Giải viết Văn đường trường 2016 - Bản tin 06

Thứ tư - 16/03/2016 20:46      Số lượt xem: 3603



GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016

BẢN TIN 06

GIA HẠN NHẬN BÀI ĐẾN 31-3-2016

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Tiến gần đến Tuần lễ Thánh 2016, Ban Tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường xin kính chúc mọi người cảm nghiệm được thật sâu xa tác động cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn và trong cuộc sống.

Xin sức mạnh cứu chuộc của Chúa nâng đỡ chúng ta trên dặm dài cuộc sống. Cuộc thi Viết Văn Đường Trường với chương trình 6 năm, nay đã tới được năm thứ tư cũng là nhờ ơn Chúa. Xin quý vị và các bạn đừng quên yểm trợ bằng lời cầu nguyện.

Bản tin số 6 xin được gửi đến mọi người 8 truyện dự thi mới được chọn qua vòng sơ loại.

Xin mời xem thể lệ cuộc thi ở cuối bản tin này và các thông tin khác về cuộc thi tại:http://gpquinhon.org/qn/news/viet-van/

Nhân đây Ban Tổ chức xin nhắc lại: Cuộc thi lần thứ 4 (2016) đang vào “giai đoạn nước rút” với lượng bài dự thi gởi về ngày càng nhiều. Theo thể lệ đã công bố thì đến ngày 1/3/2016 là hết hạn nhận bài của lần này. Tuy nhiên qua trao đổi, nhận thấy vẫn còn nhiều tác giả muốn tham gia dự thi nhưng không kịp hoàn thành bản thảo, để tạo điều kiện cho các tác giả có thời gian hoàn thiện bản thảo dự thi, Ban Tổ chức quyết định gia hạn việc nhận bài của giải 2016 thêm một tháng. Hạn cuối nhận bài là đến hết ngày 31-3-2016. Rất mong sẽ có thêm nhiều truyện dự thi gởi đến cho Ban tổ chức để cuộc thi thêm phong phú và hấp dẫn.

Nếu quý độc giả phát hiện bài nào chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

Ước mong quý vị và các bạn giúp giới thiệu chương trình này thật rộng rãi.

Xin chân thành cám ơn.

Qui Nhơn, ngày 15-03-2016

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

****

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 16-060

TIN MỪNG GIỜ THƯƠNG XÓT

 

Kết thúc giờ kinh chiều, tôi rời khỏi nhà nguyện. Vừa về đến phòng, chiếc điện thoại đã đổ chuông báo tin nhắn mới. Cứ nghĩ là thông báo ý cầu nguyện giờ kinh Lòng Thương Xót 3 giờ chiều của nhóm, tôi vội cầm điện thoại lên. Hóa ra không phải. Là tin nhắn của cháu gái ở quê xa:

“Dì ơi! Nhà ông Hưu đi đạo trở lại rồi, mà con Thúy thì không chịu đi. Hôm trước, ông ấy nói cháu sang gọi con Thúy đi học giáo lý. Cháu gọi mà nó  không chịu. Từ đó nó không nói chuyện với cháu nữa, cháu nhắn tin nó cũng chẳng thèm trả lời. Giờ phải làm sao cho con Thúy trở lại hả dì?”.

 

***

Nhà ông Hưu ở đầu xóm dưới, nhà tôi ở cuối xóm trên, nên hai gia đình chỉ cách nhau có mấy trăm mét. Ông Hưu là bạn làm rẫy với bố tôi, bà Minh là bạn chợ với mẹ tôi, còn Đào, con thứ ba của ông bà là bạn thân cùng lớp với tôi suốt bốn năm học cấp hai. Ông Hưu vui tính lắm, lại hay văn thơ nữa. Hồi chị gái tôi sắp lấy chồng, mỗi lần ông đi làm đồng về, đang cỡi trên xe bò, ông cũng nói vọi vào nhà:

Ông Quang có tấm rèm thưa

Có cô con gái mà chưa lấy chồng

Ai ai đến hỏi cũng không

Chú Khai đến hỏi bằng lòng gả ngay.

Rồi ngày xưa, nhà tôi có hai cây dừa đầu hai góc vườn. Mỗi lần đi làm rẫy về, thấy tôi ông lại cười và đọc thơ:

Ông Quang có hai cây dừa

Đứng kề trước ngõ bốn mùa tốt tươi.

Mấy năm sau, nhà tôi bán đất lấy tiền nộp học cho anh trai, nên một cây dừa sai quả nhất đã thuộc về ngõ nhà người ta. Ông Hưu đi qua, thấy tôi lại cứ đọc:

Ông Quang có hai cây dừa …

Chưa để ông nói hết câu, tôi đã cười và ngắt lời:

– Bữa nay nhà con có được một cây dừa thôi ông ạ!

Ông đáp lại:

Ông Quang có một cây dừa

Đứng kề trước ngõ nắng mưa xanh rờn.

Tôi phì cười, khen ông tài, ứng xử mau lẹ. Tôi hay xuống nhà ông để học, chơi với Đào. Hai đứa cùng nhau học bài, ôn thi tốt nghiệp cấp hai. Giờ giải lao thì ra chơi đá cầu. Chơi cầu được mấy bữa thì lông cầu rụng hết, chúng tôi lại hái mấy cái lá ven đường buộc túm lại, rồi đưa lên chân khấc từng cái, mà cũng điêu luyện chẳng kém cầu nhựa kia. Ngoài giờ học văn hóa, chúng tôi cùng là bạn học giáo lý. Hầu như năm nào thi giáo lý cả hai đứa cũng đạt điểm ưu. Và rồi, một biến cố đã xảy ra khiến cho gia đình nhà ông Hưu bất mãn. Năm học đó, sau kì thi giáo lý cuối năm, tôi và Đào ra về phấn khởi vì làm được bài. Nhưng khi thông báo kết quả thì Đào điểm thấp lắm, chẳng ưu như tôi nữa. Nó thắc mắc với tôi, tôi thắc mắc với bố tôi, vì bố tôi là trưởng Ban giáo lý xứ. Bố tôi vội vàng bảo các thầy xem lại bài. Chấm lại thì bài đó vẫn không có thay đổi về điểm số. Ngày phát phần thưởng thì không có tên của Đào. Gia đình họ bắt đầu xầm xì, xôn xao. Bố tôi đích thân kiểm tra lại, thì phát hiện ra có sơ suất trong việc dán phách. Bài làm của Đào được dán vào một cái tên khác, còn cái bài có tên của Đào thì có nét chữ khác. Bố tôi cùng với một số thầy nữa duyệt đi duyệt lại và tìm được đúng bài của Đào, và đúng là điểm ưu. Trong Thánh lễ Chúa nhật, bố tôi thay mặt Ban giáo lý xứ xin lỗi công khai gia đình nhà ông Hưu và cả Cộng đoàn, vì sơ suất đó. Cha xứ cũng xin lỗi, và đích thân ngài trao phần thưởng cho Đào trong Thánh lễ. Mọi chuyện bắt đầu chỉ có thế thôi. Tôi và Đào vẫn chơi với nhau. Ông Hưu và bố tôi vẫn qua lại với nhau. Bà Minh và mẹ tôi vẫn chuyện trò với nhau…

Hết năm học ấy, tôi và Đào lên cấp ba. Hai đứa đã học hai lớp khác nhau, nó học khối A, tôi học khối D. Mỗi đứa đều có những người bạn mới, những lịch học mới không giống nhau. Bố tôi thì có tuổi, chẳng còn làm rẫy trên nương cao. Bố tôi chuyển tới làm việc tại phòng khám Đông Y với các thầy Dòng, theo lời mời của cha Sở Hạt mới về, nơi nhà xứ cách xứ tôi ba mươi cây số. Bởi thế mà hai gia đình ít qua lại hơn xưa, và tôi cũng không biết chuyện gì đang xảy ra trong nhà của họ.

Năm ấy giáo xứ tôi bắt đầu có cha xứ mới. Cha vẫn thực hiện chương trình “Hũ gạo tiết kiệm” do cha tiền nhiệm khởi xướng. Cha kêu gọi giáo dân mỗi lần nấu cơm bớt ra một nắm gạo bỏ vào hũ tiết kiệm. Vào Chúa nhật, học trò các lớp giáo lý đến từng nhà, từng nhóm để thu số gạo tiết kiệm ấy đưa về kho nhà xứ, để đi phát cho người nghèo, hoặc mang về Đại Chủng Viện ủng hộ các thầy. Nhưng khi đám học trò đến nhà ông Hưu thì bị gạt đi. Mấy tuần đầu là ông Hưu lên tiếng: “Người ta đi làm cực nhọc, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới được hạt gạo, cho gì mà cho”. Mấy tuần sau, nhóm học trò khác lại đến đi xin, bà Minh nói thẳng thừng: “Nhà này không có gạo cho đâu mà xin, đi đi”. Từ đó, đám học trò truyền miệng nhau, không ai dám đến nhà ông Hưu nữa. Và gia đình ông cũng tự nguyện rút lui khỏi danh sách các hộ gia đình trong nhóm 9 của giáo họ trị sở. Các con của ông không còn được đi học giáo lý. Hai đứa con gái lớn của nhà ông Hưu, đứa học hết đại học, đứa học hết cấp ba đã đi làm xa. Cả hai đều yêu phải người lương. Gia đình lo tổ chức cưới xin cho nó, nhưng không theo phép đạo. Cha xứ tuyên bố giữa nhà thờ rằng ai đi dự đám cưới của những trường hợp như vậy thì cũng bị mắc vạ, mất linh hồn. Vì thế mà anh em họ hàng, bà con lối xóm cũng không đến tham dự. Nó cưới xin xong rồi đưa nhau đi lập nghiệp ở đâu đâu dân làng cũng chẳng rõ. Gia đình ông ngày càng tự cô lập mình với dân làng, và mọi người bắt đầu xa lánh…

Nhà ông Hưu nằm ngay trên đường từ nhà tôi đến nhà thờ. Trước đây, nhà của ông xây sâu ở bên trong, nối với con đường bằng một cái cổng đất thật dài. Chỗ đó cũng rậm rạp, có mấy bụi tre tối thui, mà người già trẻ nhỏ đi qua đều sợ vì những câu chuyện ma hiện ra nơi bụi tre, được truyền từ đời này sang đời khác. Bữa nay, sau ngày tôi đi học đại học về, thấy vùng đất đó mọc lên nhiều ngôi nhà mới ngói đỏ, của các gia đình trẻ mới cưới, được bố mẹ ra riêng cho một phần đất. Mấy bụi tre truyền kỳ cũng bị chặt hết, rảnh quắc. Nhà ông Hưu cũng xây lại nhà mới, ở sát đường. Nhưng thật kỳ cục, nhà ông xây không ngoảnh mặt ra đường, mà quay về hướng xuôi. Vào dịp tết hay lễ trọng, các gia đình ở quê tôi có truyền thống treo cờ vàng trắng. Các con đường nối đến nhà thờ rực rỡ hơn, sáng tươi hơn nhờ những hàng cờ vàng trắng tung bay phấp phới. Nhưng đến ngay đỉnh dốc, cách nhà thờ vài trăm mét, tức là nhà ông Hưu, thì lại sừng sững một cái cờ đỏ sao vàng. Hễ người ta treo cờ Giáo Hội là ông Hưu lại đi treo cờ Tổ Quốc. Ai đi qua cũng phải nhìn ngôi nhà ấy một cách rất chướng mắt. Một cái cổng sắt cao cũng được dựng lên bọc kín ngôi nhà. Hầu như chẳng mấy khi thấy cổng mở, và không một bóng người trong làng lai vãng tới. Dịp nghỉ tết về, tôi đi nhà thờ qua, thấy đám bạn con trai dân chơi to lớn, lạ hoắc , hình như là đám bạn Đào mới quen ở thành phố. Tôi và Đào đã chẳng còn chơi với nhau nữa, dù cùng học đại học ở Thủ Đô. Đào sống ở ngoại ô, còn tôi sống ở trung tâm thành phố. Đã nhiều lần tôi gọi điện rủ Đào đi lễ Chúa nhật và sinh hoạt nhóm sinh viên Công giáo, nhưng Đào không đi. Cách sống của nó cũng khác tôi, gu thời trang, ăn mặc cũng khác nhiều. Nó sành điệu hơn, chải chuốt hơn chứ không quê mùa như tôi.

Thời gian dần trôi. Kể từ ngày gia đình ông Hưu bỏ đạo, giáo xứ tôi cũng chuyển đổi cha xứ đến năm lần. Các cha cũng thao thức nhiều vì gia đình này. Hồi mới đến, cha nào cũng hỏi thăm tình hình trong xứ, xem có những con chiên lạc nào cần đi tìm. Có một cha trong nhiệm kỳ ba năm, đã rửa tội cho rất nhiều người, và đưa nhiều con chiên lạc bỏ đạo lâu năm về với Chúa. Cha cũng đã cố gắng đến động viên, hỏi thăm, tiếp cận gia đình ông Hưu nhưng không được. Ngày cha đi nhiệm sở mới, cha vẫn còn nhắc đến gia đình ông với niềm thao thức, khắc khoải và hứa cầu nguyện. Sau cha đó, một vị Linh mục khác về quản xứ trong bốn năm. Cha này thì khác, ít ra ngoài đến với giáo dân. Nhưng con đường cha đi đến làm lễ ở một giáo họ nhỏ cũng phải đi qua nhà ông Hưu, và chắc là cha cũng phải để ý đến nhà ông ấy. Rồi một Linh mục trẻ mới chịu chức cũng được sai về đây làm cha phó. Ngày cha được thụ phong, cha đã cầu nguyện với lời của cha thánh Gioan Bosco: “Xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác, xin cứ lấy đi”. Cha cũng thao thức nhiều trong việc truyền giáo cho những người đã bỏ đạo. Trong vòng một năm, cha cũng bắt được nhiều “con cá lớn”, đưa họ trở về với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Vẫn là con đường thân quen ấy, con đường từ nhà thờ đến nhà tôi, qua nhà ông Hưu, cha xứ mới đi thăm các gia đình trong vùng. Nhà nào cha cũng đến và biết rất rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, con cái của người ta. Riêng nhà ông Hưu, cha cũng vào nhưng họ lẩn tránh. Ngày cha phó chuyển đi, lên làm cha sở ở vùng truyền giáo mới miền dân tộc thiểu số, cha vẫn khắc khoải về trường hợp nhà ông Hưu, và phó thác cho Chúa.

Tôi cũng cầu nguyện cho gia đình ông Hưu nhiều. Tôi không muốn mỗi lần về quê nhìn thấy cảnh tượng một gia đình Công giáo treo cờ đỏ để tỏ ý đối kháng với những người treo cờ vàng trắng. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh gia đình đã từng rất thân với tôi, sống gần gũi với xóm làng giờ đây lại tự tách mình cô lập. Tôi không muốn nhìn những con người thân yêu đó của tôi bỏ lễ, bỏ học giáo lý, coi việc giữ đạo là một gánh nặng. Nhưng tôi chẳng biết làm thế nào, ngoài những  lời cầu nguyện âm thầm. Không biết có phải vì tôi khắc khoải lắm chăng, mà hôm trước nằm ngủ, tôi mơ một giấc mơ đẹp. Trong giấc mơ, tôi đặt mục tiêu truyền giáo, nghĩa là tôi phải coi việc truyền giáo là một điều rất cần thiết phải làm, và mỗi người đều phải truyền giáo cho được ít nhất là một người. Và mục tiêu của tôi, không ai khác, chính là Đào, người bạn đã từng là bạn thân của tôi, giờ đang làm việc nơi xa xôi: đất nước mặt trời mọc. Tỉnh dậy, tôi dâng một lời cầu nguyện cho Đào, và cho gia đình ông Hưu.

