Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C

Chúa Nhật II Phục Sinh tiếp tục tưởng niệm biến cố Phục Sinh và những hoa trái vô tận mà biến cố này mang lại cho đời sống của người Ki-tô hữu. Trong cả chu kỳ ba năm phụng vụ, Chúa Nhật II Phục Sinh này là Chúa Nhật về Đức Tin.
CN 2 PS C 3
Cv 5: 12-16
Đức tin của các tín hữu tiên khởi được thể hiện ở nơi sự đồng tâm nhất trí của họ, điều đó gây nên sự thán phục và lôi kéo những người theo đạo mỗi ngày một đông hơn. Đức tin của các Tông Đồ được thể hiện ở nơi những việc lạ lùng các ngài thực hiện, điều đó làm chứng rằng Đấng Phục Sinh khải hoàn đang hoạt động.
Kh 1: 9-11a, 12-13, 17-19
Đức tin của nhà thấu thị Pát-mô được sáng tỏ nhờ thị kiến vinh quang về Đức Ki-tô Phục Sinh, điều đó đem lại niềm hy vọng và an ủi cho các Ki-tô hữu bị bách hại.
Ga 20: 19-31
Đức tin của thánh Tô-ma Tông Đồ đã trải qua từ nghi nan ngờ vực đến bằng chứng tỏ tường về biến cố Phục Sinh. Qua thánh Tô-ma, Đấng Phục Sinh nhắn gởi với những Ki-tô hữu của mọi thời, những người không được diễm phúc như thánh nhân: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

BÀI ĐỌC I (Cv 5: 12-16)
Trong những chương đầu tiên sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca nhiều lần phác họa cuộc sống của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, cộng đoàn Giê-ru-sa-lem. Mỗi năm trong ba năm phụng vụ dâng hiến cho chúng ta một trong những bức phác họa này. Vào năm A, bức phác họa đầu tiên xoay quanh cộng đoàn huynh đệ và đời sống cầu nguyện (Cv 2: 42-47); vào năm B, bức phác họa thứ hai tập trung vào cộng đoàn chia sẻ đến mức mọi sự đều là của chung (4: 32-35). Vào năm C này, bức phác họa thứ ba nêu bật những việc lạ lùng mà các Tông Đồ thực hiện.
1. Một cộng đoàn mẫu mực:
Cộng đoàn Ki-tô hữu giữa lòng Do Thái giáo hình thành nên một khuôn mẫu về đạo đức, lòng nhiệt thành và một lòng một ý với nhau: “Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Sa-lô-mon”.
Hành lang Sa-lô-mon là hành lang rộng nhất và chứa nhiều người nhất trong số các hành lang bên trong khuôn viên Đền Thờ. Hành lang này dành cho dân ngoại, vì thế những người Ki-tô hữu tiên khởi có thể tụ họp đông đúc ở đây. Thánh Phê-rô thường ngỏ lời với đám đông ở đây.
Những Ki-tô hữu tiên khởi, xuất thân từ Do Thái giáo, tiếp tục tham dự đời sống tôn giáo của dân Ít-ra-en: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ” (Cv 2: 46). Những người Ki-tô hữu tiên khởi ý thức rằng niềm tin vào Chúa Ki-tô không đoạn tuyệt nhưng kiện toàn niềm tin Do Thái giáo; chính niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh hoàn tất niềm tin Do Thái giáo của họ. Đó là lý do tại sao thánh Lu-ca gọi họ là “tín hữu”. Họ muốn làm chứng niềm tin của mình vào Đấng Phục Sinh ở giữa lòng Thành Thánh, bất chấp những nguy hiểm mà họ có nguy cơ gặp phải và điều này sẽ được minh chứng ngay sau đó. Sự đoạn giao sẽ đến từ phía giai cấp lãnh đạo Do Thái giáo, chứ không từ phía dân chúng, dân chúng “ca tụng họ”. Trước đây, thánh Lu-ca cũng đã nói rằng các Ki-tô hữu “ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến” (Cv 2: 47). Số tín hữu mỗi ngày mỗi thêm đông: “Càng ngày càng có thêm nhiều người tin vào Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông”. Qua kiểu nói tuyệt vời này, thánh Lu-ca nêu bật rằng những người mới theo đạo không kết nạp mình vào một nhóm, nhưng gắn bó với con người của Chúa Ki-tô.
2. Nối tiếp sứ mạng của Đức Giê-su:
“Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ”. Đây là cách diễn tả rất khái quát mà thánh Lu-ca đã sử dụng rồi và thánh nhân sẽ còn sử dụng nữa (x. 2: 43; 6: 8). Thánh ký kể ra vài trường hợp: chữa lành một người què bên Cửa Đẹp (3: 1-9), hay chữa lành một người bại liệt ở Lốt (9: 32-35), hoặc cho một người chết sống lại ở Gia-phô (9: 36-42). Trong vài trường hợp này, thánh ký chỉ ghi nhận hai điều đặc biệt: việc đám đông ngưỡng mộ thánh Phê-rô chứng nhận rằng họ nhận ra ở nơi thánh nhân “vị lãnh tụ của các tín hữu” và danh tiếng của các Tông Đồ vượt ra bên ngoài thành thánh Giê-ru-sa-lem.
Những việc lạ lùng mà các Tông Đồ thực hiện được định vị vào trong cùng một bối cảnh với những việc lạ lùng mà Chúa Giê-su đã thực hiện; chúng nhằm hỗ trợ cho lời rao giảng. Nói một cách chính xác, những việc lạ lùng này cho thấy rằng sứ điệp của các Tông Đồ đồng nhất với sứ điệp của Chúa Giê-su, và đồng thời Đấng Phục Sinh đang hiện diện và hoạt động qua các môn đệ của Ngài.
Chúng ta nên lưu ý rằng thánh Lu-ca cho rằng niềm tin Ki-tô giáo được lan tràn không do những việc lạ lùng của các Tông Đồ, nhưng do cách ăn nếp ở của các tín hữu khiến dân chúng thán phục.
 
BÀI ĐỌC II (Kh 1: 9-11, 12-13, 17-19)
Nhà giảng thuyết lừng danh, Giám Mục Bossuet, đã định nghĩa sách Khải Huyền của thánh Gio-an là “Tin Mừng về Đấng Phục Sinh”. Quả thật, toàn bộ tác phẩm này, với muôn vàn hình ảnh, ca ngợi vinh quang của Chúa Ki-tô khải hoàn, Con Chiên sát tế đã trải qua từ sự yếu đuối đến quyền năng, cùng ngự trị với Thiên Chúa và khai mở một cuộc chiến vĩ đại chống lại những thế lực sự ác. Ngài diệt trừ tận căn thế lực sự ác, trong khi lại ban muôn vàn ân phúc cho những người được tuyển chọn ở thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
Vào Mùa Phục Sinh này, Phụng Vụ giới thiệu cho chúng ta trong sáu tuần lễ liên tiếp những đoạn trích sách Khải Huyền. Hôm nay chúng ta đọc thị kiến khai mạc, thị kiến này giới thiệu toàn bộ sách, nhưng đặc biệt hơn, giới thiệu phần thứ nhất từ chương 1 đến chương 4.
1. Văn chương khải huyền:
Từ ngữ “Khải Huyền” được phiên dịch từ từ ngữ Hy-lạp: “apocakalupto” (“apo”: tách riêng ra, và “kulupto”: che dấu) để chỉ “những điều bí nhiệm được vén mở ra”, đồng nghĩa với từ “mặc khải”, như những lời đầu tiên của sách Khải Huyền: “Mặc khải của Đức Giê-su, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến” (1: 1).
Văn chương khải huyền phát sinh vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, để tiếp tục sự nghiệp của trào lưu ngôn sứ vào lúc đó đã biến mất. Văn chương khải huyền vén mở những bí nhiệm, giải thích những giấc mộng, v.v…; văn chương này cốt yếu dùng ngôn ngữ biểu tượng. Những hình ảnh, màu sắc, con số, sự vật hay con vật, những điều huyền hoặc là những lối nói phóng dụ, không dễ giải mã ý nghĩa của chúng.
