Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Vinh quang Thiên Chúa

Như Chúa Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa qua việc tuân hành Thánh ý của Chúa Cha, người tín hữu có thể tôn vinh Chúa Cha qua việc thực thi ý Chúa.
 
Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha sau bữa tiệc ly (x. Ga, chương 17), Chúa Giêsu đã ca tụng và tôn vinh Chúa Cha. Người cũng xin Chúa Cha tôn vinh Người, vì Người đã đến trần gian để thực hiện ý của Chúa Cha. Vì trung thành với Thánh ý Chúa Cha, mà Người đã vui lòng chấp nhận thập giá và chết trên thập giá. Cũng trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh những ai trung tín theo Người để làm môn đệ của Người. Hành trình đức tin của người Kitô hữu chính là hành trình tôn vinh Thiên Chúa. Đó cũng là hành trình đạt tới vinh quang mà Thiên Chúa ban cho những ai yêu mến và trung tín với Người.
 
Nguyện cho Chúa được tôn vinh. Đó là điều ước nguyện đầu tiên trong kinh nguyện duy nhất mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ, tức là kinh “Lạy Cha”. Nếu chúng ta ước mong để Chúa được tôn vinh, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa bị lệ thuộc và chỉ được tôn vinh do con người. Không phải vậy, bản chất Thiên Chúa là vinh quang thánh thiện. Sự thánh thiện và vinh quang đã có từ ngàn đời. Vì Thiên Chúa là Đấng tự hữu, là Đấng vô thủy vô chung. Nếu chúng ta cầu nguyện để “xin cho Danh Cha được cả sáng”, là chúng ta mong ước cho nhân loại nhận ra vinh quang mà Thiên Chúa vốn có. Bởi lẽ con mắt và lý trí loài người bị che phủ, nên họ không nhận ra vinh quang của Ngài. Việc nhận ra vinh quang Thiên Chúa sẽ đem lại hạnh phúc và ơn cứu rỗi cho con người.
 
Con người có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cách nào?
 
Như Chúa Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa qua việc tuân hành Thánh ý của Chúa Cha, người tín hữu có thể tôn vinh Chúa Cha qua việc thực thi ý Chúa. Đó cũng là điều chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thực hiện ý Chúa đôi khi đi ngược lại với quan điểm và lối suy nghĩ của con người, vì “như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng vượt xa tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu”. Thiên Chúa thấu suốt tư tưởng thầm kín của con người, trong khi con người chỉ nhìn thấy những gì bề ngoài. Những suy tư tính toán và định hướng của con người, có thể là tốt trong một thời điểm nào đó, nhưng lại không có giá trị vững bền. Thực thi ý Chúa trước hết là cầu xin Ngài soi sáng để biết đâu là điều Chúa muốn nơi cuộc đời mình, trong hiện tại cũng như trong tương lai, đồng thời xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta có thể thực hiện được những gì Ngài muốn. Thực thi ý Chúa đôi khi đòi hỏi phải hy sinh và kiên trì. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu là gương mẫu cho chúng ta: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này xa con, nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha”. Như một vận động viên chấp nhận khổ luyện, chắc chắn sẽ thành tài, những ai chuyên tâm thực thi ý Chúa sẽ được Ngài ban thưởng. Chuyên tâm thực thi ý Chúa, chính là những nỗ lực để tôn vinh Ngài.
 
Ơn gọi của người Kitô hữu là nên thánh. Chúa Giêsu đã nhắc lại giáo huấn của Cựu ước: “Các người hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Cuộc đời người Kitô hữu cũng chính là hành trình nên thánh. Thời gian sống trên trần gian là quà tặng Chúa ban cho chúng ta, và để chúng ta sử dụng có ý nghĩa, đem lại hạnh phúc cho bản thân và giúp đem niềm vui cho tha nhân bạn bè. Khi người Kitô hữu sống thánh thiện, là họ phản ánh vinh quang của Thiên Chúa. Bởi lẽ sự thánh thiện nơi chúng ta chính là một phần nhỏ của sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch của sự thánh thiện. Sự thánh thiện nơi con người đều xuất phát từ Thiên Chúa. Như thế, mặc dù còn sống nơi trần gian, nhưng khi cố gắng sống thánh thiện là chúng ta đã nếm trước hạnh phúc Thiên đàng. Thánh Irenê, một Giáo phụ lừng danh người Hy Lạp ở đầu lịch sử Giáo Hội đã khẳng định: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui”. Khi con người sống hạnh phúc thì họ phản ánh vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Hạnh phúc trọn vẹn cũng là một tên gọi khác của sự thánh thiện. Khi cố gắng nên thánh, là chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.
 
Con người sống trên trần gian không như những ngôi sao cô đơn, nhưng hòa hợp với tha nhân để làm nên bản hòa tấu tuyệt vời của cuộc sống. Sự khác biệt về sở thích, ngành nghề, quan điểm, tài năng... tạo nên sự phong phú đa dạng, như những nốt nhạc trầm bổng của một bản hợp xướng cuộc đời. Tình liên đới, lòng bác ái sẻ chia mà con người dành cho tha nhân sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của cuộc sống. Trong thời gian đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vừa qua, tình liên đới được thể hiện một cách tuyệt vời. Nhiều cá nhân cũng như tập thể đã thể hiện truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, quảng đại giúp đỡ những người túng thiếu nghèo đói trong lúc đại dịch. Nhiều người không nhân danh một tổ chức hoặc tôn giáo nào, mà chỉ làm việc thiện theo sự mách bảo của trái tim. Đối với những tín hữu Công giáo, việc bác ái trở nên có ý nghĩa hơn, nếu nó được thực hiện vì Chúa. Chúa Giêsu đã đồng hóa với người tù đày, nghèo đói, cô đơn bất hạnh và bị bỏ rơi bên lề cuộc đời. Người khẳng định: khi chúng ta giúp đỡ những người như thế, là chúng ta giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25, 31-46). Những nghĩa cử bác ái được thực hiện “với danh nghĩa là môn đệ của Thày Giêsu”, đồng thời cũng diễn tả vinh quang Thiên Chúa giữa đời, và làm bừng lên giữa cuộc đời còn nhiều tăm tối những ngôi sao hy vọng, những ngọn nến của lòng nhân ái yêu thương. Khi thực hiện bác ái đối với tha nhân là chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.
 
Cuộc sống được so sánh như một cuộc lữ hành. Bước vào đời, ta là thân lữ khách. Hành trình cuộc đời có những êm ả, nhưng cũng không thiếu bão giông. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Những khó khăn ta gặp phải như những thử thách giúp ta được tôi luyện và trưởng thành. Giữa những mâu thuẫn xung đột, đôi khi trở nên rất nghiêm trọng, người Kitô hữu được mời gọi trở nên những nhà kiến tạo hòa bình, xây dựng một xã hội nhân ái. Chúa Giêsu được gọi là “Hoàng tử hòa bình”. Người đến thế gian để xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa các dân tộc, nhất là xóa bỏ khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người do tội lỗi gây nên. Vì mang danh Kitô hữu, chúng ta cũng có sứ mạng xây dựng hòa bình nơi trần thế. Những cố gắng hòa giải, giảm thiểu và xóa bỏ xung đột giữa những cá nhân cũng như những tập thể, đều nhằm diễn tả vinh quang Thiên Chúa, làm cho Vương Quốc yêu thương của Người sớm được thể hiện nơi cuộc sống của chúng ta. Khi cố gắng hòa giải và kiến tạo hòa bình, là chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng Ngài đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô và hôm nay Ngài vẫn đang hiện diện nơi trần thế. Kitô hữu là người được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Qua cách sống và thiện chí của người tín hữu, Thiên Chúa đang thực thi lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy cùng tôn vinh Thiên Chúa bằng chính cuộc đời của chúng ta, để Ngài đuợc nhận biết và được yêu mến. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thày ở điểm này: là anh em thương yêu nhau” (Ga 13,35). Khi nỗ lực và cố gắng làm cho Chúa được nhận biết, chính là việc làm nhằm tôn vinh Thiên Chúa.
 
Hà Nội, mùa Phục sinh 2020
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên