Ý nghĩa của những thánh tích nơi bàn thờ

Thứ năm - 12/05/2022 05:34      Số lượt xem: 2020

Việc đặt các thánh tích bên trong các bàn thờ có nguồn gốc từ thời Giáo Hội sơ khai, vào thời điểm mà Giáo Hội đang trải qua một cuộc bắt bớ dữ dội. Bất kỳ Kitô hữu nào cũng biết rằng sự bắt bớ đã tồn tại ngay từ lúc khởi đầu lịch sử Giáo Hội.

Phụng Vụ


Ngày 01/11, Giáo Hội Công Giáo cử hành việc kính nhớ tất cả các thánh theo phụng vụ. Ngoài những ngày lễ trọng như thế này, Giáo Hội còn tôn kính các thánh theo một số cách thức khác trong phụng vụ. Bất kỳ ai có hiểu biết về sự phân biệt giữa latria (tôn thờ) và dulia (tôn kính) sẽ biết rằng đây không phải là một hình thức thờ phượng các thánh và sẽ đánh giá đúng thói quen của Giáo Hội về việc tôn kính các thánh. Một trong những cách thức đáng chú ý nhất của Giáo Hội để tôn kính các thánh là thói quen truyền thống về việc gắn các thánh tích vào trong bàn thờ. Mặc dù thực hành này không bị mất đi hoàn toàn, và được khuyến khích ngay cả trong phụng vụ hiện đại, nhưng chắc chắn đây là một thực hành còn xa lạ với nhiều người Công giáo ngày nay.[1] Tuy nhiên, trong phụng vụ truyền thống của Giáo Hội Latinh, thực hành này là bắt buộc, và các thánh tích luôn phải là của các thánh tử đạo. Mặc dù để duy trì một thói quen tốt đẹp như vậy có vẻ là một gánh nặng to lớn, mà xét cho cùng thì cũng không cần thiết đối với giá trị của chính Thánh lễ, nhưng cũng nên xem xét ngắn gọn ý nghĩa của việc thói quen này, vì sợ rằng chúng ta rơi vào cái nhìn thiển cận mà dẫn đến việc tầm thường hóa phụng vụ.

Việc đặt các thánh tích bên trong các bàn thờ có nguồn gốc từ thời Giáo Hội sơ khai, vào thời điểm mà Giáo Hội đang trải qua một cuộc bắt bớ dữ dội. Bất kỳ Kitô hữu nào cũng biết rằng sự bắt bớ đã tồn tại ngay từ lúc khởi đầu lịch sử Giáo Hội. Đấng sáng lập Giáo Hội, Chúa chúng ta, đã bị chính quyền Do Thái bắt bớ, và Người đã cảnh báo những ai theo Ngườrằng chính họ cũng sẽ bị bắt bớ vì Người (Ga 15,20). Sau Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ tiếp tục bị người Do Thái và người ngoại bắt bớ và tất cả các ngài đều bị giết hại vì sự thù nghịch với đức tin (in odium fidei) hay bị mưu hại (như trường hợp của Thánh Gioan).

Sự phản đối gay gắt đối với Phúc Âm này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, và rất nhiều Kitô hữu Công giáo đã từ bỏ mạng sống của mình để chịu tử đạo. Trong thời đại khó khăn nhưng vinh quang này, một thói quen đã xuất hiện ở Rômanơi mà các Thánh lễ được cử hành trên những ngôi mộ của các vị tử đạo dưới các hang toại đạoTừ điển Bách khoa Công giáo chỉ ra rằng thói quen này có thể được tìm thấy với một tần suất cao vào đầu thế kỷ thứ hai, tức là chưa đầy 100 năm kể từ khi Chúa Giêsu lên trời.[2] Mặc dù những ngôi mộ của các vị tử đạo không nhất thiết là nơi duy nhất mà Thánh lễ được cử hành, tuy nhiên thói quen này đã trở nên vững chắc, và một sắc lệnh của Thánh Giáo Hoàng Felix, người trị vì từ năm 269-274 đã ra lệnh rằng các Thánh lễ phải được cử hành trên những ngôi mộ của các vị tử đạo.