Sách Khải Huyền đầu tiên là sách Đa-ni-en (đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên); văn thể này đã được vài bản văn Giô-en, Ê-dê-ki-en, Da-ca-ri-a dọn đường. Sách Khải Huyền của thánh Gio-an mượn rất nhiều ở nơi các vị tiền nhiệm này. Sách Đa-ni-en đã được viết khi dân Do Thái phải chịu cuộc bách hại khủng khiếp dưới thời thống trị của vua Xy-ri là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê, giữa những năm 167 và 164 trước Công Nguyên. Mục đích của tác giả là an ủi và khích lệ các tín hữu trung thành, họ phải đối mặt với những hành động tàn bạo và cái chết, đồng thời cho họ nghe tiếng nói tràn đầy hy vọng. Đó cũng là ý định của thánh Gio-an khi viết tác phẩm Khải Huyền này vào thời kỳ bách hại dữ dội, chính thánh nhân cũng bị lưu đày ở đảo Pát-mô. Chắc chắn đây là cuộc bách hại của hoàng đế Đô-mi-xi-ô vào những năm 93-96, sau Công Nguyên, tuy nhiên, vài đoạn văn có thể đặt niên biểu vào cuộc bách hại của vua Nê-rô (năm 64 sau Công Nguyên). Tác giả viết tác phẩm của mình nhằm nâng đỡ những người Ki-tô hữu “kiên trì chịu đựng” (diễn ngữ này được lập đi lập lại nhiều lần) trong cảnh đời gian truân thử thách, đặc biệt khi phải đối mặt với cuộc tử đạo, đồng thời cho họ thoáng thấy vinh quang tương lai bên cạnh Chúa Ki-tô khải hoàn.
Khuôn mẫu văn chương này dâng hiến hai lợi ích: trước hết, những hình tượng cho phép thiết lập ngôn ngữ mật mã, một thái độ cẩn trọng cần thiết trước thế lực bách hại. Vì thế, Rô-ma không được nêu tên, nhưng được chỉ dưới những ngôn từ khác nhau: Ba-by-lon, Con Vật, con điếm, con số 666. Thứ nữa, những sách khải huyền có mối liên hệ gần gũi với thể loại ngôn sứ, vì thế, nhà thấu thị Pát-mô muốn truyền đạt một sứ điệp với tư cách ngôn sứ.
2. Tôi là Gioan…
Những sách khải huyền Do Thái có một nét đặc trưng chung là vô danh. Các tác giả không nêu tên mình; họ cẩn trọng đặt nhan đề tác phẩm của mình dưới tên một nhân vật quá khứ lừng danh, như tác giả sách Đa-ni-en đã làm (ông Đa-ni-en đã sống vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên trong khi tác giả sách Đa-ni-en sống vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên). Cũng một cách như vậy, sách Ê-nốt (tên của một tổ phụ), sách Quy Thiên của ông Mô-sê, sách thứ tư của ông Ét-ra, sách Khải Huyền của ông Ba-rúc…
Trái lại, các sách ngôn sứ đều nêu tên chính vị ngôn sứ ấy: “Có Lời của Đức Chúa phán với” ông A-mốt, ông Hô-sê, ông I-sai-a, ông Giê-rê-mi-a, ông Ê-dê-ki-en, v.v…. Ngay từ đầu sách, thánh Gio-an phá vỡ truyền thống của các sách khải huyền Do Thái: ông tự nêu tên mình và tự định vị mình vào hàng ngũ các ngôn sứ. Các sách khải huyền Do Thái xoay quanh sự đăng quang của thời cánh chung, trong khi sách Khải Huyền của thánh Gio-an đem đến câu trả lời Ki-tô giáo: sự đăng quang này sẽ là sự đăng quang của Chúa Ki-tô, Con Chiên bị sát tế khải hoàn.
Gio-an là ai? Truyền thống xa xưa nhất nhận dạng ông với vị Tông Đồ Gio-an, con ông Dê-bê-đê, tác giả Tin Mừng Thứ Tư. Lúc ấy, thánh nhân bị lưu đày ở đảo Pát-mô “vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Giê-su”. Theo thánh Victorien, giám mục Pettau, ở Xy-ri, tử đạo dưới thời hoàng đế Dioclétien, thánh Gio-an đã bị kết án khổ sai tại các hầm mỏ.
