Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Cứu mạng hay hủy diệt (Thứ Hai tuần XXIII thường niên)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6,6-11)
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây". Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: "Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?" Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: "Ngươi hãy giơ tay ra". Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa. 
 
Suy niệm
Nếu như trong câu chuyện các tông đồ bứt bông lúa ngày sabat, Chúa Giêsu đã không muốn tranh luận với những ông kinh sư và người Pharisêu, thì lần này, Chúa dùng cơ hội có người khô bại tay xin chữa vào ngày sabat để đối diện và tranh luận với họ. Trong khi họ chỉ chăm chú bảo vệ luật theo quan điểm của mình và rình xem Chúa có vi phạm luật hay không, thì Chúa lại đưa ra cho họ câu hỏi mà dường như đã có câu trả lời: ngày sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy điệt? Câu trả lời đã rành rành, vì ngày sabat còn được kéo con bò ngã xuống hố lên, vậy mà họ cố tình im lặng. Nếu họ trả lời ngày sabat được phép làm điều lành hay cứu mạng người, thì đó cũng là câu trả lời cho thái độ dò xét của họ. Vấn đề đã sáng tỏ như vậy, nhưng họ vẫn làm thinh để thể hiện sự cứng đầu cứng cổ, lòng chai dạ đá. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ tất cả.
Nghỉ ngơi cũng có nghĩa là giải thoát. Người khô bại tay đã được giải thoát khỏi tình trạng bệnh tật, tay anh ta trở lại bình thường. Chúa chữa bệnh trong ngày sabat, không những không vi phạm luật nghỉ, nhưng còn làm cho ý nghĩa của ngày này được sáng tỏ và đầy đủ hơn.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông