–Lm Inhaixô Hồ Thông —

Ed 17: 22-24

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhắc cho đồng bào của mình bị lưu đày ở Ba-by-lon nhớ rằng Đức Chúa hạ bệ những kẻ tự cao tự đại và nâng cao kẻ khiêm nhường. Từ một chồi non, Ngài có thể làm phát sinh “cây hương bá huy hoàng, muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành”.

2Cr 5: 6-10

Trong thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô khuyên họ hãy tin tưởng vào cuộc sống được đức tin hướng dẫn và vào cái chết lúc mà chúng ta được đoàn tụ với Đức Ki-tô.

Mc 4: 26-34

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh tương tự như ngôn sứ Ê-dê-ki-en để mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào sự phát triển kỳ diệu của Nước Thiên Chúa, khởi đi từ một hạt giống tự mọc lên, “sau cùng trở thành bông lúa nặng trĩu hạt”, hay khởi đi từ một hạt cải nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng sau trở thành một cây “cành lá xum xê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

BÀI ĐỌC I (Ed 17: 22-24)

Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã là tư tế trước khi được gọi làm ngôn sứ. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã liên kết tinh thần tư tế với trào lưu ngôn sứ. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã sống tấm thảm kịch lớn lao của những năm đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, vào thời kỳ quân Ba-by-lon xâm chiếm vương quốc Giu-đa. Ông đã chứng kiến tận mắt thành thánh Giê-ru-sa-lem bị chiếm lần đầu tiên vào năm 598 trước Công Nguyên và thành phần ưu tú bị dẫn đi lưu đày. Ê-dê-ki-en thuộc nhóm lưu đày đầu tiên này. Chính trong cảnh lưu đày, tư tế Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ của Ngài.

1.Sứ vụ ngôn sứ:

Ông cực lực tố cáo tội lỗi của dân Ít-ra-en, không chừa một ai, từ hoàng gia, tư tế cho đến dân chúng, mọi người đều có tội. Ông thấy trước những án phạt khác sắp xảy đến. Trong thảm họa, ông rao giảng sự sám hối cá nhân: mỗi người phải tự mình sám hối.

Tai họa bất ngờ xảy đến vào năm 587 trước Công Nguyên khi quân Ba-by-lon xâm chiếm lần thứ hai, thành thánh Giê-ru-sa-lem bị cướp phá thiêu hủy, Đền Thờ bị tàn phá thành bình địa. Trong hoàn cảnh bi thương của đất nước, ngôn sứ Ê-dê-ki-en trở thành vị ngôn sứ loan báo niềm hy vọng, ông tiên báo Ít-ra-en sẽ được phục hưng. Dụ ngôn mà chúng ta đọc hôm nay (7: 22-24) là một trong những hình ảnh mà ngôn sứ sử dụng để khơi lên niềm hy vọng ở nơi đồng bào ông, đặc biệt những người bị lưu đày ở Ba-by-lon: dân Ít-ra-en sẽ hồi sinh và sẽ có một tương lai tuyệt vời.

2.Cây hương bá cao lớn:

Cây hương bá cao lớn và chồi non được ngắt từ ngọn cây muốn nói lên điều gì?  Vị ngôn sứ dùng hình ảnh cây hương bá cao lớn trong hai ẩn dụ. Ở chương 31, cây hương bá cao lớn biểu tượng Pha-ra-ô Ai-cập ngạo mạng và quyền thế (x. Ed 31: 2-3, 6, 10-13). Trong ẩn dụ này, vị ngôn sứ nhắm đến Pha-ra-ô mà vua Giu-đa là Xít-ki-gia-hu hết lòng dựa vào một cách nguy hiểm để kháng cự lại vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-nô-xo.

Trong một ẩn dụ khác thuộc chương 17, trước ẩn dụ được trích dẫn hôm nay (17: 22-24), Ê-dê-ki-en hình dung một cây hương bá bị con phượng hoàng bẻ ngọn:

“Con phượng hoàng to lớn

có cánh rộng, lông dài, mình đầy lông sặc sỡ;

nó đến núi Li-băng bẻ ngọn cây hương bá.

Nó ngắt búp ngọn cây

đưa về đất thương nghiệp

đặt vào thành con buôn” (Ed 17: 3-4).

Con phượng hoàng to lớn là vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Vào năm 597, vua đã bắt vua Giơ-hô-gia-kim lưu đày sang Ba-by-lon. Li-băng chỉ đất Pa-lét-tin. Đoạn, con phượng hoàng “lấy giống cây của xứ ấy rồi đem đặt vào nơi ươm trồng…” (Ed 17: 5-6). Bằng hình ảnh này, ngôn sứ Ê-dê-ki-en gợi lên cách hành xử của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Sau khi đã bắt vua Giơ-hô-gia-kim lưu đày, vua đặt vua Xít-khi-gia-hu lên làm vua ở Giê-ru-sa-lem để làm chu hầu và thần dân của mình.

3.Một chồi non:

Ẩn dụ của 17: 22-24 là câu trả lời cho ẩn dụ trên. Đức Chúa sắp ra tay trừng phạt những kẻ thù của dân Ngài. Chính Ngài sẽ “ngắt một chồi non” từ đỉnh ngọn cây. Ngài sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en và chồi non này sẽ thành “cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình trên nó và ẩn thân dưới bóng lá cành” (17: 23).

Qua ẩn dụ này, ngôn sứ Ê-dê-ki-en muốn nói với những kẻ lưu đày bất hạnh rằng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu giúp họ, đưa họ trở về cố hương và phục hưng dân tộc của họ.

Tuy nhiên, sấm ngôn này được hiểu một cách chính xác hơn: chồi non được ngắt từ đỉnh ngọn cây hương bá là chồi non vương đế. Đây là lời tiên báo về hậu duệ nhà Đa-vít trong tương lai mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en thoáng thấy, chứ không phục hưng thể chế quân chủ mà vị ngôn sứ không một chút tin tưởng. Các vị vua đã là những mục tử xấu. Chính họ đã gây nên biết bao tội bất trung với Đức Chúa và đã dẫn đưa dân Ít-ra-en đến bờ vực thẳm hủy diệt. Tuy nhiên, ngôn sứ I-sai-a đã dùng hình ảnh này để tiên báo vua Mê-si-a thuộc nhà Đa-vít: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ” (Is 11: 1). Ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Da-ca-ri-a cũng đã dùng hình hình này để tiên báo rằng Đức Chúa sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực (Gr 23: 5; 33: 15; Dcr 3: 8; 6: 12).

Ẩn dụ của Ê-dê-ki-en dẫn chúng ta đến ngưỡng cửa Tin Mừng. Theo cùng một cách, Chúa Giê-su diễn tả vóc dáng nhỏ bé của Nước Trời vào lúc khởi sự, như hạt giống được gieo vào lòng đất, “sau cùng, thành bông lúa trĩu hạt”, hay hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi mọc lên thành một cây “cành lá xum xê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

BÀI ĐỌC II (2Cr 5: 6-10)

Thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô được thánh Phao-lô viết vào cuối năm 56 hay cuối năm 57. Đây là bức thư nồng nàn nhất khi thánh nhân nói về sứ mạng của mình và là bức thư thấm thía nhất khi thánh nhân kể ra những nỗi cay đắng lẫn những niềm vui mà ngài đã kinh qua. Đây là một chứng liệu duy nhất, nhờ đó chúng ta biết được vài chi tiết về những nỗi gian truân mà thánh nhân đã đối mặt và những ân sủng mà thánh nhân đã nhận được.

Đoạn trích thư chúng ta đọc hôm nay thuộc vào phần thứ nhất của thư này (2: 14-7: 4), trong đó thánh nhân đưa ra tầm mức cao cả và những thăng trầm của sứ vụ truyền giáo.  Những kinh nghiệm truyền giáo của thánh Phao-lô đã đem lại cho đức tin của ngài một nền tảng không lay chuyển và đã cho phép ngài củng cố những xác tín của mình: trước hết về thân xác sống lại (2Cr 4: 14), tiếp đó về “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4: 17) và sau cùng về việc được đoàn tụ với Đức Ki-tô ngay khi từ giả cõi đời này. Chính niềm xác tín sau cùng này mà đoạn trích thư quy chiếu đến, niềm xác tín này phải giúp cho người Ki-tô hữu một thái độ đầy tin tưởng khi đối mặt với cái chết và phải là nguồn động viên khích lệ họ thực hành nhân đức.

1.Niềm xác tín khi đối mặt với cái chết (5: 6-8):

Đoạn văn này bắt đầu với lời khẳng định của thánh Phao-lô:“Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa” (5: 6) và kết thúc cũng với lời khẳng định của thánh nhân: “Điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (5: 8), khiến người đọc liên tưởng đến quan niệm nhị nguyên của triết học Hy-lạp: “thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn”. Tuy nhiên, thánh Phao-lô tránh dùng từ “linh hồn”, từ này có thể gợi lên trong tâm trí người đọc nhị nguyên thuyết Hy-lạp (không phải thánh nhân vừa mới nói về thân xác sống lại, vốn xa lạ với tư tưởng Hy-lạp đó sao?).

Để có thể hiểu tư tưởng của thánh nhân trong đoạn văn này, chúng ta phải liên kết với phần khai triển trong đoạn văn trước đó, trong đó thánh nhân nêu lên kinh nghiệm của mình. Suốt sứ vụ truyền giáo của ngài, thánh Phao-lô đã gặp phải những hiểm nguy nghiêm trọng nhất, những mối đe dọa chết người. Ấy vậy, Ơn Quan Phòng của Thiên Chúa luôn luôn che chở bảo vệ ngài cho tai qua nạn khỏi. Phải đọc lại lời chứng phi thường này của thánh nhân, chúng ta mới có thể cảm nhận những gian truân mà thánh nhân đã kinh qua: “Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2Cr 4: 8-9). Lý do của những cứu giúp được nhắc đi nhắc lại: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (4: 10). Nói cách khác, ở giữa những gian truân trăm chiều này, kề cận với cái chết, thánh nhân, một cách nào đó, đã có kinh nghiệm trước từ cái chết đến sự sống, nhờ bàn tay cứu độ của Thiên Chúa. Niềm xác tín từ kinh nghiệm này tăng cường niềm xác tín vào Mặc Khải.

Niềm xác tín mà thánh nhân nhắm đến là giây phút tối hậu, giây phút sẽ vượt qua từ tư thế của người tin: “Chúng tôi tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa” (5: 7), đến tư thế của người được ở bên Chúa: “Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (5: 8). Trong thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân đã diễn tả cùng một tư tưởng: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sao tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13: 12).

2.Làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự (5: 9-10):

Thánh Phao-lô muốn chúng ta hiểu rằng ngài thích rời bỏ thân xác này hơn để được đoàn tụ với Đức Ki-tô, nhưng trước tiên: “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng Chúa” (5: 9). Thánh nhân cũng đã diễn tả ước muốn này với các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài: “Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1: 23-24).

Điều quan trọng chính là: người Ki-tô hữu phải biết rằng mình sẽ được hội ngộ với Đức Ki-tô, nhưng trước tiên phải hành động một cách thích đáng, vì họ sẽ bị xét xử theo những công việc của mình (5: 10). Ở đây, thánh Phao-lô không xác định phải chăng cuộc phán xét trước Tòa Án của Đức Ki-tô vào ngày Chung Thẩm hay là cuộc phán xét riêng vào lúc mỗi người từ giả cõi đời này.

TIN MỪNG (Mc 4: 26-34)

Chúa Giê-su rao giảng cho đám đông bằng dụ ngôn: từ những hình ảnh đơn sơ giản dị được lấy ra từ đời thường, để dẫn đưa họ vào những thực tại cao vời khôn ví của Nước Trời. Văn chương Đông Phương (Ai-cập, Cận Đông) thích những bí nhiệm, các sách khải huyền Do thái được điểm tô với những bí nhiệm này. Các dụ ngôn rất gần với thể loại văn chương này. Tuy nhiên, Chúa Giê-su giải thích các dụ ngôn cho các môn đệ, vì sau này, họ sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài mà loan báo Lời rõ ràng và phong phú cho quần chúng.

Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay, Chúa Giê-su kể cho chúng ta hai dụ ngôn: dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn về hạt cải.

1.Dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên (4: 26-29):

Bản văn của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Bài Đọc I) giúp chúng ta hiểu rõ hơn dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên này. Chính Đức Chúa sẽ trồng một chồi non mà Ngài đã ngắt từ ngọn cây hương bá. Vì Đức Chúa trồng, chắc chắn chồi non này sẽ mọc và lớn lên: “Nó sẽ trổ cành và kết trái” (Ed 17: 23). Cũng vậy, Chúa Giê-su dùng hình ảnh hạt giống tự mọc lên, “sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4: 28), để loan báo Nước Thiên Chúa được phát triển trong thầm lặng nhưng vững chắc. Có lẽ không dụ ngôn nào đem đến niềm an ủi hơn dụ ngôn này. Thiên Chúa hiện diện và hành động trong thế giới và vì Thiên Chúa hành động, chắc chắn Nước Thiên Chúa rồi sẽ sinh hoa kết trái, dù bên ngoài âm thầm lặng lẽ.

Phải chăng dụ ngôn này muốn nói rằng người Ki-tô hữu không cần phải hành động bởi vì “đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết”? Không phải như thế! Việc dọn đất được nêu lên, vấn đề đất có thuận lợi hay không cho hạt giống phát triển đã được bàn đến trong một dụ ngôn khác (dụ ngôn người gieo giống: 4: 1-9). Chúng ta không chỉ có bổn phận cầu xin cho “Nước Chúa trị đến”, nhưng còn phải góp phần mình vào việc xây dựng Nước Chúa ở ngay trong cõi thế này. Trong dụ ngôn này, vấn đề được nêu lên đó là quyền năng tất thắng của Thiên Chúa, Ngài hướng dẫn Triều Đại của Ngài cho đến lúc phát triển viên mãn. Đó sẽ là mùa thu hoạch: “Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa”.

Qua dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên, Chúa Giê-su muốn dẫn các môn đệ của Ngài đến một sự hiểu biết đầy đủ hơn về sứ mạng của Ngài. Ngài đã đến gieo Lời Ngài và Lời Ngài sẽ sinh hoa kết trái. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào Lời quyền năng của Ngài, tuy nhiên, chiều kích năng động của lời này cốt yếu là nội tại và tinh thần.

2.Dụ ngôn về hạt cải (4: 30-32):

Để diễn tả năng lực phát triển kỳ diệu của Nước Thiên Chúa từ khởi đầu rất khiêm tốn, Chúa Giê-su đưa ra một so sánh được mượn từ một hình ảnh rất quen thuộc thường ngày: hạt cải khi được gieo vào lòng đất thì nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng khi “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Nước Thiên Chúa cũng sẽ như vậy. Khởi đi hầu như không gì cả: mười hai tông đồ, vài môn đệ và vài người phụ nữ, nhưng sẽ phát triển rực rỡ.

Chúa Giê-su ám chỉ đến bản văn của Ê-dê-ki-en trong dụ ngôn về cây hương bá huy hoàng: “Muông chim đến nương mình bên nó và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17: 23). Tuy nhiên, rõ ràng Ngài tránh lấy lại hình ảnh “cây hương bá huy hoàng”, biểu tượng cho quyền lực thống trị. Ngài cũng không lấy lại hình ảnh chồi non ám chỉ hậu duệ nhà Đa-vít, vì hình ảnh này có thể gợi lên việc phục hưng quyền lực chính trị. Hình ảnh hạt cải chắc chắn hàm chứa tính chất phi chính trị của Nước Thiên Chúa.