Các nhà chú giải hiện đại đã nêu lên nhiều vấn đề trong đó vấn đề ngôn ngữ của sách Khải Huyền khác với ngôn ngữ của sách Tin Mừng Gio-an. Tuy nhiên đề tài trung tâm: Con Chiên, con chiên bị sát tế, Đấng Cứu Chuộc, nguồn ơn cứu độ, Đấng khải hoàn, là đề tài của Tin Mừng Gio-an. Dù thế nào, chắc chắn tác giả đang sống trong cảnh gian truân và thấy mình liên đới với những người Ki-tô hữu bị bách hại: “Tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Ki-tô”. Chúng ta đã nói rồi, diễn ngữ “kiên trì chịu đựng” là một trong những từ then chốt của sách Khải Huyền. Còn về từ ngữ “vương quốc”, từ này được chính thánh ký nhiều lần minh giải. Đức Ki-tô “đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc” và cho chúng ta cùng ngự trị với Ngài (Kh 1: 5-6; 5: 10; 20: 6). Thánh Gio-an muốn cho hiểu rằng việc kiên trì chịu đựng những nỗi gian truân cho phép chúng ta dự phần vào những đau khổ của Đức Ki-tô và cho phép chúng ta cùng ngự trị với Ngài.
3. Thị kiến khai mạc:
Trong khi xuất thần, thánh Gio-an thấy xuất hiện “Con Người”, nhân vật của sách Đa-ni-en này, mà Đức Ki-tô đã tự đồng hóa mình và Ngài đã nhận lấy danh xưng này cho mình, như một tước hiệu Mê-si-a. Ngôn sứ Đa-ni-en loan báo rằng “Con Người” này lãnh nhận “quyền thống trị, vinh quang và vương vị” (Đn 7: 13-14). Khi kỳ hạn đến, Con Người là lãnh tụ của Giáo Hội, Chủ Tể vũ trụ, Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Phục Sinh chiến thắng tử thần và Chủ Tể Lịch Sử.
4. Ngày của Chúa:
Trong toàn bộ Tân Ước, diễn ngữ: “Ngày của Chúa” chỉ được gặp thấy ở đây. Quả thật, cho đến lúc đó chúng ta đọc thấy: “ngày thứ nhất trong tuần”. Đây là lần đầu tiên “ngày của Chúa”, tức là ngày Chúa Nhật, được kể ra rõ ràng. Trong Cựu Ước, “Ngày của Chúa” có nghĩa “Ngày của Đức Chúa”, ngày phán xét vào thời cánh chung. Ấy vậy, đối với người Ki-tô hữu, sự Phục Sinh của Đức Ki-tô đã khai mạc thời kỳ cánh chung; đó là lý do tại sao những cử hành ngày Chúa Nhật của chúng ta có một ý nghĩa vừa phục sinh vừa cánh chung.
Cung giọng nổi bật của sách Khải Huyền là cung giọng phụng vụ. Việc gợi lên “có một tiếng lớn như tiếng kèn”, kèn là dụng cụ truyền thống được sử dụng trong phụng vụ Do Thái, rõ ràng nhấn mạnh cung giọng phụng vụ: “Tôi xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn”.
5. Đấng Phục Sinh, Thủ Lãnh Giáo Hội:
Như các ngôn sứ khác, thánh Gio-an thấy và nghe; ngoài ra, thánh nhân còn được Thiên Chúa yêu cầu phải viết và gởi sứ điệp đến cho bảy Hội Thánh của miền Tiểu Á. Quả thật, thư gởi cho bảy Hội Thánh chiếm lấy phần thứ nhất của sách Khải Huyền. Con số bảy là con số chỉ sự viên mãn và chiều kích hoàn vũ; sứ điệp có giá trị đối với toàn thể Giáo Hội. Con số bảy là một trong những con số thường hằng của sách Khải Huyền: bảy Thần Khí Thiên Chúa, bảy ngôi sao, bảy dấu ấn, bảy tiếng kèn, bảy đầu, bảy sừng, bảy con mắt, v.v...
Cũng con số bảy là “bảy cây đèn bằng vàng”, chính xác biểu thị bảy Hội Thánh, như được xác định rõ phía dưới một chút (Kh 1: 20). Con Người xuất hiện ở giữa bảy cây đèn bằng vàng này, tức là Đức Ki-tô sống giữa Giáo Hội của Ngài, Ngài là Thủ Lãnh. Chúng ta nên ghi nhận rằng thánh Gio-an cũng sử dụng cùng cách nói như tác giả sách Đa-ni-en: “Có ai giống như Con Người”. Đây là từ “như” thứ nhất trong nhiều từ “như” của sách Khải Huyền, ví dụ, xuống dưới một chút chúng ta gặp thấy: “Khi thấy Người, tôi nằm vật xuống dưới chân Người, như chết vậy”. Tất cả từ “như” này đều nhằm nhấn mạnh những phỏng chừng không thể tránh khỏi của ngôn ngữ phàm nhân toan tính diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa.
Cũng chính trong sách Đa-ni-en (nhưng thị kiến của chương 10 chứ không còn ở chương 7), mà thánh Gio-an mượn vài nét đặc trưng kể chuyện như: “Tôi là Đa-ni-en… đang ở ven sông Cả, tức là sông Tích-ra, tôi ngước mắt nhìn lên, thì này: Một người mặc áo vải gai, lưng thắc đai vàng U-phát, thân mình giống kim lục thạch, dung mạo ví như ánh chớp… Tôi nghe tiếng người vang dội. Vừa nghe thấy, tôi liền ngất xỉu, chúi mặt xuống đất… Bấy giờ đấng giống như con người lại đụng đến tôi một lần nữa và làm cho tôi nên can đảm. Người nói: “Hỡi người được quý mến, đừng sợ. Cứ an tâm… Ta sắp báo cho ngươi biết điều đã được ghi chép trong sách sự thật” (Đn 10: 2-21). Trong sách Khải Huyền, Con Người, mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng: áo chùng chắc chắn là phẩm phục tư tế, áo bằng vải len và đai bằng vàng chắc chắn là huy hiệu vương đế.
6. Chủ tể hoàn vũ:
“Ta là khởi nguyên và là cùng tận”. Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã sử dụng hai lần biểu thức này cho Đức Chúa: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta” (Is 44: 6 và 48: 12). Diễn ngữ này cũng được lập lại hai lần trong sách Khải Huyền (Kh 2: 8 và 22: 13).
Như vậy, Chúa Giê-su khẳng định thần tính của Ngài và đồng bản tính với Chúa Cha. Ngài là khởi nguyên và cùng đích; Ngài có quyền trên vũ trụ và lịch sử; Ngài đã có trước muôn loài muôn vật.
7. Đấng Hằng Sống:
Kiểu nói“Ta là Đấng Hằng Sống” cũng quy chiếu đến thần tính của Chúa Giê-su. Cựu Ước gọi Đức Chúa là “Thiên Chúa Hằng Sống”, nhất là đối lập Người với các thần linh của dân ngoại, chúng chỉ là ngẫu tượng do tay nghệ nhân làm ra, còn Đức Chúa mới là Đấng Hằng Sống.
8. Đấng chiến thắng tử thần:
Đấng Phục Sinh cũng là Đấng Hằng Sống vì Ngài đã chiến thắng tử thần: “Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời”. “Ta giữ chìa khóa của Tử Thần và Âm Phủ”. Chúng ta có thể thấy ở đây một ám chỉ đến việc Đức Ki-tô xuống Âm Phủ mà thánh Phê-rô gợi lên trong thư thứ nhất của thánh nhân (1Pr 3: 19-21) và thánh Phao-lô dường như ám chỉ đến việc này nhiều lần (Rm 10: 6-10 và Ep 4: 9).
9. Chủ tể lịch sử:
Câu cuối cùng: “Vậy, ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này”, xem ra là một lời loan báo cách khái quát bố cục của sách Khải Huyền; nhưng đó không phải muốn nói rằng Đấng Phục Sinh là Chủ tể của quá khứ, hiện tại và tương lai sao?
 
TIN MỪNG (Ga 20: 19-31)
Đoạn Tin Mừng này là một trong những đoạn Tin Mừng thiết lập niềm xác tín của chúng ta: Đức Ki-tô của niềm tin đích thật là Đức Giê-su của lịch sử. Các Tông Đồ đã đích thân chứng thực Đấng Phục Sinh; hơn nữa, nhờ vào sự cứng tin của một trong số họ, mà vài ngày sau đó các ngài đã được hưởng thêm một sự kiểm chứng xác thực nữa.
Theo truyền thống, đoạn Tin Mừng này được đọc vào Tuần Bát Nhật Phục Sinh, vì thánh ký nói với chúng ta rằng Đức Giê-su hiện ra cho thánh Tô-ma “tám ngày sau đó”. Quả thật, chúng ta đọc toàn bộ bài trình thuật này thành hai giai đoạn: Chúa Giê-su hiện ra cho các Tông Đồ không có thánh Tô-ma đúng vào buổi chiều Phục Sinh (20: 19-25) và Ngài hiện ra cho các Tông Đồ, đặc biệt cho thánh Tô-ma một tuần sau đó cũng vào buổi chiều (20: 26-29).
1. Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho các Tông Đồ không có thánh Tô-ma (20: 19-23):
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần”, tức là đúng vào buổi chiều biến cố Phục Sinh. Việc chỉ rõ thời gian này thì rất quý: “ngày thứ nhất trong tuần”, tức là ngày mà những người Ki-tô hữu tiên khởi đã chọn rất sớm cho những buổi hội họp của họ, như vậy nhấn mạnh tính cách Phục Sinh của việc cử hành Thánh Thể. Cũng vậy, việc Chúa Giê-su xuất hiện cho thánh Tô-ma tám ngày sau đó, cũng được định vị vào “ngày thứ nhất trong tuần”.
Các Tông Đồ cùng nhau quy tụ lại, chỉ có mười vị, vì rõ ràng không có mặt thánh Tô-ma, thánh nhân xem ra đã không tha thiết gì đến cuộc hội họp này. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng chính thánh Phê-rô đã quy tụ các ngài để thông báo cho các ngài biết những biến cố vừa mới xảy ra: cuộc khám phá ngôi mộ trống, việc chứng kiến đồ liệm được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, những lời kể của các người phụ nữ, trong số đó bà Ma-ri-a Mác-đa-la khẳng định là mình đã gặp Đức Giê-su và Ngài đã nói với bà.
Chúng ta đoán các Tông Đồ đã gặp nhau trong bầu khí vừa nghi nan vừa hy vọng, thêm nữa là nỗi sợ hãi: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”. “Người Do Thái” trong Tin Mừng Thứ Tư, trước tiên chỉ rõ giai cấp lãnh đạo tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem. Những người này đã kết án tử Thầy của họ, bây giờ họ sẽ không ra tay bắt các môn đệ của Ngài sao?
Và này Đức Giê-su bất ngờ hiện ra giữa các ông dù cửa vẫn đóng then vẫn cài; Ngài hiện diện ở giữa nỗi sợ hãi và xao xuyến của các ông, như Ngài đã định vị mình ở bên cạnh nỗi buồn phiền của hai môn đệ trên đường Em-mau. Nỗi sợ hãi và buồn phiền sẽ biến thành niềm vui.
A- Bình an cho anh em:
Đây là lời chào hỏi truyền thống của dân Ít-ra-en, nhưng lời chào đầu tiên của Đấng Phục Sinh gởi đến các môn đệ không bao giờ chỉ là lời chào hỏi xã giao. Đức Giê-su đem đến sự bình an của Ngài, bình an mà Ngài đã hứa, cho những môn đệ này, những người đã bỏ rơi Ngài vì chán nản và thất vọng; Ngài đem đến sự bình an từ sự hiện diện của Ngài và sự tha thứ của Ngài; không một lời quở trách, không một ám chỉ đến những khuyết điểm của họ, ngay cả họ đã bỏ mặc Ngài một thân một mình trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn.
Để cho họ nhận ra Ngài, Đức Giê-su cho các ông xem những vết thương của Ngài như chiến tích khải hoàn và như bằng chứng về sự đồng nhất giữa thân thể phục sinh của Ngài và thân thể khổ nạn của Ngài. Ở đây chúng ta đo lường tầm quan trọng của việc khám phá ngôi mộ trống: một mặt, không có một thân xác bị hư hoại trong mồ; mặt khác, không là một bóng ma hiện ra cho các môn đệ, nhưng là một thân thể duy nhất, đang sống, có thể đụng chạm, ghi dấu những vết thương của cuộc khổ nạn. Không nghi ngờ gì nữa, “lúc đó, các ông vui mừng”.
Chúng ta ghi nhận rằng thánh Gio-an nói “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”, trong khi trong bài trình thuật song đối, thánh Lu-ca viết: “Người đưa tay chân cho các ông xem” (Lc 24: 40). Thánh Gio-an là người môn đệ duy nhất đã kể tình tiết về một người lính Rô-ma lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn của Đức Ki-tô; thánh nhân đã chứng kiến máu cùng nước chảy ra, ân ban tận cùng của Chúa Ki-tô. Thánh ký đã thấu hiểu ở nơi sự kiện này một dấu chỉ biểu tượng: dấu chỉ về sự sinh hạ Giáo Hội qua bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể, như trong bữa ăn Cáo Biệt, Chúa Giê-su đã diễn tả cuộc sinh hạ này qua hình ảnh của một bà mẹ trở dạ sinh con: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16: 21). Ở đây, thánh ký nhấn mạnh thêm một lần nữa Giáo Hội sinh ra vào buổi chiều Phục Sinh dưới hơi thở Thần Khí và qua việc sai các Tông Đồ ra đi thi hành sứ vụ.
B- Sai đi thi hành sứ mạng:
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Trong Tin Mừng của mình, thánh Gio-an nhấn rất mạnh khía cạnh này về thân thế Đức Giê-su: Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến. Đó là lý do tại sao thánh ký không bao giờ ban cho các môn đệ danh xưng “Tông Đồ”, vì danh xưng này có nghĩa “người được sai đi”. Chỉ một mình Đức Giê-su xứng đáng với danh hiệu là “Đấng Được Sai Đi”.
Có một mâu thuẫn đáng ngạc nhiên: với những người này, những người tự giam mình giữa bốn bức tường, trong căn phòng cửa đóng then cài, thu mình lại và sợ hãi, Đức Giê-su truyền lệnh cho họ ra đi thi hành sứ mạng: gặp gỡ với hết mọi người không trừ một ai, như Ngài đã hứa.
Việc sai đi thi hành sứ mạng tại thánh Gio-an còn long trọng hơn tại thánh Mát-thêu. Thánh Mát-thêu đặt việc sai đi thi hành sứ mạng vào cuối sách Tin Mừng của mình, ở đó Đức Giê-su công bố: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28: 19).
C- Hơi thở Thần Khí:
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông…”. Trong Tân Ước, diễn ngữ này chỉ được gặp thấy ở đây. Động từ được dùng ở đây được gặp thấy trong đoạn văn của sách Sáng Thế về cuộc sáng tạo con người: Đức Chúa “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một sinh linh” (St 2: 7, được Kn 15: 11 lấy lại), cũng như trong bản văn Ê-dê-ki-en về sự hồi sinh của các bộ xương khô: “Hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những vong nhân này cho chúng được hồi sinh” (Ed 37: 9). Qua việc thổi hơi vào các ông, Chúa Giê-su làm cho các môn đệ Ngài trở thành những con người mới và ban cho họ quyền chỉ thuộc về Thiên Chúa: quyền tha thứ tội lỗi.
D- Tha thứ tội lỗi:
Qua những lời này: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”, thánh ký diễn tả quyền tha tội theo kiểu nói sê-mít: “tha thứ hay cầm giữ”. Thánh Mát-thêu cũng sử dụng một cặp đối nghịch tương tự: “cầm buộc hay tháo cởi”: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 16: 19; 18: 18).
“Tha thứ hay cầm giữ”, “cầm buộc hay tháo cởi” là những biểu thức được Do Thái giáo dùng để cấm hay cho phép. Các biểu thức này chỉ ra rằng các vị lãnh đạo tôn giáo được quyền khai trừ hay hội nhập một tín đồ vào cộng đoàn. Đức Giê-su mở rộng vô cùng tận ý nghĩa của biểu thức này. Đây cốt yếu là quyền tha tội được trao ban cho Giáo Hội. Chúng ta đừng nhầm lẫn cách phát biểu sê-mít. Văn phong sê-mít chủ ý sử dụng lối biền ngẫu giữa một khía cạnh khẳng định và một khía cạnh phủ định, khía cạnh thứ hai: “cầm giữ” không nhằm mục đích nói ngược lại, nhưng tăng cường khía cạnh thứ nhất: “tha thứ”. Vì thế, không nhất thiết hạn chế ơn tha thứ của Thiên Chúa. Hơn nữa, Giáo Hội có thể “cầm giữ” một tội nhân trong khi mong chờ sự ăn năn hối cải hữu hiệu hơn.
