–Inhaxiô Hồ Thông–

Cv 2: 1-11

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, Đức Trinh Nữ, vài người phụ nữ và vài anh em của Đức Giê-su, khi họ tụ họp trong phòng Tiệc Ly. Biến cố nầy có nhiều điểm chung với biến cố Xi-nai mà lễ Ngũ Tuần Do thái tưởng niệm vào đúng ngày nầy.

1Cr 12: 3b-7, 12-13

Trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng tính đa dạng của những ân sủng làm chứng về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mỗi tín hữu lãnh nhận những ân sủng của một Chúa Thánh Thần duy nhất để hình thành nên một thân thể duy nhất.

Ga 20: 19-23

Tin Mừng Gioan tường thuật “tiền Ngũ Tuần”, tức là ngay khi sống lại, Đức Giê-su hiện ra ở giữa các môn đệ, thổi hơi vào họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chắc chắn những ân sủng của Chúa Thánh Thần chỉ được bày tỏ sau nầy, nhưng thánh ký nhấn mạnh rằng biến cố Phục Sinh của Chúa Giê-su là biến cố từ đó Giáo Hội được khai sinh. Ngay từ ngày đầu tiên này, Chúa Thánh Thần ở với Giáo Hội.

BÀI ĐỌC I (Cv 2: 1-11)

Theo Tin Mừng Lu-ca, sau khi Chúa Giê-su lên trời trên núi Ô-liu, các Tông Đồ trở về Giê-ru-sa-lem, tuân theo lời căn dặn của Ngài: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24: 49).

Nơi các ông tụ họp là “lầu trên” (Cv 1: 13), chắc hẳn đó là căn phòng Đức Giê-su đã tham dự Tiệc Ly với các ông và Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Đó cũng là căn phòng, dù cửa đóng then cài, Đức Giê-su đã hiện ra cho các ông vào buổi chiều Phục Sinh. Đó cũng là căn phòng Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các ông vào ngày lễ Ngũ Tuần.

1.Mọi người đang tề tựu ở một nơi.

Không nên hiểu kiểu nói: “Mọi người đang tề tựu ở một nơi” (2: 1), là cộng đoàn gồm một trăm hai mươi người họp mặt vài ngày trước đó để chọn ông Mát-thi-a thay thế ông Giu-đa (x. Cv 1: 15). Chắc hẳn đây là một nhóm nhỏ hơn được mô tả ở Cv 1: 13-14: “Các Tông Đồ… cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su”, họ cùng nhau cầu nguyện trong khi chờ đợi biến cố Đức Giê-su đã hứa: Chúa Thánh Thần ngự xuống.

Ấy vậy, một sự trùng hợp đáng chú ý, Chúa Thánh Thần chọn tỏ mình ra vào ngày đại lễ Do Thái được gọi là lễ Ngũ Tuần, lễ tưởng niệm cuộc ký kết Giao Ước trên núi Xi-nai, giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trong trận cuồng phong và lửa.

2.Lễ Ngũ Tuần.

Được gọi là “lễ Ngũ Tuần” vì ngày đại lễ nầy được cử hành đúng vào ngày thứ năm mươi sau lễ Vượt Qua. Lễ Ngũ Tuần Do Thái tự nguồn gốc là ngày lễ mùa, lễ này kết thúc giai đoạn được khai mạc vào ngày lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, những ngày đại lễ của dân Do thái đều đã trải qua một tiến trình thiêng liêng hóa, từ bình diện tự nhiên đến bình diện Lịch Sử thánh. Đối với dân Chúa chọn, lịch sử cốt yếu là hành động của Thiên Chúa. Thế nên, lễ Vượt Qua tưởng niệm cuộc xuất hành ra khỏi đất Ai-cập; lễ Ngũ Tuần tưởng niệm Giao Ước được ký kết trên núi Xi-nai, năm mươi ngày sau cuộc xuất hành ra khỏi đất Ai-cập; lễ Lều tưởng niệm cuộc lữ hành bốn mươi năm trong Sa-mạc. Vào thời kỳ gần với kỷ nguyên Ki-tô giáo, lễ Ngũ Tuần không chỉ tưởng niệm việc ký kết giao ước, nhưng còn là dấu chỉ của việc làm mới lại giao ước hằng năm. Vào ngày đại lễ nầy, dân Do thái lập lại lời cam kết trung thành với Đức Chúa.

3.Núi Xi-nai và phòng Tiệc Ly.

Trên núi Xi-nai, lời cam kết trung thành với Giao Ước và ân ban Lề Luật được diễn ra trong một khung cảnh rất long trọng. Biến cố nầy được tác giả mô tả bằng một văn phong rất gần với kiểu nói ngoa dụ. Trong đa số các tôn giáo, cuộc thần hiển thường được mô tả ngay sau trận cuồng phong. Trong Do thái giáo, chúng ta ghi nhận một nét đặc thù: Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất và siêu việt, từ chối mọi hình ảnh về Ngài, nhưng chấp nhận dấu chỉ của lửa (hay ánh sáng, đám mây chói sáng) và dấu chỉ của gió (cuồng phong hay gió hiu hiu), cũng là hơi thở hay thần khí, bởi vì đó là những hình ảnh phi vật chất nhất.

 Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được mô tả theo khung cảnh của những cuộc thần hiển Cựu Ước. Thêm nữa, những hình tượng truyền thống này đã trở nên phong phú nhờ những đóng góp của văn chương khải huyền. Chúng ta đọc thấy ở nơi thể loại văn chương khải huyền nầy, trận cuồng phong loan báo cuộc quy tụ muôn dân nước vào ngày phán xét; những hình lưỡi lửa thuộc vào cùng một hình tượng của ngày cánh chung. Thánh Lu-ca liên kết trực tiếp những hình tượng nầy với ân ban “nói các thứ tiếng khác” (2: 4) mà các Tông Đồ lãnh nhận. Như thế, kỷ nguyên Ki-tô giáo thật sự được loan báo theo cùng những dấu chỉ của kỷ nguyên cánh chung.

Sau cùng, truyền thống Kinh Sư đã suy gẫm biến cố Xi-nai và đã khai triển những hàm chứa của nó, theo đó, giọng nói của ông Mô-sê đã được phân chia thành bảy mươi ngôn ngữ ngõ hầu mọi dân tộc đều có thể hiểu được. Ngoài ra, làm thế nào không gợi lên lời cầu chúc của ông Mô-sê: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11: 29)?

Vì thế, có một sự liên tục từ Cựu Ước đến Tân Ước; Tân Ước đáp trả sự mong chờ của Cựu Ước. Mười hai chi tộc Ít-ra-en ở chân núi Xi-nai; mười hai Tông Đồ ở phòng Tiệc Ly để tiếp tục sự nghiệp của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra những khác biệt thật sâu xa.

4.Phép rửa trong Thần Khí.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã báo trước rồi: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi… Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3: 11). Các Tông Đồ đều lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Giáo Hội xuất phát từ ngày lễ Ngũ Tuần Ki-tô giáo nầy: “Và ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần”.

Những biến cố xảy ra trên núi Xi-nai thiết lập triều đại Lề Luật; những biến cố xảy ra trong phòng Tiệc Ly thiết lập kỷ nguyên Chúa Thánh Thần. Xưa kia, một dân duy nhất trở thành đối tượng của việc Thiên Chúa tuyển chọn. Từ nay, muôn dân đều được mời gọi chung hưởng cùng một ơn cứu độ. Vì thế, ơn huệ đầu tiên của Chúa Thánh Thần là ân ban nói các thứ tiếng khác, nhờ đó các Tông Đồ mới có thể ngỏ lời với đám thính giả “từ các dân thiên hạ trở về” (2: 5). Một danh sách dài liệt kê các dân tộc (2: 9-11) nhấn mạnh chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng.

 Như vậy, lễ Ngũ Tuần đối lập với chuyện tích Tháp Ba-ben (St 11). Theo chuyện tích này, sự xáo trộn của ngôn ngữ dẫn đến sự phân tán của các dân tộc xuất hiện như một sự trừng phạt. Vì thế, Giáo Hội của Đức Ki-tô dâng hiến cho nhân loại một khả năng phục hồi sự hiệp nhất của các dân tộc.

Chúng ta có thể nhận thấy ngay ân huệ khác của Chúa Thánh Thần, đó là ân ban Sức Mạnh. Ngay khi được đầy tràn Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ ra khỏi căn phòng cửa đóng then cài, họ loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa. Với sự dạn dĩ, họ phục hồi quyền của Đấng chịu đóng đinh và làm chứng là Ngài đã sống lại.

5.Sự hiện diện của Đức Ma-ri-a.

Như chúng ta đã ghi nhận trên, kiểu nói: “Mọi người đang tề tựu ở một nơi”, bao gồm Đức Ma-ri-a cùng với mấy người phụ nữ. Việc Đức Ma-ri-a hiện diện vào ngày khai sinh Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần thật là quan trọng. Vào lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ trong bầu khí linh thánh của căn phòng Na-da-rét, Thiên Chúa đã kín đáo đến ở giữa nhân loại với tư cách là con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Còn bây giờ, Đức Ma-ri-a đảm nhận một tình mẫu tử khác, tình mẫu tử của Nhiệm Thể Đức Giê-su, Con của Mẹ.

Vài người phụ nữ cũng đón nhận Thánh Thần. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng ở giữa họ có bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Những người phụ nữ nầy không phải dãi dầu sương gió trên những dặm đường xa, chịu tù đày bắt bớ như các Tông Đồ, các bà làm chứng theo một cách khác. Rõ ràng, các bà hoạt động đến mức mà truyền thống gọi bà Ma-ri-a Mác-đa-la là “tông đồ của các tông đồ”, nghĩa là “tông đồ tuyệt hảo nhất”.

BÀI ĐỌC II (1Cr 12: 3b-7, 12-13)

Thánh Phao-lô viết từ Ê-phê-xô, có lẽ vào mùa xuân năm 55, gởi cho giáo đoàn Cô-rin-tô mà thánh nhân đã thiết lập vài năm trước đó, vào khoảng những năm 50-52.

Giáo đoàn Cô-rin-tô rất năng động, nhưng cũng gây ra những bất đồng nội bộ khiến thánh Phao-lô phải bận tâm. Đây là đối tượng của thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô. Giáo đoàn nầy sống ở giữa thế giới lương dân và trong một thành phố mở rộng cửa đón nhận những ảnh hưởng bên ngoài, nhất là những đạo thần bí đông phương đang hồi cực thịnh. Những trào lưu nầy không phải là không tác động đến cách ăn nếp ở của các Ki-tô hữu.

Ngoài ra, đây không là hoàn cảnh đặc thù của cộng đoàn Cô-rin-tô. Trong những năm đầu tiên, các cộng đoàn Ki-tô hữu đã khổ sở vì thiếu cơ cấu: chưa có phẩm trật, tổ chức còn non yếu và chưa chặt chẻ. Ông A-pô-lô và ông Ti-mô-thê đến rồi đi chứ chưa bao giờ cư ngụ lâu dài ở đó. Vào lúc đó, mọi việc đều hoàn toàn tự phát và Chúa Thánh Thần bổ túc những thiếu thốn ban đầu nầy. Quả thật, những đặc sủng thì nhiều, sau đó sẽ trở nên hiếm hơn. Đó là thực tế.

Xem ra các tín hữu Cô-rin-tô đã được ban cho muôn vàn đặc sủng, đôi khi không phải là không gây ồn ào huyên náo hay phô trương. Vì thế, thánh Phao-lô đòi hỏi họ tiên vàn phải hiểu rõ nguồn mạch của những ân huệ nầy.

1.Nguồn mạch duy nhất của muôn vàn ân sủng, chính là Ba Ngôi Thiên Chúa (12: 4-6):

Thật đáng lưu ý rằng thánh Phao-lô đặt những ân sủng và mọi hoạt động Ki-tô giáo dưới dấu chỉ của Ba Ngôi Thiên Chúa, bắt đầu từ Chúa Thánh Thần: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa (Chúa Ki-tô). Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa (Chúa Cha) làm mọi sự trong mọi người” (12: 4-6).

2.Mục đích duy nhất của muôn vàn ân sủng, chính vì lợi ích chung (12: 7-11):

Tiếp đó, thánh Phao-lô đưa ra một luật vàng: tiêu chuẩn của những ân sủng phải là đem lại lợi ích cho cộng đoàn, nghĩa là, nếu không vì lợi ích cho cộng đoàn, ân sủng đó chỉ là ngụy tạo, mạo danh.

3.Nhiệm Thể của Đức Giê-su (12: 12-13):

Sau cùng, thánh nhân so sánh thân thể với Đức Ki-tô, hình ảnh này rất nổi tiếng. Một thân thể làm cho mọi chi thể nên một như thế nào, Đức Ki-tô làm cho Giáo Hội nên một cũng như thế, bất chấp vô số thành viên. Nguyên tắc hiệp nhất chính là Chúa Thánh Thần, Đấng duy nhất ban muôn ân sủng cho mọi tín hữu trong bí tích Thánh Tẩy. Chúa Thánh Thần tuôn trào sự sống trong chúng ta như mạch nước hằng sống: “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” (12: 13).

TIN MỪNG (Ga 20: 19-23)

Chúng ta đã đọc đoạn Tin Mừng nầy rồi vào Chúa Nhật II Phục Sinh, với một đoạn trích dẫn dài hơn và trong ánh sáng của biến cố Phục Sinh. Hôm nay, bản văn nầy được đề nghị cho chúng ta trong viễn cảnh của biến cố Ngũ Tuần. Quả thật, đoạn Tin Mừng nầy được gọi “lễ Ngũ Tuần” của Tin Mừng Gioan: “Đức Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (20: 22). Biến cố nầy không mâu thuẩn với biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống mà sách Công Vụ tường thuật, nhưng bổ túc: “Giáo Hội được khai sinh ngay từ biến cố Phục Sinh”, cho dù những ân huệ của Chúa Thánh Thần chỉ được bày tỏ sau nầy.

1.Cuộc sáng tạo mới:

Đức Giê-su trao gởi sứ vụ cho cộng đoàn nhỏ bé nầy, họ tiếp tục sứ vụ của Ngài: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (20: 21). “Nhóm còn lại” nầy hình thành Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội được khai sinh dưới dấu chỉ của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”. Đây là một trong những giáo huấn cốt yếu của bản văn nầy.

Đức Giê-su thổi hơi vào họ, tái hiện cử chỉ của Đấng Sáng Tạo: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy từ bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2: 7). Đây cũng là động từ mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en dùng để mô tả cuộc hồi sinh của những bộ xương khô: “Ngươi hãy nói với Thần Khí: ‘Hỡi Thần Khí hãy thổi hơi vào những người đã chết nầy cho chúng được hồi sinh” (Ed 37: 9). Vì thế, đây cốt là khởi điểm của một “cuộc sáng tạo mới”, một thế giới mới khởi sự. Đức Giê-su làm cho các môn đệ trở thành hạt nhân của một nhân loại được tái sinh. Chính sự sống của Đấng Phục Sinh mà Ngài chuyển thông cho các ông.

2.Hiệp nhất biến cố Phục Sinh với biến cố Ngũ Tuần.

Thánh Gioan luôn luôn liên kết biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống với biến cố Phục Sinh, như thánh ký đã giải thích lời công bố của Chúa Giê-su về “những dòng nước hằng sống” vào ngày bế mạc lễ Lều: “Đức Giê-su nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7: 39).

Lễ Ngũ Tuần nội tại nầy, được thánh Gioan ghi lại, chỉ là khúc dạo đầu của ngày lễ Ngũ Tuần ngoạn mục, ở đó tác động của Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi ngay lập tức các Tông Đồ. Nhưng khi đặt biến cố Phục Sinh và biến cố Ngũ Tuần bên cạnh nhau, thánh Gioan nhấn mạnh sự hiệp nhất sâu xa của hai biến cố nầy. Hai ngày lễ nầy đã được liên kết rồi trong Do thái giáo; đến lượt mình, thánh Gioan khẳng định sự liên đới của hai biến cố nầy trong một viễn cảnh mới.