Hành trình Giáo lý Dự Tòng

Thứ sáu - 02/02/2018 20:28      Số lượt xem: 6485

Giáo lý Dự Tòng là làm cho một người đón nhận, tin và sống với Đức Giêsu Kitô. Tiến trình Giáo lý Dự Tòng là giúp cho người đó hoán cải, thay đổi và từ bỏ con người cũ để tin phục và yêu mến một mình Chúa Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã nhập thể để cứu độ con người.


HÀNH TRÌNH GIÁO LÝ DỰ TÒNG
 
“Giáo lý dự tòng, đây không chỉ giản đơn là một giảng khóa để trình bày về giáo thuyết và các giới răn, nhưng là chương trình đào tạo cho toàn bộ đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là thời gian tập sự cần thiết, để giúp các môn sinh sống mối tương giao với Thày của mình là Chúa Kitô. Vì thế các dự tòng phải được khai tâm đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ, thực tập nếp sống theo Tin mừng, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn nối tiếp nhau, họ được dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của đoàn Dân Thiên Chúa.”
(CĐ Vaticanô II, “Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội”, số 4)
 
Từ những thế kỷ đầu của lịch sử Kitô giáo, giáo lý dành cho những người Dự Tòng đã được chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng và có hệ thống để khai tâm và giúp họ đón nhận một Chân lý - Đức tin mới, một con đường mới, một Giáo lý mới, một khởi đầu với những giai đoạn khác nhau. Chính tại nơi đó, họ được gặp gỡ với một Đấng đang sống và Ngài mời gọi họ đi vào mối hiệp thông sâu xa với Ngài. Vì:

“Việc đào tạo có tổ chức này còn hơn là một sự giảng dạy: đó là một cuộc tập luyện toàn bộ đời sống Kitô giáo, “một sự khai tâm Kitô giáo trọn vẹn” dẫn đến cuộc sống đích thực theo chân Chúa Kitô, tập trung vào Ngôi Vị của Người”[1].

Giáo lý đó là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và Con Thiên Chúa. Ngài là chính Giáo lý phải được giáo huấn và qui chiếu, “Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống (x.Ga 14,6). Ngài chính là nguyên thủy và cùng đích của muôn loài muôn vật hiện hữu trong vũ trụ này (x.1Cr 8,6). Ngài là trung tâm điểm của mọi sự và nguồn cội ơn cứu độ cho nhân loại.

Giáo lý Dự Tòng là làm cho một người đón nhận, tin và sống với Đức Giêsu Kitô. Tiến trình Giáo lý Dự Tòng là giúp cho người đó hoán cải, thay đổi và từ bỏ con người cũ để tin phục và yêu mến một mình Chúa Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã nhập thể để cứu độ con người. Tiến trình ấy chính là đem người thụ giáo đón nhận vào hiệp thông mật thiết với Chúa Kitô.

Trở thành người Kitô giáo của người lớn, được thực hiện qua việc lãnh nhận tất cả ba bí tích trong một cuộc cử hành. RICA (Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành) là tài liệu cung cấp một hành trình đặc biệt cho những người trưởng thành, những em nhỏ đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy khi sơ sinh, không cần tham gia vào giáo lý đặc thù này mà chỉ chuẩn bị cho việc lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Mình Thánh Chúa.

Việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội của trẻ em và thanh thiếu niên trước kia, bao gồm ba giai đoạn cử hành: nghi lễ Rửa tội Trẻ em; nghi lễ lãnh nhận Bí tích Thêm sức; Bí Tích Thánh Thể hay Thánh lễ Rước Lễ Lần đầu. Qua nhiều năm thực hành mục vụ đã có hai đổi mới: cử hành Sám hối trước Thánh Lễ và cử hành lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức sau Rước lễ lần đầu.
 
KHAI TÂM KITÔ GIÁO DÀNH CHO NGƯỜI LỚN

Sự mong muốn gia nhập và trở thành Kitô hữu của những người trẻ và người trưởng thành sau 14 tuổi, được thực hiện chính trong Giáo Hội địa phương, Giáo xứ là nơi cử hành cho sự khởi đầu Kitô giáo này.
Để chuẩn bị quá trình khai tâm Kitô giáo cho người Dự tòng từ trong thời kỳ đầu của Giáo Hội đã hướng dẫn tiến trình khai tâm Kitô giáo này được chia làm ba thời kỳ loan báo:

1.       Thứ nhất là Loan báo Tin Mừng- Kerigma: Đây là  việc loan bao đầu tiên, loan báo chính Tin mừng cho người chưa tin: Loan báo về Đức Giêsu, khởi đi từ màu nhiệm Phục sinh: cuộc Tử nạn và sự Sống lại của Ngài. Loan báo này đòi hỏi một sự thích nghi uyển chuyển với điều kiện của mỗi cá nhân về trình độ học vấn và văn hóa. (x. Phao-lô ở Athens (Cvtd 17,20-28), hoặc Phêrô trong tiếng Hê-bơ-rơ).

2.       Thứ hai là Truyền giảng Tin Mừng - Didaché: cũng thuộc về rao giảng đây là những bài dạy giáo lý đơn giản của các Tông đồ cho cộng đoàn Tín hữu với ngôn ngữ giản dị trong tình gia đình để khích lệ động viên tinh thần diễn ra trong bối cảnh phụng vụ, đây là giáo huấn thông thường của Huấn quyền.

3.       Thứ ba là dạy Giáo lý - Catechesi: dạy giáo lý, đó là một cách giảng dạy chuyên sâu hơn và hệ thống, có tính thống nhất của sứ điệp Tin Mừng giúp phát triển mối tương quan của người Dự Tòng để trở thành Kitô hữu. Thông thường, việc dạy giáo lý được thực hiện trong việc loan báo và truyền giảng. Đó là một sự dạy dỗ hoàn chỉnh. Đức tin được sinh ra từ việc loan báo đó làm cho sâu sắc hơn, làm sáng tỏ hơn trong giáo lý, và được nâng đỡ và cập nhật trong bài giảng. Giáo lý trước tiên là giải thích kinh Tin kính, đến luân lý, rồi cầu nguyện và phụng vụ.

Vì vậy, chúng ta có Giáo lý trước khi rửa tội (tiền Dự Tòng) - Giáo lý Nhiệm tích (Dự Tòng): với các bài giáo lý Nhiệm tích - và Giáo lý hậu Dự Tòng (hậu Khai Tâm): giải thích đời sống Kitô hữu bắt đầu từ cử hành Phụng vụ, trong đó các Kitô hữu mới đã được tham gia.
 
Tiến trình Giáo Lý Dự Tòngcó thể chia thời gian huấn giáo và hành trình Khai tâm của Dự Tòng làm 4 giai đoạn và 3 nghi thức Phụng vụ chính sau đây (RICA,6)
 
 
I/ GIAI ĐOẠN TIỀN DỰ TÒNG - PHÚC ÂM HÓA
(Precatecumenato)

Giai đoạn đầu tiên này,  người ứng viên bắt đầu tiếp cận đời sống Kitô hữu và hành trình tiến vào con đường đức tin Kitô giáo,được đón nhận Phúc Âm hóa là cuộc “gặp gỡ” ban đầu giữa người chưa có đức tin đang muốn tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa, nội dung giáo lý của thời gian này là giúp, giới thiệu cho Tiền Dự Tòng những điểm khái quát về đức tin Kitô giáo bao gồm những mầu nhiệm chính yếu : Thiên Chúa, Đức Giêsu-Kitô, Lời mặc khải (Kinh Thánh), Giáo Hội.

Tất cả giai đoạn Tiền Dự Tòng được dành cho việc Phúc Âm Hóa. Qua đó ước ao chân thành theo Chúa Giêsu và lãnh nhận Phép Rửa được lớn lên. Trong suốt thời gian này, Hướng Dẫn Dự Tòng (Linh mục, Phó tế, Nữ tu, Giáo lý viên...) giúp cắt nghĩa Tin Mừng cho người tìm hiểu sao cho thích hợp. Người tìm hiểu phải nhận được sự lưu tâm giúp đỡ để có được ý định trong sáng hầu cộng tác với ơn Chúa .
  • Nghi thức tiếp nhận người Dự Tòng (RICA, 16): Để đánh dấu việc Dự Tòng thành tâm tỏ lòng khát khao tìm hiểu Đức Kitô và tham dự Tiến Trình Giáo Lý Dự Tòng. Cộng Đoàn đại diện Giáo Hội đón nhận anh chị em Dự Tòng. Chính thức được gọi là Dự Tòng - Catecumenato.
 
II/ GIAI ĐOẠN DỰ TÒNG
(Il Catecumenato)

Đây là thời gian dài nhất , nhằm giúp người Dự Tòng học hỏi đạo lý và các nghi lễ liên hệ đến mình. Trong thời gian này có một số các cử hành phụng vụ thích hợp để người Dự Tòng hội nhập sâu xa vào đời sống đức tin của Dân Chúa. Trong giai đoạn này người Dự Tòng sẽ: Tiếp tục học hỏi, nuôi dưỡng và phát triển đời sống Đức Tin. Tập cầu nguyện và nghe Lời Chúa. Quyết tâm và nỗ lực hoán cải trở về với Thiên Chúa. Cộng Đoàn liên kết cầu nguyện cho Dự Tòng.
  • Nghi thức tuyển chọn (RICA, 23): Được cử hành tại nhà thờ Chính Tòa Giáo Phận do Đức Giám mục chủ sự. Đức Giám mục thay mặt Giáo Hội Công Giáo chính thức đón nhận Dự Tòng vào đại gia đình Công Giáo. Việc cho phép tuyển chọn là việc liên quan đến Giám mục. Điều này có nghĩa là bao gồm sự hiện diện của chính Giám mục giáo phận hoặc sự hiện diện của một vị ủy nhiệm của ngài trong việc thẩm định Dự Tòng. Trước khi gửi Dự Tòng đến Đức Giám mục, Cộng Đoàn có nghi thức ghi tên Dự Tòng vào sổ của giáo xứ và sai đi. Người Dự Tòng được gọi là Người Được Tuyển Chọn.
 
