Thế giới trẻ thơ: Giáo lý trong môi trường Gia đình

Thứ sáu - 14/04/2017 15:36      Số lượt xem: 3796

Mỗi ngày trên hành tinh chúng ta luôn xuất hiện thật nhiều điều thú vị cho cuộc sống; đặc biệt là việc chào đón những sinh linh bé nhỏ mới chào đời. Tất cả sinh linh bé nhỏ đó trở thành một trong những thành phần vô cùng quan trọng của cộng đồng nhân loại. Các em tự tạo nên cho mình một thế giới gọi là Thế giới của trẻ thơ. Trong thế giới của trẻ thơ đó, tất cả các em không có ngoại lệ được Thiên Chúa yêu thương, bởi vì các em cũng được tạo ra theo và giống hình ảnh Thiên Chúa.

ThuGuiCacGiaDinhCongGiao

1. Tin mừng được dành cho các trẻ thơ

Sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ đi loan báo Tin mừng tới mọi thụ tạo trong đó cũng có cho các trẻ thơ. Bởi vì chính các em cũng là những điểm đến để đón nhận Tin mừng của Chúa Giêsu: Con Thiên Chúa đã làm người, là Đấng Cứu Độ chúng ta, đã chịu chết nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại và mời gọi tất cả mọi người cùng phục sinh với Ngài và đón nhận Ngài. Vì thế MÔI TRƯỜNG GIÁO LÝ NÓI VỀ CUỘC ĐỜI CỦA GIÊSU CŨNG DÀNH CHO CÁC TRẺ THƠ.

Giáo hội đặc biệt quan tâm đến môi trường, thế giới của trẻ thơ [1]. Vì vậy, hiện nay có nhiều Giáo hội địa phương đã chuẩn bị và xuất bản những cuốn sách để giáo dục đức tin cho các em. Tuy nhiên, một trong những phương tiện và môi trường giáo dục cộng đoàn Giáo hội thì trong đó, trước hết và trên hết là môi trường gia đình - Nơi ấy, chính cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc đến đời sống các em là những người có khả năng tường thuật lại Tin mừng của Chúa Giêsu bằng cách thức phù hợp nhất với điều kiện và hoàn cảnh thực tế.

2. Nhiệm vụ của cha mẹ

Có một câu hỏi được đưa ra: Có thể có một chương trình giáo lý được viết cho các trẻ thơ khi mà chúng không biết đọc không? 

Người mẹ ăn thức ăn cứng rắn để mang lại cho con thơ của mình dòng sữa. Vì thế cha mẹ có thể đọc một cuốn sách, nghe một câu chuyện về Giêsu và có thể truyền lại cho con của mình một thông điệp mà cuốn sách muốn nói. Có thể nói, cha mẹ như là người thông dịch viên, là người chuyển tải sứ điệp Tin mừng mà mình đã hấp thụ, có khả năng chuyển đổi thành ngôn ngữ của trẻ.

Trẻ thơ luôn muốn yêu thương và cần được yêu thương. Ở mỗi trẻ thơ luôn có một khả năng kỳ diệu, một sự kinh ngạc tràn niềm vui. Trẻ ham hiểu biết sự thật trong môi trường xung quanh với tính hiếu kỳ của mình. Vì thế, trẻ thơ thường đưa ra những câu hỏi và chờ đợi một câu trả lời.

Từ những thắc mắc và những ưu tư về thế giới của trẻ thơ, chúng ta nhận ra những điều mà trẻ thơ biết và những gì trẻ thơ có thể hiểu. Mặt khác sự ham hiểu biết của trẻ và nhu cầu thiết yếu trong đời sống tôn giáo của trẻ, chính Thánh Thần của Chúa Giêsu tác động lên và khơi dậy sự khao khát hiểu biết Thiên Chúa trên trời.

3. Sự mở ra của trẻ thơ với Thiên Chúa

Trẻ thơ, thiếu nhi các em dễ dàng và sẵn sàng để tin vào Thiên Chúa là Cha, bởi vì các em có khả năng phó thác một cách hoàn toàn cho Người khi Người đã mời gọi các em đi vào cuộc sống này. Các em biết cầu xin với Người Cha nhân hậu trên trời khi các em tiếp xúc với những gương mẫu của người cha tốt lành của các em. Chúng ta hãy giúp các em đón nhận tình yêu của Chúa dành cho các em và muốn biến đổi các em thành những người con đáng yêu thông qua những quan tâm và sự chăm sóc đầy tình yêu của cha mẹ. Các nhà tâm lý (Goldin và Halez, 1965) đã cho thấy hình ảnh của Thiên Chúa được trình bày qua trung gian là cha mẹ của trẻ, qua đó trẻ cảm nhận được chính Thiên Chúa [2]. Tuy nhiên, cha mẹ không phải là hình ảnh chính xác của Thiên Chúa theo như sự khẳng định của S.Freud nhà phân tâm học người Áo, nhưng hình ảnh này khá gần gũi với trẻ, với những đức tính của người cha như: quan tâm săn sóc, yêu thương, thông minh, sự sắp xếp, công bằng, sức mạnh, tự chủ, cương nghị và có khả năng định hướng cho tương lai…

4. Hãy san bằng con đường đến với Chúa

Đức Giêsu, người đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Cha dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Nhiệm vụ của Cha mẹ và những người giáo dục trên hết là để cho các em đến gặp Chúa Giêsu, đừng gây trở ngại và ngăn cản các em, mà hãy san bằng con đường đi cho các em với những hoạt động tích cực và sự khích lệ yêu thương, bởi vì hành trình của các em đến với Giêsu cần an toàn và tràn đày niềm vui và hy vọng.

Ngày nay, trong nhiều gia đình, chúng ta thường chỉ chăm chú và nuôi dưỡng đời sống thể chất và nhận thức của các em mà đã quên đi hay lơ là trong giáo dục đời sống tâm linh của các em.

Lứa tuổi dễ thương của các em không trở nên trọn vẹn khi các em bị từ chối trả lời những câu hỏi mà các em thắc mắc, để thỏa mãn những nhu cầu đòi hỏi của các em với những vấn nạn về đức tin. Những người lớn, những người làm cha mẹ, những người có bổn phận giáo dục phải khuyến khích động viên và là những người có trách nhiệm trao cho các em trong việc giáo dục của mình. Chúng ta cũng tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta và các em.

5. Phương tiện để phục vụ sự tăng trưởng của thiếu nhi

Đôi khi chúng ta, những bậc cha mẹ, phụ huynh quá dễ dàng trao phó và giới hạn việc dạy giáo lý cho các con cháu mình chỉ ở môi trường trong giáo xứ và giáo họ, nhưng lại quên đi rằng chính mình cũng góp phần không nhỏ trong việc giáo dục đức tin cho các em ngay tại môi trường gia đình.

Tuy nhiên, cha mẹ và những nhà giáo dục, những người được rửa tội, chúng ta không ít lần đối mặt với khó khăn của niềm tin Kitô giáo trong sự giới hạn của mình. Chính vì vậy, ngày nay có rất nhiều Giáo phận cũng đã cho xuất bản về những tài liệu bổ túc thêm cho hành trang giáo lý của chúng ta. Bằng những cuốn giáo lý đơn sơ cho các em thiếu nhi, sẽ giúp để trả lời những câu hỏi của con cái chúng ta và thúc đẩy trong việc giáo dục con cái trong hành trình phát triển đức tin.

Trẻ rất đơn sơ và trung thực, để đối thoại liên lạc với trẻ chỉ cần một cái nhìn trìu mến, một lời âu yếm, một điệu hát vui nhộn cũng đủ làm nên một tín hiệu chuyển tải yêu thương. Nụ cười của người mẹ và tiếng cười của trẻ thơ - Nơi ấy thêu dệt nên sự nối kết yêu thương tình gia đình, tình người và tình cộng đoàn.

6. Hành trình chung cho tất cả mọi người

Những người trưởng thành và các em thiếu nhi đều được mời gọi đi trên một hành trình. Các trẻ thơ có thể đòi hỏi và cần ở những người trưởng thành một sự chú ý, sự chăm sóc và sự dấn thân chắc chắn cho niềm tin. Đối với các em, sự trưởng thành đức tin và khả năng hiểu biết về tình yêu thương của người lớn có thể giúp và trao cho các em với một cách thức đơn giản và thực tế, tự nhiên và chân thành. Vì vậy, giáo lý trong sự tương quan này là món quà mà Thiên Chúa đã trao tặng qua những người trưởng thành mang đến cho trẻ thơ, trong một ý nghĩa chắc chắn giáo lý mà các em tiếp nhận qua những qua lời nói, hành động, cử chỉ và bằng chính đời sống chứng tá. Tất cả được thể hiện trong cuộc sống và việc yêu mến Lời Chúa của người có trách nhiệm giáo dục.

Những người trưởng thành được mời gọi, đón tiếp, khích lệ các em để có một sự trưởng thành trong đức tin và đời sống đạo đức. Tất cả chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi để được cứu độ, trở nên một phần tử của Giáo hội. Trình bày Giáo lý đức tin cho người lớn với một phương pháp mang tính hệ thống và trả lời những vấn nạn trong cuộc sống thường ngày phù hợp với sự hiểu biết của người trưởng thành. Nhưng đối với các em, cũng giáo lý đó, được trình bày thông qua việc đối thoại yêu thương và chứng tá đời sống của người lớn, với các em nó trở nên thức ăn nuôi dưỡng các em. Các trẻ em và thiếu nhi cũng như Giêsu khi còn nhỏ, các em cũng được mời gọi “thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và ân nghĩa đới với Thiên Chúa và loài người” (Lc 2, 52).

Những người lớn trưởng thành chúng ta sống đức tin và giới thiệu Chúa Giêsu cho các trẻ, bằng chính hạt giống đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa tội. Vì thế, khi trình bày Giáo lý cho trẻ thơ, giáo lý cho thiếu nhi và cũng là giáo lý dành cho người trẻ và người lớn: Đó là một hành trình giáo lý thường xuyên và liên tục.

Hy vọng, là bậc cha mẹ, nhà giáo dục và người trưởng thành, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, trong bất cứ môi trường nào, chúng ta hãy cùng đồng hành, dõi theo từng nhịp điệu trong hành trình phát triển đời sống đức tin và nhân bản của các em. Bởi chính các em là mầm non tương lai và niềm hy vọng của Giáo hội cũng như xã hội, và các em đã, đang cùng sẽ làm cho Nước Chúa được xanh tươi sống động trên trái đất này.
 
*Sách tham khảo:
1.CÔNG ĐỐNG VATICANO II, Tuyên ngôn về giáo dục Kito giáo (ngày 28/10/1965).
2. SILVESTRO PALUZZI, Munuale di psicologia, Roma 2008.
Anna Kim Oanh

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 262
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 258
 
  •   Hôm nay 94,222
  •   Tháng hiện tại 793,676
  •   Tổng lượt truy cập 80,726,576