***

Nhận được tin nhắn của cháu gái mà tôi vui mừng khôn tả. Tôi gọi điện cho chị gái, mới xây nhà đối diện với nhà ông Hưu, để hỏi cho cụ thể. Chị bảo rằng cha xứ mới về đã đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình ông, rồi không biết thế nào vợ chồng ông xin trở lại. Hôm trước bà Minh sang nhờ chị may bộ áo dài đi lễ và may một tấm cờ vàng trắng thật to. Ông Hưu thì sang chơi, nói chuyện và nhờ cháu tôi rủ con Thúy, út nhà ông đi học giáo lý. Tôi nhắn lại cho cháu :

“Cứ cầu nguyện trước hết, và phó thác cho Lòng Thương Xót của Chúa cháu ạ. Chỉ Chúa mới biến đổi được quả tim con người, và cũng vào thời gian mà Chúa muốn. Cháu cứ an tâm đi nhé, năng qua nhà Thúy chơi, động viên nó. Có thể nó chưa muốn đi học giáo lý vì mặc cảm về gia đình bỏ đạo lâu năm. Cháu hãy xóa đi khoảng cách, và nó sẽ thấy gần gũi rồi sẽ đi học trở lại thôi”.

Vừa bấm tin nhắn gửi cho cháu gái xong, thì lại nhận được tin nhắn. Lần này là tin nhắn thông báo thật:

“Giờ của Lòng thương xót. Hôm nay xin anh chị em cầu nguyện cho những người đã bỏ đạo lâu năm được ơn hoán cải và giao hòa”.

Bỏ điện thoại xuống, tôi bắt đầu đọc kinh: Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa Toàn Năng, Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới ….

 

****

Mã số: 16-061

TÌNH YÊU NHỜ MẸ

 

“R…ầm…m…”

Tiếp sau đó là tiếng cô gái vang lên trong tức tối:

– Mấy người đi đứng kiểu gì kì vậy hả? Bộ bị ma đuổi hay sao mà chạy không thèm mở mắt hả? Ui trời ơi… cái chân của tui…

– Xin lỗi cô!!! Xin lỗi cô!!! Tại… tại tôi vội quá nên không cẩn thận, cô bỏ qua cho.-  Anh vừa nói vừa đỡ cô dậy.

– Ôi trời đất ơi!… Mới ngày đầu đi học mà đã xui xẻo vậy rồi. Chắc tui chết quá…- Cô vừa nói vừa ngẩng lên nhìn anh. “Nhìn mặt cũng đẹp trai, cao ráo, sáng sủa, mà sao… đáng ghét!”.

– Vâng! Vâng… cho tui xin lỗi cô nghen. Ủa mà cô cũng là sinh viên năm nhất hả?.. Tui cũng vậy nè. Tui tên Nam, quê Ninh Thuận, lớp TA1. Còn cô?

– Cái gì?- Cô mở to đôi mắt vốn đã rất tròn như hai viên bi vốn là niềm tự hào cô.

– Có gì không ổn hay sao mà cô la to dữ?- Anh ngạc nhiên.

– Thôi… không có gì đâu.

Cô lẳng lặng dắt xe vào trường bỏ mặc anh đứng ngơ ngác vì không hiểu sau hai chữ “Cái gì” đó là cái gì?

“Nhìn cũng dễ thương mà sao đanh đá dữ!”. Anh vừa cười vừa nghĩ.

Đó là ngày đầu tiên anh gặp cô, đó cũng là ngày làm thay đổi cuộc đời cô và anh. Họ đã yêu nhau được bốn năm. Suốt những năm tháng học đại học, anh và cô có những khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Có những lúc vì chuyện này chuyện nọ mà cô giận anh, không thèm nhắn tin hay trả lời tin nhắn của anh. Những lúc như vậy anh thường trèo lên cửa sổ nhà trọ cô ở, trong tay cầm theo một lon sô đa chanh táo (món đồ uống mà cô yêu thích nhất), thế là cô lại cười toe và họ lại vui vẻ bên nhau. Tình yêu của anh và cô trẻ con như thế, lại là tình đầu nên bạn bè của cô thường nói là sẽ không bền vững, nhưng cô không tin như vậy, cô luôn tin một ngày không xa, anh sẽ dẫn cô về ra mắt gia đình nhà anh.

Gia đình anh tuy ở tỉnh lẻ nhưng lại là gia đình giàu có, bố anh là giám đốc một công ty may mặc của nhà nước, còn mẹ anh là hiệu trưởng một ngôi trường cấp 2 của tỉnh. Anh là con trai, lại là con một nên được ba mẹ yêu thương rất mực. Đáng ra anh đã được đi du học khi học hết phổ thông theo tiêu chuẩn của tỉnh, nhưng anh không muốn như vậy, anh muốn tự đứng trên đôi chân của mình. Tính anh vốn thật thà, chất phác, siêng năng, không như những công tử con nhà giàu khác chỉ biết cậy thế và phá tiền của bố mẹ. Suốt bốn năm yêu nhau, cô chưa hề biết anh là công tử nhà giàu như vậy, vì anh cũng ở xóm trọ nghèo giống cô, cũng bôn ba tất bật đi làm thêm để kiếm từng đồng trang trải cho cuộc sống sinh viên như cô, cũng xì xụp mì gói vào mỗi cuối tháng như bao sinh viên khác…  Nơi anh không có một chút gì là công tử con nhà giàu cả.

Còn cô, cô sinh ra trong một xóm đạo nhỏ ở một vùng quê nghèo, nơi mà người ta vẫn kháo nhau:

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định cầm roi đi quyền

Gia đình cô – một gia đình thuần nông, thật thà, chất phác, là những con chiên ngoan đạo trong một giáo xứ kì cựu của hạt Bình Định. Cô là chị cả của 4 đứa em đang tuổi ăn tuổi học nên mọi chi phí cho cuộc đời sinh viên cô đều tự mình làm ra.

Suốt 4 năm đại học là khoảng thời gian đẹp của cô và anh.

Tháng 8/2014, cô và anh cùng được nhận bằng tốt nghiệp của trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn. Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trong tay, cô vừa mừng vừa buồn khi chia tay anh để trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình với lời hứa của anh:

– Anh sẽ tìm đến quê em, sau đó mình sẽ cùng nhau ra mắt bố mẹ anh.

Anh và cô chia tay nhau để về quê của mình, đồng thời làm công tác tư tưởng với bố mẹ trước.

Ngày cô về, bố mẹ vẫn còn đang cặm cụi cắt cỏ cho bò ở trên đồng, vì cô không báo trước. Thằng em út thấy chị Hai về thì mừng quá, cứ ở trần tồng ngồng chạy đi báo  cho bố mẹ. Ông bà vội vàng bỏ cả bao cỏ đang cắt dở để chạy về đón đứa con gái sau 4 năm xa cách (vì cô làm gì có tiền để mỗi đợt hè hay đợt tết về thăm gia đình, thời gian đó cô tất bật ở nơi làm thêm để tranh thủ kiếm thêm chút ít cho mẹ có tiền sắm đồ tết cho mấy đứa em). Nhìn khuôn mặt cháy nắng đen sạm của bố, đôi bàn tay thô ráp của mẹ mà nước mắt cô lưng tròng.

Đêm đó là đêm cô hạnh phúc nhất sau bao nhiêu năm xa cách. Cả gia đình, dòng họ, bà con chòm xóm quây quần trong khoảng sân đất được lót bạt, bên nồi bắp luộc và cùng nhau chuyện trò thật rôm rả, ấm cúng, dưới ánh trăng vàng vằng vặc bên cạnh tiếng ếch, nhái, ễnh ương… Đã lâu lắm rồi cô không có được những giây phút như vậy.

Đêm hôm sau, khi cả gia đình quây quần bên nồi bắp rang sau một ngày làm việc cực nhọc, trong niềm hạnh phúc vô bờ, cô kể cho bố mẹ nghe về Sài Gòn, về thời sinh viên của cô… và về anh, về khoảng thời gian hạnh phúc của cô và anh, về lời hứa của anh…

– Nhưng nó không có đạo đó Nữ.- Nghe xong mẹ cô trầm ngâm đáp.

– Trời ơi con tưởng chuyện gì, ảnh hứa là ảnh sẽ học giáo lý và theo đạo mà mẹ.- Cô đáp cách vui vẻ.

– Ừ, nếu được như vậy thì ba mẹ mừng cho con.

– Hu…hu…hu… Con không chịu đâu, chị Hai không được có chồng, chị Hai có chồng thì không ai thương con nữa… Hu..hu..hu…- Thằng Út tự dưng bật khóc.

Lòng cô chợt chùng xuống, nó là đứa em cô thương nhất. Khoảng thời gian xa nhà, cô nhớ nó nhất. Cô ôm nó vào lòng thủ thỉ:

– Út ngoan, Hai lúc nào cũng thương Út mà. Để mai Hai dẫn Út lên siêu thị trên phố chơi nghen.

Thằng Út cười toe khi nghe cô nói vậy. Gia đình lại vui vẻ bên nhau. Cô lại nhìn lên ánh trăng và nghĩ về anh, không biết giờ này anh ra sao, đang làm gì, cô muốn gọi điện, muốn nhắn tin cho anh lắm… Nhưng thôi, để cho nỗi nhớ thêm dài, tình yêu sẽ thêm đầy.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã 2 tháng kể từ ngày anh và cô xa nhau. Đã 2 tháng nay, ngày nào cũng vậy, cứ mỗi chiều về, cô lại ra chỗ cây đa đầu làng để mong chờ hình bóng của anh. “Anh sẽ tìm về quê em”, cô vẫn mong ngày đó sẽ tới. Nhưng đã 2 tháng rồi… Lẽ nào anh đã quên cô? Cô bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ… và cô lo sợ…

– Hai ơi…i…i… Có ông nào tới nhà kiếm Hai kìa.

Tiếng thằng Út lanh lảnh làm cô giật mình. Bỏ vội cái cuốc đang cầm, cô chạy về nhà với hi vọng người tới sẽ là anh, cô nhớ anh…

Vừa vào tới cổng, cô như khựng lại… Ôi cái dáng người kia, bộ quần áo đó… đúng là anh rồi, không thể sai được. Cô muốn lao vào anh để ôm chầm lấy anh cho thỏa bao ngày xa cách. Cuối cùng ngày cô mong chờ cũng đã tới, anh đã tìm đến quê cô, đến tận nhà cô…

Anh ở nhà cô chơi khoảng dăm hôm. Trong suốt thời gian ấy, cô hạnh phúc biết chừng nào, anh hòa nhập với gia đình cô cách nhanh chóng. Thằng Út cứ quấn lấy anh, suốt ngày cứ mè nheo bắt anh đi theo nó, nó dẫn anh đi mương tát cá, lên rẫy bắn chim, bẫy dông… thôi thì muôn muôn trò mà nó nghĩ ra nó đều bắt anh chơi với nó. Ba mẹ cô nhìn thấy anh hiền lành, dễ gần như vậy thì mừng cho cô lắm.

…Sáng Chúa Nhật hôm ấy, sau khi cùng anh tham dự thánh lễ trong ngôi thánh đường đậm mùi gỗ mục và phân dơi, cô cùng anh đi về với miền quê anh, một miền quê đầy nắng và gió. Trước khi đi, cô đã dâng chuyến đi cho Đức Mẹ, cô luôn có một niềm tin mãnh liệt vào tình thương của Mẹ, điều mà cô đã được hun đúc ngay từ những ngày còn tấm bé.

Chuyến xe Quy Nhơn – Phan Rang lăn bánh… mang theo những dòng nước mắt của thằng Út, nối thấp thỏm lo âu của ba mẹ và sự hồi hộp của cô.

Hai ngày sau…

Cô chạy vội vào nhà, lúc ấy cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Cô sà ngay vào lòng mẹ… khóc nức nở…

– Mẹ ảnh kiên quyết không chấp nhận cho ảnh theo đạo, mẹ ảnh nói con phải bỏ đạo thì mới cho cưới ảnh…

Mẹ ôm cô vào lòng mình thật chặt. Còn ba thì nhìn cô trầm ngâm. Thằng Út không hiểu chuyện gì cũng khóc theo cô.

– Có thể chuẩn hôn nhân khác đạo mà con?- Ba cô từ tốn nói.

– Dạ, con nói rồi. Mẹ ảnh nói cũng được, nhưng sau này những đứa con của con có được rửa tội hay không thì bà không dám nói trước.- Cô trả lời trong tiếng nấc.

– Còn thằng Nam, nó nói sao?- Mẹ cô hỏi.

– Ảnh làm căng với ba mẹ ảnh lắm, nhưng con không cho, con sợ làm vậy thì ba mẹ ảnh lại kì thị đạo mình hơn.

Thế là bữa cơm kết thúc trong nước mắt. Suốt mấy ngày hôm sau, cô buồn rũ rượi. Suy nghĩ về thời gian ở nhà anh, cô thấy rằng mẹ anh rất mến cô, bà cũng là người biết cách cư xử, tế nhị và nhẹ nhàng, nơi bà toát lên một vẻ hiền hậu nhưng cương quyết. Bà quý cô, nhưng bà sợ mất con, bà sợ mất đứa con trai độc nhất của bà, vì tư tưởng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà” đã vô tình ăn quá sâu vào tiềm thức của bà… Hồi nhỏ bà đã từng chứng kiến cảnh một ông cha đạp đổ bàn thờ ông bà tổ tiên của gia đình bạn bà…Bà sợ… và bà có lý khi sợ như vậy. Bà không tin có Chúa, bà không tin và mãi mãi sẽ không tin… nếu như không có biến cố trọng đại xuất hiện…

Những tháng ngày sau đó, cô sống như người vô hồn. Cô biết anh yêu cô và sẵn sàng đánh đổi vì cô, nhưng tận thẳm sâu trong cô, cô không muốn anh trở thành đứa con bất hiếu…

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã chín tháng kể từ cái ngày định mệnh ấy, ngày cô bị mẹ anh từ chối.

Thế rồi… Đúng vào ngày hôm ấy, ngày cô đang ở trên nhà thờ để cùng với mọi người dọn dẹp khuôn viên chuẩn bị mừng lễ Mẹ Lên Trời – bổn mạng xứ cô. Đang lom khom quét rác thì nghe tiếng con bạn gọi:

– Nữ! Thằng Út nhà mày đang dẫn anh nào tới kiếm mày cà!

– Mày ăn cứ cà khịa tao miết, có anh nào thèm kiếm tao.

– Tao nói thiệt, mày nhìn đi.

Cô nhìn theo hướng tay con bạn chỉ…Tim cô như thắt lại, nó như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực của cô… Là anh… Phải rồi, là anh…

Chín tháng nay, cô mong anh từng ngày, chiều nào cô đạp xe chở thằng Út ra bến xe Quy Nhơn để trông ngóng hình bóng của anh…

– Anh… Anh đi đâu?

– Ngoài em ra thì anh còn lý do nào khác để tới đây à?- Anh đáp.

– …

– Nữ nè, anh đến không phải để chơi, anh có chuyện quan trọng muốn nói với em. Anh biết là em còn yêu anh, anh cũng vậy… Nhưng mình lớn rồi… với lại anh là con một nên…

– Anh đừng nói nữa…em hiểu.- Cô sụt sùi.

– Em hiểu gì?

– Em hiểu là anh cần phải chu toàn chữ hiếu…

– Sao em biết hay vậy?- Anh mỉm cười nhìn cô- Trời ơi, có cho anh cái chỗ ngồi với ly nước uống hông?

Cô dẫn anh về nhà.

Chín tháng trước, trong lúc đi dạy học mẹ anh bị xe tải tông. Ngày anh và gia đình nhận được kết luận của bác sĩ: hi vọng sống là rất mong manh, dù cho có cứu được đi nữa thì cũng chỉ sống đời thực vật. Anh như chết đứng, còn ba anh khuỵu ngã. Anh chưa bao giờ nghĩ gia đình mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Mọi cố gắng, mọi nỗ lực chạy chữa đều đã vô vọng…  Những ngày tháng đó là chuỗi ngày đầy nước mắt của anh. Anh gần như sụp đổ, anh đang đứng trưóc nguy cơ mất đi người anh yêu quý nhất, trước giờ anh chưa từng nghĩ là sẽ có ngày này, anh ước đây chỉ là một giấc mơ… Anh gần như không còn niềm tin vào bất cứ điều gì trên thế gian này nữa, mọi sự đối với anh giờ đây gần như vô nghĩa: “Như không không sắc sắc cũng vô thường”. Tất cả đã sụp đổ.

Trong lúc thất vọng nhất, anh nhớ đến cô. Rồi như vô thức, anh bất chợt nhớ đến những lần cô kể anh nghe về người mà cô gọi là Mẹ Maria, anh nhớ đến những thánh lễ cô dẫn anh theo… anh nhớ đến lời bài hát: “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không, hỡi Mẹ Thiên Chúa, xin hãy lắng nghe con nài van…”. Anh nhớ là cô đã tặng anh một tấm ảnh Đức Mẹ, lâu nay anh vẫn kẹp trong cuốn từ điển. Anh lấy tấm ảnh ấy bỏ vào trong túi áo của mẹ. Tâm hồn anh bỗng nhiên cảm thấy bình an lạ thường.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, 8 tháng trôi qua, mẹ anh vẫn như vậy. Mọi nỗ lực cố gắng chạy chữa của các y bác sĩ đều trở nên vô hiệu. Anh và gia đình đã chuẩn bị tâm lý đón nhận điều xấu nhất. Mẹ anh sẽ vĩnh viễn xa anh. Đâu đó nhà bên cạnh vang lên lời bài hát: “ Ngày không còn mẹ, con mới hiểu tình mẹ bao la, vầng trăng khuất đi con mới biết thế nào là đêm tối, con mất mẹ rồi, con mất mẹ rồi, mất cả vầng trăng mất cả đại dương…”. Lời bài hát như những nhát dao cứa nát trái tim anh… từng giọt…từng giọt…

Sáng hôm ấy, anh nhớ là ngày 26 tháng 7 (đây là ngày ý nghĩa với anh vì suốt bốn năm yêu nhau, cứ tới ngày này là cô lại đãi anh một chầu bánh tráng nướng bởi cô nói là ngày bổn mạng gì đấy của cô), như thường lệ anh thức dậy rồi ngồi chải tóc cho mẹ… nhưng kìa… dường như bàn tay mẹ anh đang động đậy… phải rồi… những ngón tay đang nhúc nhích…thật nhẹ…thật nhẹ…

– Mẹ… mẹ ơi…mẹ…mẹ…mẹ tỉnh lại rồi hả mẹ!

– …

– N…ư…ơ…c…

– Mẹ uống nước? Để con lấy cho mẹ…

Anh vội chạy đi lấy nước, sau đó chạy ngay đi gọi bác sĩ trực.

Đúng 9 giờ sáng hôm ấy, ban giám đốc bệnh viện họp khẩn cấp cuộc họp ngoại thường vì trường hợp của mẹ anh. Mọi người đều thống nhất với nhau rằng trường hợp của bà y học ngày nay đã bó tay, chỉ có phép lạ mới giúp bà hồi tỉnh và hồi phục cách nhanh chóng như vậy.

Sau một tuần nằm thêm để các bác sĩ theo dõi, mẹ anh được xuất viện. Ngày anh và bố đi đón mẹ, cả nhà vui như trẩy hội, tuy lớn rồi mà anh cứ tíu tít bên mẹ như hồi lên năm lên ba, cái cảm giác mất đi cái gì đó là cho con người thấy mình cần nó hơn bao giờ hết.

Hai ngày sau, chiếc Toyota chở cả gia đình lên đập Nha Trinh chơi cho bà được hít thở không khí trong lành. Đang chạy ngang qua nhà thờ giáo xứ Đá Hàn, đúng lúc đó mẹ anh thét lên thất thanh:

– DỪNG LẠI… NHANH DỪNG LẠI…  ANH ƠI NHANH DỪNG LẠI…

– …

– ĐÓ ĐÓ… ĐÓ… CHÍNH BÀ ĐÓ ĐÃ CỨU EM…

Vừa nói bà vừa chỉ tay vào bức tượng Mẹ Hằng Cứu Giúp trên nóc nhà thờ.

– Em không biết thật hay giả, nhưng trong lúc mê man, chính bà này đã đến và lay em dậy, sau khi uống hai viên thuốc của bà, em dường như trút hết mọi gánh nặng trong người và tỉnh lại.

– Lời em nói là thật?- Ba anh ngờ vực.

– Em biết anh khó tin, nhưng đó là sự thật.

Còn anh thì nhớ lại tấm ảnh Đức Mẹ mà anh đã đặt trong túi áo bà… và anh tin… anh tin đó đúng là phép lạ Đức Mẹ đã làm, bất chợt anh nhớ đến cô…

– Đó là Đức Mẹ, là Đức Mẹ của đạo Công giáo đó mẹ, là Đức Mẹ của Nữ nữa đó mẹ…

– Ừ mẹ biết, mẹ biết… mẹ biết mẹ phải làm gì…

– Giờ thì em hiểu chưa? Em hiểu là anh phải chu toàn chữ hiếu như thế nào chưa? Chính Đức Mẹ đã giúp cho chúng mình… Giờ thì không những anh theo đạo mà cả nhà anh ai cũng theo cả… Ba mẹ anh đã nhận ra chỉ có trong tình yêu Chúa, yêu Mẹ mói tìm được tình yêu đích thực…

Cô nhìn anh hạnh phúc… Đâu đó lời bài hát ấy lại vang lên: “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không, hỡi Mẹ Thiên Chúa xin hãy lắng nghe con nài van. Mẹ nguồn an vui, ôi Nữ Trinh là nguồn an vui, hết tình kêu khấn con tin chắc Mẹ thương nhậm lời…”.

****

Mã số: 16-062

GIỮ ĐẠO

 

Chị nằm trên chiếc ghế gội đầu, nhắm mắt. Mùi hương bồ kết làm chị thấy dễ chịu. Chị cố tận hưởng mùi hương này, cảm giác nhẹ nhõm khi được cô nhân viên trong quán mát-xa đầu. Chị không muốn nghĩ tới gì ngoài cảm giác thả lỏng, tận hưởng tất cả những gì dễ chịu.

Đây là quán gội đầu bồ kết chị quen, chiều cuối tuần chị hay ghé. Chủ quán là một người phụ nữ thấp tròn, ánh mắt sắc như dao nhưng miệng dẻo với khách. Có ba, bốn nhân viên trong quán, đều là nữ. Ban đầu quán chỉ gội đầu, nhưng bây giờ để tăng thêm thu nhập, không hiểu từ đâu bà chủ quán bỗng dưng kiêm việc… coi bói. Chủ quán đạo Phật, những khách tới coi bói cũng hầu hết theo đạo Phật hoặc chỉ thờ cúng ông bà. Rất ít người theo đạo Chúa tới coi bói.

Nằm trên chiếc ghế gội đầu chị hay nghe bà chủ quán phán trên trời dưới đất. Cũng chẳng gây hại gì. Khách coi bói chỉ tò mò tháng này mình có hạn gì không? Làm sao giải hạn? Chuyện làm ăn suôn sẻ không? Chuyện tình duyên, nhà cửa… Bà chủ phán nước đôi, đôi lúc làm chị mỉm cười.

Đang nằm nhắm mắt bỗng dưng chị nghe một giọng quen ở phòng ngoài. Không thể tin được đó là giọng của mẹ chồng chị. Mẹ chồng chị theo đạo Phật, hay đi chùa, rất tin vào bói, vào duyên, vào số. Chị thấy bất ngờ khi gặp mẹ chồng ở quán này. Mẹ chồng không biết đây là quán gội đầu quen của chị, càng không biết con dâu đang nằm gội đầu ở phòng trong.

– Cô à, tui buồn khổ quá. Đúng là tui vô phúc. Đêm nào tôi cũng khóc, cầu kinh niệm Phật. Tui thấy tui vô phúc nhất trên đời.- Mẹ chồng chị nói như khóc.

– Cái gì mà vô phúc hả dì?- Chủ quán hỏi.

– Tui có con dâu mà như không có, thà không có thì hơn. Tui đâu có ưng nó làm con dâu. Hồi đó tui cấm, một cấm, hai cấm. Vậy mà thằng con trai tui bị nó bỏ bùa.

– Mà con dâu dì làm sao hả dì?

– Nó có đạo, nó chẳng tin Phật giống như tui. Tui là Phật tử, siêng đi chùa, ăn chay trường mà nó thì theo đạo Chúa. Nhà người ta có phúc, con dâu chở mẹ chồng lên chùa, cùng ăn cơm chay, tụng kinh, làm công quả cho chùa tích đức. Con dâu tui chưa một lần bước chân vô chùa lạy Phật. Phòng riêng của nó nó còn để tượng Chúa, để ảnh Đức Mẹ bên đạo nó. Nói thiệt tui ngứa cái gan lắm.

– Cũng khó hả dì?

– Khó sống chớ. Tui chỉ ước thằng con trai tui bỏ nó thôi. Không có con dâu này thì có con dâu khác. Mà thằng con trai tui lưỡng lự chưa bỏ.

– Tụi nó có con chưa hả dì?

– Có rồi, một thằng cháu đích tôn. Mà nói tới tui chỉ thấy ngứa gan và thương đứa cháu đích tôn của tui thôi. Mới đẻ ra nó đã dẫn con tới nhà thờ rửa tội, dẫn đi đọc kinh, xem lễ. Tui tức quá mới dẫn thằng cháu lên chùa. Cháu đích tôn của tui làm sao để nó dẫn dắt theo đạo nó được.

– Còn con trai chị có nói gì không?

– Con trai tôi bị nó bỏ bùa. Nó cũng không biết bênh ai. Một bên vợ, một bên mẹ nên nó mặc kệ ai nói gì, muốn làm gì thì làm. Nó kêu con nó đi chùa cũng được mà đi nhà thờ cũng được. Nhưng tui không ưng bụng hà. Cháu tui phải đi chùa với tui, tin Phật giống tui, để Phật phù hộ.

– Khó sống quá dì ha!

– Tui nói tui vô phúc mà. Tui muốn con dâu tui, cháu tui theo Phật mà nó có chịu theo đâu. Nó nói có chết nó vẫn theo đạo Chúa.

– Giờ làm sao hả dì?

– Tui cũng không biết phải làm sao? Đêm đến tôi gõ mõ tụng kinh niệm Phật thì con dâu tui chui vào phòng đọc kinh của đạo nó. Nhà tui vừa có Phật vừa có Chúa tui không chịu được. Tui kêu thằng con trai tui bỏ vợ hoài.

– Vậy hôm nay dì muốn coi bói gì?

– Cô bói thử xem làm cách nào cho thằng con trai tôi bỏ vợ. Chứ vợ nó có chịu theo đạo Phật đâu. Nó cứng đầu, ngang bướng lắm. Cách nào cũng được, miễn thằng con tôi bỏ vợ là tôi mừng.

– Mà con dâu dì tính cách ra sao?

– Nó cũng được, cũng lễ phép, lo cho gia đình. Nó đi làm nuôi cả gia đình. Nó chỉ có cái tội là không theo Phật với tôi thôi.

– Thôi dì à. Chia tay là điều không ai muốn. Bắt hai vợ chồng nó chia tay làm sao được. Thôi dì cứ ngó lơ đi. Con dâu dì đọc kinh thờ Chúa trong phòng nó dì coi như không biết. Dì cứ nghĩ con dâu dì không có duyên theo Phật thì làm sao nó theo cho được…

Nước mắt chị chảy dài trên má. Tai chị ù đi từ lúc nào. Chị không còn nghe rõ cuộc trò chuyện ở phòng ngoài. Những âm thanh ở ngoài đó nhỏ dần, rồi mẹ chồng chị nức nở đi về. Khách khác lại ngồi xuống cho chủ quán coi bói.

Chị khóc nhưng cố ngăn dòng nước mắt tuôn. Nằm trên ghế gội đầu mà khóc thì kì quá. Ráng nghẹn vào trong mà sao nước mắt chỉ muốn ực ra ngoài.

Đã bao lần chị khóc nghẹn trong đêm. Mỗi lần chị đọc kinh trong phòng là ngoài phòng khách mẹ chồng chị chửi bâng quơ. Chửi con gà, con chó, chửi diễn viên trên ti vi mà đích nhắm là chửi chị. Cái thứ gì mà không tin Phật, có ngày gặp quả báo. Phật từ bi mà không chịu tin. Đứa nhỏ có tội tình gì mà bắt nó theo đạo Chúa… Chị nghe hết những lời đó, cắn răng chịu đựng một mình. Chồng chị, cũng theo đạo Phật, cũng chẳng tin Chúa, nghe lời mẹ nhưng cũng không nỡ nhiếc mắng vợ. Nghe mãi những lời đó chồng chị cũng nhức đầu, nhưng chồng chẳng bênh chị, để mặc mẹ mình muốn nói chị gì thì nói, chồng không có ý kiến.

Trong căn phòng đó chị khóc như mưa. Hồi yêu nhau chị nào có nghĩ đến chuyện khác biệt này. Tưởng yêu là đủ, lấy được nhau là mừng. Mẹ chồng ngăn cấm, chị và chồng còn van xin mẹ hiểu cho tình yêu của hai người. Rồi cũng lấy được, rồi cũng sinh con. Nhưng cuộc sống hôn nhân khác đạo khó khăn hơn chị tưởng.

Làm con chiên của Chúa có dễ không? Giữ đạo có dễ không?

Dễ, chỉ cần ba mẹ có đạo là con cái có đạo. Còn giữ đạo cứ theo ông bà mình mà làm, cứ tuân theo luật Chúa.

Nhưng làm một người vợ lấy chồng khác đạo giữ đạo có dễ không? Không dễ chút nào! Như chị đây từ lúc yêu cho đến lúc bước chân về làm dâu lúc nào chị cũng nghe mẹ chồng và họ hàng bên chồng nói ra nói vào. Họ nói chị không xứng với chồng chỉ vì chị có đạo, đứa con dâu theo Phật thì xứng hơn. Rồi chị không đi chùa, không tụng kinh Phật, chị đi nhà thờ, ăn chay theo luật Chúa. Khi chị đem con chị đến nhà thờ rửa tội mẹ chồng và dòng họ bên nội làm um lên giống như chị là kẻ tội đồ, đem con mình giao cho môn phái xấu. Trời ạ! Đó là con chị đẻ ra, con chị phải theo Chúa, tin Chúa giống như chị. Còn họ thì coi đó là cháu của dòng họ họ. Cháu họ phải tin theo Phật. Chị đã lén đem con tới nhà thờ rửa tội. Con chị lớn lên ngơ ngác, lúc theo mẹ đi nhà thờ, lúc bị bà nội dắt lên chùa để tập tin Phật. Ba nó thì mặc kệ, nó đi nhà thờ, đi chùa, đọc kinh đạo nào cũng được. Nhưng chị thì không kệ được. Chị phải đấu tranh.

Chị đấu tranh bằng tràng chuỗi mân côi, bằng những lời cầu nguyện. Với nhiều con chiên, giữ đạo là việc đơn giản. Sống theo luật Chúa, Chúa nhật đi nhà thờ, ăn chay, giữ giới răn của Chúa…Còn chị, giữ đạo là một việc khó khăn vì nó liên quan tới hạnh phúc của chị, thậm chí là đánh đổi.

Mẹ chồng chị muốn chồng bỏ chị. Họ hàng bên chồng cũng muốn chồng bỏ chị. Khi cha chồng mất, nghi thức đám tang, giỗ chạp bên chồng chị là con dâu phải tuân theo. Chị nghe tiếng nhà sư tụng kinh, gõ mõ trong đám tang cha chồng mà nước mắt cứ chảy. Đó là những âm thanh chị không quen. Âm thanh chị quen là tiếng hát, tiếng đọc kinh bên đạo Chúa. Vì là phận con dâu chị phải gồng mình chịu đựng những thứ khác biệt ấy để giữ hạnh phúc.

Chồng chị mặc dù không theo đạo Chúa nhưng đám cưới của hai người cũng được chứng trong nhà thờ. Chúa nói: “Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”. Đâu có người phụ nữ có chồng nào (dù đạo nào) muốn bị chồng bỏ hay nghĩ tới việc bỏ chồng. Đó là chồng mình, cha của con mình, là người mình thương, mình yêu làm sao bỏ được. Nhưng nguy cơ bị chồng bỏ cứ lơ lửng treo trên đầu chị. Làm dâu nhưng cả dòng họ chồng đều không muốn đứa con dâu này, muốn đổi con dâu khác chỉ vì nó tin theo Chúa, không tin Phật. Chị ráng lấy hành động ra cứu vãn. Chị ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ đi làm, vun vén cho chồng con và họ hàng nhà chồng. Nhưng những cố gắng của chị đều nhẹ kí so với “cái tội” tin Chúa của chị. Họ vẫn ghét chị, muốn thay thế chị.

Chị đã ra khỏi quán gội đầu. Khách coi bói vẫn còn đông, ngồi xúm xít ở phòng ngoài. Cuộc sống bất an có nhiều người muốn biết số phận mình đến thế? Ai cũng muốn biết mình có làm ăn được không? Có giàu không? Có hạnh phúc không? Ai cũng thèm muốn hạnh phúc. Chị cũng thế! Chị muốn hạnh phúc. Chị không muốn bị chồng bỏ hay bỏ chồng. Nhưng hình như quyền quyết định ấy không nằm ở phía chị. Chị thấy mình giống như đang đi trên một sợi dây mong manh có thể đứt, có thể rơi bất cứ lúc nào. Con dâu đó mà vẫn có thể bị đuổi ra ngoài. Họ bắt chị chọn: hạnh phúc với chồng, nhà chồng hay là đạo Chúa? Chị cố bám víu, cân bằng trên sợi dây mong manh và vẫn kiên quyết giữ chặt lòng tin của mình.

Hồi nhỏ chị từng là một cô bé làm thiên thần, suốt năm suốt tháng múa trong nhà thờ. Chị lớn lên cùng những bài hát, bài kinh bên đạo. Chị yêu Chúa, tin Chúa, yêu Đức Mẹ và coi đạo mình giống như là một nguồn nước mát nuôi dưỡng, giúp chị bình yên suốt đời. Nhưng khúc này đây chị không có quyền tự do tin những điều chị đã tin yêu. Những người gắn với hạnh phúc của chị bắt chị chọn lựa, từ bỏ, đánh đổi.

Còn đứa con trai tội nghiệp của chị. Nó cứ ngơ ngác lúc đi nhà thờ, lúc lên chùa nhìn Phật. Mẹ chồng chị nhồi vào đầu nó những ý nghĩ không hay về đạo Chúa. Mẹ chồng chị cũng ngăn cản con chị đến nhà thờ học giáo lý. Chị phải tự dạy giáo lý cho con.

Chị đã về nhà từ lúc nào. Mẹ chồng đang ngồi ngoáy trầu trên cái võng ngoài thềm. Chị chào mẹ chồng, bước vào nhà. Chị không nói cho mẹ chồng biết chị đã nghe cuộc trò chuyện của mẹ chồng khi đi coi bói.

Chị nấu bữa tối, làm hết các việc còn lại trong ngày. Chồng chị chở con trai đi học thêm vẫn chưa về. Chị vào phòng, nhìn tượng Chúa và Đức Mẹ trên bàn riêng của chị, lấy tràng chuỗi mân côi, vừa lần vừa khóc.

– Xót thương con với! Chúa ơi!- Chị nói trong dòng nước mắt- Xin xót thương con, xin hãy cho con lòng tin và sức mạnh để vượt qua cuộc sống đầy cô đơn này. Xin Chúa cũng xót thương con trai của con nữa. Con muốn nó yêu Chúa, tin Chúa giống như con đã tin yêu.

Mẹ chồng nói bâng quơ câu gì đó ngoài võng. Mỗi lần thấy chị vào phòng bà biết chị đang đọc kinh nên rất khó chịu. Nhưng chị vẫn đọc kinh hàng ngày. Chị không biết những gì đang chờ mình ở phía trước nhưng chị vẫn vững lòng tin vào Chúa. Chị sẽ không từ bỏ Chúa giống như Chúa chưa bao giờ bỏ rơi chị.

Chị ngồi lần chuỗi trong làn nước mắt, kiên quyết giữ đạo trên mọi đoạn đường của đời mình. Và chị tin rằng tất cả những nỗi khổ buồn, uất ức, dồn nén của chị chắc chắn Chúa đều nhìn thấy. Không ai hiểu chị nhưng Chúa hiểu. Không ai xót thương chị nhưng Chúa xót thương.

Và chị mỉm cười trong nước mắt.

****

 

Mã số: 16-063

CON SÓI RỪNG

 

Trong cái ngột ngạt vì khói của căn nhà nhỏ nằm dưới triền đồi, lão thầy cúng vẫn không ngớt lâm râm những câu thần chú. Lão trùm tấm khăn mỏng lên người, tay cầm lục lạc, ngồi trên một cái ghế gỗ. Lão vừa rung lục lạc vừa đọc thần chú rồi đứng lên ngồi xuống như kiểu người ta phi ngựa. Mặc cho người bệnh nằm trên giường vật vã vì đau đớn.

Người bệnh là Ma Dua, vợ của K’tuh con trai già làng K’mia.  Chiều nay đi  làm về thấy trong đầu như có muôn vàn con kiến thi nhau cắn. Ma Dua ôm lấy đầu kêu chồng:

– K’tuh, tao bị con ma nó nhập vào đầu rồi, tao đau lắm.

– Mày vào nhà nằm đi, để tao đi kêu thầy Ya coh vào bắt con ma cho mày.

Nói thế rồi K’tuh chạy vội qua con suối, đi dọc theo bìa rừng, sang làng bên, đến nhà thầy Ya coh. Khi thầy Ya coh đến nhà thì Ma Dua đang nằm mê man.

Ông thầy cúng bắt tay vào nghề. Lão rên, lão gầm gừ, lão cười lên nghe thật là ma quái. Chốc chốc lão lại chui ra khỏi tấm khăn mỏng để uống ngụm nước. K’tuh vội hỏi:

– Đã bắt được con ma chưa?

– Tao đang phi ngựa, gần kịp nó rồi, lúc nào kịp thì mới bắt được nó. Nói rồi lão lại chui vào tấm khăn mỏng tiếp tục công việc đuổi bắt con ma.

Thấy vợ đau đớn. Trong lòng K’tuh nóng như lửa đốt, nhưng không biết phải làm sao.

Vợ chồng cưới nhau được hai năm mà chưa có mụn con nào, hai người buồn lắm. Dân làng cho rằng Ma Dua bị con ma nó nhập nên không có con. Hai người dắt nhau đi khỏi làng vào tận trong rừng để sống. Bốn con chó săn là những con vật trung thành nhất đi theo vợ chồng K’tuh. Mỗi bước chân của hai vợ chồng trên nương trên rẫy, trong rừng sâu, dưới khe suối, trên ngọn đồi đều in theo dấu chân của bốn chú chó. Người và vật sống gắn bó với nhau thật khăng khít. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hai người cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Nhờ bàn tay khéo léo, hai vợ chồng đã tạo cho mình được một cuộc sống khá ổn định nơi mà họ tìm đến.

Hôm nay tự dưng Ma Dua lại ôm đầu kêu đau làm K’tuh lo lắng lắm. Đã khuya rồi mà thầy Ya coh vẫn chưa bắt được con ma. Lòng nóng như lửa đốt, K’tuh nhớ lại lời mấy người trong làng lúc trước có nói đến một ông cha đạo chỉ dùng mấy viên bột màu trắng có thể bắt được con ma ngay tức khắc. Nhưng để đến được nơi cha đạo phải đi vòng qua ngọn đồi, vượt qua con suối cạn, đi qua buôn làng Tou Néh thì mới tới nhà ông cha.

Thương vợ, nhưng còn sợ đường xa, K’tuh phân vân không biết có nên cõng vợ đi tới gặp cha đạo hay không. Đi tới đi lui một hồi, K’tuh quyết định cõng vợ đi gặp cha đạo. Mặc cho lão thầy cúng đang rung lục lạc mải mê đuổi ngựa để bắt ma. K’tuh vực vợ dậy rồi cõng lên lưng mà đi. Ma Dua đã mệt lả đi vì cơn sốt.

Đường lên dốc xuống ghềnh thật vất vả, nhờ có ánh trăng đêm soi bước, K’tuh cõng vợ trên lưng mà chạy, anh sợ con ma nó bắt vợ anh.

Trời sáng thì K’tuh đến được nơi cha đạo đang ở. Trong ngôi nhà nguyện nhỏ vọng lên lời kinh trầm ấm. Khẽ đặt vợ ngồi xuống trên bậc cửa, rón rén bước vào với hơi thở hổn hển vì mệt, K’tuh lên tiếng:

– Ơ Ama, Ama giúp mình với.

Thấy có người gọi, cha cố quay lại. bỏ sách kinh xuống rồi bước vội ra ngoài.

– Ama, vợ mình bị con ma nó nhập vào đầu, Ama bắt nó dùm mình với.- Vừa nói, K’tuh vừa chỉ tay vào vợ.

– Anh ở đâu tới?- Cha cố hỏi.

– Ở Đaquyn, bên kia cánh rừng.

– Anh làm sao mà đem vợ anh sang đây được?

– Mình cõng nó đi từ lúc khuya… giờ mới tới nơi.

Khẽ nhún vai tỏ lòng kính phục, cha cố bảo:

– Anh cõng chị vào trong kia nhé… chỗ căn nhà nhỏ đó.- Vừa nói, cha cố vừa chỉ tay vào căn phòng phát thuốc ở cuối nhà nguyện.

K’tuh cõng Ma Dua vào phòng thuốc, cha cố bước lại gần, cha ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, nắm tay bắt mạch. Khẻ mỉm cười, cha cố nói:

– Vợ anh bị sốt nặng… nhưng không sao đâu… không có con ma nào đâu… chắc vợ anh đi làm ngoài nắng… về lại tắm nước lạnh nên bị sốt thôi. Tôi cho vợ anh uống thuốc là sẽ khỏi ngay.

– Thế không phải con ma nó nhập vào đầu nó hả Ama?

– Không có con ma nào đâu… đây chỉ là bị sốt thôi.- Cha cố ôn tồn trả lời.

Cho Ma Dua uống xong liều thuốc, cha cố kêu K’tuh để cho Ma Dua nằm đó một chút là sẽ bớt sốt. Rồi kéo tay K’tuh ra ngoài, cha cố hỏi:

– Thế anh tên gì?

– Mình tên là K’tuh Ama ạ!

– Thế ở chỗ anh ở có đông người không?

– Đông lắm Ama… nhưng mà nhà mình thì ở trong rừng.

– Thế anh có thể dẫn tôi vào đó được không?

– Được chứ Ama.

– Vậy chiều nay tôi sẽ đi vào đó với anh nhé.

– Mình sẽ dẫn Ama vào… Ama đã chữa cho vợ mình khỏi con ma sốt mà.

– Không phải con ma đâu… đó là bệnh sốt thôi.

– Vâng… người làng mình từ xưa tới giờ cứ nói đó là con ma.

– Ừ… từ nay anh phải gọi đó là bệnh sốt thôi.

– Mình biết rồi Ama.

Chiều hôm đó, cha cố đã dùng xe máy của mình mà chở hai vợ chồng K’tuh về nhà. Cuộc đời cha cố gắn liền với cánh đồng truyền giáo, cha đi khắp nơi đến với những anh em người thượng, đặc biệt là người đồng bào Churu.

Cha sống với họ để hiểu được phong tục tập quán của họ, từ đó dần dần cho họ biết đến một Thiên Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương, thay vì họ chỉ biết đến Yàng là vị thần mà bấy lâu họ tôn thờ nhưng không biết là ai.

Cha dạy họ biết canh tác theo kiểu định canh định cư thay vì họ canh tác du canh du cư khiến biết bao nhiêu mảnh rừng bị đốt hạ sau đó lại bỏ hoang. Cha cho họ biết tầm quan trọng của thiên nhiên trong đời sống con người, dạy họ biết phải bảo vệ rừng, đừng cho ai chặt phá, vì rừng là lá phổi đem lại không khí trong lành cho con người.

Nắm được vai trò quan trọng của già làng, cha cố tìm cách tạo mối quan hệ thân tình với già làng ngay lúc cha mới đến. K’tuh dẫn cha cố đến nhà bố mình là già làng K’mia, nơi đó cha đã ở lại để bắt đầu công việc truyền giáo. Cứ sáng đi chiều về, cha đến sống với họ, làm việc với họ, ăn uống với họ và nói cho họ biết Yàng chính là Thiên Chúa.

Cuộc sống và gương lành của cha đã khiến cho già làng K’mia cảm phục, từ đó ông đã kêu gọi buôn làng trong xã Đaquyn trở lại tôn thờ Thiên Chúa, từ bỏ hết mọi tập tục mê tín dị đoan trong văn hoá đã chế ngự niềm tin của họ suốt bao đời.

Thế nhưng thầy cúng Ya coh thì không trở lại, lão giận cha cố vì đã làm mất nồi cơm của lão. Lão tìm cách để hại cha cố và khiến buôn làng trở về với niềm tin từ xa xưa của họ.

Lão đi khắp buôn làng để doạ dẫm buôn làng là sẽ bị con ma đói về bắt vì không cúng tế. Dân làng nghe lão nói cũng sợ, vì trong tiềm thức của họ đã gắn liền với nổi sợ con ma từ bao đời, làm sao có thể mất đi một sớm một chiều.

Cha cố biết được đều đó nên đã trấn an buôn làng, cha nói cho họ biết là không có con ma đói, việc đói kém là do con người không chịu làm việc thôi. Thế rồi cha dạy họ cách trồng hoa màu, cày cấy, trồng cà phê, bỏ đi cây cần sa là thứ làm cho con người ra mụ mẫm, lười nhác. Từ đó cuộc sống của họ dần được cải thiện.

Mấy đêm nay, K’tuh nghe thấy có rất nhiều xe vào chở gỗ trong cánh rừng Đaquyn. Đêm về, tiếng máy xẻ gỗ rền vang cả một góc rừng, cứ mở mắt ra là K’tuh lại tưởng như mình đang ở nơi đâu khác vì cánh rừng phía trước đã trở nên trơ trọc. K’tuh đau lòng lắm vì xót xa cho những cây sao, cây lim, cây lát hoa, to lớn từng là biểu tượng của thần rừng đối với buôn làng. Cha cố đã kêu gọi mọi người trong buôn không được đốt phá rừng, vì rừng là lá phổi cho con người, thế mà những con người này từ đâu đến lại phá đi cái sự sống của họ.

Ngày hôm đó, khi màn đêm buông xuống, thì từng đoàn xe chở bọn lâm tặc vào để đốn gỗ. Lúc bọn chúng đi qua cổng rừng thì gặp phải ánh đuốc sáng rực của thanh niên trong buôn từ trong rừng tiến tới, đi đầu là già làng K’mia, tay chống gậy, đôi mắt rực sáng vì giận dữ, ông cất giọng vang rền:

– Rừng này là của chúng ta… sao người kinh lại vào phá đi. Chúng ta không cho người kinh phá nữa đâu… đi về đi.

Một tên trong bọn bước xuống, hình như là tên cầm đầu, hắn tươi cười nói:

– Rừng này của chung mọi người… không phải của ông… bọn này muốn chặt để trồng thứ khác… ông già đừng có làm như vậy… bọn này có nhiều muối và cá lắm…. ông già về đi cho bọn này cắt gỗ…. ngày mai sẽ mang muối và cá đến cho cả làng.

– Chúng ta không cần muối và cá… chúng ta có đủ hết… Ama Nguyên dặn chúng ta không được phá rừng… vì rừng nuôi sống chúng ta… người kinh vào chặt phá… chúng ta không cho.

– Ama Nguyên là ai?

– Là cha đạo của chúng ta.

Nhận thấy những gương mặt của trai làng không có chút gì là lo sợ dưới ánh đuốc lập loè, tên cầm đầu có ý rút lui để về thương lượng với người gọi là Ama Nguyên, nhưng tên đàn em của hắn nói gì đó vào tai nên hắn lại nói với già làng:

– Ông già để cho bọn này đi qua… nếu không đừng trách bọn này không nể mặt.

Nói rồi hắn kêu đàn em tập trung lại khoảng hai chục tên, tay cầm mả tấu đầy vẻ đe doạ.

Đôi mắt già làng K’mia quắc lên giận dữ. Những thanh niên người Churu vẫn đứng yên không chút sợ hãi, tay cầm chắc ngọn đuốc sáng.

Thấy dụ dỗ không được, tên cầm đầu hất tay ra hiệu cho bọn đàn em xông lên. Bỗng từ trong rừng tiếng chó tru lên nghe thật khủng khiếp.

Hú..u..u..u… Hú…u…u..u… Hú….Hú…u…u..u… Khi tiếng chó vừa dứt thì K’tuh xuất hiện, theo sau anh là bốn con vật yêu quý, tám con mắt rực lửa nhìn vào những kẻ đang lăm lăm vũ khí trên tay khiến chúng phải lui lại. Bốn con chó lại tru lên một hồi nữa. Hú..u..u..u…. Hú…u…u..u…Hú….Hú…u…u..u… Trong lúc kẻ thù đang run sợ thì bốn con chó lao lên, gầm gừ khiến cho bọn chúng phải quay người chạy. Nhìn bọn chúng nổ máy xe chạy tán loạn mọi người đều cười ồ lên.

Kể từ hôm đó, không còn thấy bọn lâm tặc bén mảng tới nữa.

Bọn lâm tặc nhiều lần đến mua chuộc cha cố, nhưng cha đã từ chối một cách thẳng thừng. cha nói vói họ:

– Rừng của nhà nước… Nhà nước kêu gọi người dân cộng tác bảo vệ thì họ bảo vệ… chứ tôi không liên quan gì cả.

Nhận thấy không mua chuộc được cha, bọn lâm tặc quyết tâm tìm cách hãm hại.

Trong cái lạnh se nhẹ của buổi chiều Tây Nguyên, làn sương mỏng quyện với khói từ những chái bếp của buôn làng bốc lên, cha cố cho xe chạy từ từ trên con đường mòn dẫn ra khỏi buôn. Tuổi ngoài lục tuần nhưng cha vẫn còn khoẻ lắm. Bạn đồng hành với cha là chiếc xe cúp đời tám mốt.

Tên thật của cha là Trần Cao Nguyên, và quả đúng như tên gọi của mình, ba mươi năm trong đời tu trì cha gắn bó bới mảnh đất cao nguyên đầy sương khói. Đặc biệt là hai mươi năm làm linh mục, cha đã sống gắn bó một cách thân tình với anh em người thượng, nhất là người Churu. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hồng hào khả ái với nụ cười trên môi làm cho cha trở nên dễ gần gũi với bất cứ ai gặp cha lần đầu.

Đang thả hồn theo gió với những suy nghĩ miên man trên con dốc kề triền đồi thì cha giật mình vì chiếc xe như bị giật mạnh lại bởi một sợi dây. Tay lái lảo đảo khiến cha ngã nhào theo chiếc xe vì bị mất lái. Triền đồi cao phải đến ba mươi mét, phía dưới là một con suối đá lởm chớm. Trời đã chạng vạng tối, nhìn thấy cha rơi xuống trong tiếng lào xào của cây và lá, bọn côn đồ vội vàng bỏ đi .

Gió vẫn thổi, sương khói vẫn cuộn theo, tiếng chim lạc bầy kêu lên nghe ai oán, đâu đó tiếng chó tru lên thảm thiết.

Chiếc áo dòng hồi chiều cha mặc để làm phép rửa tội cho một người trong buôn đang gói trong bọc nilon để trên bàn, K’tuh sợ cha không có áo mặc để đọc kinh, trong lòng thấy nóng ruột.

K’tuh mượn con ngựa của bố phi thẳng tới nhà xứ, chạy qua đoạn dốc kề con suối dưới chân đồi, K’tuh thấy cái nón của cha cố vẫn thường đội nằm đó, biết có chuyện chẳng lành xảy đến cho cha, chần chờ giây lát, anh cột ngựa lại rồi lần mò xuống theo con dốc. Khi K’tuh đi tới chỗ đất sụp xuống tạo thành một cái khe nhỏ, cỏ đã mọc che gần kín trên bề mặt nằm ngang phía sau tảng đã lớn anh thấy chiếc xe máy nằm một bên. Nhảy vội xuống, anh nhận ra cha cố đang nằm úp mặt vào vách đất dưới khe.

K’tuh vội vàng vực cha lên trên triền dốc, đặt cha xuống anh nhận ra cha đã rất yếu, máu từ trán cha chảy ra nhiều quá, dường như cha đang muốn nói đều gì đó. K’tuh hiểu ý liên ghé tai vào. Miệng thì thào cha nói:

– Có người hại cha… nhưng đừng làm gì họ… cha tha thứ cho họ… nhớ bảo mọi người hãy giữ đạo cho tốt…. chắc cha không qua khỏi… cha xin phó linh hồn trong tay Chúa….

Nói thế rồi đôi mắt cha dần dần khép lại. Cái lạnh se của màn đêm Tây Nguyên như bị xé toạc bởi tiếng thét của K’tuh. Anh ôm lấy cha mà khóc, đâu đó tiếng chó tru lên từng hồi nghe thật ai oán.

Đám tang cha cố được cử hành một cách giản dị, nhưng đoàn người tiễn đưa cha thật là đông. Nhìn gương mặt của hàng ngàn con người đang dàn dụa nước mắt khóc tiễn người cha già đáng kính của họ mà trời đất như sầu như thảm. Những cơn mưa bất chợt đổ xuống như muốn hoà chung những giọt nước mắt của đoàn người tiễn cha.

Cũng trong ngày đó, một phép lạ đã xảy đến cách riêng với thầy cúng Ya coh. Người ta không hiểu nguyên cớ gì mà ông đã khóc vật vã bên ngôi mộ của cha cố vừa mới đắp.

Thầy cúng Ya coh trở lại đạo là một phép lạ hiển nhiên mà người ta nhận thấy trong cái chết của cha cố. Nhiều người đã trở lại đạo từ sự trở lại của thầy cúng Ya coh.

Cái chết oan khuất của cha cố đã bị những kẻ có tiền trong hàng ngũ bọn lâm tặc dìm đi trước pháp luật. Người ta chỉ biết đó là một vụ tai nạn mà thôi.

Sau cái chết của cha, bọn lâm tặc lại kéo vào để phá rừng, nhưng khi tới cổng rừng thì tiếng tru rùng rợn của những con chó khiến chúng phải lui lại. Trong bóng đêm mờ ảo, bọn chúng thấy một người đứng hiên ngang trên đống đá nơi cổng rừng, chung quanh anh là bốn con chó với đôi mắt rực lửa.

Kể từ đó bọn lâm tặc truyền nhau câu nói “sói rừng K’tuh” khiến cho những kẻ khác muốn vào phá rừng đều phải sợ.

****

Mã số: 16-064

BỨC TƯỜNG BERLIN

Lần đầu tiên ông lần chuỗi mà lòng đầy bất an. Miệng đang nhẩm những kinh kính mừng mà lòng ông đầy lo lắng, ông đang không tìm thấy sự bình an nơi tràng chuỗi mân côi, ông đang nghĩ về anh và gia đình, đang nghĩ về thái độ của ông lúc nói chuyện với vợ chồng anh… Đâu đó bên nhà hàng xóm có bà cụ đang mở bài giảng của Đức cha Khảm nói về dụ ngôn người cha nhân hậu…  Lòng ông bỗng thắt lại, cổ họng nghẹn ứ… hình ảnh của anh lại tràn về: khắc khổ, cam chịu, bi thương…

Sáng hôm đó, lúc ông đang cố gắng viết luận án thì anh dẫn theo vợ tới gõ cửa phòng ông:

– Thưa cha! Cho vợ chồng con gặp cha có chút chuyện muốn trình bày với cha, mong cha giúp đỡ cho chúng con.- Anh chắp tay lễ phép.

– Anh chị chờ tôi một chút.- Ông đáp vẻ mặt khó chịu.

Tính ông vốn vậy, không muốn nói chuyện với ai, không muốn ai bước chân vào nhà xứ mà cũng không muốn bước ra khỏi nhà xứ. Nhà xứ – nhà dân, ôi một khoảng cách mênh mông không gì lấp được. Giáo dân sợ nhà xứ, giáo dân không dám nói, giáo dân chỉ dám nói sau lưng, còn ông chỉ toàn được nghe những lời bợ đỡ… nên nhà xứ và nhà dân cứ xa lại càng xa.

30 phút sau, bực tức vì bị quấy rầy, ông bước ra, vẻ mặt thờ ơ, vô cảm của ông đang nhấn chìm những hi vọng mong manh cuối cùng của anh.

– Dạ thôi, con cảm ơn cha, chắc cha đang bận công việc, vợ chồng con không dám làm phiền cha nữa.

Anh dắt vợ ra về. Ông đứng đó, nhìn theo, giận dữ. Láo! Láo quá! Giáo dân bây giờ láo quá! Đúng là không biết tôn ti phép tắc trật tự gì hết ráo.  Đúng rồi, giáo dân láo thật… láo thật… láo thật!

Hai ngày sau, nghe tin anh và vợ đã ly thân. Vợ anh theo người đàn ông khác, mang theo tất cả tài sản anh dành dụm được, bỏ lại anh với bốn đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Ông, thì ra ông chính là mảnh phao cuối cùng mà anh muốn bám víu, anh mong ông gặp cả hai vợ chồng để ông khuyên răn, dạy bảo vì anh tin vào ông, anh tin vào “Lòng Thương Xót” mà ông đang rao giảng, giảng hùng hồn. Nhưng có lẽ hạnh phúc của một gia đình, chỉ một gia đình nhỏ vô danh tiểu tốt thì có đáng gì so với luận án tiến sĩ tâm lý của ông. Sao lúc đó ông có thể thờ ơ đến thế? Sao lúc đó ông có thể lãnh đạm đến thế? Giá như… giá như… giá như… thật nhiều cái giá như!

Giờ đây, đang một mình bước đi trong sự cô quạnh, những hình ảnh của anh lại ùa về: khắc khổ – hi vọng – thất vọng – cam chịu. Soi vào trong sâu thẳm, nơi thẳm sâu nhất trong tâm hồn, ông đang nhìn lại chính ông, nhìn vào buổi sáng hôm đó, nhìn vào khoảng cách giữa ông và đàn chiên, ông tự ngửi trên người mình: mùi chiên đã bén vào ông chưa? Hay ông chỉ như một người chăn thuê: sáng chiều dâng lễ, sau lễ thì mạnh ai nấy đi? Có lẽ với ông, Lòng Thương Xót Chúa chỉ dành cho những ai mang lại “lợi ích” cho ông, chỉ dành cho những ân nhân của ông, chỉ dành cho những đứa con linh tông của ông. Còn giáo dân ư? Có đáng là gì!

Đâu đó nhà bên cạnh vẫn vang vọng giọng giảng hài hước mà ý nghĩa của Đức cha Khảm… Lòng ông quặng thắt… ông đang nhìn vào một khoảng không vô định, nơi mà bức tường Berlin bị đập vỡ.

****

 

Mã số: 16-065

TÌM CHIÊN LẠC

 

Trời tháng Tư nắng như đổ lửa. Cha nhận được bài sai đến một xứ vùng đồng bằng cách thành phố chừng bảy cây số. Nói là đồng bằng, nhưng ngôi nhà thờ lại tọa lạc trên một ngọn đồi đìu hiu được bao bọc xung quanh bởi những cánh đồng lúa. Bên phải nhà thờ có phần mộ của một vị Linh mục được chôn cất mấy chục năm trước. Người dân ở đây kể lại rằng đó là phần mộ của cha xứ cũ. Ngày xưa người dân xứ Yên Lạc sợ bị bách đạo, nên không dám tiếp tế đồ ăn, để cha chết đói. Và kể từ đó, Đức Giám Mục phạt giáo xứ, không cho Linh mục về ở. Hàng tuần, chỉ có cha xứ làng bên đến làm lễ Chúa nhật mà thôi.

Cha hiểu trách nhiệm nặng nề nơi nhiệm sở mới của mình vừa được trao. Một giáo xứ vắng bóng Linh mục lâu năm thì hẳn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Cha vào nhà thờ, nằm sấp nơi cung thánh, trước Thánh Thể, cả tiếng đồng hồ. Mồ hôi nhễ nhại. Tiếng ve kêu râm ran trên các cây nhãn và tiếng nhái ngoài đồng ộp ộp cũng không làm cha chia trí. Cha nghe Chúa Giê-su Thánh Thể đang nói với cha hãy đi tìm chiên lạc. Phải rồi. Tìm chiên lạc, đó là việc cần làm đầu tiên.

Cha cho mời Ban hành giáo đến nói chuyện, hỏi han tình hình giáo xứ. Mùa chay năm ấy, cha bắt được khá nhiều “con cá lớn”. Cha đến từng nhà thăm hỏi, động viên và đưa họ đến với tòa giải tội. Sự gần gũi, thân thiện và khiêm tốn của cha cũng chinh phục được nhiều linh hồn. Tuy nhiên, vẫn còn một “con cá rất to” đang vật vã, chống cự khiến cha phải đau đầu.

Một buổi chiều đẹp trời, cha đi dạo thăm dưới làng và dừng lại trước cổng nhà ông Sáu. Cánh cổng chốt hờ bên trong. Mấy con chó đói nằm trong lồng sắt rên rỉ ghen tị với một bầy chó giữ nhà được tự do ra cổng sủa ầm ĩ. Ông Sáu, mình vận cái quần sọoc đỏ đã sờn màu và chiếc áo ba lỗ mỏng manh, lốc thốc chạy ra. Tay ông vẫn còn cầm con dao nhọn đâm tiết chó. Thấy người lạ mặc áo cổ cồn, mắt đeo cặp kính trắng đứng ngoài cổng, ông đoán là cha xứ mới về. Dù không đi nhà thờ, nhưng ra chợ cũng nghe người ta kể về vị Linh mục mới nhiều. Mà kiểu ăn vận như thế này thì chỉ có thể là ông cụ xứ.

– Chào anh Sáu? Anh khỏe không? Công việc vẫn tốt chứ?

– Cụ đến đây có việc gì không?

– Tôi muốn đến thăm gia đình anh thôi. Cho tôi vào nhà chơi được không?

– Xin lỗi. Tưởng là cụ đến mua thịt chó, chứ thăm hỏi thì tôi không có giờ tiếp. Mời cụ về cho.

Nói xong, ông Sáu hất mạnh tay đóng cánh cổng kêu cái sầm, rồi quay vào nhà.

Cha đứng nhìn ông Sáu cho đến khi cái bóng ông khuất hẳn, rồi đành ngậm ngùi bước đi. Mấy con chó cứ sủa dai dẳng, như nỗi ám ảnh đeo bám cha vậy.

Ông Sáu vốn là người sùng đạo. Gia đình ông mấy đời đều làm Ban hành giáo, có tiếng nói và uy tín trong giáo xứ. Thế mà, oái ăm thay, Út Liên, đứa con gái một của ông mới lớn đã yêu say đắm thằng Hân làng bên rồi có bầu. Cái kiểu “ăn cơm trước kẻng” lúc bấy giờ là một hiện tượng hiếm hoi chứ không nhan nhản như ngày nay. Làng xóm đã bắt đầu xì xào, bàn tán rồi chỉ vào cái tiếng Ban hành giáo mấy đời nhà ông mà chửi. Thằng Hân là người bên lương. Nó đồng ý chịu trách nhiệm đưa Liên về nhà sinh con và nuôi, nhưng nhất quyết không theo đạo. Ông Sáu đã đến trình cha xứ, xin cha làm phép chuẩn hôn nhân để lo chuyện cưới xin cho con. Cha xứ không những không đồng ý, lại còn la ông một trận. Cha tuyên bố giữa nhà thờ rằng không ai được đi dự đám cưới con nhà ông trùm. Rồi ngày nào cha cũng đưa chuyện nhà ông ra để nêu gương cho bàn dân thiên hạ. Ông Sáu chuyển từ xấu hổ đến căm phẫn, uất giận. Ông nghỉ làm Ban hành giáo, thôi đi lễ đọc kinh, bỏ xưng tội. Ông hận cha xứ, căm tức dân có đạo rồi sinh ra tính ăn cắp. Ông đi bắt gà, bắt vịt của những nhà đã chỉ trích, kì thị gia đình ông rồi gây rối trong làng. Dân báo công an xã. Ông Sáu bị bắt đi cải tạo năm tháng. Kể từ đó, nỗi uất hận trong lòng ông và gia đình ngày càng lớn.

Sau khi ông Sáu ra trại được hai tháng thì bà Tân, vợ ông đổ bệnh rồi chết. Mọi điều rủi ro cứ đến thăm nhà ông dồn dập. Ông Sáu cấm tất cả anh em, con cháu đến nhà thờ. Đứa em út của ông đi tu học bên Úc về, ông cũng bắt bỏ tu, bỏ đạo. Ông sống bằng nghề bán thịt chó. Ông đi mua chó, có khi là ăn cắp chó trong làng, rồi làm thịt và đưa lên phố bán.

Cha về, tiếp tục những công việc mục vụ ở giáo xứ. Rồi thời gian dần trôi, bộ mặt giáo xứ Yên Lạc trong ba năm trở lại đây đã đổi khác nhiều. Từ một ngọn đồi hiu quạnh đã trở nên một trung tâm hành hương. Đền thánh An-tôn và là nơi nhiều Nhà Dòng và các nhóm sinh viên về tĩnh tâm, linh thao. Cha cũng xây một ngôi nhà nguyện nhỏ và đặt Mình Thánh Chúa suốt ngày, chia phiên chầu cho từng gia đình trong các giáo họ, giáo xứ. Thứ ba, thứ năm và thứ sáu hàng tuần, từ chín giờ sáng đến bảy giờ tối, mỗi phiên chầu một giờ, gồm ba gia đình trong cùng một xóm giáo. Cha đưa ra ý kiến và hỏi tất cả giáo dân trong Thánh lễ Chúa nhật, mọi người đều ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng. Cha bảo các ông Ban hành giáo viết ra bảng danh sách và giờ giấc cụ thể của các giờ chầu, rồi dán trước nhà nguyện một tấm, dán trên bảng tin của xứ và phát về các gia đình. Nếu ai bận vào giờ của mình thì có thể đổi phiên cho gia đình khác.

Khi thông báo được gửi đi, có bà Biên và anh Hưng nhà ở góc sau nhà thờ đến xin gặp cha thắc mắc:

– Thưa cha, giờ chầu lúc ba giờ chiều thứ sáu tuần này… có bị sai sót gì không cha, sao con thấy có ghi tên nhà Sáu thịt chó?- Bà Biên nhanh nhẩu hỏi trước.

– Nhà ông ấy bỏ đạo từ khi nảo khi nào rồi, cha và cả xứ đều biết mà, sao mấy ông Hành giáo còn ghi tên nhỉ?- Anh Hưng nói thêm.

– Nhầm sao được mà nhầm con. Cha bảo ghi tên nhà ông Sáu đó.- Cha đáp hiền từ, vừa nhìn xem phản ứng của hai người thế nào.

– Nhưng nhà họ lâu nay có đi nhà thờ gì đâu cha, lại bị cả làng tẩy chay nữa. Có ghi họ cũng chẳng đi đâu, rồi giờ chầu lại thiếu người…

– Đúng đó cha ạ. Mà nếu không thì xin cha đổi cái tên đó vào giờ khác được không? Gia đình con không chầu chung với cái nhà bỏ đạo, trộm cắp đó đâu.- Bà Biên năn nỉ.

Cha không nói gì. Vẻ mặt chạnh buồn. Cúi xuống một chốc, rồi cha ngẩng đầu lên, nhìn hai người nghiêm giọng:

– Các con đang sống trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Thiên Chúa mời gọi các con sống hoán cải, tha thứ và yêu thương như Chúa Cha. Điều này trong mỗi Thánh lễ cha đều nhấn mạnh rồi…

– Nhưng thưa cha…

– Lòng thương xót của Thiên Chúa đổ tràn trên tất cả mọi người, không trừ một ai. Và những con chiên lạc như ông Sáu và gia đình ông lại cần đến sự tha thứ và hòa giải hơn bao giờ hết. Các con đã chẳng nghe Kinh Thánh nói: Người đau ốm mới cần thầy thuốc ư?

– Thưa cha, chúng… chúng con xin lỗi.

– Các con phải nhận ra tội lỗi và trách nhiệm của mình trong việc này. Trước Thánh Thể, hãy cầu nguyện cho các tội nhân, nhất là gia đình ông Sáu, được ơn trở về.

Chiều thứ sáu hôm đó, giờ chầu chỉ có gia đình anh Hưng và bà Biên, cùng mấy chú nhà xứ. Ba tuần liên tiếp đều như vậy. Đến tuần thứ tư, cha xứ lại tiếp tục bắc loa kêu gọi như những tuần trước. Cha cho quay loa về phía bên trái nhà thờ, nơi có cái ao làng và có nhà ông Sáu.

Đến trưa, một bóng người lảng vảng nơi nhà xứ. Cha vừa ngồi soạn bài giảng xong bước ra, thì thấy ông Sáu, bữa nay ăn mặc chỉnh tề và lịch sự hơn lần đầu cha gặp và mấy lần khác cha ngó qua.

– Này anh Sáu, anh lên thăm tôi à? Mời anh vào nhà uống tách trà cho ấm bụng.

– Chào cụ, tôi lên đây để nói với cụ đừng phát mấy tờ giấy thông báo đến nhà tôi làm chi cho vô ích. Vả lại, cụ cũng đừng có mời gọi trên cái loa phóng thanh nữa. Mấy con chó nhà tôi nghe cụ nói nó cứ sủa ăng ẳng lên, không cho tôi chọc tiết.

– Ồ, tôi không biết là việc đó làm phiền anh như vậy. Thôi, bữa nay anh đã lên đến đây rồi, có điều gì còn uẩn khúc trong lòng thì anh cứ nói ra.

– Nói thật là tôi không ghét cụ. Nhưng tôi hận các Linh mục, hận Giáo Hội và cả dân có đạo nữa. Vì họ mà gia đình tôi nên nông nỗi này…

Cha chăm chú lắng nghe từng lời, từng chữ thốt ra từ miệng ông Sáu. Những lời đó, có những chua cay, tủi nhục; có những oán ghét, hận thù; có những chán nản, tuyệt vọng, có những day dứt, bứt rứt không làm sao gỡ được. Những lời đó, có những điều cha đã được nghe người ta kể, nhưng cũng nhiều điều u uất mà chỉ người trong cuộc mới hiểu và giờ mới được kể ra. Ông Sáu nói, ánh mắt tỏ rõ sự bức xúc nhưng không giấu nổi dòng lệ mặn chát đang chực trào. Nghe xong, như có một động lực nào thôi thúc tự sâu thẳm bên trong, cha quỳ xuống, trước cặp chân khúm núm đứng không vững của người đàn ông  làm nghề bán thịt chó.

– Anh Sáu, hôm nay, tôi thay mặt Giáo Hội, thay mặt các Linh mục, thay mặt mọi người dân xứ đạo nơi đây, xin lỗi anh và gia đình. Mong anh tha thứ và trở lại…

Chưa để cha nói hết lời, ông Sáu đã ôm chầm lấy cha, đỡ cha lên, rồi ông sụp xuống sát đất, khóc lóc, xin lỗi. Giọt nước mắt lần này không giống với những dòng lệ chảy ra từ khóe mắt ông Sáu của những năm qua. Chính nhờ sự khiêm tốn, nhẫn nại và quảng đại của cụ Linh mục xứ đã làm ông Sáu cảm động. Ông nhận ra cái sai và sự cứng đầu, cố chấp của mình.

Cha đưa ông vào nhà nguyện. Trước Thánh Thể, chỉ có hai người, cha xứ và ông Sáu.

– Lạy Cha, sau nhiều năm rong ruổi bụi đời, giờ đây, con chiên lạc của Cha, thuộc đoàn chiên Cha giao cho con, đã trở về. Con xin dâng lại cho Cha người con đó. Xin Cha đón nhận, vỗ về và chở che trong vòng tay đầy tình thương xót…

Sau một giờ quỳ thinh lặng, cha giúp ông xét mình và xưng tội. Khi hai người bước ra cũng là lúc hồi chuông và tiếng nhạc báo hiệu giờ lễ chiều thứ bảy. Họ đã quên ăn bữa trưa nhưng lại được no say niềm vui và sự thanh thản.

– Cha ơi, cha có đói bụng không? Còn con, con không ăn trưa mà vẫn no. No mà nhẹ. Như trút được một gánh nặng khổng lồ, bỏ được cái gông ra khỏi cổ.

Cha không nói gì, chỉ cười hiền từ, nhìn ông Sáu trìu mến.

– Cha ơi, tối nay mời cha xuống nhà con ăn thịt chó. Con muốn thết đãi cha con chó mà con đã vừa mổ thịt trước khi lên đây. Số còn lại đang nằm trong cũi, con sẽ bán hết, cộng với số tiền con bán chó lâu nay, con xin mua một bức tượng Lòng Thương Xót Chúa cúng cho nhà thờ.

Ông Sáu chào cha, để cha kịp vào chuẩn bị dâng lễ. Rồi ông lên cầu nguyện tạ ơn trước tượng Đức Mẹ và thánh An-tôn trên đền, sau đó qua phần mộ một bên, đọc kinh và thắp một nén hương cho vị Linh mục quá cố.

Ông Sáu trở lại. Cả gia đình ông trở lại. Mấy tay trùm đánh bạc, đánh đề ở làng trên xóm dưới cũng đến xin trở lại.

Hai tháng sau, một bức tượng Lòng Chúa Thương Xót đã được dựng trên cung thánh nhà thờ. Đó là món quà dâng cúng của những người lâu năm trở lại. Bức tượng được thiết kế đặc biệt theo ý tưởng của cha xứ, có phần rỗng bên trong đủ để đặt những tấm bảng ghi tên những người trở lại trong năm thánh. Cha bảo làm vậy để họ ý thức rằng họ luôn được ở trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

****

Mã số: 16-067

NẮNG ĐÃ LÊN

 

  … Ríu rít … ríu rít….

Hắn mơ màng nghe tiếng chim hót ngoài cửa sổ. Âm thanh quen thuộc của họa mi trên nhánh cây xà cừ cổ kính đánh thức hắn dậy sau một giấc ngủ dài.

Phòng hắn gần một cây xà cừ vĩ đại, mỗi sáng sớm thường có vài chú chim đến kiếm ăn và hót véo von trên những cành cây vươn dài đến cửa sổ phòng hắn. Lâu lắm rồi hắn mới được thưởng thức một buổi sáng yên bình thế này. Bình thường khi bình minh chưa ló dạng hắn đã thức dậy rồi. Lúc ấy ngoài trời vẫn còn nhá nhem tối.

Hắn nhìn lên đồng hồ và lẩm bẩm: “8h sáng rồi à!!!”

Nắng ở ngoài cửa sổ chiếu xuyên qua tán cây, một vài vệt nắng vương lên cửa sổ phòng, cơn gió thu nhè nhẹ mang cái se se lạnh của thời khắc sắp chuyển đông đi vào phòng, thổi đi hết tất cả những tù túng ngột ngạt trong gian phòng chật hẹp khiến hắn cảm thấy trong người thật thoải mái.

Hắn chợt nhớ rằng hắn vừa trải qua một trận sốt kinh hoàng. Buổi tối hai hôm trước, hắn dầm dề cả đêm ngoài mưa. Nhưng vì sao hắn lại ở ngoài trong khi trời đang mưa nhỉ? Đưa tay đặt lên trán rồi nhớ lại, những hình ảnh quen thuộc dần xuất hiện trong tâm trí của hắn.

***

“Cốc cốc”

– Cha ơi, cha ơi!

– Ai đó?

– Dạ, con Thi đây cha.

   Hắn mở cửa. Ra là con bé Thi, con bé ở phía sau nhà thờ, đang trong chiếc áo mưa mỏng dính, mặt nó lem nhem vì tóc dính nước mưa bết vào da. Nó đứng mếu máo.

– Cha ơi, thằng Tín em con đi lễ từ hồi chiều tới giờ mà chưa về.

– Ủa? Hồi chiều cha không thấy nó đi lễ, mà bố mẹ con đâu?

– Dạ chắc do trời mưa nên bố mẹ con bị kẹt trên rẫy chưa về được.

   Nhìn đồng hồ, đã hơn 7h tối rồi. Hắn sốt ruột quay qua nói với con bé: “Con vào đây đợi tí, cha lấy áo mưa rồi mình đi tìm em con”.

   Dắt chiếc Dream Thái cũ kĩ ra, hắn chở con bé đi dọc các quán game xem thử thằng bé có ở đó không. Dạo này các quán game online mọc lên như nấm sau mưa, không chỉ trẻ con mà thậm chí cả người lớn đều bỏ hết thời gian học hành, làm việc cũng như đi tham dự thánh lễ chỉ để cày game. Bỗng nhiên, con bé ngồi sau réo lên:

– Cha, hình như thằng Tín kìa.

   Bé Thy đi vào kéo thằng em ra khỏi quán game kèm theo những lời càm ràm trách móc, thằng bé có vẻ biết lỗi không cãi lại câu nào. Nó bất ngờ hơn và hơi sợ khi thấy cha Khiêm đang ngồi trên xe chờ nó ngoài cửa

– Lên xe đi!- Hắn ra lệnh cho thằng nhỏ với giọng nói và ánh mắt nghiêm nghị.

   Thằng nhỏ lẽo đẽo leo lên xe, hai đứa nhỏ ôm chặt hắn. Trời mưa mỗi lúc một to, nước mưa như tát vào mặt. Hắn cố gắng đi cẩn thận qua những con đường giờ đã ngập úng trong nước mưa. Sau khi về đến nhà, hắn nhắc nhở và cảnh cáo thằng nhỏ không được tái phạm như vậy nữa, đại loại như một bài giảng đạo.

   Trở về nhà xứ, vội vàng cởi áo mưa ra lau khô người, uống một ly trà nóng xong hắn đọc kinh tối và leo lên giường nằm thiếp đi miên man. Đến sáng hôm sau hắn bị sốt nặng, thế là suốt hai ngày trời hắn nằm li bì, sáng nay bớt sốt và tỉnh táo đôi chút.

   Hắn ngồi dậy cho tỉnh táo hơn chút, chợt hình ảnh từ tấm gương đối diện phản chiếu lại trong mắt hắn. Hắn thấy tóc mình đã bạc, nếp nhăn lằn đậm trên vầng trán, bên khóe mắt đã xuất hiện vết chân chim. Hắn chợt nghĩ: “Mình già rồi ư?”.

   Bỗng nhiên hắn nhớ về hình ảnh người mẹ già. Nhớ lúc hắn mới mười ba tuổi, tuổi nổi loạn và cứng đầu, tuổi ương bướng và thích thể hiện.

***

   Rồi như một cuốn phim, cảnh quay trong đầu bắt đầu tua chậm chậm ngược thời gian đưa hắn về với thời điểm hắn mười ba tuổi. Hình ảnh trong quá khứ dần dần hiện lên trong đầu một cách chậm rãi và rõ nét, như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

   “Chát, chát…”… Cảnh quay dừng lại vào lúc hắn thấy mình bị mẹ quất roi mây vào mông. Nhưng hắn không khóc,  thậm chí những cú đánh của mẹ làm hắn tức giận hơn, hắn hét toáng lên như để giải tỏa bao nhiêu kiềm nén bấy lâu trong lòng.

– Con không đi lễ nữa, lễ lạy chả có ích gì cả, cứ lên đó ngồi nghe mấy ông cha có mấy đoạn kinh thánh mà lập đi lâp lại từ năm này qua năm khác, con chán lắm rồi.

– Đồ vô đạo này! (chát chát) Còn nói nữa này! (chát chát)-  Bà vừa chửi vừa đánh.

– Con không đi lễ, con không đi lễ!- Hắn càng bướng bĩnh hơn.

– Lần sau mà mày bỏ lễ Chúa nhật nữa thì liệu hồn nghe chưa!

Sau câu đe dọa đó, bà ném chiếc roi mây ra ngoài sân bỏ vào phòng nằm. Di ảnh chồng bà đặt nơi tủ đối diện chiếc giường; bà nhìn vào tấm hình, đôi mắt ông luôn ánh lên nét hiền từ cùng nụ cười triều mến. Bà nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên đôi gò má xương xẩu.

Hôm đó là Chúa nhật, hắn không đi lễ mà đi chơi game, hồi đó chưa có game online hiện đại như bây giờ, toàn là game băng, hoặc game đĩa được nối với bàn phím bốn nút. Vậy mà làm mê mẫn biết bao trẻ nhỏ, kể cả hắn. Bao nhiêu tiền hắn đều đổ vào quán game đó hết.

Bà hàng xóm thấy hắn trốn lễ Chúa nhật mà đi chơi game, bà về mách mẹ hắn, thế là mẹ hắn lôi về rồi đánh cho hắn một trận.

Lần đó hắn cãi nhau kịch liệt và bị một trận đòn ra trò như vậy, cũng làm hắn thấy ớn ớn. Những lần sau đó hắn không trốn lễ Chúa nhật nữa, nhưng vào nhà thờ tham dự thánh lễ một cách hờ hững, suốt buổi lễ cứ mong sao thánh lễ kết thúc thật nhanh, cha vừa ban phép lành là hắn chạy bay ra khỏi nhà thờ liền.

Rồi có một lần hắn lại bỏ lễ Chúa nhật ra quán game, hắn định là sẽ về khi lễ vừa kết thúc, để mẹ không biết hắn trốn lễ Chúa nhật.  Nhẩm tính như vậy hắn thấy an tâm mà ngồi vào chơi game, nhưng rồi hắn mãi mê chơi game mà quên cả thời gian. Ngoài trời đang đổ mưa tầm tã, gió mạnh quật vào những cây lớn ven đường khiến những cành cây gãy răng rắc rồi rơi đầy khắp mặt đất. Con đường làng vắng vẻ không một bóng người, chỉ còn nước mưa ngập khắp các ruộng lúa cùng với âm thanh gào rít như xé tai của gió đêm.

Đã hơn bảy giờ tối, mẹ hắn bồn chồn lo lắng không yên. Bà nhìn đồng hồ thêm lần nữa rồi mặc vội chiếc áo mưa, dắt chiếc xe ra rồi đạp lộc cộc lên nhà thờ .

Nhà thờ lúc này im ắng lạnh lẽo, không một bóng người.

– Khiêm ơi!- Bà hét lên, hy vọng nghe tiếng của đứa con đáp trả lại, nhưng không thấy gì cả. Bà đạp xe quanh nhà thờ một vòng để thử xem nhưng cũng chẳng có ai, bà đạp ngược xe ra lại cổng nhà thờ. Lúc này mưa to hơn, gió mạnh quất ào ào từng cơn vào mặt bà, khiến bà phải nheo mắt lại, gồng lưng lên để nhấn chiếc pedan.

Mưa lớn làm cho đường bị ngập, và vì đường tối nên không may chiếc bánh thụp vào ổ gà trên đường làm bà loạng choạng té xuống, cổ chân đập va vào một hòn đá.

Bà khẽ rên lên và thấy đau đau ở cổ chân, nhưng rồi bà dựng xe dậy đạp đến quán game để tìm con.

Đứng ngoài quán game nhìn vào bà thấy cái lưng quen thuộc của con, bà cảm thấy nhẹ nhõm. Dựng xe vào gốc cây, bà đi vào quán game.

“Bốp” bao nhiêu lo lắng, yêu thương, tức giận… của một người mẹ bà dồn vào cái tát đó làm thằng bé choáng váng. Lôi con ra khỏi tiệm game bà cởi cái áo mưa duy nhất đang mặc trên mình cho đứa con, bảo nó ngồi lên xe. Bà gồng mình đạp xe dưới trời mưa gió mặc cho cái chân đang đau nhói. Về đến nhà bà im lặng dọn cơm cho hắn ăn. Rồi bà vào phòng  nằm, để hắn một mình.

Nhìn hành động của mẹ, hắn cảm thấy lo lắng. Lúc nãy ngồi trên xe hắn đinh ninh rằng khi về nhà thể nào hắn cũng sẽ bị ăn đòn tơi tả.

Hôm sau thức dậy, hắn xuống bếp nhìn lên bàn ăn, nhưng không thấy đồ ăn sáng mẹ chuẩn bị như mọi khi. “Có lẽ mẹ vẫn còn giận”, hắn nghĩ vậy. Khi đi ngang qua phòng mẹ, hắn nghe thấy tiếng thở khò khè nặng nhọc. Linh tính báo điều chẳng lành, hắn chạy vào phòng mẹ thì thấy bà đang nằm mê man, người nóng hừng hực và mắt cá chân thì sưng vù.

– Mẹ! Mẹ!- Hắn gào lên trong nỗi sợ hãi,tay chân luống cuống không biết phải làm sao.Từ trước tới nay toàn mẹ chăm sóc hắn khi bệnh thôi.

Hắn chạy qua nhờ hàng xóm, người ta chở bà vào bệnh viện. Đã 2 ngày nay rồi, bà mê man chưa tỉnh, hắn sợ, sợ mất mẹ, lần đầu tiên trong đời hắn biết quan tâm và lo lắng cho mẹ thật sự. Đột nhiên trong đầu hắn nghĩ đến nhà thờ, một ý nghĩ lạ lùng. Có lẽ “mắc bệnh thì vái tứ phương”, thế là hắn quyết định đạp xe đến nhà thờ.

Trên đường gần đến nhà thờ hắn phải  đi ngang qua quán game, nơi thường ngày hắn trốn học, bỏ lễ để vào đó chơi. Mỗi khi đi qua quán game này, tâm trạng hắn lúc nào cũng phấn khích như thể trong quán game ấy xuất hiện một lực hút vô hình nào đó lôi kéo, gọi mời.

Nhưng lần này khác với mọi khi, hắn đạp một mạch đến nhà thờ.

Bước vào nhà thờ nhẹ nhàng chậm rãi, mắt ngước nhìn lên cung thánh nơi có tượng Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh. Thánh đường lúc này, rất im ắng không một bóng người, chỉ có chút ánh sáng mờ mờ trên cung thánh và ánh đèn chầu nhà tạm còn sáng leo lét. Thái độ hắn khác với thường ngày khi đi tham dự thánh lễ. Trước kia khi vô nhà thờ là nhìn lui nhìn tới coi chỗ ngồi, rồi xà nhanh vào đó kẻo sợ người khác chiếm chỗ, làm dấu qua loa và chờ kết thúc thánh lễ là chạy bay ra khỏi nhà thờ, kẻo như sợ cửa nhà thờ đóng lại là hắn sẽ mắc kẹt vĩnh viễn trong nhà thờ.

Lần này hắn làm dấu nhẹ nhàng hơn, rõ nét hơn, chậm rãi hơn rồi quì xuống. Như có một luồng khí mới, hắn bắt đầu cầu nguyện, cầu nguyện một cách chân thành thực sự:

– Chúa ơi, con biết con sai rồi, con không xứng đáng để xin Ngài, nhưng con tha thiết cầu mong cho mẹ con được lành bệnh.

Hai bên thái dương có cái gì đó ấm ấm chảy ra từ mắt hắn. Hắn khóc, nước mắt chân thành, nước mắt của đứa con  ngỗ nghịch. Hắn vẫn tiếp tục nói mếu máo trong đôi mắt ướt sũng.

– Con hư thì xin Chúa phạt con bệnh, đừng phạt mẹ con, mẹ con thương con lắm!

Giờ hắn nhìn kĩ hơn lên tượng Chúa chịu khổ nạn, nhìn khuôn mặt phúc hậu của Ngài gục một bên, đầu đội vòng  gai, nhìn lỗ đinh chân tay và cạnh sườn ngài, ở những vết thương có vệt máu loang. Đột nhiên hắn nhớ một đoạn bài giảng của cha xứ già trước đây hắn đã từng nghe rất nhiều lần: “Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi bằng lòng chịu chết để chuộc lại tội lỗi của chúng ta…tình thương ngài như gà mẹ ủ ấp con mình dưới cánh…”. Đột nhiên, lần đầu tiên hắn nghĩ đến tình thương của mẹ dành cho hắn trong suốt mười ba năm: “Mặc dù mẹ hay la mắng, hay đánh mình nhưng chung qui cũng vì yêu mình, vì muốn mình tốt hơn, vậy mà mình không biết thương mẹ tí nào”. Những dòng lệ lại tiếp tục chảy dài trên má hắn.

– Chúa ơi, con sai rồi con xin lỗi, con không hư nữa, xin giúp mẹ con chóng bình phục nhé.

“Lạy Cha chúng con ở trên trời…..”

“Kính mừng Maria đầy ơn phước…”

“Sáng danh Đức Chúa Cha….”

Hắn đọc kinh thật rõ ràng và chậm rải. Rồi sau đó nhẹ nhàng ra khỏi nhà thờ đạp xe đến bệnh viện.

Ngồi bên giường của mẹ hắn nhìn mẹ, thấy tóc mẹ đã bạc đi nhiều, da mẹ có vết nhăn nhăn, tự nhiên hắn thấy thương mẹ và xót xa trong lòng. Rồi hắn cúi gục đầu bên tay mẹ từ từ nhắm mắt lại và ngủ khi nào không hay.

– Mẹ mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi!- Cả phòng bệnh nhìn hắn, hắn mặc kệ vẫn gào thét lên trong nước mắt như một đứa con nít. Lúc giật mình mở mắt ra hắn thấy cái giường nơi mẹ nằm đã trống trơn, hắn nghĩ tối qua lúc hắn đang say giấc ngủ, mẹ xảy ra chuyện gì không hay rồi, người ta mang xác mẹ hắn đi rồi chăng. Hắn tự vẽ ra những điều tiêu cực trong đầu.

Cửa bệnh viện mở ra, mẹ hắn bước vào, hắn lao đến ôm mẹ khóc một cách ngon lành. Mẹ hắn ngạc nhiên, rồi xoa xoa đầu hắn.

– Nín đi nín đi, lớn rồi mà còn khóc, người ta cười cho kìa!- Lâu lắm rồi mới nghe giọng mẹ ngọt ngào như vậy.

– Hồi nãy thức dậy không thấy mẹ còn tưởng, con tưởng…- Hắn vừa nói vừa nấc.

– Tưởng mẹ chết rồi hả.- Bà kí vào đầu nó một cái nhẹ nhàng.- Thấy con ngủ ngon lành vậy mẹ không nỡ đánh thức, sáng nay mẹ thấy khỏe rồi, bác sĩ nói chiều nay có thể xuất viện.

Hắn lấy xe đạp chở mẹ về nhà, đi ngang qua nhà thờ, hắn dừng lại, làm dấu Thánh Giá rồi đạp xe đi tiếp. Mẹ hắn ngồi sau thấy vậy hơi ngạc nhiên nhưng rồi bà nở một nhẹ nhàng âu yếm.

Ba tháng sau.

Trong lúc đang ăn tối, bà thấy hắn trầm hơn hẳn mọi bữa, bình thường hắn nói tía lia, chuyện ở trường, ở lớp giáo lý, vân vân… Sợ hắn bị bệnh hay gặp chuyện gì đó: “Con sao vậy, không được khỏe hả?”.

Hắn không trả lời bà nhưng nhìn vào ánh mắt của mẹ lúc, vài giây sau hắn mở miệng nói một cách chậm rãi: “Con… con  xin cha sở vào nhóm dự tu của giáo xứ nha mẹ? ”.

Xém tí là bà rớt chén cơm đang cầm trên tay, con mắt mở lớn ra một tí, dường như không tin vào tai mình. Không ngờ đứa con này thường ngày ghét đi lễ, ghét đọc kinh vậy mà hôm nay xin đi tu hỏi sao bà không ngạc nhiên cho được.

Nhưng rồi một lúc sau, bà mỉm cười dịu dàng, đưa tay xoa đầu nó và nói: “Nếu con đã chọn con đường cho mình rồi, thì phải quyết tâm đi cho trọn nghe chưa”.

“Dạ”. Hắn cười tít mắt dạ một tiếng rõ to, rồi bưng chén cơm ăn một mạch.

***

“King koong, king koong….” Đồng hồ điểm 9 giờ sáng, cảnh vật trong đầu trở về với hiện tại, tự nhiên hắn thấy nhớ mẹ quá chừng.

– Chúa ơi, tình thương và lòng nhân từ của Ngài đã đốn ngã con từ dạo đó.- Một lời cầu nguyện bộc phát trong tim hắn cất lên.

“Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Maria được lên chốn nghỉ ngơi …”. Hắn đọc kinh cầu cho linh hồn của mẹ rồi ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh, dường như thấy mẹ dõi theo hắn. Bà mất sau 5 năm hắn chịu chức linh mục.

Hắn rời khỏi giường đi đọc kinh phụng vụ và chuẩn bị một ngày mới cho công việc tông đồ. Vừa đi hắn vừa xướng lên câu hát tiếng La Tinh mà hắn rất yêu thích.

“Te mihi semper amorem. Domine mi !!”, tạm dịch “Tình thương của Ngài luôn ở mãi cùng con, Chúa ơi!!!”

Mặt trời đã lên cao sưởi ấm khắp vạn vật, trên nhánh cây xà cừ, những chú chim non vẫn tiếp tục hót lên âm hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp nhất…

****

Mã số: 16-070

NGÀI CÓ ĐÓ

 

Lần đầu tiên ngủ lại trong bệnh viện, bà Tám không sao chợp mắt được, cái mùi ngai ngái ẩm ướt của những phòng vệ sinh cuối hành lang mỗi lần có cơn gió thoảng qua nó lại đưa về, cộng với mùi thuốc, mùi sát trùng làm cho bà có cảm giác khó chịu. Tội nghiệp cho cái mũi viêm xoang của bà nó cứ nghẹt lại rồi chảy nước ra. Bà nằm trằn trọc mãi, hai mắt mở to, quay sang nhìn cô con gái đang say giấc. “Con bé mới có hai ngày nằm viện mà nó gầy sọp hẳn đi”. Nằm nghĩ vẩn vơ một hồi, bà cố dỗ giấc ngủ, vừa  mới chợp mắt thiu thiu được một chút thì bà nghe tiếng tru tréo từ dãy hành lang bên cạnh. “Không, Tôi không tin, đừng nói nữa tôi không muốn nghe, nếu có Ngài tại sao tôi lại ra nông nỗi này”. Giật mình thức dậy bà lần theo tiếng la hét. Khi tới nơi thì đã có vài người quanh đó cũng thức dậy ra xem, theo phản ứng tự nhiên bà cũng chen vào để nhìn xem có chuyện gì. Nhưng khi vào tới nơi thì chẳng thấy ai ngoài một chàng thanh niên, nói chính xác là “một cục thịt” tròn vo nằm gọn trên giường. Bà tự nhủ: “Không biết anh ta nói với ai mà nghe giống như lời đối đáp của hai người”. Mấy người đứng nhìn một hồi rồi tản về lại các phòng. Để mặc anh ta muốn chửi rủa sao thì chửi. Vài cô y tá đang tìm cách cho anh uống thuốc an thần. Trong phòng anh không thấy có một người thân nào ngoài mấy cô y tá.

– Này cô, người nhà của anh ấy đâu?- Bà hỏi đại một cô y tá đang đứng gần đó.

– Anh ta không có người thân ở đây, chỉ có người mẹ già và một cô con gái chừng sáu, bảy tuổi ban ngày ở đây với anh ấy, còn ban đêm hai bà cháu về nhà.

– Thế vợ anh ta đâu?

– Làm sao tôi biết được.

Vừa nói cô y tá vừa nguây nguẩy bộ tóc đuôi gà bỏ đi. Bà thở dài nhìn theo… “Ngày xưa gọi lương y như từ mẫu, còn bây giờ không biết gọi như thế nào?”.

Anh cũng bắt đầu dịu xuống không còn la lối như hồi nãy. Mấy cô y tá đã ra khỏi phòng, anh nằm quay mặt vào tường. Nhìn thân hình khuyết tật của anh, tự nhiên bà thấy thương, không biết anh bị bệnh gì mà phải cưa hết tay chân hay do tàn tích của chiến tranh để lại? Bà rón rén bước lại gần chiếc giường và khẽ ngồi xuống định lân la hỏi thăm về hoàn cảnh của anh, nhưng thấy anh nằm im bà lại thôi. Trong phòng tối chập chờn của bóng điện mờ, nhìn “cục thịt” tròn vo nằm trên giường bà Tám sợ muốn đứng tim nhưng bà cố giữ bình tĩnh. Anh vẫn không cựa quậy, nằm nép vào một góc giường. Ngồi một lúc lâu, thấy anh đã yên bà đứng lên định đi về phòng thì nghe tiếng sột soạt chỗ anh nằm. Linh tính mách bảo cho bà biết có chuyện chẳng lành. Bà quay lại vừa lúc chai thuốc sâu đã mở nút đang nằm gọn trong tay anh, bà lao vào giật vội chai thuốc, bị tấn công bất ngờ anh trừng hai mắt đỏ hoe nhìn làm cho bà phát sợ. Bà còn chưa hoàn hồn thì nghe anh quát tháo, bà sợ đến nỗi chỉ còn một chút xíu nữa là chai thuốc trên tay rớt xuống nền nhà.

– Bà là ai? Ai khiến bà tới đây? Cút đi, tôi không cần sự thương hại của ai.

Khuôn mặt còn tái nhợt, bà đứng yên để cho anh “xả” tất cả những bứt rứt và cả sự đau khổ tồn đọng bấy lâu trong người anh. Bà hy vọng sau cơn xả ấy tâm hồn anh nhẹ nhõm hơn. Chửi một hồi thấy bà không nói gì anh cũng bắt đầu im dần. Bà đi ra phía góc hành lang cẩn thận đặt chai thuốc vào một góc khuất phía sau, rồi trở lại chiếc giường của anh. Trong bóng tối chập chờn, hai người không nói gì, bà bước lại gần hơn nhẹ nhàng đặt đôi tay lên bờ vai anh như muốn truyền tất cả sự cảm thông và tình thương cho anh. Đôi tay mềm mại ấy như dòng nhựa mới đang chạy khắp châu thân, nó có sức làm dịu bớt sự đau khổ và thất vọng của anh.

 Anh sực nhớ đến đôi bàn tay vô hình vẫn luôn đặt lên vai anh và nói “ơn của Cha luôn đủ cho con”, trong ký ức chập chờn ấy anh lại vẳng nghe lời hát “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn…”. Không biết lời của bài hát này đã dội vào tai anh bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần bài hát đó văng vẳng trong đầu là anh lại điên lên. Anh thực sự không muốn nghe vì anh thấy lời hát đó chẳng thực tế chút nào. Nói “Ngài có đó” mà anh có bao giờ thấy ai nên anh cũng không chấp nhận “sự hiện diện của Ngài”. Nhưng không hiểu sao lần này lời hát đó vang lên lại làm anh xúc động. Anh òa lên khóc, giọt nước mắt cay đắng, xót xa. Bà vỗ nhẹ vào vai như muốn khích lệ anh rằng: “Cố lên chàng trai, Chúa sẽ luôn phù trợ và đỡ nâng chúng ta trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố xảy đến”.

Bất chợt anh ngẩng lên hất một cái làm cho bà chút xíu nữa thì té ra phía sau. Anh quắc mắt nhìn: “Không, tôi không tin, bà đi đi, tôi không cần ai hết. Chẳng có Chúa, Mẹ gì ở đây bà đừng mất công vô ích”. Thấy anh chửi rủa và xua đuổi nhưng bà không đi. Bà đã gặp những trường hợp “bất cần” như anh rất nhiều. Cho dù họ nói không tin vào Chúa nhưng thẳm sâu trong lòng họ rất cần được một sự đỡ nâng. Chẳng qua trong lúc đau khổ nhất họ không thể kiềm chế được mình nên mới thốt ra những lời chua cay như thế. Trong lòng bà thầm cầu nguyện cho anh. Thấy bà im lặng anh lại tru tréo:

– Tại sao bà không nói? Bà cũng bị câm như ông Chúa của bà sao? Ông ấy không những câm mà còn mù, còn điếc nữa đó bà có biết không?- Hahaha, anh bật ra tiếng cười ngạo nghễ.- Vì câm và điếc nên ông ta mới không nhìn, không nghe thấy nỗi khổ của người khác. Tại sao lại cướp đi những phần chi thể trên người tôi, tại sao lại để vợ tôi ra đi khi tôi cần cô ấy nhất… Nếu thật có Chúa thì ông ấy đang ở đâu? Ở đâu???

– Bà nói đi chứ, tại sao bà lại cứu tôi, tại sao không để tôi chết đi, tôi không còn muốn sống, không còn muốn nhìn thấy cuộc đời nghiệt ngã này.

– Tôi cứu anh bởi vì tôi nhìn thấy Chúa trong anh.

– Chúa trong tôi? Hahaha… một thằng khốn nạn, tàn phế như tôi mà Chúa cũng ở lại sao?

– Khi đến trần gian này, Chúa đâu chọn cho mình cung điện đền vàng, nhưng Ngài chọn hang bò lừa hôi hám, lạnh lẽo giữa đồng hoang để được ở gần những người nghèo khổ. Ngài yêu thương, bênh vực và sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân. Ngài từng bị mang tiếng là đồng lõa với người tội lỗi và cuối cùng Ngài chấp nhận chết như một tử tội, chấp nhận đổ ra đến giọt máu cuối cùng vì yêu và muốn cứu chuộc chúng ta. Tôi biết…- Bà còn chưa nói hết thì anh ngắt lời.

– Bà thì biết cái gì? Cuộc sống gia đình tôi đang yên ổn tự nhiên ông ta bắt tôi phải chịu căn bệnh quái ác này để giờ đây tôi mất tất cả. Nếu không vì người mẹ già và đứa con nhỏ tôi cũng chẳng thiết sống làm gì.

– Anh à, Ngài không bao giờ muốn ai phải đau khổ, những khổ đau mà chúng ta gặp có phần cộng tác của ta. Chỉ vì sự ích kỷ và lòng tham mà chúng ta tự gây cho nhau biết bao đau khổ, bệnh tật. Nếu chúng ta biết tôn trọng những quy Luật của Chúa và bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm, không vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại sức khỏe thể lý cũng như tinh thần của đồng loại thì đâu phát sinh những căn bệnh mới và nguy hiểm như ngày nay. Biết bao người vô tội phải nhận chịu hậu quả ấy, anh cũng là nạn nhân của sự ích kỷ và lòng tham của con người. Qua chia sẻ của anh tôi thấy anh thật là một người con có hiếu, dù đau đớn nhưng anh đã dám vượt qua cơn đau để tiếp tục sống vì người khác. Điều đó làm cho tôi rất cảm kích. Sự vượt qua đó cho thấy có một sức mạnh bên trong nâng đỡ anh và tôi tin Ngài sẽ còn tiếp tục đồng hành và nâng đỡ anh mãi mãi. Cho dù anh có không tin và phủ nhận sự hiện diện của Ngài thì Ngài vẫn không bao giờ bỏ anh. Anh có biết, khi anh đau khổ Ngài cũng đau với anh? Bởi vì anh là chi thể của Ngài. Ngài tạo dựng anh như một tác phẩm tuyệt hảo, dù bây giờ anh không còn tay chân, nhưng trước mặt Ngài, anh vẫn là một tác phẩm tuyệt đẹp của Ngài. Đừng hủi hoại sự sống mà Ngài đã trao ban cho anh.- Nghe bà nói đến đó khuôn mặt anh trân lại như đang nghĩ ngợi điều gì.

– Trước đây khi mới cưa hai chân đến đầu gối, dù đau đớn nhưng tôi còn có hy vọng vì bên cạnh tôi, người vợ vẫn nâng đỡ và động viên. Điều đó làm cho tôi đã cố gắng vượt qua và hội nhập lại với cuộc sống mới. Những tưởng như vậy đã yên, nhưng rồi lần thứ hai tôi lại phải cưa đến tận hai bắp đùi. Lúc này tôi mới thấm thía nỗi đau khổ của bệnh tật và nghèo đói. Người vợ của tôi đã âm thầm rút lui vì tôi không còn ích gì cho cô ấy. Đau đớn, uất hận tột cùng, không ngờ cả đến người vợ cũng bỏ rơi khi mình cần cô ta nhất. Tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng trách nhiệm với người mẹ già đau nằm một chỗ và đứa con gái còn quá nhỏ tôi lại phải cố gắng sống vì biết rằng mẹ và con gái còn cần đến tôi. Tôi đã cầu xin cho mình được khỏi, với đôi tay còn lại, tôi cố gắng làm những việc gì có thể để nuôi mẹ và con. Nhưng ông trời chẳng nghe lời tôi cầu nguyện. Chỉ còn đôi tay là gia sản quý nhất, là phương tiện cuối cùng để mưu sinh cho “ba cái tàu há miệng” này mà Ngài cũng không cho nó tồn tại. “Tại sao cây lau bị giập Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét chẳng nỡ tắt đi”, thế mà Ngài lại vắt kiệt đời tôi thành bã. Giờ tay chân không còn, tôi sống để làm gì, tôi còn ích chi cho mẹ và con khi tôi không còn khả năng nuôi họ. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ và con tôi…ông trời ơi, ông thật là một người tàn nhẫn mà. Có ai hiểu được nỗi khổ của tôi lúc này không?- Vừa nói anh vừa khóc thật to.

Thấy anh đau khổ gào thét bà không nói gì nữa vì bà nghĩ trong lúc người ta đang quá đau khổ, quá thất vọng như vậy có nói gì cũng vô ích. Bà hiểu rằng anh đang quá tuyệt vọng về một biến cố bất ngờ xảy đến cho anh và gia đình. Nỗi đau của anh dồn dập và quá lớn như thế, anh chưa chuẩn bị được tâm lý, chưa sẵn sàng đón nhận thực tại nên anh bị mất niềm tin vào Thiên Chúa cũng không có gì lạ. Chỉ những ai có đời sống nội tâm sâu xa lắm họ mới vượt qua được thử thách nặng nề ấy. Điều quan trọng là Chúa đã gởi bà đến đây để bà được chứng kiến “một chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Chúa đang đau”. Và nhiệm vụ của bà lúc này là “xoa dịu nỗi đau ấy bằng việc củng cố niềm tin cho anh, phải giúp anh nhận ra Chúa vẫn yêu thương chăm sóc anh ngay lúc anh đau khổ nhất”. Nghĩ vậy bà thấy tự tin và càng tha thiết cầu nguyện cho anh nhiều hơn nữa.

Liều thuốc an thần mấy cô y tá cho anh uống hồi nãy làm cho anh từ từ đi vào giấc ngủ. Bà với tấm mền đắp lên người cho anh. Trở về phòng bà không sao chợp mắt được, hình ảnh của một chàng thanh niên phong độ hồi nào giờ chỉ còn lại một thân hình thương tích. “Chúa ơi, hồi nãy nghe anh ta than trách Chúa có buồn không? Xin đừng trách giận những gì anh nói Chúa nhé. Cảm ơn Chúa đã cho con chứng kiến những khổ đau của anh chị em để qua đó Niềm Tin của con được củng cố. Nếu con ở hoàn cảnh của anh ấy có khi con cũng than trách và bỏ Chúa? Xin nâng đỡ và củng cố niềm tin cho những “chi thể” của Chúa đang đau khổ và thất vọng”. Bà thiu thiu đi vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ chập chờn bà mơ thấy Chúa nói với bà: “Con hãy là chứng nhân Lòng Thương Xót của Cha”. Đang còn mơ màng thì chiếc điện thoại đổ nhạc báo thức, bà giật mình tỉnh dậy quay sang nhìn cô con gái vẫn còn say giấc. Bà nhớ đến anh chàng tối qua:

– Trời đất, mình mơ mà cứ tưởng là thật, không biết anh ta sao rồi.

Bà bật dậy khỏi giường vội vã chạy qua phòng anh. Anh chàng còn chìm trong giấc ngủ, bà dọn dẹp những chỗ ngổn ngang cho anh, nghe tiếng động anh thức dậy. Lúc này khuôn mặt của anh thật hiền, không dữ tợn như hồi đêm lúc anh đang giận dữ. Dọn dẹp xong bà lấy nước giúp anh vệ sinh cá nhân. Sau đó dọn đồ điểm tâm cho anh. Bà ngồi đút và anh ngoan ngoãn để cho bà đút hết chén cháo. Anh cảm động muốn bật ra tiếng khóc, hối hận vì những lời nói thiếu suy nghĩ của mình với bà tối hôm qua.

Những ngày kế tiếp bà cũng làm như vậy, vẫn âm thầm dọp dẹp, chăm sóc cho anh rất cẩn thận, chu đáo như thể anh là người thân của bà. Một lần trong khi dọn dẹp bà làm rớt bức ảnh nhỏ Lòng Chúa Thương Xót bằng giấy – bức ảnh bà vẫn để trong túi áo như một nguồn trợ giúp để bà có thể chu toàn công việc mà bà đang dấn thân. Đứa con gái của anh lượm được nhưng nó chẳng biết đó là hình gì, chỉ thấy hình có người thì nó cầm lên chơi. Nó để lẫn trong xấp hình Pikachu của nó rồi đem đến chơi xếp hình với anh. Nhìn thấy bức hình lạ anh cầm lên. “Ôi, là Chúa đây mà, tại sao từ trái tim của Chúa lại có hai vệt trắng và đỏ? Bức hình này có ý nghĩa gì?”. Anh giơ lên nhìn cho rõ thì đọc thấy dòng chữ nhỏ li ti: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Ồ, vậy đây là bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót mà mấy người vẫn đi cầu nguyện sao? Bỗng lời bài hát vẫn văng vẳng bên tai mỗi lần cơn đau hành hạ anh lại vang lên: “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn”. Anh giật mình nhớ đến những điều bà Tám nói: “Tôi tin Ngài sẽ còn tiếp tục đồng hành và nâng đỡ anh mãi mãi”.

– Chúa ơi! Ngài đang ở đâu?

– Ta đang ở đây với con, lúc này và những lúc con cô đơn, những khi con đau khổ.

Dường như anh nghe tiếng nói ấy rõ mồn một mà lại không thấy người ở đâu. Từ xa xa người phụ nữ tốt bụng của anh đang đi tới, anh chợt hiểu ra và bật lên hai chữ: “Ôi! Ngài”, rồi lẩm nhẩm theo dòng chữ trên bức ảnh: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Và từ từ đưa bức ảnh lên miệng, lần đầu tiên anh đặt vào đó một nụ hôn.

****

BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Cập nhật cho cuộc thi lần thứ tư – 2016

 

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

THỂ LỆ

  • Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần, năm thứ sáu (2018) dành cho những người đã đạt giải trong các năm trước và trao giải tổng kết.
  • Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.
  • Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không quá 3000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.
  • Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.
  • Đề tài: đợt này cuộc thi ưu tiên nhấn mạnh hai đề tài: Lòng Chúa thương xót – Việc thờ cúng tổ tiên nơi người Công giáo Việt Nam – Trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên (theo thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô); tuy nhiên vẫn nhận cả những bài viết ngoài hai đề tài ấy, miễn là có nội dung Kitô giáo.
  • Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi, có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.
  • Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.
  • Đầu bài dự thi phải ghi rõ: họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.
  • Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.
  • Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: [email protected] và [email protected].
  • Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.
  • Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.
  • Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm
  • Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.
  • Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.
  • Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.
  • Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.  
  •  

    TƯỞNG THƯỞNG

    Cơ cấu giải thưởng

    Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:

    – một giải nhất:                                                      20.000.000 $VN

    – hai giải nhì, mỗi giải                                            12.000.000 $VN

    – ba giải ba, mỗi giải                                                8.000.000 $VN

    – 15 giải triển vọng, mỗi giải                                   3.000.000 $VN

     

    Tuyển tập truyện ngắn riêng

    Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

    Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.

    III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

  • Bình chọn
  • Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên mạng internet. Mời độc giả tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

  • Giúp phát hiện trường hợp sao chép
  • Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

    Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: [email protected] – Điện thoại: 0935-424-449.

    Qui Nhơn, ngày 15-8-2015

    TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC

    Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)

    Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn


     
    Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
    Click để đánh giá bài viết

      Ý kiến bạn đọc

      Ẩn/Hiện ý kiến

    Những tin mới hơn

     

    Những tin cũ hơn

    DC VC NVB Tach nen
    BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
    THÁNH CA
    HỌC HỎI LỜI CHÚA
    •   Đang truy cập 192
    •   Máy chủ tìm kiếm 16
    •   Khách viếng thăm 176
     
    •   Hôm nay 45,091
    •   Tháng hiện tại 1,043,511
    •   Tổng lượt truy cập 79,792,195