Sau khi Kitô giáo được hợp pháp hóa dưới thời Hoàng đế Constantine, thói quen này vẫn được duy trì. Khi các Kitô hữu ra khỏi nơi ẩn náu và có được tư cách để xây dựng các ngôi nhà thờ nơi đức tin có thể được thực hành một cách công khai, thì cộng đồng Kitô hữu vẫn muốn duy trì thói quen đáng tôn kính này. Các Kitô hữu vào thời đại đó cố gắng tránh làm phiền nơi an nghỉ của các vị tử đạo sơ khai nếu có thể, vì vậy thay vì chuyển thi hài của các ngài vào trong nhà thờ, thì những nhà thờ sớm nhất ở Rôma lại được xây dựng trên các ngôi mộ của các vị tử đạo. Ví dụ, bàn thờ chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô được xây dựng ngay trên lăng mộ của Thánh Phêrô. Tương tự như vậy, Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành được xây dựng ngay trên lăng mộ của Thánh Phaolô.

Đôi khi, những mảnh xương hay những mảnh hài cốt khác được đem ra và được chuyển đến nhà thờ mới cách trang trọng, nơi những thánh tích này sẽ được đặt vào trong bàn thờ mới, để các nhà thờ khác cũng có thể được dựng lên để tưởng nhớ cùng một vị tử đạo. Thói quen này tiếp tục lan rộng, không chỉ vì lòng sùng kính của người dân, mà còn bởi vì thói quen này có cơ sở trong Kinh Thánh: “Khi Con Chiên mở ấn thứ năm, thì tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng.” (Kh 6,9) Trong khi một số nhà sử học cho rằng câu này đã thúc đẩy thói quen cử hành Thánh lễ trên những ngôi mộ của các vị tử đạo, thì cũng có thể là câu này được viết vào thời điểm mà thói quen này vốn đã tồn tại.

Bên cạnh cơ sở lịch sử và Kinh Thánh cho việc thói quen thánh thiện này, thói quen này còn mang một ý nghĩa thần học to lớn. Có lẽ lý do thần học tốt đẹp nhất là thánh tích của các vị tử đạo được lưu giữ trong các bàn thờ để kết hợp hy tế cuộc đời của các ngài với Hy tế của Chúa Kitô trên đồi Canvê, điều được làm mới một cách bí nhiệm trong mỗi Thánh lễ. Thánh Ambrôsiô viết: “Bên trên bàn thờ, chính Người đã chịu đau khổ vì tất cả chúng ta; bên dưới bàn thờ là những người nhờ những đau khổ của Người mà được cứu chuộc.”[3] Các vị tử đạo được thúc đẩy bởi những đau khổ của Chúa Kitô cũng đã chịu đau khổ vì Người, và giờ đây các ngài cùng nhau ngự trị trong vinh quang. Do đó, việc đặt các thánh tích vào bàn thờ hướng đến sự kết hợp chặt chẽ như thế với Chúa Kitô. Người tái thiết vĩ đại của đời sống đan viện dòng Bênêđictô ở Pháp sau Cách mạng Pháp, viện phụ Dom Prosper Guéranger, đã viết:

“Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Các thánh tích ở đó, nhắc nhở chúng ta rằng các thánh là chi thể của Người. Bởi vì, khi mang lấy bản tính nhân loại của chúng ta, Người không chỉ chịu Khổ nạn, chiến thắng Phục sinh, và bước vào vinh quang qua cuộc Thăng thiên, mà Người còn sáng lập Giáo Hội trên trần gian, và Giáo Hội này là Thân thể nhiệm mầu của Người; Người là làm Đầu của Giáo Hội, và các thánh là chi thể của Giáo Hội. Vì vậy, từ quan điểm này, Chúa chúng ta không có sự viên mãn của Thân thể mầu nhiệm nếu không có các thánh của Người; và chính vì lý do này, các thánh, những người đang trị vì với Người trong vinh quang, được kết hợp với Người, trong Bàn thờ, tượng trưng cho chính Người.”[4]

Từ góc độ này, có thể hiểu tại sao luật lệ truyền thống quy định rõ ràng rằng các thánh tích trong các bàn thờ phải là của các thánh tử đạo, chứ không phải chỉ của bất kỳ vị thánh nào khác nói chung. Có một câu nói nổi tiếng rằng máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội.[5] Thánh tích của các ngài nơi bàn thờ theo một cách xứng hợp là để tưởng nhớ việc Giáo Hội được xây nên nhờ hy tế của các ngài.

Theo quan điểm cánh chung, Thánh lễ cũng là một sự nếm trước vinh quang thiên đàng. Nếu chúng ta muốn ngự trị với Chúa Kitô và các thánh trên thiêng đàng, thì trước hết chúng ta cần phải đi qua con đường hy tế. Chúng ta được mời gọi từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Chúa Kitô như các vị tử đạo đã làm. Kitô giáo đích thực không phải là một tôn giáo của sự dễ dãi, mà là một tôn giáo của Thập giá, trong đó con đường dẫn đến vinh quang vĩnh cửu bắt đầu bằng việc từ bỏ chính mình. Những đau khổ hàng ngày xảy đến với chúng ta không phải là những bất lợi thế tục mà chúng ta phải chịu đựng một cách miễn cưỡng, nhưng là cơ hội để nên thánh khi được kết hợp với Hy tế của Chúa Kitô. Đau khổ có thể mang tính cứu chuộc nếu được sinh ra với tinh thần đúng đắn, và đây là điều chúng ta được mời gọi để thi hành. Mỗi lần chúng ta nghe nói về Thánh lễ, nơi Chúa Kitô hiến dâng chính Người qua đôi tay của thừa tác viên trần thế của Người, là mỗi lần chúng ta cũng được mời gọi dâng lên một chút hy sinh hàng ngày của mình để kết hợp những hy sinh đó với của lễ trọn hảo - là Hy tế của Chúa Kitô trên Thập giá.

Trong phần Nhập lễ của phụng vụ Rôma truyền thống, vị linh mục cầu nguyện rằng: “Orámus te, Dómine, per mérita Sanctórum tuórum, quorum relíquiæ hic sunt, et ómnium Sanctórum: ut indulgére dignéris ómnia peccáta. Amen.

Lời nguyện đó có thể được dịch là: “Lạy Chúa, nhờ công nghiệp của các thánh mà thánh tích của các ngài đang hiện diện nơi đây, cùng với tất cả các thánh của Chúa, chúng con cầu xin Chúa đoái thương tha thứ mọi tội lỗi con. Amen.” Lời nguyện này được đọc thầm ngay sau khi linh mục tiến lên bàn thờ, và luật chữ đỏ buộc vị linh mục cúi mình để hôn kính bàn thờ khi đọc đến chỗ “mà thánh tích của các ngài đang hiện diện nơi đây” (“quorum relíquiæ hic sunt”).

Đây là một lời nguyện tuyệt đẹp, gợi nhớ đến sự hiện diện mầu nhiệm từ các thành viên của Giáo Hội Khải Hoàn, đặc biệt là các vị tử đạo, những vị chuyển cầu cho Giáo Hội Lữ Hành. Theo hướng này, các thánh tích cũng được lữu giữ tại nơi để linh mục có thể hôn kính. Điều này giải thích tại sao các bàn thờ trong Nghi lễ Latinh truyền thống được tôn kính bằng một nụ hôn, và không cúi chào quá nhiều. Những ai nghiên cứu về Lễ nghi Latinh cũng sẽ lưu ý rằng nguồn quy chiếu về các thánh tích được viết ở số nhiều, và điều này cho thấy rằng có nhiều hơn một thánh tích trong khối đá bàn thờ. Một sắc lệnh năm 1906 của Thánh Bộ Nghi lễ quy định rằng một bàn thờ theo nghi lễ Latinh phải có thánh tích của ít nhất hai vị thánh đã được tuyên phong, một trong số hai vị đó phải là thánh tử đạo. Sắc lệnh lưu ý rằng những thánh tích này phải là những bộ phận thật sự từ thi hài của các thánh (thánh tích bậc một), chứ không chỉ là quần áo hay đồ vật mà các ngài đã sử dụng khi còn sống (thánh tích bậc hai).

Có thể tìm thấy một nguồn quy chiếu ít rõ ràng hơn về các thánh tích, mà thường không được chú ý đến, trong phần Kinh nguyện Thánh Thể: “Súscipe, sancta Trinitas, hanc oblatiónem, quam tibi offérimus ob memóriam passiónis, resurrectiónis, et ascensiónis Iesu Christi, Dómini nostri: et in honórem beátæ Maríæ semper Vírginis, et beáti Ioannis Baptistæ, et sanctórum Apostolórum Petri et Pauli, et istórum et ómnium Sanctórum: ut illis profíciat ad honórem, nobis autem ad salútem: et illi pro nobis intercédere dignéam ágimus in ternris ágimus trong ternris ágimus. Per eúndem Christum, Dóminum nostrum. Amen.

Lời nguyện trên có thể được dịch là: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, xin nhận lấy lễ vật mà chúng con dâng lên Ngài để tưởng nhớ đến cuộc Khổ nạn, Phục sinh và Lên trời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, và để tôn vinh Đức Maria Trọn đời Đồng trinh, Thánh Gioan Tẩy Giả, các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và các vị thánh này, cùng toàn thể các Thánh, để việc này có thể làm rạng danh các ngài và mang lại ơn cứu độ cho chúng con, và xin các ngài cũng cầu bầu cho chúng con ở trên trời, những vị mà chúng con tưởng nhớ dưới đất. Nhờ cùng một Đức Kitô, Chúa chúng con, Amen.

Dom Guéranger bình luận:

“Et istórum (và các vị thánh này). Cách diễn giải này đã từng gợi lên một khó khăn: người ta đã nhiều lần thắc mắc rằng, ai là các vị thánh được nhắm đến ở đây? Một số người sẽ trả lời rằng đó là vị thánh được mừng kính trong ngày hôm đó; nhưng trong trường hợp như vậy, chúng ta nên sử dụng từ istius (và thánh này), chứ không phải là từ istórum (các vị thánh này); và hơn nữa, các Thánh lễ cầu cho người đã qua đời cũng sẽ đưa đến một khó khăn khác nếu giải đáp theo cách như vậy; vì vậy, dễ thấy là ý nghĩa mà Giáo Hội muốn nhắm đến phải khác với lối giả định trên. Rõ ràng là ở đây Giáo Hội có ý ám chỉ những vị thánh đang hiện diện ở đó, có nghĩa là, những vị thánh có thánh tích được liên kết chặt chẽ với chính bàn thờ. Chính vì lý do này, khi một bàn thờ được cung hiến, thì thánh tích của một số vị thánh phải được đặt vào trong đó; các thánh tích của một vị thánh sẽ không đầy đủ và sẽ không minh chứng cho cách diễn giải của Giáo Hội ở đây: et istórum. Đúng thế, theo Giáo Hội, để tôn vinh những vị thánh này, những vị ở đây đóng vai trò là một nơi an nghỉ mầu nhiệm mà trên đó Giáo Hội đã được thiết lập, những vị thánh mà trên thân xác của các ngài Hy tế Vĩ đại sẽ được thành toàn: việc đề cập cách đặc biệt đến những vị thánh này ở đây là hoàn toàn phù hợp.

Cũng vậy, vị linh mục cúi xuống và hôn kính bàn thờ sau lời nguyện này, cầu xin các thánh chuyển cầu cách đặc biệt cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta có ít nhất hai trường hợp theo Nghi thức Rôma truyền thống mà ở đó các thánh có thánh tích trong bàn thờ được cầu xin một cách rõ ràng.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của phụng vụ truyền thống trong việc tôn kính các thánh tích là quy định về việc xông hương. Luật chữ đỏ quy định xông hương hai lần cho tất cả các thánh tích được trưng bày ra trên các bậc ở mỗi phía của bàn thờ. Việc này được thực hiện mỗi khi xông hương bàn thờ, không chỉ đối với Thánh lễ, mà còn đối với các Giờ kinh Trọng thể Buổi Sáng và Buổi Chiều. Thói quen trưng bày các thánh tích trên các bậc của bàn thờ chỉ mới xuất hiện sau này, nhưng điều này rất đáng chú ý bởi vì tính chất biểu tượng của hương. Việc sử dụng hương có thể bắt nguồn từ nghi lễ Đền thờ của người Do Thái, và cũng được viết trong Sách Khải huyền: “Một thiên thần khác đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng. Thiên thần lãnh nhận nhiều hương thơm, để dâng trên bàn thờ bằng vàng trước ngai Thiên Chúa, cùng với những lời cầu nguyện của toàn thể dân thánh. Từ tay thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của dân thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa.” (Kh 8,3-4) Chúng ta được mời gọi kết hợp lời cầu nguyện của mình với lời cầu nguyện của các thánh trên trời, đặc biệt là các thánh có thánh tích được trưng bày nơi bàn thờ, để dâng lên Thiên Chúa chúng ta một của lễ ngọt ngào.

Mặc dù không một người Công giáo đúng nghĩa nào lại có thể phủ nhận việc cử hành Thánh lễ trên thánh tích các thánh tử đạo là một thực hành đúng đắn và tốt đẹp, nhưng có lẽ nhiều người sẽ khơi lên mối lo ngại về tính thiết thực của thói quen này, đặc biệt là khi Thánh lễ được cử hành bên ngoài nhà thờ. Theo truyền thống, Giáo Hội có sự phân biệt giữa bàn thờ cố định và bàn thờ di động. Bàn thờ cố định là bàn thờ được làm bằng đá không thể xê dịch được gắn liền với các nhà thờ, trong khi bàn thờ di động chỉ bao gồm một khối đá với các thánh tích được niêm chặt bên trong. Khối đá này, được gọi là đá bàn thờ, có thể được chèn vào một cấu trúc lớn hơn để tạo thành một bàn thờ lớn hơn. Những khối đá bàn thờ có thể được các linh mục mang đi, đặt trên một mặt phẳng, phủ khăn trải bàn thờ, và có thể cử hành Thánh lễ trên đó. Bộ Giáo Luật năm 1917 quy định rằng đá bàn thờ phải đủ lớn để có thể làm nơi đặt Mình và Máu Thánh Chúa. Điều này minh chứng cho sự cẩn thận trong việc đảm bảo rằng Thánh lễ phải được cử hành trực tiếp trên các thánh tích. Ngoài ra, một lựa chọn khác cho các linh mục cử hành Thánh lễ lưu động là sử dụng cái được gọi là “Antimension” (có nghĩa là “thay cho bàn thờ”), đó là một chiếc khăn thánh với thánh tích được niêm trong một cái túi nhỏ để ở một góc. Antimension là một vật phẩm phụng vụ được vay mượn từ Nghi lễ Hy Lạp (hay còn gọi là Nghi lễ Byzantine), do đó vật phẩm này còn có tên khác là Khăn thánh Hy lạp. Những chiếc Antimension là lựa chọn thay thế rất tiện dụng cho đá bàn thờ, và chúng trở nên phổ biến đặc biệt là trong các cuộc Thế Chiến khi đá bàn thờ có nguy cơ bị bom đạn làm cho vỡ tan tành.
 

altarprot901x600x
 Một bàn thờ di động được sử dụng bởi Hội Thừa sai Paris (MEP) của Pháp.
Đá bàn thờ là khối màu trắng nằm phía trước chén thánh.
Bàn thờ này được chụp tại Bảo tàng Giáo phận Penang, Malaysia.

 

latr2838x600
Antimension được thiết kế theo phong cách Byzantine,
thuộc sở hữu của Hiệp hội Thánh lễ Latinh Truyền thống của Malaysia.
Các thánh tích được niêm phong ở góc trên cùng bên phải
và thuộc về các vị tử đạo Trung Quốc, Thánh Giêrônimô Lu và Thánh Giuse Chang,
cả hai đều là giáo lý viên giáo dân. Ảnh của David Naden.


Sau nhiều lần xem xét về tầm quan trọng của hy tế, một vấn đề cuối cùng mà một số người có thể hỏi là “tại sao lại tập trung nhiều vào đau khổ?” Chúa Giêsu Kitô không muốn chúng ta chịu đau khổ chỉ đơn thuần là vì đau khổ. Điều đó sẽ thật là tàn bạo. Đúng hơn, lý do mà đạo Công giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hy tế là bởi vì hy tế là một biểu hiện nổi bật về tình yêu của một người. Một số nhà thần học như Thánh Tôma Aquinô đưa ra lý luận về việc hoàn toàn có thể nói rằng Chúa Kitô có thể sử dụng một phương tiện khác để cứu chuộc chúng ta, vì không có gì là không thể với Thiên Chúa. Tuy nhiên, cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô là cách thức tốt đẹp nhất và thích hợp nhất để cứu chuộc chúng ta, vì qua những đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta được đưa đến việc nhận ra tình yêu sâu xa mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đến nỗi chịu chết vì những tội nhân nhơ nhớp. Vì vậy, chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ về Thiên Chúa như một Đấng lạnh lùng và thờ ơ, ít quan tâm đến công việc của con người. Sự Nhập Thể và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là những lời nhắc nhở siêu việt về tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để yêu mến Thiên Chúa hết lòng, và từ bỏ của cải vật chất để bày tỏ thiện ý đối với Thiên Chúa, với điều kiện là điều đó phải được thực hiện với một tinh thần đúng đắn, tinh thần này chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta quyết tâm yêu mến Người như Người đáng được yêu mến. Các vị tử đạo đã thể hiện điều này một cách tuyệt đẹp qua hy tế anh dũng của mình. Ước gì chúng ta cũng học được cách để noi theo các ngài, đi trên con đường thập tự giá để đạt đến vinh quang vĩnh cửu.


Tác giả: Dickson Leong - Nguồn: onepeterfive.com (01/11/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

 

[1] Nên duy trì thói quen đặt xương thánh dưới bàn thờ được cung hiến, dù không phải là xương các thánh tử đạo.” (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, đoạn 302)

[3] Bức thư 22.

[4] Guéranger, Giải thích các lời cầu nguyện và nghi thức của Thánh lễ.

[5] Thường được gán cho Tertullianô.

Nguồn tin: giaophanvinhlong.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 169
  •   Thành viên online 1
  •   Máy chủ tìm kiếm 11
  •   Khách viếng thăm 157
 
  •   Hôm nay 45,091
  •   Tháng hiện tại 1,052,924
  •   Tổng lượt truy cập 79,801,608