“Tha thứ tội lỗi” là thành quả tất yếu của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Chính đó là lý do tại sao thánh Gio-an đặt việc Đức Ki-tô trao ban ơn tha tội ngay từ lần đầu tiên Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ Ngài. Tại thánh Lu-ca, Đức Giê-su nhắc lại cho các môn đệ ân huệ này, ngay trước khi lên trời: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24: 45-47).
2. Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra cho các Tông Đồ, đặc biệt cho thánh Tô-ma (20: 24-29):
Chắc chắn thánh Tô-ma đã gắn bó mật thiết với Chúa Ki-tô; thánh nhân đã yêu mến Ngài và đã tin vào Ngài. Vào lúc lên Giê-ru-sa-lem lần sau cùng, với cả bầu nhiệt huyết của mình, thánh nhân đã dõng dạc công bố: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11: 16). Nhưng ông đã không mong chờ một cái chết ô nhục trên thập giá; cái chết này đã làm ông vỡ mộng. Nỗi thất vọng, buồn phiền đã khiến ông tách riêng một mình với các bạn đồng môn. Vốn là một con người thực tế, xưa kia ông đã đặt cho Đức Giê-su một câu hỏi thiết thực và thẳng thắn: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14: 5), bây giờ thánh Tô-ma từ chối tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giê-su nếu không có bằng chứng được thánh nhân đích thân kiểm chứng. Chúng ta hiểu thánh nhân. Chúng ta nhận ra con người Tô-ma đang ngủ trong chính mỗi người chúng ta: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
A- Đức tin của thánh Tô-ma:
Đức Giê-su chạnh lòng thương người môn đệ đầy nhiệt huyết đang đắm mình trong nỗi phiền muộn, trong khi các môn đệ khác hoan hỉ mừng vui; vì thế, Ngài sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy…”. Chắc hẳn thánh Tô-ma đã không làm như thế, bởi vì trái với cung giọng của Tin Mừng Gio-an. Đúng hơn phải hiểu tâm trạng của thánh Tô-ma ở đây theo những gì thánh Gio-an đã nói về người môn đệ Chúa yêu khi vừa mới thấy vài dấu chỉ trong ngôi mộ trống: “Ông đã thấy và đã tin”. Thánh Tô-ma đã ngộ ra trước bằng chứng mà Đấng Phục Sinh đã trưng ra cho ông thấy. Lập tức, ông tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”.
Trong các sách Tin Mừng, đây là “lần đầu tiên” tước hiệu “Thiên Chúa” được dành cho “Đức Giê-su”. Còn dấu lạ nào bày tỏ Thần Tính của Ngài rực rỡ hơn sự Phục Sinh của Ngài? Lời cảm thán rất riêng tư của Tô-ma diễn tả tâm tình biết ơn của ông vì Đức Ki-tô đã quan tâm đặc biệt đến ông, Ngài không bỏ mặc thánh nhân trong nỗi thất vọng và phiền muộn: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
B- Đức tin của các tín hữu mọi thời:
Chúa Giê-su nói với thánh Tô-ma trước tiên: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin”; đoạn khi nghĩ đến những người đã không bao giờ được diễm phúc như thánh nhân, Chúa Giê-su nhắn gởi với đám đông tín hữu của mọi thời: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”. Lời chúc phúc này, mối phúc độc nhất của Tin Mừng Gio-an, rõ ràng dựa trên lời chứng của các Tông Đồ, trong đó lời chứng của thánh Tô-ma là thấm thía nhất. Sau này, thánh Phê-rô cũng đã ca ngợi đức tin của các tín hữu theo cùng một cách như vậy: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rõ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1Pr 1: 8-9).  


 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông