Hành trình sứ vụ theo Máccô và theo Luca. Năm khởi đầu: 27-28 và Năm kết thúc: Đức Giêsu qua đời ngày 7.4.30. Lời Đức Giêsu giảng Sứ điệp căn bản: Nước Thiên Chúa. Thái độ của Dân chúng và những thành phần chống đối. Khuôn mặt Đức Giêsu là “Thầy” (Rabbi), Ngôn sứ, Đấng Mêsia/Kitô. Con Người. Con Thiên Chúa. Người làm phép lạ.

Chương quan trọng nhất của cuốn sách trình bầy đề tài Từ cõi chết đi vào cuộc sống: Đức Giêsu chịu thương khó theo Tân ước và Tin mừng cũng như những nguồn sử liệu ngoài Tin mừng. Bối cảnh lịch sử: Hệ thống pháp lý ở xứ Giuđê thời Đức Giêsu. Hệ thống pháp lý trong những tỉnh của đế quốc La mã. Hệ thống pháp lý theo Kinh thánh với Án tử hình. Diễn tiến biến cố thương khó từ lúc bị bắt cho tới khi bị đóng đinh trên Núi Sọ, cơn hấp hối và việc mai táng. Tác giả cũng kể lại chi tiết Lý do Đức Giêsu bị bắt. Bối cảnh lịch sử của các vụ án. Bối cảnh lịch sử của các vụ án. Vụ án La mã: Nơi Pháp đình: Quyết định vụ án: Lý do Đức Giêsu bị kết án đóng đinh.

Nhưng lịch sử không chấm dứt với cái chết đau thương của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã sống lại như lời Thánh Kinh, khởi đầu và nền tảng cho niềm tin kitô giáo:  Các môn đệ công bố lòng tin hay lời rao giảng tiên khởi: Kerygma. Các môn đệ cử hành lòng tin và  trình bày đức tin vào biến cố nền tảng: Chúa Giêsu trỗi dậy từ trong cõi chết như lời Ngài đã tiên báo với sự kiện Ngôi mộ mở (Máccô 16,1-8; Mátthêu 28,1-8; Luca 24,1-12; Gioan 20,1-10). Trình thuật hiện ra đưa các môn đệ làm chứng nhân (Mátthêu 28,16-20). Trình thuật diễn đạt kinh nghiệm kitô giáo. Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (Luca 24,13-35). Đức Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna: Gioan 20,11-18

                Xuyên suốt nội dung cuốn sách “Đức Giêsu Nazareth“, tác giả đã đưa ra một số nhận định về kết quả các nghiên cứu, những hướng đi về tương lai và các câu hỏi căn bản:

                1) Với những tài liệu được duyệt xét theo những tiêu chuẩn sử tính khách quan, kết quả thật khiêm tốn đối với con người Đức Giêsu. Với tất cả những cố gắng nêu trên, câu hỏi đặt ra có thể tìm được những điều chắc chắn về Đức Giêsu không? Các học giả khiêm tốn hơn dù có trong tay những tiêu chuẩn hầu có thể coi những lời nói hay hành vi Đức Giêsu đã nói và đã làm.

                2) Tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý không thể nào viết được một tiểu sử Đức Giêsu theo nghĩa tiểu sử ngày nay. Họ chấp nhận các sách Tin mừng như nguồn tài liệu chính về Đức Giêsu, và biết rõ những tác giả Tin mừng không viết “tiểu sử” về Đức Giêsu nhưng loan báo Tin mừng Đức Giêsu: Đấng Mêsia, Chúa và là Con Thiên Chúa.

                3) Các tác giả muốn trình bày cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa được gắn với Đức Giêsu, một nhân vật lịch sử chứ không phải là một huyền thoại. Đức tin của chúng ta được diễn tả qua việc chấp nhận các lời dạy và gương sống của Người. Vì thế các tác giả đã không bịa đặt các chuyện đó, nhưng họ cố gắng truyền đạt cho chúng ta những gì mà họ đã học được.

                4) Chúng ta đã nhận hiểu rằng Kinh thánh Kitô giáo không chú trọng trình bày cho người đọc một tiểu sử rõ ràng về Chúa Giêsu. Tuy nhiên, bộ Tin Mừng này có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin lịch sử rất giá trị về cuộc đời Chúa Giêsu nếu chúng nhận thêm được sự trợ giúp của khoa nghiên cứu lịch sử, các học giả Kinh Thánh và phương pháp suy luận hợp lý. Điều này cho phép chúng ta xây dựng một khuôn mặt Giêsu thành Nazareth mà các nhà sử học, các học giả và các tín đồ tất cả cùng có thể đồng thuận cho rằng hợp lý.

                5) Sau khi duyệt qua tất cả những tài liệu lịch sử về Đức Giêsu Nazareth có thể tạm kết luận: ngày nay có thể xác nhận Đức Giêsu thật sự hiện hữu, vì thế từ chối Đức Giêsu không có thật coi như một tính cách vô trách nhiệm. Khuôn mặt Đức Giêsu không phải do cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tạo ra. Những vấn nạn lịch sử về Đức Giêsu đều có thể nêu lên và tìm hiểu rõ ràng nơi môi trường sống và con người cũng như công trình của Người: đặt Đức Giêsu vào thời đại và đọc các tài liệu lịch sử trong môi trường và hoàn cảnh tương ứng.

                6) Ngày nay, các sử gia đồng ý Đức Giêsu bị đóng đinh sau trưa ngày lễ Vượt Qua (7.4.30) tại một nơi ngoài vòng đai Giêrusalem, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê, đương thời với vua Hêrôđê Antipas. Vì thế hôm nay khi đi tìm Đức Giêsu lịch sử, nhiều tác giả đều nói đến vấn đề Đức Giêsu Phục sinh. Việc cần coi như trường hợp thái quá khớp vào nhau giữa lý lẽ lịch sử và đức tin, tức là giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô lòng tin.

Vì thế Tin mừng như một cách đọc lại sau biến cố Phục sinh, lịch sử về Đức Giêsu dưới trần thế. Giờ đây đọc lại soi sáng lòng tin dưới ánh sáng Đức Giêsu sống lại, và biến cố phục sinh trở nên chìa khóa đọc Tin mừng. Cho tới bây giờ Đức Giêsu vẫn như Đấng công bố Tin mừng, từ nay Người trở thành Đấng được công bố, và trở thành Tin mừng.

Như vậy câu hỏi Đức Giêsu nêu lên cho các môn đệ, và các Kitô hữu tiên khởi: ”Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Máccô 8,29) vẫn là câu hỏi Chúa Kitô đặt lại cho các nhà nghiên cứu Kinh Thánh từ hơn 2000 năm qua, cho chính tác giả biên soạn cuốn sách này,  cho tôi và cho bạn… Mỗi Kitô hữu hôm qua, hôm nay và ngày mai phải tìm câu trả lời cho chính bản thân mình, không phải chỉ bằng những lý lẽ của trí hiểu, của khoa học (bằng cái đầu) nhưng bằng lý chứng của lòng tin (bằng con tim) được tôi luyện trong cuộc sống Kitô hữu hàng ngày, được hướng dẫn qua Thánh truyền và được Thánh Thần Thiên Chúa chiếu soi.
Thiết nghĩ rằng, tác phẩm “Đức Giêsu Nazareth”, là sợi chỉ vàng đỏ suốt lịch sử hơn 2000 năm qua, tổng hợp các nguồn tài liệu trong: “tiến trình đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử“ mà tác giả đã góp công tổng kết có thể giúp cho các kitô hữu thời nay học hỏi để giúp xác tín vào Đức Giêsu của Đức Tin. Mong cuốn sách quý này trở thành cuốn sách gối đầu giường của độc giả.

 
Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Fatima, ngày 11.06.2020)
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu

Nguồn tin: hoaxuongrong.org


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 271
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 268
 
  •   Hôm nay 13,255
  •   Tháng hiện tại 1,045,263
  •   Tổng lượt truy cập 79,793,947