III/ GIAI ĐOẠN THANH TẨY - THẮP SÁNG NIỀM TIN
Purificazione e illuminazione (RICA 21)

Đây là thời gian cao điểm của tiến trình Dự tòng. Thời gian này thường bắt đầu và kéo dài suốt Mùa Chay, là lúc "Người Được Tuyển Chọn" chuẩn bị những hành trang thiêng liêng cần thiết sau cùng để được lãnh nhận các bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm Sức và Mình Thánh Chúa. Trong giai đoạn này "Người Được Tuyển Chọn" sẽ: Quyết tâm và hết lòng hoán cải từ bỏ nếp sống cũ và trở về với Đời Sống Mới và Cộng Đoàn tiếp tục liên kết cầu nguyện hỗ trợ anh chị em Tuyển Chọn.
  • Việc cử hành các bí tích: Kết thúc giai đoạn này nghi thức nhận lãnh các Bí tích Khai tâm và chính thức trở thành người Công Giáo.
Đón Nhận Các Bí Tích Khai Tâm: Được cử hành trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Người Tuyển Chọn sẽ lãnh nhận ba Bí Tích Khai Tâm Kitô – Rửa Tội, Thêm Sức & Mình Máu Thánh Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, các tân tòng, hiệp nhất với sự chết và sống lại của Đức Kitô, được giải thoát khỏi quyền lực bóng tối, đón nhận Tinh Thần nghĩa tử và trở thành những tạo vật mới; với bí tích Thêm sức, những người tân tòng, được ghi ấn tín Thánh Thần, được uốn nắn nên giống Chúa Kitô; thông dự với toàn dân Thiên Chúa khi tham dự Thánh lễ, tưởng niệm sự chết và sống lại của Chúa. Bí tích Mình Máu Chúa là lương thực Thần linh nuôi dưỡng và tăng sức linh hồn trong hành trình đời sống Kitô hữu tiến về cuộc sống mai hậu.

IV/ GIAI ĐOẠN HẬU KHAI TÂM -NHIỆM HUẤN
Mistagogia(RICA, 37)

Sau khi lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm, các dự tòng còn phải được đào sâu mầu nhiệm đức tin, tiếp cận gần gũi hơn, thân mật hơn các cử hành phụng vụ của Hội Thánh và dấn thân tích cực hơn, sâu xa hơn vào nhịp sống đức tin của Dân Chúa. Mục đích của giai đoạn này là:

    - Gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm của Đời Sống Mới.
    - Tiếp tục học hỏi Giáo Lý.
    - Được mời gọi gia nhập giáo xứ.
    - Khuyến khích tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể để duy trì và phát triển liên hệ với Chúa và tha nhân.
    - Được gọi là Tân Tòng - Neofiti.

Tất cả những thời kỳ này đều được cử hành các nghi lễ phụng vụ đi kèm với cuộc hành trình để đánh dấu các giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Do đó, có ba nghi lễ phụng vụ này diễn tả những giai đoạn trưởng thành, lựa chọn và bước vào đời sống Kitô hữu. Với những lời cầu nguyện, chúc lành và tuyên bố từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng vào Thiên Chúa Ba Ngôi (trước khi rửa tội), dạy giáo lý, các hoạt động bác ái đặc trưng cho các giai đoạn khác nhau đó.
(Còn tiếp theo...)
 
*                                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- CÔNG ĐỒNG CATICANÔ II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội,Ad Gentes, số 4 (7/12/1965)
- THÁNH BỘ GIÁO SĨ -ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN TRỰC THUỘC HĐGM VN, Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo lý (26/07/2008).
     - J. DANIÉLOU, La catechesi nei primi secoli (1982).
     - ORDO INITIATIONIS CHRISTIANAE PRAENOTANDA [EV 4/1346-1420]
Rito dell'iniziazione cristiana degli adulti (RICA) (1978)
 
Anna Trần Thị Kim Oanh                                                                    
 
[1]THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy Giáo lý, số 67, tr 59.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 191
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 182
 
  •   Hôm nay 35,285
  •   Tháng hiện tại 1,067,293
  •   Tổng lượt truy cập 79,815,977