Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật XIX Thường Niên - Năm C

Ba bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đều có chung hai chủ đề: Trước hết, đức trung tín: trung tín với niềm tin, trung tín với niềm hy vọng, trung tín với sự phục vụ; tiếp đó, viễn cảnh về Nước Trời, được diễn tả bằng ba hình ảnh: Đất Hứa (bài đọc I), Thiên Quốc (bài đọc II) và Bàn Tiệc cánh chung (Tin Mừng).
CN 19 TN C 5
Kn 18: 6-9
Tác giả sách Khôn Ngoan nêu lên đêm giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai Cập, đó là đêm dân Do Thái, trung tín với tôn giáo tổ tiên mình, cử hành lễ Vượt Qua. Nhờ lòng tin, họ được vào Đất Hứa.
Dt 11: 1-2, 8-19
Thư gởi cho các tín hữu Do Thái nhắc lại những mẫu gương đức tin của các thánh Cựu Ước: họ đã xác tín rằng những lời hứa mà Thiên Chúa ban có liên quan đến những thực tại tinh thần và đã cảm thấy mình là những lữ khách trên đường về Thiên Quốc tốt đẹp hơn.
Lc 12: 32-48
Tin Mừng Lu-ca cho bí quyết gia nhập Nước Trời: trung tín phụng sự Thiên Chúa cho đến cùng. Những tôi trung sẽ được dự phần vào Bàn Tiệc cánh chung, ở đó Thiên Chúa sẽ đích thân phục vụ họ.

BÀI ĐỌC I (Kn 18: 6-9)
Sách Khôn Ngoan là sách muộn thời nhất trong số những sách Cựu Ước. Sách được soạn thảo ở thành phố A-lê-xan-ri-a, Ai Cập, vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên.
1. Bối cảnh:
Vào lúc đó, thành phố A-lê-xan-ri-a là chiếc nôi rực rỡ nhất của nền văn minh Hy Lạp. Thành phố này cũng là thành phố quan trọng bậc nhất của kiều bào Do Thái hải ngoại vì số lượng người Do Thái đông đúc cư ngụ ở đây. Tác giả sách Khôn Ngoan ngỏ lời với đồng bào của ông. Ông bận lòng đến sức quyến rũ mà nền văn hóa Hy Lạp ảnh hưởng trên đồng bào của ông. Ông muốn cho họ thấy rằng Đức Khôn Ngoan phát xuất từ Thiên Chúa trổi vượt tất cả mọi sự khôn ngoan phàm nhân.
Vào thời tác giả, tội bội giáo còn có chiều hướng gia tăng vì chính sách tôn giáo của chính quyền. Đây là sự kiện hiếm hoi trong lịch sử Ai Cập vào thời nhà Pơ-tô-lê-mai cai trị. Pơ-tô-lê-mai VII (146-117 trước Công Nguyên) và nhất là Pơ-tô-lê-mai VIII (117-81 trước Công Nguyên) đã từ bỏ chính sách tự do tôn giáo trước đây mà quay ra quấy nhiễu và bách hại người Do Thái. Vì thế, tác giả sách Khôn Ngoan kêu gọi người Do Thái hãy trung tín với tôn giáo tổ tiên của mình. Đó là ý nghĩa bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật này.
2. Đêm Vượt Qua, đêm giải phóng:
Tác giả đã công kích đa thần giáo và thờ ngẫu tượng của dân Ai Cập, vào thời kỳ dân Do Thái ở giữa họ. Cuối cùng đêm giải phóng vĩ đại đã đến. Sau khi đã vội vã cử hành lễ Vượt Qua tại tư gia, dân Do Thái đã có thể trốn thoát khỏi miền đất nô lệ này, khi mà Thiên Chúa giáng phạt những kẻ áp bức họ. Cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, dưới dấu chỉ của lễ Vượt Qua, đã luôn luôn được xem như biến cố tạo dựng dân Ít-ra-en, biến cố sinh thành dân Chúa chọn. Vào giờ phút đó, họ ý thức về căn tính tôn giáo đặc thù của mình.
Tác giả bật sáng niềm tin của các bậc tiền nhân, họ đã tin vào những lời hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham và đã thấy chúng được ứng nghiệm ở nơi việc họ được giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Niềm vui cứu độ và tác động ân sủng đều quy hướng về Thiên Chúa, Đấng tôn vinh dân Ngài và giáng phạt kẻ thù của họ; nhưng nhất là, tác giả nhấn mạnh đức trung tín của những người công chính này đối với tôn giáo tổ tiên: “Con lành cháu thánh của những người lương thiện, âm thầm dâng lễ tế trong nhà”. Câu này ám chỉ đến sự kiện theo đó lễ Vượt Qua là một ngày lễ được âm thầm cử hành tại tư gia, nhưng cũng ám chỉ đến việc Pha-ra-ô cứ lần lữa từ chối để dân Ít-ra-en ra đi cử hành “lễ của họ” trong sa mạc. Vì thế, những người Ít-ra-en trung tín này đã âm thầm cử hành lễ Vượt Qua trong nhà để Pha-ra-ô không hay biết.
Thật kỳ lạ, ngay từ bấy giờ, tác giả đặt quyết định phân chia đất Ca-na-an giữa các bộ tộc vào thời chinh phục: “Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là dân thánh phải chia sẻ đồng đều với nhau, những phúc lộc cũng như những hiểm họa”. Đồng thời, ngay từ bấy giờ, tác giả cũng mô tả diễn tiến việc cử hành lễ Vượt Qua vào thời sau này: “Ngay tự bấy giờ, họ đã xướng lên những bài ca của cha ông truyền lại”. Quả thật, chỉ sau này mà việc cử hành lễ Vượt Qua sẽ được kết thúc trên việc hát “Hallel”, nghĩa là xướng lên các bài thánh vịnh.
3. Sứ điệp:
Tác giả sách Khôn Ngoan mời gọi đồng bào của ông “ôn cố tri tân”. Chính họ cũng đang sống ở đất Ai Cập ngoại giáo, ở đó việc thờ ngẫu tượng diễn ra hằng ngày. Chính họ cũng đang sống ở đất Ai Cập, ở đó chính quyền cũng quấy nhiễu và áp bức họ. Thật ra, không cốt rời bỏ đất nước này nhưng noi gương các bậc tiền nhân của mình về lòng mộ đạo và đức trung tín của các ngài đối với tôn giáo tổ tiên. Họ cũng phải là “con lành cháu thánh của những người lương thiện”. Họ đừng quên đêm giải phóng vĩ đại đem lại ý nghĩa như thế nào trong Lịch Sử Thánh của họ, đêm đã làm cho Ít-ra-en thành một dân biệt phân, dân được Thiên Chúa cam kết rằng Ngài ân cần chăm sóc họ một cách đặc biệt.
 
BÀI ĐỌC II (Dt 11: 1-2, 8-9)
Trong bốn Chúa Nhật liên tiếp, phụng vụ đề nghị cho chúng ta những đoạn trích thư gởi các tín hữu Do Thái. Trong suốt năm phụng vụ trước, năm B, chúng ta đã đọc những đoạn trích dài của thư này. Trong năm phụng vụ này, năm C, chúng ta đọc cho xong thư này, vì thế vào Chúa Nhật XIX này chúng ta khởi sự đề cập đến phần cuối, phần liên quan đến đức tin.
1. Bối cảnh:
Xin nhắc lại rằng thư gởi cho các tín hữu Do Thái đã được một tác giả vô danh, chắc chắn là một môn đệ của thánh Phao-lô, soạn thảo vào năm 65. Có nhiều tư tưởng rất thân cận với tư tưởng của thánh Phao-lô, nhưng chủ đề trọng tâm: hy tế của Đức Ki-tô, không là tư tưởng của thánh Phao-lô. Người nhận thư là những người Ki-tô hữu gốc Do Thái, họ phải hứng chịu những cuộc quấy nhiễu và bách hại. Đoạn văn trước đoạn văn của chúng ta ám chỉ đến điều này: “Xin anh em nhớ lại, những ngày đầu: lúc vừa được chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ. Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn vừa bền vững” (10: 32-34). Bị trục xuất, bị tước đoạt của cải, họ nao núng; thậm chí vài người, vì nỗi luyến nhớ những phụng tự xưa, toan tính bỏ cuộc, vì thế tác giả đã khuyên bảo: “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm” (10: 25) và “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (10: 39).
2. Bản chất của đức tin:
Đối với các Ki-tô hữu xuất thân từ Do Thái giáo này, quen thuộc với Kinh Thánh, tác giả gởi đến họ những lời khuyên nhủ của mình bằng ngôn ngữ Kinh Thánh. Ông phác họa bức tranh về những chứng nhân đức tin mà Cựu Ước xem như những vị anh hùng. Trước hết, ông định nghĩa bản chất của đức tin một cách ngắn gọn nhưng súc tích: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không trông thấy”.
Đoạn văn này, được các nhà thần học lấy lại nhiều lần, đã trở thành một trong những định nghĩa kinh điển về đức tin. Đức tin hoàn toàn hướng về tương lai, nghĩa là, về những thực tại không trông thấy được. Cấu trúc của câu định nghĩa này hình thành nên thể thức “song đối đồng nghĩa”, nghĩa là hai vế đối xứng với nhau và diễn tả hai khía cạnh của cùng một thực tại. Như vậy, “những điều ta hy vọng” được xác định ở vế thứ hai: “những điều ta không trông thấy”. Cũng một cách như vậy, sự “bảo đảm” được xác định bởi “bằng chứng” mà niềm tin vào những điều không trông thấy ban cho.
3. Gương của các tiền nhân:
Quả thật, tác giả không nhằm định nghĩa đức tin cho bằng giải thích thái độ của các tiền nhân. Nguyên lý hướng dẫn cuộc sống của họ là niềm tin vào những lời hứa mà trong đó họ đã biết nhận ra những thực tại tinh thần. Ông Áp-ra-ham, người mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông đất làm gia nghiệp vẫn là một kiều cư, vì ông biết rằng lời hứa này là niềm hy vọng về một quê hương không trông thấy được. Thiên Chúa hứa với vị tổ phụ hiếm muộn này ban cho ông một hậu duệ đông đúc không kể xiết là để cho ông hiểu rằng bên kia đứa con của mình, lời hứa nhắm đến một hậu duệ thuộc trật tự tinh thần, ...
Tác giả dẫn chứng nhiều mẫu gương. Như vậy, tác giả muốn làm cho những ai mà đức tin của họ đang chao đảo hiểu rằng trong đêm thử thách của họ, đức tin là ánh sáng nuôi dưỡng niềm hy vọng và rằng với tư cách những người lữ khách trên cõi trần này, sự kiên trì của họ sẽ dẫn đưa họ đến Thiên Quốc.
 
TIN MỪNG (Lc 12: 32-48)
Trong sách Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca nhiều lần bày tỏ mối quan tâm của mình đối với Giáo Hội, thái độ này thúc đẩy thánh nhân sau này viết sách Công Vụ. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ông tập hợp những lời nói khác nhau của Đức Giê-su với bốn dụ ngôn: “các đầy tớ tỉnh thức” (12: 35-38), “tên trộm ban đêm” (12: 39-40), “viên quản gia trung tín hay bất trung” (12: 41-46) và “đầy tớ bị phạt nhẹ hay nặng tùy mức độ hiểu biết ý chủ” (12: 47-48). Giáo huấn này được Đức Giê-su ngỏ lời đặc biệt đến các môn đệ, “đoàn chiên bé nhỏ” này, họ được hứa ban Nước Trời và sẽ là nhân tố của Giáo Hội Ngài (12: 32-34). Giữa những lời này, chúng ta đọc thấy một trong những lời khác thường nhất của Chúa Giê-su mà các tác giả Tin Mừng khác đã không bao giờ trích dẫn: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến tận bên mà phục vụ”. Hạt trân châu này ở trung tâm bản văn và chiếu sáng bản văn một cách rực rỡ.
Thánh Lu-ca luân phiên nhắm đến Giáo Hội tại thế và Giáo Hội của những người được tuyển chọn.
1. Lời hứa về Nước Trời:
“Hỡi đàn chiên nhỏ bé, đừng sợ”. Đây là những lời thân thương trìu mến, vì quả thật các môn đệ còn quá nhỏ bé về tầm cỡ, về số lượng, về quyền thế, về học thức… Đây cũng là những lời đậm nét Kinh Thánh, vì lẽ hình ảnh mục tử trong Kinh Thánh thường có cung giọng Mê-si-a, như Mk 2:12-13: “Ta sẽ quy tụ cả nhà Gia-cóp, sẽ tập hợp số còn sót của nhà Ít-ra-en, sẽ góp chúng lại như đàn chiên trong chuồng, như đàn vật giữa đồng cỏ, khiến chúng không còn sợ ai nữa. Người mở đường đưa chúng tiến lên, chúng chọc một lỗ hổng, đi qua cổng và ra ngoài. Đức Chúa, Vua của chúng đi qua trước, chính Người sẽ dẫn đầu”, hay Ed 34: 31: “Phần các ngươi, hỡi các chiên của Ta, các ngươi là đàn chiên trong đồng cỏ của Ta. Các ngươi là phàm nhân, còn Ta là Thiên Chúa các ngươi”.
Đàn chiên nhỏ bé này đón nhận lời hứa ban sự sống đời đời: “Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Những điều kiện gia nhập Nước Trời được xác định liền ngay: đức nghèo khó và tư thế tỉnh thức.
2. Đức khó nghèo:
Đàn chiên nhỏ bé phải nêu gương về đức nghèo khó: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời”. Bản văn này giống với bản văn Mát-thêu (6: 19-21), tuy nhiên, thánh Mát-thêu lại đưa bản văn này vào “Diễn Từ trên núi”. Tại thánh Lu-ca, lời nhắc nhở về đức nghèo khó này đến như lời kết của dụ ngôn người phú hộ dại khờ và những lời khuyên tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng (Lc 12: 16-32).
3. Tư thế tỉnh thức:
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn….”. Để tiện làm việc, người Do Thái thường thắc lưng áo choàng lên cho đỡ vướng víu. Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu đặt những lời khuyên này vào trong cái khung diễn từ của Đức Giê-su về thời cánh chung (x. Mt 24:42), trong khi thánh Lu-ca đặt chúng vào trước diễn từ này, nhưng cùng theo cùng một hướng nhắm: lịch sử và cuộc sống của Giáo Hội diễn ra giữa thời gian ông chủ ra đi và trở lại.
4. Phúc cho những đầy tớ trung tín:
“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ”. Với đàn chiên nhỏ bé, họ sẽ lan truyền sứ điệp của Ngài cho đến chấp nhận hy sinh mạng sống mình, Đức Giê-su đề cập đến đức trung tín: đức trung tín của họ sẽ được thưởng thật bất ngờ nhất, ngoài sức tưởng tượng của mọi người: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến từng người mà phục vụ”. Còn hình ảnh nào bạo dạn hơn khi trình bày Thiên Chúa đích thân phục vụ chư thánh. Dụ ngôn này thuộc riêng của thánh Lu-ca.
Chắc chắn, Chúa Giê-su đã tự nhận mình là người phục vụ. Những cử chỉ và lời nói này của Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống tại thế của Ngài, là một cuộc đời phục vụ một cách khiêm tốn và tình bạn mà Ngài muốn đưa ra làm gương: “Con Người đến không để người ta phục phục vụ, nhưng phục vụ”. Buổi chiều Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã cúi xuống rửa chân cho các tông đồ của Ngài. Ngài đã nói với họ: “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22: 27). Nhưng việc trình bày Thiên Chúa đích thân phục vụ bàn tiệc Thiên quốc thật khó mà quan niệm được, tuy nhiên phù hợp với mặc khải Tin Mừng về việc Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ môn đệ Ngài với trọn tấm lòng yêu thương của Ngài.
5. Giáo Hội phục vụ:
Thánh Phê-rô nghi ngờ ý nghĩa của dụ ngôn; ông đoán rằng dụ ngôn này nhắm đến các môn đệ. Vì thế, ông nêu vấn đề: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”. Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng câu trả lời của Ngài rõ ràng là một cách thức tấn phong dành cho chính thánh nhân: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?… Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình”.
Chính Giáo Hội, qua thánh Phê-rô, được ủy quyền quản lý gia sản của Thầy, được ủy nhiệm nuôi dưỡng tất cả các gia nhân và cung cấp lương cho họ. Đây là một ân ban nhưng cũng mối nguy hiểm, vì dựa vào công việc này mà Thiên Chúa sẽ xét xử. Trách nhiệm thì đa dạng, nhưng có chung một mẫu số: mỗi người sẽ chịu hình phạt hay nhận phần thưởng tùy theo cách hành xử của mình và tùy theo mức độ hiểu biết ý Chủ: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông